Views: 56
(Chúa Nhật 12 TN B 2021)
Trong đời thường cuộc sống, có những chuyện “tưởng đâu vậy mà không phải vậy”. Chẳng hạn, chuyện người chồng bỏ vợ ở lại chết chìm để lên thuyền cứu nạn… ! Ai cũng nghĩ, sao “anh ta tàn nhẫn và ích kỷ thế” ! Nhưng, từ những trang nhật ký sau nầy, người ta mới đọc thấy”: “Khi biết chỉ có 1 cơ hội được sống, anh đã muốn chìm cùng em. Nhưng anh nhớ ngày cầm trên tay kết quả xét nghiệm, em đã dặn anh rằng, chúng ta khống sống cho riêng mình, chúng ta còn có trách nhiệm với con cái, nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Khi đẩy anh xuống thuyền em nói chết thế này em còn thanh thản hơn bệnh tật đau đớn giày vò. Vậy mà 20 năm nay nghĩ về hôm ấy anh chưa một ngày được thanh thản…” (x. Bài viết: Tại sao người chồng một mình thoát thân, bỏ mặc vợ trên chiếc thuyền bị đắm) [1].
Trong đời sống đức tin cũng vậy ! Rất nhiều lúc chúng ta đã “hiểu lầm Thiên Chúa”: Chúa đã quay lưng, Chúa bỏ, Chúa chẳng quan tâm… Ngày xưa, trong “Đạo cũ”, dân Israel đã từng bao lần “hiểu lầm Thiên Chúa”, nhất là trong những cơn bĩ cực, gian nan, lưu đày, khốn khó…, như kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: Xion từng nói: Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi” (Gr 49,14); hay như kinh nghiệm của ông thánh Gióp: “Con kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm. Ngài đối xử với con tàn nhẫn, giương cánh tay mạnh mẽ đánh phạt con.” (G 30,20-21).
Nhưng Chúa đã trả lời cho Giêrêmia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Gr 49,15); hay Ngài cũng đã trả lời cho ông Gióp, cho dù qua những hình ảnh biểu tượng, nhưng chủ đích vẫn là: Chúa không vô tâm, không lãng quên, không mất hút…; Ngài vẫn có đó, vẫn đang “cầm chịch” mọi diễn biến trong lịch sử: Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, … Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây” (Bđ 1).
Và đó cũng là kinh nghiệm của “một thời Tân Ước”, của các môn sinh của Đức Kitô trong “một chuyến sang bờ”: … Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (TM).
Dưới con “mắt thịt” và niềm tin kém cỏi, các Tông đồ chỉ thấy một “ông thầy đang ngủ và vô tâm” chứ nào nhận ra một “Đấng Toàn Năng đang có mặt chỉ để quan tâm và cứu thoát” ! Vâng, những anh dân chài miền Galilê chưa tin và cảm nhận đủ thế nào là “Nhập Thể”, là Thiên Chúa làm người, là Đấng Emmanuel “cắm lều ở giữa nhân loại” (Ga 1,14); chưa xác tín đủ Thầy mình chính là Đấng Mêsia: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”…
Vâng. Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa đồng hành… đó chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải đến chúng ta trong Chúa Nhật 12 (TN B) nầy mà hình ảnh “Chúa ngủ” trên “con thuyền của các môn sinh” trong “một chuyến sang bờ” là một biểu tượng quy chiếu sống động và rõ nét ! Và đây, chắc chắn là sứ điệp cần thiết cho hành trình đức tin của chúng ta, nhất là trong thời buổi “tinh thần thế tục đang lên ngôi” và con người muốn “gạt phắt Thiên Chúa ra khỏi lòng cuộc sống”, như những câu trả lời của bà Anne, con gái của mục sư Billy Graham, sau biến cố 11.9.2001: “Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn như chúng ta. Đã bao năm qua, chúng ta yêu cầu Ngài ra khỏi trường học, khỏi Chính Phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Là ‘quân tử’ nên Ngài lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình? (…). Thật kỳ lạ là con người có thể dễ dàng vứt bỏ Thiên Chúa, rồi lại tự hỏi tại sao thế giới trở thành địa ngục!!!…”[2].
Nhưng, Thiên Chúa không vắng mặt đâu ! Một khi Thiên Chúa đã cất bước đi vào trần gian, đã quyết định chịu cảnh sinh ra màn trời chiếu đất; đã sẵn sàng trốn chạy trước quyền lực truy bắt của loài người; đã vui vẻ đổ mồ hôi với cái cưa, cái chàng cái đục của nghề thợ mộc tăm tối; đã nhất định chen chân trong cõi trần tục lụy khi chấp nhận chen vai sát cánh với dòng người tội lỗi bước tới dòng sông sám hối Giođanô…; hay như chuyện kể của Tin Mừng hôm nay, khi Ngài ngồi đó, dựa đầu vào chân gối ngủ vùi trong cái mỏi mệt sau những cây số cuốc bộ đường dài với đói khát, thiếu ăn thiếu ngủ…. thì Thiên Chúa không còn “lẫn trốn trên các tầng mây”, không còn xa xôi ngăn cách trong cõi thánh thiện ngút ngàn mà đã trở nên một “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Một lần nữa, Lời Chúa muốn củng cố niềm tin cho chúng ta rằng: trong chiếc thuyền nhân loại đang có đó Đấng Thiên Chúa làm người ! Và dĩ nhiên, Thiên Chúa không chỉ hiện diện suông, không chỉ có mặt để “say sưa chè chén với những người tội lỗi”, để làm bộ làm tịch là “Ta đây là nhà giải phóng, là giải pháp chính trị, là con đường rộng thênh thang dẫn tới bến bờ hạnh phúc” bằng những lời mị dân hay huyênh hoang rỗng tuếch…
Không, Ngài đã từng làm cho tiệc cưới Cana tưởng đâu giữa chừng bẽ mặt vì thiếu rượu, đã tưng bừng nối tiếp cuộc vui với mấy trăm lít rượu ngon hóa nên từ nước lã; đã trả lại niềm vui đoàn tụ cho bà góa Naim khi trao sự sống cho đứa con trai vừa mới mất; đã phục hồi nhân phẩm niềm tin và hy vọng cho người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang; đã đưa những anh chàng cùi phong tưởng đâu mãi mãi tàn đời cách ly trong hoang mạc lại được trở về cuộc sống trong rạng rỡ vui mừng; đã kéo Ladarô bốn ngày nằm trong huyệt mộ của âm u sự chết, bừng dậy đĩnh đạc bước vào bình minh cuộc sống; Ngài đã cho mấy ngàn dân nghèo khố rách áo ôm quay quắt với cái đói trong hoang mạc được no nê thoải mái trong một bữa tiệc huynh đệ mặn nồng với chỉ vài chiếc bánh và mấy con cá nhỏ; Ngài đã cho người mù sáng mắt, người què nhảy nhót như nai, người thu thuế trở nên tông đồ, những tay dân chài dốt nát, những hạng đàn bà bị xã hội bỏ đi lại trở nên người loan tin cứu rỗi…; và hôm nay, như Tin Mừng Mácccô tường thuật: Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ…
Cũng cần ghi nhận: câu chuyện “Chúa ngủ” hôm nay lại được lồng trong khung cảnh của “một cuộc sang bờ” vượt biển đầy thách đố gian nan theo lệnh Chúa truyền: Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”… Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước…
Theo Chúa, tin Chúa, ai rồi cũng phải trải nghiệm “một cuộc sang bờ”. Chính vì thế, thái độ đúng đắn của niềm tin Kitô hữu, của chúng ta hôm nay, đó là mau mắn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và biểu tỏ đức tin vào sự hiện diện đó qua chính cuộc sống đời thường của mình, qua mỗi hành động và ứng xử với mọi người chung quanh, theo cách mà thánh Phaolô đề nghị với chúng ta trong thư Côrintô được công bố trong BĐ 2 hôm nay: “… lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta … Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ”.
Vâng, tất cả những gì Thánh Phaolô đã dạy cho cộng đoàn tín hữu Côrintô đó đang thật sự tái diễn ở đây, ngay trên bàn thờ này. Lời Chúa và Thánh Thể Chúa được ban tặng cho chúng ta. Nếu chúng ta đến đây, tham dự bàn Tiệc Thánh nầy như một kẻ bàng quan và ra đi như một người thua lỗ…, thì mãi mãi trong chiếc thuyền đời chúng ta, giống như các Tông đồ hôm nao, Đức Kitô cũng chỉ là một người khách lạ tầm thường “ôm gối say sưa ngồi ngủ”…
Quả thật, khi không có niềm tin và tình yêu thúc bách, thì Thiên Chúa, Đức Kitô, cho dù có đó vẫn là người xa lạ: “Vô duyên đối diện bất tương phùng”; chẳng khác nào câu chuyện: giữa muôn người đụng chạm, cọ xát, nhưng chỉ một “cú chạm nhẹ vào gấu áo” đầy niềm tin của người phụ nữ ngoại đạo Canaan là được Chúa nhận ra và chúc phúc (Mc 5,25-34).
Ước gì, trên “mỗi chuyến sang bờ” của anh, của chị, của tôi hôm nay sẽ không có chỗ cho hoang mang hãi sợ, cho buồn sầu thất vọng…, mà đong đầy niềm tin yêu vui sống vì có Đấng Phục Sinh đang đồng hành; và thay vì hoảng loạn kêu la “Chúa ơi, chúng con chết mất… Sao Chúa chẳng quan tâm”, là những lời ca khen chúc tụng vang vọng khắp trên đường: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 106,1). Amen.
Trương Đình Hiền.
[1] Theo Moralstories, Thuỳ Linh dịch; Bài viết: Tại sao người chồng một mình thoát thân, bỏ mặc vợ trên chiếc thuyền bị đắm; website https://tindaumoi.com/tai-sao-nguoi-chong-mot-minh-thoat-than-bo-mac-vo-tren-chiec-thuyen-bi-dam.html
[2] PHAN VĂN PHƯỚC SƯU TÂM VÀ RÚT NGẮN BÀI VIẾT: Thiên Chúa rất buồn; website http://conggiao.info/thien-chua-rat-buon-d-37857; đăng ngay 20.9.2016.