Views: 24
(Trong ngày lễ Các Thánh Nam Nữ… tự nhiên nhớ Ngoại!)
Bà ngoại tôi tên thánh Rửa tội là Maria; tên họ đầy đủ: Nguyễn Thị Bình. Vì mẹ tôi, Matta Nguyễn Thị Liêm, là con gái đầu của Ngoại, người đã từng chia sẻ nhiều đắng cay khổ lụy với Ngoại từ thuở còn thơ ấu, nên mẹ tôi rất thương Ngoại và ghi sâu nhiều kỹ niệm về Ngoại và hay kể lại cho chị em chúng tôi…
Mẹ kể rằng… Ngoại về làm dâu Trà Câu khi tuổi Ngoại chắc đã quá ba mươi; riêng ông Ngoại, thì đã qua cái ngưỡng ngũ tuần. Sở dĩ lấy nhau trễ như vậy vì nguyên do này: Ông Ngoại và Bà Ngoại lấy nhau khi cả hai người đều đã lớn tuổi!
Nhưng trước hết, để hiểu hết chuyện này, xin cho phép tôi giới thiệu sơ về Ông Ngoại: Ông Ngoại tôi, Phêrô Nguyễn Trứ, sinh khoảng 1872, thuộc xứ đạo Trà Câu, một xứ đạo kỳ cựu thuộc huyện Đức Phổ, phía cực nam tỉnh Quảng Ngãi. Đây là họ đạo cũng đã từng gánh chịu nạn “Bình Tây sát Tả” của phong trào Văn Thân năm 1885. Ông cố Ngoại và nhiều giáo dân Trà Câu đã bị sát thương trong biến cố này mà dấu tích là hai cái mộ chôn sống tập thể: mộ tròn: giáo dân bị ném xuống một cái giếng sâu rồi lấp lại; mộ dài: một cái hố đào rông khoảng hơn một mét dài khoảng trên mười mét… Cả hai ngôi mộ này tọa lạc trong khu vườn của Dượng Nhi, phía bắc, đối diện với vườn nhà thờ Trà Câu cũ; Dượng Nhi là người anh em con cô cậu với má tôi. Hồi xưa, khi tôi còn bé, ngày “dẫy mả họ” (chạp mả) của địa sở Trà Câu dịp đầu tháng Các Đẳng, tôi vẫn được tháp tùng với giáo dân đi dẫy hai ngôi mộ tử đạo này đầu tiên…
Thật ra, không phải ông Ngoại tôi lấy vợ trễ, mà đúng hơn, ông bị người vợ chính thức đầu tiên có bí tích Hôn phối, đã bỏ đi khi hai người mới vừa lấy nhau và chưa có mụn con nào. Bà đi lên trên miền mạn ngược (hay xứ Thượng: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà…) và buôn bán với các bộ tộc người anh em H’Re, Xê Đăng… Bà đi mãi không về; và ông Ngoại, vì bị ràng buộc bởi “dây Hôn phối”, nên sống cô độc đợi chờ mãi tới quá tuổi 50, khi nghe tin Bà đã mất trên xứ Thượng, ông mới quyết tái hôn (Khoảng năm 1920)… Và người ta mai mối cho ông Ngoại một thiếu nữ thuộc giáo họ Kỳ Thọ, giáo xứ Châu Me, phía tây nam thành phố Quảng Ngãi ngày nay…
Chuyện liên quan đến bà Ngoại thì “lâm li bi đát” hơn. Bà Ngoại tôi vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên được gia đình của người Bác bảo bọc dưỡng nuôi; và gia đình Bác coi bà như con cái trong gia đình. Vì sống trong thời phong kiến, truyền thống hôn nhân hầu hết do “người lớn” sắp đặt, nên khi đến tuổi cập kê, Bác tôi muốn bà ngoài lập gia đình với một thanh niên trong họ Kỳ Thọ, một người mà bà Ngoại tôi không có chút tình cảm nào! Vì sống phận “ở nhờ” lại vì truyền thống “đặt đâu ngồi đó”, phải răm rắp tuân theo “mệnh lệnh” của người lớn, nên bà Ngoại cúi đầu cam chịu mà không dám phản đối hoặc chối từ. Mãi cho đến ngày cử hành lễ Hôn Phối tại nhà thờ, đúng ngay lúc cha chủ tế hỏi: “Maria Nguyễn Thị Bình, con có tự do lấy…”, bà Ngoại đã mạnh dạn thưa: “Thưa con không có tự do, con bị ép buộc…!”; và thế là mọi sự “bể dĩa”! Hôn phối dừng lại. Gia đình Bác bị phạt vạ vì ép dựng vợ gã chồng không đúng luật Chúa… Riêng Bà Ngoại, bị Bác cho một trần đòn thừa sống thiếu chết; và từ đó lủi thủi sống trong câm lặng đợi chờ… cho đến khi có “Người Trà Câu” là ông Ngoại tôi dạm hỏi và bà mau mắn gật đầu!
Thế là Ông Ngoại Bà Ngoại nên duyên vợ chồng và lần lượt sinh được ba mặt con:
– Má tôi (Chị hai), Matta Nguyễn Thị Liêm, con gái đầu, sinh khoảng năm 1921, tuổi Dậu.
– Cậu tôi (Cậu Ba), Tôma Nguyễn Nhạn Hồng (cùng vợ là (mợ) Matta Võ Thị Tiên, cả hai đã qua đời tại Mỹ)
– Dì tôi (Dì Bốn), Maria Nguyễn Thị Kha (cùng với chồng là (dượng) là Phaolô Huỳnh Hậu, đã qua đời tại giáo xứ Sông Mỹ, Ninh Thuận)…
Về làm dâu nhà ông Ngoại, bà Ngoại tôi, theo má kể, đã phải gánh chịu vất vả khổ cực lẫn đau khổ thật nhiều. Một phần, vì người mẹ chồng (mẹ của Ông Ngoại tôi) quá khó và khắc nghiệt khi đối xử với con dâu; phần khác, vì gia đình ông Ngoại thuộc dạng “bần cố” nên thiếu ăn thiếu mặc vất vả trăm đường. Nhưng má kể rằng: Bà Ngoại âm thầm chịu đựng trong hiền lành, không một tiếng oán than. Chịu thương chịu khó, chăm sóc ông Ngoại và mọi người trong gia đình nhà chồng; nhất là thương yêu và lo lắng cho con cái. Vì nhà nghèo, phải đi làm mướn: cấy, gặt, gánh phân, làm cỏ…, bà Ngoại luôn nhịn ăn, lấy phần cơm, phần củ sắn khoai mà chủ ruộng dọn cho kẻ làm mướn, để mang về cho các con. Quanh năm suốt tháng, nắng mưa dãi dầu, cực khổ nặng nhọc, lao tâm lao lực, lại thêm thiếu ăn thiếu mặc, nên bà Ngoại chết sớm khi má tôi trên mười tuổi và Dì út mới biết bò! Bà Ngoại được an táng tại nghĩa trang Trà Câu, cũng là nơi yên nghĩ của ông Nội và chị hai của tôi!
Được lớn lên từ cái nôi từ ái và đạo đức của bà Ngoại và ông Ngoại nên má tôi, cậu tôi và dì tôi, ai ai cũng giữ được cái đức tin căn bản của người Kitô hữu và cuộc sống tốt lành chính trực với mọi người…
Trong ngày lễ Các Thánh Nam Nữ năm nay, 01.11.2024, tự nhiên tôi nhớ về Bà Ngoại thật nhiều và không cầm nổi nước mắt. Trong mầu nhiệm “Các Thánh cùng hiệp thông”, tôi xác tin bà Ngoại, Ông Ngoại, cùng bao nhiêu tiên tổ đã qua đời đang hưởng niềm hạnh phúc trong Nước Trời. Riêng chân dung của Bà Ngoại đã làm cho tôi chợt nhớ về những lời của Thánh Phaolô nhắn gởi cho đồ đệ Timôthê: “Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.” (2 Tm 1,5).
Và cũng từ những gợi ý của Lời Chúa đó, tôi chợt thấm thía những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Gaudete et exsultate: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là những người thuộc “tầng lớp giữa của con đường nên thánh” (GE 7).
Tôi tin Bà Ngoại tôi thuộc về “tầng lớp những người như thế”!
Giuse Trương Đình Hiền (01.11.2024)