Views: 77
(Lễ Thánh Anrê Kim Thông 2019)
Vào đúng ngày này cách đây 164 năm (15.7.1855), tại Định Tường (Mỹ Tho), Vị Trùm Cả Bình Định Anrê Nguyễn Kim Thông, trợ lý đắc lực của Đức Cha Stêphanô Cuénot, đã trút hơi thở cuối cùng, sau một đoạn đường lưu đầy dài đằng đẵng từ Miền Trung vô tận Miền Nam. Thử tưởng tượng, một cụ già đã 65 tuổi (Thánh Trùm Cả sinh năm 1790), cổ mang gông, chân đeo xiềng, ngày đêm cuốc bộ trên con đường dài thăm thẳm, trên dưới 700 cây số, chúng ta có thể nói được “con đường tử đạo của Thánh Anrê Kim Thông” là một cách diễn tả sống động “con đường Núi Sọ” ngày xưa của Thầy Chí Thánh.
Nhưng cái điểm giống nhau mà chúng ta cần lưu ý ở đây không chỉ dừng lại ở những yếu tố mang tính thể lý bên ngoài, mà là chiều kích đức tin, ý nghĩa thiêng liêng.
Thật vậy, dưới ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa vừa được công bố, chúng ta có thể nói được rằng, mọi cuộc tử đạo : từ những cuộc tử đạo của các chứng nhân ngày xưa trong Cựu ước, đến cuộc tử đạo của Đức Kitô, các Tông Đồ và đông đảo những chứng nhân “đến từ đau khổ lớn lao, mặc áo trắng tinh, cầm cành vạn tuế”…đều có một điểm chung, mà nếu được diễn tả theo ngôn ngữ của Thánh Anrê Kim Thông, khi ngài khuyên can con cháu đừng vận động giảm án cho ngài, thì đó chính là : “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”.
Trước hết, tử đạo theo mẫu gương Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, đó là can đảm để thánh ý Chúa được thể hiện khi trung thành với Lề Luật thánh của Ngài, dẫu cho phải trả giá bằng thiệt thòi, đau thương và cả mạng sống. Câu chuyện tử đạo của cụ già Êlêazarô mà sách Macabêô tường thuật nơi Bài đọc 1 đã nói lên tất cả ý nghĩa của sự chọn lựa nầy : “Bởi thế nếu giờ đây tôi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính, và thánh thiện của chúng tôi”.
Ngày hôm nay, người ta quá dễ dàng tìm kiếm sự thoả hiệp với thế gian để tránh né phải trung thành với Lề Luật Thánh của Thiên Chúa, của Giáo Hội. Nào là nhân danh “tôn trọng tự do cá nhân”, nhân danh “quyền có hạnh phúc riêng tư”, nhân danh “cuộc sống hiện tại, hạnh phúc gia đình là trên hết”…cùng bao nhiêu cái “nhân danh mà cốt yếu đó là “ý của loài người”, “ý của cái tôi ích kỷ và phàm tục”, người ta sẵn sàng “đạp lên” thánh ý Chúa để tự do phá thai, ly dị, bỏ ngày Chúa Nhật, bỏ xưng tội chịu lễ, xem thường các việc đạo đức…Ma quỷ và thế gian vẫn đưa ra trăm phương ngàn cách dưới cái bẫy “giả vờ” : “giả vờ ăn thịt heo” đối với cụ già Êlêazarô hay “giả vờ bước qua thập giá” đối với cụ già Anrê Kim Thông đều có chung mục đích : lôi kéo con người “uống một thứ thạch tín của thoả hiệp” để tìm kiếm ý riêng mình và chà đạp lên Thánh ý của Thiên Chúa.
Chúng ta tạ ơn Chúa, biết bao Tiền Nhân của chúng ta, trong đó có Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, đã khôn ngoan khước từ cái thứ “thạch tín chết người đó”[1] để trung thành với Thập Giá Đức Kitô. Chúng ta đừng quên Hội Thánh đã lựa chọn “hai tuyên ngôn trung thành của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông” để đưa vào làm Điệp Ca thánh vịnh cho ngày lễ trọng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam – 24.11 : Điệp ca Thánh vịnh thứ 3 của Kinh Chiều nhất: “THÁNH KIM THÔNG ĐÁP LẠI QUAN TỈNH RẰNG : “THÁNH GIÁ TÔI KÍNH THỜ, TÔI GIẪM LÊN SAO ĐƯỢC”; và Điệp ca thánh vịnh 1 của Kinh Chiều Hai : “TÔI THÀ BỊ LƯU ĐÀY VÀ PHẢI CHẾT VÌ CHÚA, CHỨ TÔI KHÔNG CHỐI ĐẠO”.
Thứ đến, tử đạo theo mẫu gương Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, chính là để thánh ý Chúa được thể hiện khi chấp nhận thuộc về Đức Kitô. Nếu “Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ sẵn sàng ban Con Một” (Ga 3,16), thì Ngài cũng đòi hỏi chúng ta “phải vâng nghe Lời Người Con Một” (Mc 9,7). Niềm tin Kitô giáo luôn quy chiếu đến một Ngôi Vị, Đức Giêsu-Kitô; cũng chính vì thế, danh hiệu cao quý mà bí tích Rửa Tội mang lại cho chúng ta để được trở nên một con người mới đó chính là KITÔ HỮU.
Vào thời bách hại, không phải chỉ tại Việt nam mà bất cứ nơi đâu trên thế giới, để thuộc trọn về Đức Kitô và mãi mãi giữ được danh hiệu Kitô hữu cách trung thành và trọn hảo chắc chắn phải dẫn đến tử đạo. Đây chính là điều mà Đức Kitô đã từng báo trước cho các môn đệ, như Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe công bố : “Các con hãy coi chừng người đời vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”.
Vị Trùm Cả Kim Thông chỉ cần đơn sơ phủ nhận mình là Kitô hữu, chắc chắn cụ đã có một cuộc đời an nhàn hạnh phúc, đâu phải tội tù, lưu đày, và chết khổ nhục nơi đất khách quê người ! Quả thật, nhìn lại con đường mà Hội Thánh đã trải qua suốt 2000 năm, biết bao máu xương và nước mắt của các chứng nhân tử đạo trải đầy trên con đường đó, chỉ với một lý do duy nhất : thuộc về Đức Kitô, là Kitô hữu, như lời chứng chắc nịch của Thánh Tử Đạo Phaolô Hạnh : “Kitô hữu cho đến chết” !
Đây là một lựa chọn mà chắc chắn chắn chỉ có thể cắt nghĩa được nhờ ân sủng của Thiên Chúa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận trong tông huấn kêu gọi nên thánh (Gaudete et Exsultate) : “Đó là điều mà con người không hiểu được theo lẽ tự nhiên, và thế gian cười nhạo kiểu quan niệm như thế. Nhưng đây là một ân sủng chúng ta cần cầu xin : “Lạy Chúa, khi con bị sỉ nhục, , xin giúp con cảm thấy rằng con đang bước theo dấu chân của Chúa” (120).
Ngày hôm nay, hình như cái danh hiệu và phẩm giá Kitô hữu không còn cao cả, quý giá nơi nhiều người đã từng thuộc về Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội. Người ta sẵn sàng đánh đổi hoặc tước bỏ đi vì những quyền lợi và miếng mồi của vật chất, sự giàu sang, quyền thế…Cuộc tử đạo oai hùng của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông lại một lần gọi mời chúng ta ý thức lại phẩm giá Kitô hữu cao quý của mình và can đảm làm cho phẩm giá đó, danh hiệu đó, càng ngày càng rực sáng lên, qua việc thực hành sống đạo trung kiên, sốt sắng, nhiệt thành.
Cuối cùng, tử đạo theo mẫu gương Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, đó chính là để thánh ý Chúa được thể hiện khi trung thành yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh Người.
Là một hương chức uy tín và đầy công trạng với đồng bào địa phương không phân biệt lương giáo, đã từng được ban sắc phong “Cần Nông” của vua Tự Đức do tài khẩn hoang lập ấp, cứu giúp nhiều người an cư lập nghiệp, tạo sự hoà giải kết đoàn…., Thánh Trùm Cả còn là một giáo dân nhiệt thành đạo hạnh, một gia trưởng gương mẫu đạo đức…, nhất là một người “giúp việc nhà Chúa, điều hành mục vụ giáo phận cách khôn ngoan, hiệu quả”, nên đã được Thánh Giám Mục Stêphanô Cuénot cắt đặt làm “Trùm Cả Bình Định”. Với chức danh đặc biệt nầy, Thánh Kim Thông chính là gương mặt sáng chói và đầy hiệu năng trong sứ mệnh Tông Đồ Giáo Dân của thời bách hại đầy khó khăn, thử thách.
Đâu cần phải đợi đến Công Đồng Vatican II với sắc lệnh Tông Đồ giáo dân quy định và hướng dẫn, kêu gọi và vạch đường chỉ lối, hơn 160 năm trước, một tông đồ giáo dân xuất sắc, là cánh tay phải của Giám Mục, đã tham gia vào công cuộc mục vụ của giáo phận đầy khôn ngoan và hiệu quả. Tất cả phải chăng đều bắt nguồn từ “tình yêu dành cho Đức Kitô và Hội Thánh Người”. Không có “nhân tố tình yêu” nầy, không ai có thể dấn thân vào một công việc, mà cuối cùng sẽ dẫn tới tù ngục đoạ đầy, tan thây nát thịt…!
Chính vì thế, chúng ta quả thật nhận ra cuộc đời phục vụ vì tình yêu của Thánh Kim Thông, đã sáng lên qua chính những kinh nghiệm mà Thánh Phaolô đã trải qua trong cuộc hành trình Tông Đồ vì tình yêu Đức Kitô của chính ngài, như được kể lại trong thư gởi giáo đoàn Rôma : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?…Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta….Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta”.
Chúng ta vừa chiêm ngưỡng “bức hoạ cuộc đời” của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông qua chính một lời như di chúc tinh thần của ngài để lại “ĐỂ THÁNH Ý CHÚA ĐƯỢC THỂ HIỆN” dưới ánh sáng của Lời Chúa. Và giờ đây, xin được mượn những lời sau cùng của bài giảng lễ thánh Kim Thông năm 2011 của Đức Cha Matthêô, để khép lại những chia sẻ nầy :
‘Chúng ta không chỉ tôn vinh người, lấy làm hãnh diện về người, nhưng chúng ta cần phải ra sức noi gương người trong việc tận tuỵ phụ vụ Hội Thánh theo khả năng và hoàn cảnh của mình, cũng như luôn trung thành giữ vững đức tin bất chấp mọi khó khăn thử thách, để mai ngày chúng ta cũng được cùng người hưởng phúc vinh quang. Cách riêng quý ban Chức việc hãy noi gương người tận tuỵ hy sinh và cọng tác đắc lực với các vị mục tử, để xây dựng giáo xứ và phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ đã được giao phó”. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] Thánh Anrê Kim Thông đã trả lời cách khôn ngoan với lời dụ dỗ “cứ bước qua thánh giá đi…rồi đi xưng tội là xong” của quan tỉnh : “Thạch tín là thuốc độc, uống vào thì chết, nhưng cũng có thuốc giải. Tuy nhiên, không ai liều lĩnh uống thạch tín bao giờ. Việc chối đạo cũng thế. Tôi nhất định dù có chết cũng không bỏ đạo”. (Theo tài liệu “CẨM NANG ĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018, TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN, TRANG 41).