Views: 33
Chiếu chỉ bệ rồng đây tin sớm:
Tử đạo ! Tử Đạo ! Tiếng loa vang
Cơn gió lạ đầu thôn cuối xóm,
Đạo bây giờ mang tội bất dung !
Từ cái thuở Tin Mừng mở cõi,
Máu đã nhuộm Gò xử Dinh Chiêm.
Tử đạo: đó “tình yêu đáp trả”,
Quả đầu mùa “An-rê Phú Yên” !
Đường Việt Nam, lại đường Núi Sọ,
Mũi Cà Mau đến ải Nam Quan…
Gần ba trăm năm dài bách hại,
“Những cành thiên tuế” mấy trăm ngàn !
Tử đạo ! Tử đạo ! máu loang khắp chốn,
“Pháp trường Bảy Mẫu”, Nam Định, Hải Dương…
Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Văn Thân…
Núi thẳm rừng xanh, sông sâu biển lớn…
Cúi đầu đón nhận một nhát chém,
Ngửa cổ đợi chờ phút thắt giây…
Những nhát bá đao lời kinh thắm,
Run run phó thác đoạn voi giày…
Mái ấm giờ khói tan lửa tắt
Tay cha run, mắt mẹ kinh hoàng,
Tiếng hét, tiếng la, như đánh giặc,
Tiếng khóc hòa chen lẫn tiếng than !
Tử đạo ! Tử đạo ! Trường oan khúc,
Máu viết thành hai chữ “Chứng nhân” !
Quyết làm “Kitô hữu cho đến chết”,
Nên lễ toàn thiêu trọn tấm thân !
Từ đau khổ lớn lao… đã đến,
Giặt áo mình trong Máu Chiên Con.
Bây giờ vinh quang cành thiên tuế.
Quê thật từ đây Nước Thiên Đàng.
Sơn Ca Linh (24.11.2023)
Ghi chú:
(1) “Hành” là một loại thơ cổ có nguồn gốc từ Trung Hoa. Kết cấu tứ thơ thường theo thất ngôn hoặc ngũ ngôn được phối trí khá tự do, tùy cảm xúc và ý tưởng gởi gắm. Các tác phẩm thi ca thuộc thể “Hành” không nhiều. Riêng trong lịch sử thi ca Việt Nam, người ta thường truy nhận các bài thơ “hành” nổi tiếng sau đây: “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm; “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư; “Trường Sa Hành” của Tô Thùy Yên”; “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính…