XIN CHỌN “NGÔN NGỮ TÌNH YÊU”

Views: 50

ĐTC Phanxicô: Nếu bạn nói ngôn ngữ của tình yêu, mọi người sẽ hiểu bạn

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19.06, ĐTC nhắc rằng Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo hiệp thông, là Nghệ sĩ hòa giải, làm cho những khác biệt được trở nên hòa hợp, và làm cho bầu khí huynh đệ thấm đượm mọi nơi khi dạy con người ngôn ngữ của tình yêu và sự thật.

Trong bài giáo lý, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa cho mình cảm nghiệm được một lễ Hiện xuống mới, để trái tim được mở rộng và làm chứng cho sức mạnh của tình yêu.

Mở đầu bài huấn dụ, ĐTC nhắc lại khung cảnh của ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ tại nhà Tiệc Ly. 50 ngày sau ngày lễ Vượt qua, tại nhà Tiệc Ly, nơi giờ đây đã trở thành nhà của các tông đồ và nơi mà sự hiện diện của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là yếu tố gắn kết họ với nhau, các tông đồ được đón nhận một biến cố vượt quá sự chờ đợi của các ngài.

Không cầu nguyện thì không phải là Kitô hữu

Sức mạnh của lửa

ĐTC cũng giải thích ý nghĩa của lửa. Lửa gợi nhớ lại bụi gai bốc cháy và núi Sinai với quà tặng mười điều răn (x. Xh 19,16-19). Trong truyền thống Kinh Thánh, lửa đi kèm với sự tỏ mình của Thiên Chúa. Trong ánh lửa, Thiên Chúa ban lời sống động và đầy năng lượng của Người (x. Dt 4,12), là lời mang lại hoa trái; lửa diễn tả cách biểu tượng hoạt động của Thiên Chúa trong việc hâm nóng, chiếu sáng và thử thách những tâm lòng, biểu tượng sự chăm sóc của Người trong việc thử thách sự bền bỉ của các hoạt động con người, trong việc thanh tẩy và làm cho chúng sống động.

Lửa Chúa Thánh Thần ban sức mạnh

Trong khi tại Sinai, người ta nghe tiếng Thiên Chúa, thì ở Giêrusalem, trong ngày lễ Ngũ Tuần, người lên tiếng là thánh Phêrô, tảng đá mà trên đó Chúa Kitô đã chọn để xây dựng Giáo hội của Người. Lời của thánh nhân, yếu ớt và thậm chí có thể chối bỏ Chúa, nhưng khi được lửa của Chúa Thánh Thần chiếu soi, đã có được sức mạnh, trở nên có khả năng xuyên thấu các tâm hồn và đưa chúng đến hoán cải. Thật ra, Thiên Chúa chọn điều mà thế gian cho là yếu đuối để chống lại những điều mạnh mẽ (x. 1 Cor 1,27).

Giáo hội được sinh ra từ “lửa” của ngày lễ Hiện xuống

Do đó Giáo hội được sinh ra từ lửa của tình yêu, từ “đám cháy” lan tràn vào ngày lễ Hiện xuống và biểu thị sức mạnh của Lời của Đấng Phục Sinh, lời tràn đầy Chúa Thánh Thần. Giao ước mới và vĩnh cửu được thành lập không còn là một giới luật được viết trên bia đá, nhưng trên hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng canh tân mọi sự, và được khắc sâu trong những trái tim bằng thịt của con người.

Ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu

Lời của các Tông đồ được thấm nhuần Thánh Thần của Đấng Phục sinh và trở thành một lời mới, khác biệt, nhưng người ta có thể hiểu được, như thể nó được dịch đồng thời ra tất cả các ngôn ngữ: thực tế là “mọi người đều nghe họ nói bằng ngôn ngữ của họ” (Cv 2,6). ĐTC giải thích: Đó chính là ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu, là thứ ngôn ngữ phổ quát: ngay cả những người mù chữ cũng có thể hiểu được ngôn ngữ này. Nếu anh chị em có chân lý của tình yêu, có sự chân thành, có tình yêu, thì tất cả sẽ có thể hiểu anh chị em, ngay cả nếu chúng ta không thể nói, nhưng với sự dịu dàng chân thật và yêu thương.

Chúa Thánh Thần giúp Giáo hội vượt qua mọi giới hạn, tội lỗi

Chúa Thánh Thần không chỉ hiển thị qua một bản giao hưởng của âm thanh, được kết hợp và sáng tác cách hòa hợp nhưng Người còn cho thấy mình là người chỉ huy dàn nhạc chơi những bản nhạc ca ngợi “công trình vĩ đại” của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là nghệ nhân tạo ra sự hiệp thông, là nghệ sĩ hòa giải, biết cách xóa bỏ rào cản giữa người Do Thái và Hy Lạp, giữa nô lệ và tự do, để làm cho họ trở nên một thân thể. Người xây dựng cộng đoàn tín hữu bằng cách hòa hợp sự thống nhất của thân mình và sự đa dạng của các chi thể. Người làm cho Giáo hội phát triển bằng cách giúp nó vượt qua những giới hạn của con người, của tội lỗi và bất kỳ vụ bê bối nào.

Sự “say sưa điều độ Thánh Thần”

Điều kỳ diệu quá lớn, và vài người tự hỏi có phải những người đó đang say rượu không. Khi đó, thay mặt cho tất cả các Tông đồ, thánh Phêrô lên tiếng và ngài đọc lại sự kiện đó dưới ánh sáng của sách ngôn sứ Gioen chương 3, đoạn công bố sự hiện xuống mới của Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Chúa Giê-su không say rượu, nhưng các ngài sống điều mà Thánh Ambrosiô gọi là “sự say sưa điều độ Thánh Thần”, là điều thổi bùng lên giữa Dân Chúa lời tiên tri qua những giấc mơ và viễn tượng. Món quà ngôn sứ này không chỉ dành riêng cho một số người, mà dành cho tất cả những người cầu khẩn Danh Chúa.

Thiên Chúa quyến rũ chúng ta bằng Tình yêu của Người

Từ nay, Thánh Thần của Thiên Chúa thúc đẩy các tâm hồn đón nhận ơn cứu rỗi được ban qua một con người, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà loài người đã đóng đinh vào gỗ của thập giá và Đấng mà Thiên Chúa đã làm cho sống lại từ cõi chết “khi giải thoát Người khỏi những đau đớn của cái chết” (Cv 2,24). Chính Người ban Chúa Thánh Thần đó để phối hợp những lời ngợi khen mà mọi người đều có thể lắng nghe. Quả thật, như Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI đã nói, “lễ Hiện xuống là thế này: Chúa Giêsu, và qua Người chính Thiên Chúa đến cùng chúng ta và lôi kéo chúng ta vào trong Người” (bài giảng 03.06.2006). Chúa Thánh Thần hoạt động qua sự hấp dẫn thần linh: Thiên Chúa quyến rũ chúng ta bằng Tình yêu của Người và như thế chúng ta tham dự vào tình yêu của Người, để hoán chuyển lịch sử và bắt đầu những tiến trình mà qua đó Người truyền vào sự sống mới. Chỉ có Chúa Thánh Thần có quyền năng làm cho mỗi hoàn cảnh trở nên con người và huynh đệ, bắt đầu từ những người đón nhận Người.

Cuối cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa giúp chúng ta cảm nghiệm một lễ Hiện xuống mới; lễ này mở rộng trái tim của chúng ta và làm cho những cảm xúc của chúng ta hòa điệu với cảm xúc của Chúa Kitô, và như thế, chúng ta không xấu hổ loan báo lời biến đổi của Người và làm chứng cho sức mạnh của một tình yêu mời gọi tất cả đến với cuộc sống.

Hồng Thủy – Vatican

как сделать миндальную форму ногтейпочта гоглbig butt sexok odnoklassniki rust petersburg fl tourist attractionshermitage museum history