Views: 49
Người ta thường nói: “Con người có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Đó là gia đình, nơi gia đình ta tìm được sự bình yên và an toàn nhất. Trong cuộc sống, cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta nhưng có một thứ mãi mãi không hề thay đổi và vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về đó là gia đình. Thật vậy, gia đình chính là nơi ta tìm về khi ta mệt nhoài trên con đường đời đầy dẫy những chông gai…”.
Câu chuyện sau đây có thể được xem như một thuyết minh về tình trạng chung đang xảy ra đối với các bạn trẻ Công giáo ngày hôm nay. Xin chia sẻ như một lời cảm thông với các bạn đang gặp khó khăn trên con đường tiến đến đời sống hôn nhân gia đình.
Mặt trời khuất sau dãy núi, từng đàn chim đua nhau bay về tổ ấm, tiếng chim chóc cũng lui dần vào đêm tối. Một luồng gió đi qua đẩy nhẹ hàng tre kêu xào xạc. Tâm bước đi một mình trong bóng chiều chập choạng, mắt hướng về ngôi thánh đường cổ kính của làng quê, nơi Tâm được lớn lên trong mái nhà đầy yêu thương của gia đình giáo xứ. Tuổi thơ Tâm gắn liền với bờ ao, giếng nước. Con đường làng quen thuộc ấy ngày ngày Tâm vẫn đi qua, con đường đầy cát và đá, thường ngập bùn vào những ngày mưa to, Tâm thường hay nhăn nhó, phàn nàn mỗi khi mang đôi dép đẹp đi qua con đường này. Mọi cảnh vật nơi đây đều quen thuộc không có gì thay đổi, nhưng hôm nay tâm hồn Tâm thấy vui và ấm áp hơn mọi ngày. Tháp chuông nhà thờ hôm nay trông cao và xa hơn, hai hàng tre quanh con đường làng cũng đang đưa nhẹ trong gió, một vài lá tre rơi lát đát trên đầu. Tâm giơ tay hứng lấy những lá tre rơi lòng Tâm thấy vui và nhẹ nhõm, chân bước đi nhanh hơn…Một cảm xúc tuyệt vời đang tràn ngập trong Tâm.
Nhìn sang bên trái, một bàn tay nhè nhẹ đang xiết chặt tay Tâm.
– Chờ đi với, Tâm ngạc nhiên quay lại
– Kìa Nam!
Vẫn im lặng nắm chặt tay Tâm và sánh bước.
Cánh cửa ngôi thánh đường đầy cổ kính ấy đang mở ra như mời gọi và chờ đợi đôi bạn trẻ. Nam và Tâm quen nhau đã 4 năm từ lúc còn ngồi nơi giảng đường đại học, cả hai đều là sinh viên ưu tú của trường. Nam thông minh, học giỏi và rất chuẩn mực; Tâm là một cô gái dễ thương, hiền lành, học giỏi, đơn sơ, chân thành, công, dung, ngôn, hạnh. Lần đầu tiên Nam gặp Tâm tại thư viện của trường vì hai đứa học khác khoa. Thấy Tâm loay hoay tìm tài liệu, Nam tiến lại gần hỏi:
– Mình có thể giúp bạn được không?
Một nụ cười rất thân thiện của lần gặp đầu tiên làm Nam như bị cuốn hút. Tình bạn bắt đầu gắn kết. Bốn năm trên giảng đường Đại học, Nam và Tâm là đôi bạn rất tốt, cả hai đều đặt ra cho mình một tương lai tươi sáng. Thời gian trôi qua, cả hai cùng ra trường và tìm được công việc rất ổn định. Sau sáu năm quen nhau đủ để hiểu nhau và đi đến hôn nhân nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên Nam và Tâm không thể xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Hoàn cảnh thật trớ trêu, tình yêu cũng nghiệt ngã. Nam là con một trong gia đình có tuổi Đảng thâm niên, Tâm là con chiên ngoan đạo trong gia đình đạo đức thánh thiện và hết sức gương mẫu trong giáo xứ. Ngày Nam đưa Tâm về thưa chuyện gia đình cũng là ngày ba Nam bệnh nặng, ông không thể đồng ý cuộc hôn nhân này, mặc dù Nam tìm mọi cách để thuyết phục nhưng vì tuổi Đảng của ông đã hơn 15 năm. Không muốn mất cha, Nam đành im lặng, tim đau như cắt, tan nát cõi lòng đứng nhìn những giọt nước mắt đang cuộn tròn lăn trên gò má của Tâm…
Chúa Nhật hôm ấy Tâm đi lễ tại ngôi thánh đường của làng quê, nơi mà Tâm và Nam đong đầy kỷ niệm. Bước đến cửa nhà thờ, Tâm giơ tay gạt nước mắt, đôi chân như muốn quỵ ngã. Giờ lễ đã gần đến, mọi người đã quỳ chật kín nhà thờ, Tâm nhìn quanh không còn chỗ trống nhưng sao vẫn thấy một cảm giác hụt hẫng và trống trải trong lòng. Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về chỉ còn lại mình Tâm lặng quỳ trước Thánh Thể và cầu nguyện:
“Lạy Chúa, nếu Chúa thấy tình yêu của hai con không thể đến với nhau tại sao Chúa không ngăn cản ngay từ đầu? Nếu Chúa thấy hai chúng con không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc tại sao Chúa không nói? Giờ đây xin Ngài chỉ cho con biết lúc này con phải làm gì và chỉ cho con một con đường đẹp nhất theo thánh ý Ngài…”.
Như một lời oán trách Chúa, Tâm bật khóc thật to. Quay lại đằng sau thấy Nam cũng đang quay lưng và nặng bước ra đi. Ngoài sân những chiếc lá đua nhau rơi rụng, hai hàng ghế đá thẳng tắp nhưng không một bóng người, bước ra sân chỉ thấy mình Tâm và chú chim sẻ mới tập bay đang chao cánh ngả nghiêng, bầu trời đang là mùa hạ nhưng hết sức ảm đạm và từng đợt mưa đang kéo về. Những bước chân Tâm đi sao nặng quá…
Hai tuần sau Tâm quay trở lại công ty với công việc thường ngày, cuối tháng hôm ấy Tâm nhận được tin từ Giám đốc cho biết Tâm phải đi tu nghiệp nước ngoài 3 năm. Tâm lập tức nhận lời không ngần ngại…
Ba năm trôi qua nơi miền đất lạ này, Tâm cũng quen dần với cuộc sống; nhưng từng đêm, từng đêm Tâm nhớ lại những kỷ niệm nơi quê nhà. Nhớ mẹ cha, bạn bè, nhớ con đường làng với lũy tre xanh quanh bờ ao giếng nước đã một thời gắn bó với tuổi thơ, nhớ ngôi thánh đường cổ kính linh thiêng đong đầy kỷ niệm…
Cùng với nỗi nhớ da diết đó, những hình ảnh và giai điệu ngọt ngào của bài hát “Về Quê” khiến Tâm muốn khăn gói lên đường chạy về tức khắc :
“Ơi quê ta bánh đa bánh đúc
Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ.
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng
Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiu
Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi”[1]…
Vâng, chỉ nơi đây đã cho tâm một tuổi thơ đầy hạnh phúc với bao kỷ niệm đáng yêu để giờ đây trong tâm hồn của Tâm chỉ còn lại nơi này và Tâm thực sự muốn tìm về, về nơi mái ấm yêu thương, về lại ngôi thánh đường cổ kính với hai hàng ghế đá chất chứa bao kỷ niệm, về lại nơi ruộng lúa, bờ ao, về để được ngửi mùi thơm của hương rạ lúa mới vào những buổi trưa hè và tiếng hát à ơi của mẹ ru con …; và Tâm chợt nghe trong lòng thổn thức :
“Chúa ơi, nơi đây thật sự là nơi để những ai ‘theo dòng đời đua chen, phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi’[2] như con tìm về !”
Nhìn hai chú chim bay lượn dưới tán cây khi hoàng hôn đang dần buông, Tâm bỗng thốt lên: “Lạy Chúa, quả thực đời sống hôn nhân đối với tuổi trẻ sống trong xã hội hôm nay thật không dễ chút nào”.
Anna Hiền Linh – MTGQN
[1] Một đoạn trong lời của ca khúc “VỀ QUÊ” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
[2] Ibid.