ĐỂ ĐƯỢC MÃI TRẺ TRUNG XINH ĐẸP

Views: 37

(Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh – Kỷ niệm 32 năm chịu chức linh mục: 10.5.1989 – 2021)

            Chiều hôm nay, 10.5.2021, thứ Hai tuần 6 Phục Sinh, chúng tôi…. được hiệp dâng Thánh lễ tại ngôi nhà nguyện của chủng viện Làng Sông; nơi, mà cách đây 58 năm, Đức Cha Matthêô (1963), và tôi, 57 năm (1964) đã bắt đầu cuộc hành trình tiến tới chức linh mục trong cuộc sống của một tiểu chủng sinh. Có một điều khác biệt, là chính tại nơi đây, 58,57 năm về trước, cộng đoàn hiện diện là toàn các chú, các nam nhân. Nhưng hôm nay lại toàn các chị, các nữ nhân; cho dù tất cả cùng chung một lý tưởng: sống đời tu trì.

            Thế nhưng, nếu căn cứ theo trích đoạn của sách Công vụ Tông đồ vừa được công bố, thì cuộc cử hành chiều hôm nay lại rất thích hợp. Vì như chúng ta vừa nghe, khi phái đoàn của Thánh Phaolô đến tại thành Philipphê, thì vào ngày Sabat, ngài đã giảng dạy cho một cộng đoàn toàn là phụ nữ: Đến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó.

            Sách Công Vụ không cho biết lý do gì cộng đoàn Philipphê lúc đó lại vắng bóng đàn ông. Tuy nhiên, có một điều, chúng ta cần lưu ý: đây là một cộng đoàn cầu nguyện, lắng nghe Lời các Tông Đồ; và sau khi lãnh nhận Thánh Tẩy, đã trở thành những dụng cụ phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng: Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi”.

            Hôm nay, chúng ta ai cũng biết, nơi chủng viện Làng Sông đây đã hơn 9 năm rồi, giáo phận tạo điều kiện cho một Hội Dòng non trẻ, để các chị về tá túc nơi đây, hầu có thể biến cái “nôi ươm trồng ơn gọi” (chủng viện) nầy được giữ gìn, hồi sinh và phát triển. Ước gì các chị và tất cả chúng ta, cũng là những cô Lyđia đạo đức, sốt sắng đón nhận và sống Lời Chúa và trở thành những cọng tác viên hữu hiệu trong công cuộc truyền giáo của giáo phận.

            Đó là toàn cảnh chung của cộng đoàn tham dự Thánh lễ chiều hôm nay; riêng lý do nào để có cuộc tập họp nầy, thì có lẽ bài Tin Mừng của Thánh Gioan lại là một gợi ý: lời hứa của Chúa Giêsu về việc Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, được ban xuống cho các Tông Đồ để trở nên những chứng nhân cho sự thật: Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu…”.

            Tại sao trích đoạn Tin Mừng đó lại là lý do ? Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ và các Tông Đồ có liên quan tới ngày 10.5 ? Thưa có đấy; vì cách đây đúng 32 năm, vào sáng ngày 10.5.1989, 3 anh em chúng tôi: Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh, đương nhiệm cha sở Châu Mẹ thuộc giáo hạt Quảng Ngãi và tôi, đã được Đức cố Giám Mục Phaolô Huỳnh Đông Các, đặt tay truyền chức linh mục, một cuộc “xức dầu Thánh Thần” để trở nên “hàng Tư tế thánh”, thành nhân chứng cho Đức Kitô, như một đoạn trong Lời nguyện phong chức: “… Lạy Chúa Cha toàn năng, chúng con nài xin Cha ban chức vị Linh mục cho các tôi tớ Cha đây, xin lại ban Chúa Thánh Thần thánh hoá trong lòng các thầy…”; và khi Đức giám Mục chủ phong “xức dầu lòng bàn tay cho tân chức”, Ngài cũng cầu nguyện: “Xin Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng Thánh Thần và sức mạnh gìn giữ con để con thánh hoá dân Kitô giáo và hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa”.

            Vâng, có thể nói được, cách đây 32 năm, chúng tôi đã nhận lãnh được ơn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt qua Bí tích Truyền Chức Thánh mà Đức Kitô đã hứa, như chính Thánh Phaolô đã xác quyết khi nhắn nhủ các “linh” (Kỳ) mục ở Êphêsô vào buổi ban đầu của Hội Thánh: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.” (Cv 20,28).

            Dĩ nhiên, tất cả chúng ta những Kitô hữu, nhờ việc “xức dầu Thánh Thần” qua nhiệm tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta được tham dự vào chức “Tư tế phổ quát” của Chúa Kitô như Thánh Phêrô xác quyết là: những người được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hoá để vâng phục Đức Giê-su Ki-tô và được máu Người tưới rảy…” để trở nên “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” (1 Pr 1,2; 2,9).

            Thế nhưng, nhiệm tích Truyền Chức Thánh thông ban chức “linh mục Thừa Tác” vẫn là là một “ân ban vĩ đại”, cao vời và cần thiết mà Dân Chúa nhận được từ lòng thương xót của Chúa Cha qua Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, đến đổi Thánh Linh mục Gioan Maria Vianey đã thốt lên rằng: “Các ơn Chúa không có ích gì cho chúng ta, nếu không có linh mục. Một căn phòng đầy vàng có ích gì cho chúng ta, nếu không có người mở cửa phòng cho chúng ta. Linh mục có chìa khoá các kho tàng trên trời. Linh mục là người quản lý, sẽ mở các kho tàng và cai quản các kho tàng của Thiên Chúa”[1]. Và vị Thánh linh mục nầy còn dí dỏm: Đức Mẹ cũng chịu chết, không thể làm cho bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa; và các thiên thần cũng bó tay, không thể ban phép tha tội cho các tội nhân…; nên nếu chẳng may gặp linh mục và thiên thần đi cùng, thì ngài sẽ chào linh mục trước…[2].

            Sở dĩ nhắc lại lời gợi ý của Tin Mừng về vai trò của Chúa Thánh Thần đối với chức Tư tế của Hội Thánh và hồng ân cao cả mà anh em chúng tôi được nhận lãnh cách đây 32 năm là để xin cộng đoàn hiệp ý tạ ơn và cầu nguyện, không cho riêng anh em chúng tôi, mà cho các Giám Mục, linh mục và Phó tế trong Hội Thánh, đặc biệt trong giáo phận chúng ta. Bởi vì chúng tôi, như chính kinh nghiệm và cảm nhận của Thánh Phaolô, những con người tầm thường lại nhận được một ân ban, một kho tàng quá lớn: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” ( 2 Cr 4 , 7).

            Là “những chiếc bình sành” nên thật dễ vỡ. Bằng chứng là đã có biết bao anh em linh mục chúng tôi đã thất bại thảm thương, đã vỡ vụn cuộc đời và đã để lại những vết thương cho chính mình, cho nhiều người và cho Hội Thánh…

            Trong dịp kỷ niệm hồng ân thánh chức nầy, cùng với niềm tri ân cảm tạ Chúa, chúng tôi xin tri ân biết bao nhiêu người còn sống hay đã qua đời đã nâng đỡ, giáo dục, cầu nguyện và cọng tác trong mục vụ ơn gọi, đặc biệt trong tiến trình lãnh chức cũng như sống chức linh mục.

            Sau hết, trong những ngày này, Hội Thánh đang hướng về Chúa Thánh Thần, sống tâm tình cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần Hiện xuống của Đức Trinh Nữ Maria và các môn đệ Chúa Kitô cách đây 2000 năm. Việc kỷ niệm thụ phong linh mục hôm nay cũng được lồng trong bối cảnh hướng về Chúa Thánh Thần, Đấng vừa “Tác nhân” làm nên thánh chức linh mục (Cv 20,28), vừa là suối nguồn để làm cho cuộc đời linh mục luôn tươi trẻ, xinh đẹp, và sinh hoa kết trái. Chúng tôi, trước quy luật của thời gian đều là những người đã già: Đức Cha Matthêô đã “thất thập”, tôi đã 71, cha Văn Ngọc Anh đã 66. Vì thế, chúng tôi rất cần lời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để tiếp tục sống thiên chức linh mục cách trung thành và đầy ý nghĩa, như Thánh Gioan Kim Khẩu đã từng chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần: “Trước khi chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta giống như người mang gánh nặng của tuổi tác và tật nguyền, nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trong chúng ta rồi, chúng ta liền được biến đổi trở nên trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy nghị lực”[3].

            Mà không chỉ cho chúng tôi thôi đâu; cho tất cả chúng ta, đặc biệt, cho quý chị Nữ Tỳ của chúng ta vừa được tuyển chọn để chuẩn bị khấn trọn và khấn lần đầu. Vâng xin Chúa Thánh Thần “biến đổi để tất cả chúng ta nên trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy nghị lực”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền


[1] Y PHAN CMC; 1001 Danh Ngôn Các Thánh; nxb. Tôn Giáo 2009; tr. 156.

[2] SĐD (Y Phan, CMC…)

[3] SĐD (Y Phan, CMC…); tr. 15