MỘT BÔNG HỒNG TỬ ĐẠO BỊ LÃNG QUÊN

Views: 2

Nhân kỷ niệm 324 năm ngày tử đạo của nữ giáo dân “ANÊ HUỲNH THỊ THANH”

(25.12.1700 – 25.12.2024)

Dẫn nhập: Có một “Giáng Sinh định mệnh”:

          Nếu Giáng Sinh là ngày “không được phép buồn”[1], là ngày của niềm vui (“Merry Christmas”)[2], là ngày mà mọi người trên thế giới, bất luận là Kitô hữu hoặc không, đều vui mừng và hoan hỉ (“Gaudete et exsultate”)[3] chào đón ngày giáng sinh của Đấng Emmanuel, Đấng Thiên Chúa sinh hạ làm người, để mang ơn bình an, ơn cứu độ, ơn giải thoát…, thì cũng chính vào ngày này, cách đây đúng 324 năm, chính xác là vào lúc 4 giờ sáng ngày 25.12.1700, có một người phụ nữ, một người mẹ, một nữ giáo dân Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng trong cảnh lao tù chỉ vì trung kiên với niềm tin Kitô hữu mà linh mục sử gia Adrien Launay[4] của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (MEP)[5] đã trân trọng ghi lại: “Vào ngày 25, ngày sinh của Đấng Cứu Thế, vào lúc 4 giờ sáng, Bà Angès hay Bà Bouy, người em thân yêu của Cha Laurent, đã hoàn thành của lễ hy sinh và bay về phía Thầy Chí Thánh của mình, trong khi bà đã không ngừng kêu cầu Danh thánh dịu hiền của Người trên môi mãi cho đến khi trút hơi thở cuối cùng”[6]. Vâng, đó chính là cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh, một giáo dân trung kiên thuộc cộng đoàn Lâm Tuyền (Chợ Mới) Nha Trang, vùng đất được hân hạnh đón tiếp bước chân của Vị Giám Mục Đại diện Tông Tòa Đàng Trong, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, khi lần đầu tiên đi kinh lý mục vụ Giáo phận Tông Tòa Đàng Trong trong những năm đầu sứ vụ với cương vị Chủ chăn.

          Về nhân vật “Anê Huỳnh Thị Thanh” trong tác phẩm “Inê vãn tử đạo” này có một số tác giả và tác phẩm[7] đã lẫn lộn với Thánh tử đạo Anê Lê Thị Thành (Bà thánh Đê), một trong 117 vị thánh Tử đạo tại Việt Nam đã được ĐGH Gioan-Phaolô II phong hiển thánh vào ngày 19.6.1988. Thánh nữ tử đạo Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 và chịu tử đạo năm 1841. Trong khi đó, chị Anê Huỳnh Thị Thanh (trong Inê vãn tử đạo) sinh khoảng năm 1670 và chịu tử đạo năm 1700, tức trước thánh nữ Anê Lê Thị Thành hơn 100 năm. Hơn nữa, Chị Anê Thanh tử đạo năm 1700 mang họ Huỳnh, em gái cha Laurent Huỳnh Lâu, một mẹ 2 con, quê Nha Trang… còn thánh Anê Thành tử đạo năm 1841 mang họ Lê, không có anh trai nào, một mẹ 6 con, quê Thanh Hóa[8]

          Thật ra, cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh không chỉ là một “lời chứng đức tin mang tính cá nhân”, mà qua con người và chứng tá của chị đã vén mở cả một chân trời lịch sử sống động cả đạo lẫn đời của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Đặc biệt, tác phẩm “Inê tử đạo vãn” liên quan đến cuộc tử đạo của chị lại là một thành tựu thi ca Quốc ngữ đầu tiên trong lịch sử nền văn học Quốc ngữ của giai đoạn kiện toàn.

          Chúng ta có thể tóm tắt về “sứ điệp tử đạo của chị Anê” trong 3 nội dung sau:

– Quê hương và gia thế của chị Anê Huỳnh Thị Thanh qua các chứng từ.

– Cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh: Bông hồng tử đạo bị lãng quên.

– Anê Tử đạo vãn: Trường thi Quốc ngữ đầu tiên của văn học Công giáo Việt Nam.

I. QUÊ HƯƠNG VÀ GIA THẾ CỦA ANÊ HUỲNH THỊ THANH QUA CÁC CHỨNG TỪ

1. Chứng từ về quê quán của vị tử đạo Anê Huỳnh Thị Thanh:

1.1. Lâm Tuyền (Chợ Mới): Địa chỉ đầu tiên “chủ chăn gặp đàn chiên”:

          Gần 12 năm kể từ khi được Tòa Thánh chính thức thành lập (9.9.1659)[9] và hơn 9 năm kể từ khi Đức cha P. Lambert đặt chân lên thủ đô Ayutthaya của Thái Lan (22.8.1662)[10], Giáo phận Tông tòa Đàng Trong chưa bao giờ được diễm phúc có được sự hiện diện hay viếng thăm của vị chủ chăn của mình. Bởi vì suốt những năm tháng đó, vì nhiều hoàn cảnh khó khăn, trở ngại bên trong lẫn bên ngoài, chủ quan cũng như khách quan…, Đức cha Lambert chỉ đóng đô tại Ayutthaya (Thái Lan) để “cai quản từ xa”; phải chờ đến ngày 01.9.1671, ngài mới lần đầu tiên đặt chân đến Đàng Trong, như Kỷ Yếu “60 năm Hành trình và phát triển – 1957-2017” của Giáo phận Nha Trang ghi rõ:

“Sau 9 năm chờ đợi tại Ayutthaya – Thái Lan, ngày 01.09.1671 Đức cha Phêrô Lambert de la Motte với sự tháp tùng của bốn linh mục là cha Vachet, cha Mahot, cha Giuse Trang và cha Luca Bền, đã đặt chân đến vùng đất của sứ vụ mà ngài được ủy thác, và điểm đến đầu tiên chính là địa sở Chợ Mới (Lâm Tuyền)[11] nằm bên bờ sông Cái, Nha Trang. Theo sử gia François Fauçonnet-Buzelin, Đức cha Lambert đã đến đây vào ban đêm. Nhờ sự tổ chức của các Kitô hữu địa phương, ngài được giấu trong lưới đánh cá và cáng bằng võng đến một ngôi nhà nơi đang có các giáo dân quy tụ. Hơn 800 giáo dân lần lượt đến chào ngài và cũng trong dịp này, ngài đã ban phép Thêm sức cho khoảng 200 trẻ em cùng với vài người lớn. Sau đó, Đức cha Lambert đã đi thăm và dâng Thánh lễ cho khoảng 100 giáo dân vùng Ninh Hòa (Nha Ru) trước khi ngài lên đường đi Nước Mặn và Hội An. Như thế, vào thời điểm cuộc viếng thăm đầu tiên của vị Giám mục tiên khởi Đàng Trong, tại Khánh Hòa đã có những cộng đoàn Kitô hữu tại Lâm Tuyền (Chợ Mới), Nha Ru – Gò Muồng (Ninh Hòa) và tại vùng Phan Rang giáp ranh phủ Thái Khang”[12].

          Linh mục Đào Quang Toản, trong tác phẩm “Lịch sử Giáo phận Đàng Trong”, cũng đã ghi lại sự kiện này như sau:

“Ngày 20.7.1671, Đức cha Lambert lên chính con thuyền nhỏ đó đi Đàng Trong, mang theo cha Mahot và cha Vachet vừa từ Pháp sáng. Như vậy, đoàn gồm một Giám mục, hai thừa sai Pháp, hai linh mục, hai thầy giảng và bốn ngư phủ. Ngày 3.8.1671, con thuyền tới biển Nha Trang và tối ngày 01 tháng 9, Đức cha Lambert và hai thừa sai Pháp vào làng Lâm Tuyền (nay là Chợ Mới), làng có 37 gia đình có đạo trong số 43 gia đình tất cả. Đức cha chỉ dừng chân vài ngày, rồi để cha Mahot và cha Luca Bền ở lại, ngài lên đường với cha Vachet và cha Giuse Trang. Ở đâu, giáo dân cũng lũ lượt tới gặp ngài, không sao ngăn cản được”[13].

1.2. Những cộng đoàn Kitô hữu của “một thời mở cõi về phương Nam”:

          Nếu căn cứ vào “biến cố lịch sử năm 1653” thời chúa Nguyễn Phúc Tần – Dũng Quận công (1648-1687), tức sự kiện “vua Chiêm Thành xâm lấn Phú Yên, Dũng quận công sai quân đi đánh lấy đất Chiêm đến sông Phan Rang, đặt dinh Thái Khương (nay là đất tỉnh Khánh Hòa)”[14], thì có thể nói được, địa giới mục vụ của Giáo phận Tông Tòa Đàng Trong (1659) đã trải dài từ Sông Gianh tới sông Phan Rang (tức “vương quốc Đàng Trong” theo sự ấn định của Sắc chỉ “Super Cathedram” – 9.9.1659)[15]. Vì thế, không có gì lạ, khi vào năm 1671, lúc Đức cha Lambert kinh lý mục vụ Đàng Trong, tại Khánh Hòa (Nha Trang) đã hình thành các cộng đoàn tín hữu như Lâm Tuyền (Chợ Mới), Nha Ru (Ninh Hòa)… Chắc chắn, đây là các tín hữu đã theo chân đoàn người “di dân lập ấp” trong biến cố 1653 cũng không loại trừ những anh chị em giáo dân di tản khỏi những vùng bị cả hai triều Trịnh, Nguyễn bách hại đạo. Có thể nói được, đây là những cộng đoàn Kitô hữu đã gắn liền với thời “mở cõi về phương nam” của dân tộc Việt Nam.

2. Các chứng từ liên quan đến cuộc đời, gia đình của chị Anê Huỳnh Thị Thanh:

2.1. Từ “Tự điển Taberd 1838” đến tác phẩm “Inê Tử Đạo Vãn”:

          Trước khi đọc các chứng từ về chị Anê Huỳnh Thị Thanh được rút ra từ tác phẩm “Inê tử đạo vãn”, thiết tưởng chúng ta cần biết được “sự xuất hiện” chính thức của tác phẩm này chẳng những trong xã hội Việt Nam mà cho cả thế giới. Thật vậy, khi nói tới tác phẩm “Inê tử đạo vãn” thì phải phải nghĩ ngay tới hai cuốn Tự điển: An-nam – La-tinh (Dictionarium Anamitico-Latinum) La-tinh – An-nam (Dictionarium Latino-Anamiticum) do Đức cha J.L. Taberd nhuận chính và biên soạn lại từ cuốn Tự điển 1772[16] của Đức cha Pigneau de Béhaine (1741-1799), và được xuất bản tại Belgale, Ấn Độ năm 1838. Chính trong cuốn Tự điển thứ hai của Đức cha Taberd, tác phẩm “Inê tử đạo vãn” được in bằng 4 ngôn ngữ: Anh, Pháp, La tinh và Quốc ngữ.

                         TỰ ĐIỂN ANAMITICO-LATINUM 1772              TỰ ĐIỂN ANAMITICO-LATINUM 1838

                           (ĐC P. PIGNEAU DE BÉHAINE)                                (ĐC. J.L. TABERD)

          Chúng ta thử dừng lại để tìm hiểu khái quát hai cuốn Tự điển rất quan trọng và giá trị này.

          Chúng ta được biết, vào năm 1838, Đức cha J.L. Taberd, Giám mục hiệu tòa Isauropolis, Đại diện Tông Tòa Giáo phận Đàng Trong, Giáo phận Cam bốt và Giáo phận Xiêm đã xuất bản hai cuốn Tự vị tại nhà in J.C. Marshman tại Serampore tại Bengale, Ấn Độ, nơi mà ngài đã tìm cách tạm dung sau cuộc bách hại của Minh Mạng năm 1833; và sau khi phong chức Giám mục và ủy nhiệm cai quản mục vụ cho Đức cha Cuénot Thể (3.5.1883)[17].

2.1.1. Cuốn một: tự vị An-nam – La-tinh (Dictionarium Anamitico-Latinum – Nam Việt dương hiệp tự vị):

TỰ ĐIỂN ANAMITICO-LATINUM CỦA TABERD 1838

(CUỐN I)

          Đây là cuốn Tự vị được hiệu đính lại từ cuốn Tự vị Anamitico-Latinum do Đức cha P.J. Pigneau de Béhaine, Giám mục hiệu tòa Adran, Đại diện Tông tòa Đàng Trong, biên soạn năm 1772 tại Pondichéry. Trong cuốn này, phần tiếng “An-nam” được trình bày bằng hai loại “Quốc ngữ”[18]: Quốc ngữ “Nôm” (Chế tác từ chữ Hán) và Quốc ngữ “La tinh hóa” (Dùng mẫu tự La tinh để chế tác chữ Việt).

          Phần chú thích mở đầu (MONITUM) của cuốn tự điển An-nam – La-tinh (Dictionarium Anamitico-Latinum) 1838 nguyên thủy bao gồm các nội dung:

– Chuỗi chữ cái An Nam được sắp xếp theo thứ tự.

– Kết hợp các phụ âm đầu với các nguyên âm.

– Kết hợp các nguyên âm với các phụ âm cuối.

– Lời nói đầu (Proœmium).

– Tóm lược ngữ pháp.

– Luận bàn về các từ và đại từ khác nhau, rất hữu ích cho việc diễn đạt một cách thanh nhã ngôn ngữ An Nam.

– Danh từ số đếm (Nomina numeralia).

– Tóm tắt về thể thơ An Nam (Compendium versificationis Anamiticæ).

          Riêng trong mục Tóm tắt về thể thơ An Nam (Compendium versificationis Anamiticæ), ban biên soạn cuốn Tự điển thứ nhất này (Anamitico- Latinum) đã có một phần minh giải khá chi tiết về các thể thơ của Việt Nam, với niêm luật được minh họa bởi những bài thơ tiêu biểu như:

– Loại thơ “Vãn” (Lục bát): với 6 câu thơ lục bát (không đề tên tác giả)

– Loại “Thất ngôn bát cú” (Đường luật): 1 bài mang tên “Phán xét công bình thơ”, một bài mang tên “Bắt đạo thơ”. Cả hai đều không đề tên tác giả.

– Loại thơ “Ngũ ngôn”: với bài “Tứ thời” của Thôi Hiệu.

– Loại “Văn Tế” (Điếu văn tang lễ): vớihai bài văn tế mẫu (mẫu văn đặt vần bình và mẫu văn đặt vần trắc) bằng chữ Quốc ngữ cũng không đề tên tác giả.

          Về các bài thơ minh họa không đề tên tác giả thì theo nhà nghiên cứu LINH MỤC PHANXICÔ X. ĐÀO TRUNG HIỆU, trong bài chuyên luận “Thánh Philipphê Phan Văn Minh, cánh én báo mùa xuân văn học chữ quốc ngữ thế kỷ XIX” đã cho rằng chính Thánh tử đạo Philipphê Phan Văn Minh, người cọng tác với Đức cha Taberd soạn hai cuốn tự điển Anamicico-Latinum và Latiino-Anamictico 1838, đã soạn tác các bài thơ này và đưa vào Tự điển[19].

          Riêng về hai bài “Văn tế mẫu” thì ngay trong Tự điển có thêm ghi chú số 1 (Nota 1) bằng tiếng La tinh để nói về xuất xứ (hoàn cảnh sáng tác) như sau:

Nota 1. Duo ultima exemplaria quae ad laudationem mortuorum spectant, desumpta sunt ex orationibus habitis in funere D. D. Petri Pigneau Episcopi Adranensis nec non Vicarii Apostolici Regnorum Cocincinae, Capodiae et Ciampae, anno 1799, die vero nona octobris defuncti, atque die 16e Decembris sepulti amplo funere celebrato cui ipsae Gia Long Rex Concincinae adfuit.

Ghi chú 1. Hai bài mẫu cuối cùng liên quan đến việc ca ngợi người quá cố được trích từ các bài diễn văn trong lễ tang Đức cha Pierre Pigneau, Giám mục Adran, kiêm Đại diện Tông tòa của các vương quốc Nam Kỳ, Campuchia và Chăm-pa. Ngài qua đời vào ngày 9 tháng 10 năm 1799 và được an táng trọng thể vào ngày 16 tháng 12 cùng năm, trong một lễ tang lớn mà chính vua Gia Long của Nam Kỳ đã tham dự.[20].

          Được biết, trong tang lễ của Đức cha Pigneau de Béhaine tại Sài Gòn ngày 16.12.1799 có tất cả 4 bài Văn Tế: Hai bài do Đặng Đức Siêu (1751-1810)[21] chắp bút: một cho chúa vương Nguyễn Ánh đọc và một cho Hoàng tử Cảnh đọc[22]. Hai bài còn lại được nói ở trên cũng không đề tên tác giả. Tuy nhiên, dựa vào thời điểm xuất hiện chính thức của hai bài Văn tế nầy (16.12.1799), thì tác giả không thể là Thánh Philipphê Phan Văn Minh; vì thánh Minh sinh năm 1815, trong khi hai bài Văn tế nầy đã xuất hiện trong lễ tang của Đức cha Pigneau de Béhaine năm 1799, trước ngày sinh của thánh Minh 16 năm!

          Sở dĩ dừng lại khá lâu cho cuốn tự điển Anamitico-Latinum 1838, vì đây là sự kiện liên quan đến “Anê tử đạo vãn”, một nội dung sẽ được bàn kỷ hơn nơi phần III.

2.1.2 Cuốn hai: Tự vị La-tinh – An-nam (Dictionarium Latino-Anamiticum):

          Đây là cuốn Tự vị thứ hai, cũng trên nền tảng của cuốn Tự vị năm 1772. Tự vựng được sử dụng theo mẫu tự La tinh và phần dịch nghĩa tiếng “An-nam” chỉ trình bày bằng chữ Quốc ngữ (theo mẫu tự la tinh).

          Đặc biệt, trong cuốn Tự vị này, phần đầu, ngoài phần dẫn nhập, có thêm tư liệu “Bổn tiếng La tinh” (một khóa trình tổng lược về “văn phạm tiếng La tinh”). Nơi phần cuối cuốn Tự điển có hai Phụ lục: Phụ lục một: Tổng hợp các từ thông dụng theo 4 cột tiếng song song: Anh, Pháp, La tinh và Quốc ngữ. Riêng phần Phụ lục hai: Đính kèm tác phẩm Inê Tử đạo vãn cũng được in thành 4 thứ tiếng với 4 cột song song: Anh, Pháp, La tinh và Quốc ngữ[23].

TỰ ĐIỂN LATINO-ANAMITICUM CỦA TABERD 1838

(CUỐN II)

          Về tác phẩm “Inê tử đạo vãn”, chúng ta sẽ bàn kỷ hơn trong Phần III. Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến những chi tiết về nhân vật Anê Huỳnh Thị Thanh được tác phẩm “Inê tử đạo vãn” trình bày.

2.2. “Inê tử đạo vãn” và nhân vật “Anê Huỳnh Thị Thanh”:

          Chính trong những khổ thơ đầu tiên (từ câu 5-24) của Bài Vãn 561 câu này đã cho chúng ta những chứng từ cụ thể về gốc gác, lai lịch, gia đình (Curriculum vitae) của vị nữ nhân tử đạo Anê Huỳnh Thị Thanh:

Có người đức hạnh danh Lam,

Dòng truyền giữ đạo nước nam nên tài,

Ca rô lô hiệu là người.

Diên ninh ấy phủ, nhà nơi Lâm Tuyền.

Vợ hiệu Sa ve là tên,

Giai lão kết nguyền, đạo đức kính tin.

Sinh đặng mười hai con hiền,

Bảy trai, năm gái, đã nên phước nhà!

Trọn bề trung hiếu thảo hòa.

Lo ren thứ nhứt thật là trưởng nam,

Phú dâng cho Chúa mặc làm.

Học hành thông suốt, chức đang nên thầy;

Vào ra xem sóc nước nầy,

Lòng cha mừng phỉ lo tây chẳng hề.

Gái thì đặng một I nê,

Là con thứ tám trọn bề thảo ngay,

Vốn hiền từ bé nhẫn nay.

Nết na khiêm nhượng tính hay nhơn từ.

Tuổi vừa mười sáu thu dư,

Sa ve Chúa rước mẫu từ lìa con.[24]

          Qua những dòng trên, chúng ta có thể tóm tắt những điểm đáng lưu ý trong “sơ yếu lý lịch” của chị Anê Huỳnh Thị Thanh:

– Cha mẹ của chị Anê: Cha: ông Carôlô Huỳnh Lam; mẹ: bà Isave. Gia đình Công giáo đạo đức, có tiếng tăm…

– Sinh quán của chị: Tại Lâm Tuyền (Chợ Mới) thuộc phủ Diên Ninh (Khánh Hòa).

– Gia đình chị có tất cả 12 anh chị em gồm 7 trai 5 gái.

– Anh trai đầu của chị là cha Laurent Huỳnh Lâu, một linh mục thông thái.

– Chị Anê là người con thứ 8 trong gia đình, đạo đức nết na.

– Năm chị lên 16 tuổi thì mồ côi mẹ…

          Trong những đoạn sau thì ta được biết thêm gia đạo của chị Anê:

– Năm 19 tuổi, vâng lời cha, chị lập gia đình với người chồng tên thánh Máccô.

– Anh chị sinh được hai đứa con trai: tên thánh là Nabê (Banabê) và Phaolô.

– Năm chị 28 tuổi thì người cha cũng từ trần.

– Ông Carôlô Lam từ trần ở Đồng Nai (vì thời gian đó, gia đình ông cố Lam vào Đồng Nai, vùng đất mới đã được chúa Nguyễn tiếp thu từ nước Chân Lạp, để canh tác)[25] và được cha Laurent Lâu đem về Nha Trang (Diên Ninh) an táng[26]

– Năm 1700 chị bị bắt, giam đói trong ngục thất Nha Ru, tuyên xưng đức tin và chịu chết.

2.3. Chứng từ lịch sử về chị Anê (của các thừa sai):

          Trong tác phẩm “Văn học Công giáo Việt Nam đương đại”, nhà nghiên cứu Bùi Công Thuấn cho rằng các nhân vật trong “Inê tử đạo vãn” chỉ là những “nhân vật hư cấu theo loại hình “tiểu thuyết”[27]. Trái với nhận định trên, bằng nhiều chứng từ hùng hồn, rõ ràng, xuyên suốt của các thừa sai đương thời, chúng ta phải khẳng định rằng: Các nhân vật (Ông Carôlô Lam, bà Anê, cha Laurent, anh của Anê …) được kể trong “Inê tử đạo vãn” đích thị là những nhân vật có thực, nhân vật lịch sử của Giáo Hội Việt Nam thời bách hại vào thế kỷ 17-18. Chúng ta cũng đừng quên rằng: loại hình thơ “Vãn” không bao giờ là để vinh danh, tán thán hay thương tiếc một nhân vật “hư cấu”, “giả tưởng”…, mà chủ yếu là để nhắm đến một nhân vật, một vị thánh, một người thân yêu có thật đã khuất; riêng trong loại “Vãn Công Giáo”, Giáo sư Nguyễn Văn Trung nhận xét:

“Đa số vãn tuồng đạo dùng để ca ngợi Thiên Chúa, Đức Mẹ, các Thánh… chứ không xưng tụng những người còn sống, đương quyền (kể cả hàng giáo phẩm. (…). Đặc biệt, đề cao những người vì trung thành với Thiên Chúa mà phải đón nhận những khổ đau, kể cả việc hy sinh tính mạng, như trường hợp bà I-nê trả lời quan:

“Tôi xin chịu chết chẳng nề,

Trả công ơn Chúa, công kia ngãi này”[28].

          Sau đây là những chứng từ lịch sử của các thừa sai đương thời để chứng minh sự trùng khớp minh nhiên này:

2.3.1. Tường thuật của 2 thừa sai Gouge và Braud: Một gia đình thuộc diện “di dân” từ Nha Trang đến Đồng Nai:

“Sau đây là hoàn cảnh bà Anê và những người thân khác của Cha Laurent, người mà như Cha (Cha Gouge) biết, đã học tại trường trung học ở Xiêm, bị bắt vì đạo thánh chúng ta: Nha Trang là nơi sinh quán của dòng tộc, tổ tiên họ; nhưng kể từ khi nhà vua Đàng Trong đánh chiếm vương quốc Champa, thì phần lớn thần dân của ông ta di chuyển đến các trấn của vương quốc nhỏ bé ấy. Bố của Cha Laurent, cùng với chỉ một phần gia đình ông, đã đi sâu vào tận Đồng Nai, giáp giới với Cao Miên; ở đấy, cụ già tốt lành và hòa hiếu ấy, từ khoảng 20 năm nay, chăm lo việc canh tác một vùng đất do cụ vỡ hoang. Thế nhưng, khi mới nổ ra cuộc bách hại lần này, Cha Laurent đã về ở đó và ẩn náu một thời gian; nhưng thời gian đó, hoặc ít tháng sau, bố của ngài ngã bệnh và qua đời. Cha Laurent đưa thi hài cụ xuống thuyền để chuyển về chôn cất trong khu mộ các tổ tiên của ngài ở Nha Trang”[29].

2.3.2. Thư của thừa sai Gouge gởi cho thừa sai Braud: về “vụ đám tang của ông Carôlô và uy tín của cha Laurent” khiến ngài được tự do sau khi bị xét xử:

            “Cha Laurent, mà trước đây có tên là Ma-nuy-en hồi còn học tại trường trung học ở Xiêm, đến từ biên giới Cao Miên, nơi mà ngài đưa thi hài của bố ngài về Nha Trang, sinh quán của ngài, để chôn cất. Khi ngài cùng với các anh em chị của mình, và một thanh niên mang dòng máu hoàng tộc, nhưng hơi phóng khoáng, đi thuyền vào, họ đã tranh cãi với mấy người thu thuế về một vài số thuế mà họ không muốn nộp. Do tụ tập và có hơi ngà ngà, một người trong đám thu thuế vô tình đặt chân lên chiếc quan tài, vị linh mục, còn táo bạo hơn mức cần thiết, cho đóng gông người ấy và đưa đến Nha-ru. Kết quả dẫn đến một vụ án khiến người ta phát hiện có việc liên quan đến các Kitô hữu khiến họ bị bắt, trừ Cha  Lô-răng đã trả tiền bảo lãnh để được tự do” (Cha Estréchy, V.K.H.T.G.H.N., tập 725, tr. 62).

            “Cha Laurent thoạt đầu cũng bị đóng gông và bị tra hỏi; nhưng bởi vì ngài tự xưng là nhân viên của quan lưu thủ Dinh Cát, vốn là người yêu mến ngài và đạo và đã cấp cho ngài một giấy chứng nhận có đóng triện của ông ta, để người ta công nhận ngài với tư cách ấy trong các chuyến đi của ngài, các quan lớn tại Nha-ru rõ ràng là đã xem ngài như một quan viên của Dinh Cát, đến mức ngài đã đút lót cho họ để được tự do đi lại, và động viên các Kitô hữu bị gam cầm và bị kết án bỏ đói cho đến chết, và nhất là người em gái của ngài.” (Thư Cha  Ausiès gửi BGĐ……, ngày 1 tháng 7 năm 1704. V.K.H.T.G.H.H., tập 738, tr. 653)[30].

2.3.3. Thư của thừa sai Courtaulin gởi cho Đức cha Lambert: Về việc “Ông Carôlô Huỳnh Lam: vị ân nhân giúp xây dựng cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Lâm Tuyền (Chợ Mới):

            “Tuy nhiên, ơn Chúa đã dần dần đánh động đến tâm hồn ông Carôlô ở Lâm tuyền, nên ông nói với Cha Bouchard là ông quyết định đóng góp của cải và công việc của ông để làm nhà cho các trinh nữ. Cha Bouchard báo cho con biết tin ấy, con đã trả lời ngài là nếu ngài làm ngôi nhà ấy mà con chẳng phải tốn kém gì vào đó, thì con sẽ tặng ngài 10 quan tiền không kể 2 quan rưỡi mà Ben Tang đã cho để làm việc ấy; và ngay cả phải cho nguyên một thỏi bạc đi nữa, miễn là ngôi nhà phải có bốn căn và hai chái, thì con cũng sẵn lòng.”[31].

2.3.4. Thư của thừa sai Forrget gởi Đức cha Laneau (1692): Nhà của cha mẹ chị Anê, cha Laurent là nơi tập trung của giáo dân trong vùng thời bách hại:

            Dinh Nha-ru (Ninh Hòa) có một nhà thờ lớn và chín nhà chung trong dinh; hiện chỉ còn một nhà mà Cha Féret đến ở khoảng ba tháng nay; có khoảng 20 người xưng tội và 10 hoặc 12 người rước Lễ, số còn lại đã bỏ hẳn. Nhà thờ của dinh, tại Nha-ru cũng đã được tháo dỡ; nhưng nhiều Kitô hữu vẫn tập họp tại nhà ông Sach, cũng như tại nhà Cha Manuel (Laurent)[32].

2.3.5. Hồi ký của thừa sai Labbé: về “Người anh cả trong gia đình của chị Anê Thanh” là Linh mục Laurent Huỳnh Lâu (Manuel)[33]: Một linh mục xuất chúng trong bốn linh mục của Đàng Trong do Đức cha Laneau phong chức tại Thái Lan[34]:

            “Ngày lễ thánh Gioan Tẩy Giả, tôi cho tập họp tất cả các trùm họ trong số các Kitô hữu tại địa phương, để công bố cho họ biết Đức Cha đã rất hài lòng khi thấy họ nôn nao xin cho có được một linh mục ở lại luôn với họ; vì việc này mà Đức Cha, muốn họ hài lòng vì được ưu tiên hơn các nơi khác, đã chỉ định cho họ Cha Manuel như là một trong các giáo sĩ có khả năng nhất đã được nuôi dạy tai chủng viện Xiêm; do đó Đức Cha hy vọng  bằng sự thẳng thắn và lòng đạo đức mà họ sẽ tiếp đón ngài một cách vui mừng và luôn đối xử với ngài đầy vinh dự và tôn kính dựa vào tính cách và tài năng đặc biệt của ngài. Tất cả những con người tội nghiệp ấy đều hết sức hài lòng và tỏ ra cho thấy vô cùng biết ơn về sự quan mà Đức Cha dành cho phần rỗi của linh hồn họ.

            Ngay trong hôm ấy, Cha Manuel đã cho thấy một điển hình về sự hiểu biết của ngài. Đang khi chúng tôi trò chuyện với các Kitô hữu, thì một ông nhà nho, cho là mình biết hết mọi thứ, bước vào; tôi bảo ông ta để ý đến Cha Manuel và bảo ông ta: “Chỉ có người kia mới gây khó được cho ông thôi, nhưng nếu chuyện đó xảy ra, thì chỉ còn cách phải bật lại người ấy bằng những lý lẽ đúng đắn trước mặt các Kitô hữu, thì sau này người ấy mới không còn dám xuất hiện trước mặt ông nữa.” Sau đó Cha Manuel nói với tôi đôi điều về sự chuyển động trên bầu trời, và những điều về triết học. Vì chúng tôi nói tiếng la-tinh, nên ông nhà nho kia chen vào hỏi tôi là chúng tôi đang nói chuyện gì vậy; tôi trả lời ông ta là chúng tôi đang nói đến những cuộc nhật thực, nguyệt thực, lý do xảy đến những việc như vậy, v.v…, v.v… và ông nhà nho thông thái ấy liền la lên: “Những gì các ngài nói đều không đúng, vì các sách Trung Hoa không nói đến điều gì tương tự.” Tôi cãi lại: “Vị linh mục mà tôi đưa đến cho ông đây không sắp xếp bầu trời theo cách của người Trung Hoa.” Và Cha Manuel tiếp lời, đưa ra nhiều thí dụ hợp lý, đến nỗi ông thầy nho thông thái ấy cứ ngẩn người ra, không biết mình đang ở đâu, nhưng khi phải nói đến kích thước mặt trời và mặt trăng, so với những gì chúng ta đang nhìn thấy về chúng, thì ông đồ nho thông thái càng ngạc nhiện hơn và chẳng còn biết đưa ra lý lẽ gì nữa; bởi vì ông ta cứ tưởng hai vì tinh tú ấy không lớn hơn như chúng ta nhìn thấy; nhưng Cha Manuel đưa ra cho ông nhiều so sánh khiến ông ta buộc phải thú nhận mình đã nhầm, rồi quỳ sụp xuống đất, theo tập quán địa phương, để tỏ lòng tôn kính cả hai chúng tôi: với Cha Manuel, thì như thể là sư phụ của ông ta, còn với tôi để tỏ lòng biết ơn vì đã đưa đến một linh mục quá thông thái như vậy. Kể từ lúc đó, các Kitô hữu chỉ nhìn xem Cha Manuel như là một thủ lĩnh, và còn phân biệt ông thầy nho với ngài như đem một con bồ câu non so với một chú chim đại bàng vậy…”[35].

          Thật tình mà nói: trong bộ lịch sử truyền giáo tại Đàng Trong của sử gia thừa sai linh mục Launay thật hiếm có linh mục bản xứ nào được nhắt đến rất nhiều và cách trân trọng, với nhiều sự kiện, biến cố, bút tích liên quan như linh mục Laurent. Chúng ta sẽ tiếp tục đọc thêm các chứng từ liên quan về ngài trong các sự kiện liên quan đến cuộc tử đạo của người em gái Anê và tác phẩm “Inê tử đạo vãn”.

          Qua các hồi ký, thư tín, báo cáo… của các Giám mục, linh mục… được thừa sai Launay cũng là sử gia của MEP tổng hợp trong tác phẩm Histoire de La Mission de Cochinchine, chúng ta còn gặp nhiều chứng từ về các nhân vật cũng như sự kiện liên quan đến cuộc tử đạo của chị Anê mà thiên trường ca “Inê tử đạo vãn” đã tường thuật!

II. CUỘC TỬ ĐẠO CỦA CHỊ ANÊ HUỲNH THỊ THANH: BÔNG HỒNG TỬ ĐẠO BỊ LÃNG QUÊN

          Trước khi bàn về cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh năm 1700, có lẽ sẽ không là một dư thừa khi chúng ta dành một chút thời gian để nhìn lại bối cảnh tổng quát về những cuộc bách hại tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, đặc biệt, về nguyên nhân và hệ lụy của cuộc bách hại này.

1. Tổng quan về lịch sử bách hại Công giáo tại Việt Nam:

          Chuyên đề về lịch sử bách hại, cấm đạo tại Việt Nam đã được nhiều tác giả đạo đời, đông tây, trong cũng như ngoài Kitô giáo nghiên cứu chuyên sâu và rộng khắp. Ở đây chỉ xin được trích lại những dữ liệu nghiên cứu của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ trong bài viết “Giáo Hội Việt Nam những thời kỳ bị bách hại và những sắc chỉ cấm đạo” (thời Trịnh – Nguyễn) để có một cái nhìn tổng thể; nhất là lịch sử và tiến trình xuất hiện các chỉ dụ cấm đạo tại Việt Nam trong thế kỷ 17-18:

1.1. Trong Nam, dưới thời các chúa Nguyễn (1615-1778): 8 Sắc chỉ

– Chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên, 1615) Sắc chỉ năm 1625.

– Chúa Thượng (Nguyễn Phước Lan, 1635-1648) Sắc chỉ năm 1639 và 1644.

– Chúa Hiền Vương (Nguyễn Phước Tần, 1648-1687) Sắc chỉ năm 1663 và 1665.

– Chúa Ngãi Vương (Nguyễn Phước Trân, 1687-1691) Sắc chỉ năm 1691.

– Chúa Minh Vương (Nguyễn Phước Chu, 1691-1725) Sắc chỉ năm 1700.

– Chúa Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát, 1725-1765) Sắc chỉ năm 1725.

          Cuộc bách hại dữ nhất vào năm 1665 là vì có người vu khống cho rằng: tượng ảnh Thánh Giá là hình ảnh vua Bồ Ðào Nha, do đó người theo đạo tức khắc là con dân của đế quốc Bồ. Chúa Hiền Vương nổi giận trục xuất hết mọi vị Thừa sai và sát hại dân lành, nhất là vào hai tháng giêng và tháng hai năm 1665: lần đầu tiên tung ba thiếu nữ (Gioana, Maria và Luxia) cho voi giầy chà!

1.2. Ngoài Bắc, dưới thời các chúa Trịnh (1627-1786): 17 Sắc chỉ

– Chính Trịnh Tráng (1627-1658): 5 Sắc chỉ: năm 1629 lần đầu tiên tại Bắc Việt và các năm 1632, 1635, 1638, 1643.

– Chúa Trịnh Tạc (1658-1682): 3 Sắc chỉ: năm 1658, 1663, 1669.

– Chúa Trịnh Căn (1682-1709): 1 Sắc chỉ: năm 1696.

– Chúa Trịnh Cương (1709-1729): 4 Sắc chỉ: năm 1709, 1712, 1721, 1722.

– Chúa Trịnh Giang (1729-1740): 1 Sắc chỉ: năm 1736.

– Chúa Trịnh Doanh (1740-1767): 2 Sắc chỉ: năm 1754, 1765.

– Chúa Trịnh Sâm (1767-1782): 1 Sắc chỉ: năm 1773.…[36] (Hết trích).

2. Nguyên nhân bách hại:

          “Bách hại” là câu chuyện dài muôn thuở của Hội Thánh Chúa Kitô như một “định mệnh” gắn liền giữa Hội Thánh và mầu nhiệm Vượt Qua của chính Chúa Kitô, Đấng sáng lập Hội Thánh, như Hiến chế Lumen Gentium khẳng định: “Cội nguồn và sự tăng triển của Giáo Hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Giêsu chịu đóng đinh (x. Ga 19,34), và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên Thập Giá: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32: bản Hy Lạp) (GH 3) (…). “Khi đang lữ hành trên trần gian, khi bước theo lối đường Người đi trong đau thương và bách hại, chúng ta kết hợp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, cùng chịu thương khó với Người để được vinh hiển với Người” (x. Rm 8,17) (GH 7).

          Bản chất hay căn tính Giáo Hội là như thế. Tuy nhiên, khi lữ hành giữa nhân loại, khi hội nhập vào một đất nước, một dân tộc, một nền văn hóa… Giáo Hội luôn phải đương đầu hay đón nhận những thách đố, loại trừ, bách hại… mang những cách thế hay đặc tính riêng, khách quan (do tự người ta) hoặc chủ quan (do tự chính mình); và đó chính là những yếu tố dẫn đến những nguyên do bách hại.

2.1. Thừa sai Sennemand giải trình 3 lý do bách hại cho ĐGH Clêmentê XI:

“Trong số các lý do dẫn đến sự khăng khăng ấy của nhà vua, thì có:

– Lý do thứ nhất là ông ta yêu thích và quý trọng đạo thờ bụt thần, là đạo của tất cả tổ tiên ông ta và cũng là đạo cổ xưa nhất trong vương quốc. Tuy có nhiều sư sãi và chùa chiền trong vương quốc, nhưng vẫn có nhiều nhà sư người Trung Hoa trong cung điện của ông ta; ông ta cho xây nhiều ngôi chùa khác rất lớn và rất đẹp; ông ta rộng tay chi tiêu để mang từ Trung Hoa về những gì đẹp nhất dành cho các bụt thần.

– Lý do thứ hai, đó là ông ta khinh khi đạo của chúng ta qua những gì chúng ta tin, và những gì bị đạo chúng ta cấm đoán:

            – 1o Về việc đạo chúng ta tin một Chúa Ba Ngôi. Đã có lần ông ta vừa cười vừa nói, khi người ta bắt được các Kitô hữu, tại nhà thờ của Cha Pierre, thì các Kitô hữu khóc thương Chúa của họ bằng khóc thương ba người chết, cho nên phải có nhiều dây để trói cả ba người đó lại; ông ta còn nói với một vị quan lớn, từ chối giẫm lên các ảnh tượng, rằng vị quan ấy kính sợ một Thiên Chúa mà quan ấy không nhìn thấy và chẳng bao giờ nhìn thấy, chẳng làm được gì cho quan ấy vì ở quá xa; trong khi đó lại không sợ nhà vua mà quan ấy nhìn thấy, đang nói với ông, và sắp giết chết ông; ông đã từ bỏ đạo của nhà vua và của vương quốc, để đi theo một thứ đạo do các Cố tây tạo ra;

            – 2o Về việc đạo cấm đoán, cụ thể: cấm thờ kính cha mẹ sau khi các ngài qua đời, không được cầu xin với các ngài không được cúng tế cho các ngài, cấm xua trừ ma quỉ và cấm không được có nhiều thê thiếp, trong khi không có một đạo nào khác cấm.

– Lý do thứ ba: ông ta sợ có nhiều Kitô hữu ở nơi đây, những người mà châu Âu đến bắt tay với họ và chiếm lấy vương quốc. Chính ông chú của nhà vua, quan nội tả, chủ mưu gây ra cuộc bách hại, đã gieo điều ấy vào trong đầu nhà vua và, do không xin được nhà vua cho phép giết hết các thừa sai để cùng lúc làm biến mất đạo, đã cho bắt giam các ngài, đóng gông trên cổ, xích cùm vào chân, để làm cho các ngài chết dần chết mòn. Nhưng chính ông ta lại chết do bị xuất huyết não bốn hoặc năm tháng sau khi nổ ra cuộc bách hại, mặc dầu toàn bộ các sư sãi đã hết lời khấn vái.”[37].

2.2. Những lý do theo nhận định của cha Nguyễn hữu Trọng trong tác phẩm “Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam”:

            “Sau khi vạch mặt kẻ xúi giục chính là ma quỷ, vốn ghen tị với việc mở rộng triều đại của Thiên Chúa, họ đưa ra những lý do đơn giản: người giáo hữu gây ra hạn hán hay lũ lụt. Phần lớn các lý do này đến từ những người cảm thấy mình bị thietj thòi trước đạo lý mới: nhà sư thấy chùa vắng vẻ, cung phi bị đe dọa sa thải, thái giám bị mất việc làm, kẻ xấu nết thấy nạn nhân thoát khỏi tay mình. Có những lý do khác đến từ sự bất cẩn của giáo hữu, họ đã khiêu khích người ngoại giáo, đập phá các tượng thần của những người này. Nhưng lý do thông thường nhất đưa đến sự thù nghịch của các chúa ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài đối với các nhà truyền giáo và người giáo hữu, đó là họ bị thua trận trong cuộc chiến chống lại nhau, hoặc họ bị thất vọng vì người Bồ Đào Nha không trợ giúp như họ mong đợi, qua trung gian các nhà truyền giáo.

            Có lẽ tất cả những lý do này giải thích tại sao vào thời kỳ này các cuộc bách hại còn nhẹ tay và số người tử đạo còn ít so với các cuộc bách hại ở thé kỷ 19, vốn rất tàn bạo và phổ biến vì có thêm lý do chính trị”[38].

2.3. Một số các nguyên do khác:

          Chúng ta có thể điểm thêm một vài lý do khác:

– Một cách khẳng định quyền uy của các triều đại phong kiến: Muốn tất cả phải răm rắp tùng phục như một “uy quyền tối thượng” (Thiên tử).

– Một tư duy hẹp hòi từ sự kém hiểu biết và tinh thần bất bao dung: Não trạng “triết lý Khỗng Nho” là ưu việt, Phật giáo là chân chính số một[39]…, không còn tôn giáo nào, tín ngưỡng nào, văn hóa nào sánh bằng…

– Một chọn lựa “bắt chước” cách hành xử của các triều đại phong kiến Tàu[40] và Nhật: các thông tin về sự bách hại từ hai đất nước này đã ảnh hưởng không nhỏ trên cách hành xử của các vua chúa thời Lê-Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn…

– Một tâm lý sợ hãi và mê tín dị đoan trước những xúi xiểm, xu nịnh của các bề tôi dốt nát, hẹp hòi, đố kỵ, cố chấp…[41].

– Một nền thần học, giáo lý còn cứng nhắc, chưa hội nhập văn hóa, nhất là trong lãnh vực “văn hóa Á Đông” (Đặc biệt, với nghi lễ thờ kính tổ tiên, hay với những “phạm húy” trong từ ngữ kinh sách…)[42].

          Về cuộc bách hại năm 1698 và 1700 thời chúa Nguyễn Phúc Chu, xin xem thêm “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian”[43].

3. Cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh: Bông hồng tử đạo bị lãng quên:

3.1. Chứng từ về cuộc tử đạo của chị Anê qua thi phẩm “Inê tử đạo vãn”:

          Đây chính là nội dung cốt lõi của khúc vãn trường thi “Inê tử đạo vãn”. Chúng ta cần đọc lại một vài trích đoạn trọng tâm nhất liên quan đến cuộc tử đạo của chị Anê Thanh:

3.1.1. Từ câu 143-160: Cuộc tra khảo của quan và niềm tin bất khuất của chị Anê:

Bay mà bỏ đạo Chúa trời,

Trở về đạo Phật, giày nơi ảnh này,

Thì tao thứ tội cho bay;

Chẳng thì tao giết bổ thây oan mình.

Nước nầy Chúa thánh thần minh.

Nào ai giữ đạo thiên sinh bao giờ,

Chúa trời bay thật đạo vơ,

Bỏ đi tao đặng thứ tha dong tình

Chẳng thì tao giết bổ mình.

Phước đâu chẳng thấy, tội tình nhuốc nha.

Inê đặt gối trình qua :

Chúng tôi giữ đạo Chúa cha nhân từ,

Thật đàng công chính chẳng tư

Tôi đâu dám bỏ công phu ngãi người.

Mặc ông tha giết hai lời ;

Tôi thà chịu chết, cõi trời nên công.

Giết tha thì mặc lượng ông,

Kim thạch là lòng chẳng chậy mỗ phân…

3.1.2. Từ câu 173-194: Cha Laurent nghe tin em gái bị án tử muốn “đồng tử cùng em” nhưng chị Anê khuyên cha hãy sống để chăm sóc cho đoàn chiên:

Nầy đoạn Loren về sau.

Nghe tin em đã chịu âu tử hình,

Viếng em an ủi tâm tình,

Mới toan liều mình chịu với cùng em.

Đồng sinh đồng tử cho êm!

Tôi xin trọn ngãi Chúa thêm sức cùng.

Anh em dốc chí một lòng.

Sinh tử đạo đồng em hỡi Inê!

Từ rày ta một đặng về,

Anh sao em vậy chớ hề tới lui.

Inê lòng lại ngùi ngùi,

Khuyên cha, cha hãy nghe tôi kẻo lầm,

Nước nầy đạo Chúa ngăn cầm,

Ngày sau giáo hữu mê tâm nguôi lòng,

Cha mà toan chịu tử đồng,

Ắt là bổn đạo lạt lòng ngãi nhơn,

Chẳng bằng ở lại thì hơn,

Giữ gìn xem sóc mọi nơi linh hồn;

Trước là dạy dỗ cháu con,

Anh em thơ dại thì còn có cha:

Cho nên ý Chúa nhiệm xa,

Dong thầy chẳng bắt, sao cha chẳng bàn?…

3.1.3. Từ câu 245-260: Cùng với bức thư của “Đức thầy” (Đức cha Pérez)[44] khuyên “ở lại chăm sóc mục vụ cho bổn đạo”, cha Laurent chấp nhận những lời van xin của em gái:

Inê thưa thốt chường lời:

Xin cha nghe lịnh Đức thầy bề trên.

Nầy lời bổn đạo lại khuyên.

“Cha chớ xa miền bỏ chúng mồ côi,

Xin cha ở lại cùng tôi,

Cầu xin Chúa để cha tôi lại cùng.”

Inê can gián hết lòng.

Thương em cha thác uổng công chăng là,

Ấy lời thế luận gần xa;

Em quì trăm lạy xin cha nhậm lời.

Loren lòng động ngùi ngùi,

Thảm thương mọi nỗi em ôi anh về.

Anh giã Duminh Inê,

Rày em ở lại, anh về cho an,

Đêm ngày cầu nguyện dưới bàn,

Xin hai em đặng làm quan cõi trời…

3.1.4. Từ câu 340-363: Chị Anê bị tra khảo lần hai và kiên vững tuyên xưng đức tin, sẵn sàng bị giam vào ngục và bỏ đói cho chết:

Bay mà bỏ đạo Chúa trời,

Trở về đạo Phật đạp nơi hình nầy,

Thì tao thứ tội dong bay, 

Chẳng thì tao giết bổ thây oan mình.

Inê thưa thốt phân minh :

Đạo này thờ Chúa thiên sinh tạo đời,

Có công sinh đất dựng trời,

Tạo thành nhơn vật, mọi nơi thế nầy.

Chúng ta phải giữ đạo ngay.

Phật người thiên trước cõi tây chẳng thờ.

Ảnh nầy hình Chúa tôi xưa,

Khi nào thờ phượng bây giờ đạp đi;

Tôi xin chịu chết chẳng nề,

Trả công ơn Chúa công kia ngãi nầy,

Ơn ông lượng rộng xét suy,

Đỗi nào tôi chịu, làm chi nữa là.

Quan trên trấn thủ truyền ra,

Ông nghè mới dạy chớ tha loài nầy.

Bắt vào cầm ngục chớ chây,

Cấm cho ăn uống, truyền vây giữ gìn.

Đứa nào nhịn đói chẳng đang.

Đam [đem] ra phạm ảnh xử xong cho về.

Đứa nào lòng cứng chẳng nghe,

Thì cầm cho chết bỏ thây ra ngoài.

3.1.5. Từ câu 510-524: Chị Anê qua đời và cha Laurent cùng giáo dân rước xác chị:

Tứ tuần lục nhựt đến kỳ,

Duminh còn khỏe Inê gây mòn,

Gượng mà kêu Chúa hơi don,

Mượn em kêu giúp kẻo non hơi rày,

Làm thinh thôi mới chắp tay,

Để qua trên ngực Chúa rày rước đi.

Giữa ngày bảo lụt đang thì,

Bỗng liền tạnh nắng tư vi như tờ.

Tin cho dòng họ thân sơ,

Ai ai đều đến táng đưa xác người,

Hay tin bổn đạo tới nơi.

Loren đi trước các người đi sau,

Xin quân mở cữa cho mau,

Quân quan xem thấy mọi nơi chói lòa,

Tức thì đam [đem] xác người ra,…

3.1.6. Từ câu 540-561: Cha Laurent cảm tạ hồng ân tử đạo của em gái và sáng tác bài vãn để nêu gương nhân đức rạng ngời của em cho dòng tộc cũng như cho toàn thể Dân Chúa:

Linh hồn tới chốn lưu li,

Thanh nhàn tự tại oai nghi rỡ ràng.

Công danh ghi tạc bia vàng,

Trong đời có một nên gương trong trời.

Chép làm một bổn để đời,

Truyền cho thiên hạ người người học theo.

Thấy thì hầu đả cheo leo,

Đội ơn Chúa cả giúp nghèo cho an.

Chẳng qua thiên vận tuần hoàn,

Bỉ thôi lại thới, vui hơn khắp nhà.

Cầu xin cùng Chúa giúp ta,

Giữ gìn mười giái kẻo sa địa hình,

Hạnh nầy thì đã phân minh,

Xem cho tường tận dâng kinh nguyện cầu.

Phép trong lẽ đạo nhiệm mầu,

Ai mà học đặng mới hầu thơm danh.

Bia vàng tạc chữ chí linh,

Để truyền sách ấy nối dòng đời sau,

Inê là hiệu làm đầu.

Hiền kia thánh nọ xem làu bổn căn,

Giáo nhơn học lấy làm lòng,

Giữ trong mười giái thì thông lẽ mầu.

3.2. Những chứng từ của các thừa sai về cuộc tử đạo của chị Anê:

          Nếu chỉ dừng lại nơi các chứng từ của cha Laurent Huỳnh Lâu viết về cuộc tử đạo của em mình là Anê Huỳnh Thị Thanh thì độc giả thời nay có thể cho là mang tính “chủ quan”. Tuy nhiên, những gì được ghi trong “Inê tử đạo vãn” lại hoàn toàn trùng khớp với các chứng từ của các thừa sai đương thời.

          Và sau đây là các chứng từ của các thừa sai về cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh:

3.2.1. Chứng từ của thừa sai Forget trong thư gởi Đức cha Laneau cuộc bách hại tại Ninh Hòa – Nha Trang trong khoảng thời gian 1691-1700:

“Người ta không hề bách hại tại Nha-ru (Ninh Hòa); nhưng người ta bắt đầu bách hại rất nhiều ở Nha Trang; và nếu quan lưu thủ không đến để kết thúc việc ấy, thì con không biết điều gì sẽ xảy ra; đã có rất đông những người chối đạo và giao nộp tượng ảnh cùng các tràng hạt của họ; tuy nhiên đã có một người hai lần chịu đau khổ một cách quả cảm, và chứng tỏ rất sẵn sàng chịu đau khổ cho đến chết; nhưng các Kitô hữu kiên cường như thế, như lời ngôn sứ đã nói, “như những quả ô-liu còn sót lại trên cây sau khi cây đã bị đánh đi đánh lại nhiều lần”[45].

3.2.2. Chứng từ của thừa sai De Sennemand gởi cho Ban Giám đốc chủng viện thừa sai: về cuộc “Bách hại tại Đàng Trong năm 1700”[46]:

“Cuộc bách hại này khởi đầu ngày 13.03.1700. Trước tiên, nhà vua sai lính đi khắp vương quốc để bắt tất cả các cha. Các cha tại kinh đô lúc đó là năm người: ba cha dòng Tên là cha Antoine Arnedo, cha Joseph Candone, cha Pierre Belmonte, và hai cha của chúng tôi là cha Langlois và cha De Cappony (Tức linh mục Hội Thừa Sai Paris). Họ là những người bị bắt đầu tiên.

Tiếp theo đó người ta đến Hội An, là nơi nằm giữa vương quốc. Tại đây, người ta bắt giữ cha Nicolas de Fonseca, linh mục triều giáo phận Macao và là đại diện phân nhiệm (Vicaire de Vara), cha Mauro người Đàng Trong và tôi (Pierre de Sennemand). Chúng tôi bị dẫn về triều đình với các người khác.

Sau đó, người ta tới Nha Ru nằm phía cuối cùng vương quốc. và người ta bắt cha Féret, cha D’Estréchy, và theo lời vài người kể lại, thầy Charles Gouge từ Xiêm la sang để chịu chức thánh.

Rồi người ta vào Đồng Nai là miền tận cùng của vương quốc, người ta bắt cha Pirès dòng Tên. Cha này và các cha khác tại Nha Ru không hề bị dẫn đi nơi nào cả.

Đức cha (Pérez), cha Forget, cha Ausiès, cha Laurent người Đàng Trong, và cha Christophe (Cordeiro) dòng Tên, thì không hề thấy xuất hiện. (…).

Còn về những nguyên nhân cuộc bắt đạo này, chúng tôi chẳng biết gì chắc chắn. Chúng tôi biết rõ rằng các sư sãi thường xuyên ca thán với nhà vua rằng chùa chiền của họ gần như bị bỏ hoang. Chúng tôi còn biết rõ rằng nhiều quan lại cũng hay kể cho nhà vua chuyện Nhật Bản (cấm đạo). Chúng tôi còn biết rõ rằng nhà vua này là người rất sùng đạo Phật. Nhưng để biết đúng nguyên nhân cuộc bách hại thì chúng tôi chưa biết chút nào”[47].

3.2.3. Chứng từ của thừa sai Estréchy về các vị tử đạo tại Đàng Trong do cuộc bách hại năm 1700:

“Sau đây là danh sách những người đã chịu đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô trong vương quốc này, vào năm 1700, đầu thế kỷ thứ 18. Tất cả họ là người Đàng Trong: 15 người đàn ông và 3 người đàn bà đều đã chết vì bị bỏ đói.

An-tôn Ki, Vinh-sơn Luc, Ta-đê-ô Vou, Phaolô Lo…. Lô-răng HOANH, 32 tuổi; An-tôn AN, 69 tuổi; Anê THANH, em gái của Cha  Laurent; I-nha-xi-ô Lu, Agata Cu, Phê-rô Tam… Phao-lô KIEN, chưởng cơ 5 cơ đội lính; Mi-ca-e VAN, lính, dòng dõi quý tộc, 30 tuổi; Bê-na-đô GAN, lính; An-rê BÉ, thiếu niên cắt cỏ cho voi… Gioan HUONG, em trai Cha Ma-nuy-en, vừa qua đời năm ngoái; Gioan BÉ và một phụ nữ con không biết tên; THAY, quan viên, chết rũ tù…”[48].

3.2.4. Chứng từ của thừa sai Gouge trong thư gởi thừa sai Braud: về việc chị Anê bị bắt cùng với một số linh mục thừa sai và giáo dân vào ngày 8.12.1700 tại Nha Trang:

“Buổi tối ngày 8, mọi sự đã sẵn sàng, người ta thông báo với chúng con là sáng mai đến tìm chúng con tại nhà những người giám sát chúng con, vì thế chúng con phải cẩn thận để không bỏ lỡ. Người ta đưa chúng con đi, gông đóng trên cổ, các viên cai đội đi đằng trước chúng con, và bốn chúng con theo sau họ. Dọc đường có thêm một người em trai và một người em gái của Cha Laurent, cùng một cậu trai trẻ có họ hàng với ngài, cũng đã từng là học trò của ngài, thế là chúng con tăng lên bảy người. Mỗi một chúng con có một người lính đi kèm, một tay nắm lấy đầu chiếc gông, một tay nắm chuôi gươm còn để nguyên trong vỏ. Cứ vậy mà người ta đưa chúng con đến trình diện đại quan Thouang, sau đó người ta cho chúng con ngồi xuống đất, dịch sang bên một chút, trong lúc người ta giải quyết một vài vụ việc khác. Tiếp đến người ta lần lượt gọi tên từng người, và đọc bản án nhà vua ban hành, ra lệnh cho các Kitô hữu nào không chịu giẫm đạp các ảnh tượng, đều bị đưa vào một nơi đã được chỉ định, để bị giam đói cho đến chết cùng với các linh mục. Một người viết mướn đến chỗ chúng con để truyền đạt cho chúng con bản án ấy bằng cách nhắc lại từng lời và từng mức phạt cụ thể”[49].

3.2.5. Chứng từ của thừa sai De Sennemand trong thư gởi các Giám mục đại diện Tông tòa: về cuộc làm chứng oai hùng của chị Anê Huỳnh Thị Thanh:

“Con sẽ kể lại với quý Đức Cha một vài tình tiết đặc biệt trong câu chuyện về bà Anê, em gái của Cha Laurent. Người phụ nữ trẻ trạc 30 tuổi ấy có hai đứa con: một 7 tuổi và một khác 10 tuổi, chị ấy đang ở nhà một mình với hai con. Khi chị bị bắt, chồng chị đang có việc phải đi xa. Hai người con thấy mẹ bị bắt thì cứ đi theo mẹ khắp nơi, việc này khiến chị bối rối hơn cả lo cho bản thân và không biết phải làm sao. Cuối cùng, sau khi đến nhà tù, chị quyết định cho chúng tiền để ra chợ mua trái cây, và trong lúc đó, chị đi vào nhà tù. Hai đứa trẻ, sau khi ra chợ và sử dụng hết số tiền mẹ cho, liền quay về tìm mẹ ở chỗ chúng đã rời đi, và không tìm thấy nên chúng bắt đầu khóc la khiến mọi người thương cảm, và đánh động đến lòng dạ của chính những người lính, cho đến khi những người họ hàng với hai đứa trẻ, sau khi được thông báo, đến tìm và dắt chúng ra Kinh thành.

Mấy hôm sau, người chồng trên đường trở về, lòng đau như cắt và không thể chịu đựng hơn được nữa, nên cùng hai con đi gặp vợ; anh vừa nói chuyện vừa khóc nấc lên, đồng thời chỉ cho vợ thấy hai đứa con. Vợ anh, nhẫn nại chờ cho chồng nói hết, mới trả lời một cách quả cảm: “Chồng em ơi, em xin anh thôi đừng phiền não nữa. Anh hỏi em tại sao em lại ở đây. Vâng! đó chỉ là nhờ ơn Chúa mà thôi, và là hạnh phúc lớn nhất, vinh dự cao cả nhất có thể xảy đến cho em, cho anh và cho các con nữa. Vậy sao anh lại run sợ? Em xin anh một lần nữa hãy ngừng khóc lóc và chỉ chăm lo cho hai con của chúng ta mà thôi, nuôi dạy chúng biết kính sợ Chúa, tin rằng em sẽ nhớ đến anh và các con trên thiên đàng, nơi mà em hy vọng sớm nhận được triều thiên tử vì đạo.” Câu trả lời hết sức lạ lùng ấy đã an ủi và khích lệ người chồng rất nhiều, đến nỗi anh không còn buồn sầu và làm cho vợ đổi ý nữa, anh còn động viên chị hơn nữa, bằng cách nói với chị là vì chị đã đến đấy rồi, và anh đã thấy chi rất quyết tâm và hoàn toàn phó thác vào Chúa, nên ngày nào anh cũng sẽ cầu nguyện để chị bền vững đến cùng, còn anh thì lo chăm sóc các con và không nói năng gì thêm nữa, vì sợ làm chị đau lòng hoặc sao nhãng việc cầu nguyện và nói chuyện với Chúa.”[50].

3.2.6. Chứng từ của thừa sai Gouge trong thư gởi thừa sai Braud: về việc chị Anê có lòng thương xót với những kẻ làm khổ mình trong ngục và sự tự hào của cha Laurent về nhân đức anh hùng của em gái:

“Bà đã xin Cha Laurent, anh bà, đem một nghìn đồng đến cho mấy người lính đã canh gác bà đang lúc bà bị đeo gông, và khi trao cho tiền cho mấy người lính, Cha Laurent nói lại là do bà bảo, nên tất cả họ gần như muốn khóc. Bà đã sống suốt cuộc đời mình rất đạo đức; Cha Laurent và bà rất thương yêu nhau. Người ta không so ví được niềm vui của Cha Laurent về cái chết hết sức vinh quang của người em gái vô cùng thánh thiện của ngài.” (Cha Estréchy, V.K.H.T.G.H.N., tập 725, tr. 66)[51].

3.2.7. Chứng từ của thừa sai Gouge trong thư gởi thừa sai Braud: về việc chị Anê kết thúc của lễ hy sinh vào sáng ngày lễ Chúa Giáng Sinh (25.12.1700) và cuộc an táng chị sau đó:

Ngày 25, ngày sinh nhật Đấng Cứu Độ, vào lúc 4 giờ sáng, bà Anê, còn gọi là bà Bouy, người em thân yêu của Cha Laurent, hoàn thành hy tế của mình và bay lên với Thầy chí thánh, mà thánh danh dịu dàng của Người được bà thốt lên cho đến hơi thở cuối cùng.”[52].

Phần thi hài bà Anê Bouy, Cha Laurent, anh, vì không có nhà ở đây, nên bà Mien đã nói hoặc xin ngài cho đưa về nhà bà; (…). Khi một loạt sự những cố như thế trôi qua, Cha Laurent bỏ nơi đây để đi đến Phú Yên hoặc Quảng Nghĩa tìm Đức Cha Bugie và Cha Ausiès. Thân nhân của bà Anê đã đưa thi hài của bà về Nha Trang, ở đấy họ canh giữ thi hài bà và chờ vị thừa sai trở lại.”[53].

3.2.8. Chứng từ được thừa sai L.E. Louvet lược tóm trong tác phẩm: Cochinhine Religieuse:

“Ngoại trừ các binh lính bị chém đầu, tất cả các vị tử đạo trong thời kỳ này đều phải chịu đựng cực hình kinh khiếp với tất cả sự ghê rợn của nó. Nhưng, giữa những người tử đạo anh hùng của giáo đoàn Đàng Trong, không ai để lại một kỷ niệm sống động cho bằng một phụ nữ tên là Anê, người đã dũng cảm chịu đựng thử thách này cùng với một số thân nhân của bà.

Một nhà thơ Công giáo đã viết về những đau khổ của bà bằng những vần thơ rất đẹp; và cho đến ngày nay, câu chuyện cảm động về cái chết của chị Anê và các bạn đồng hành của bà vẫn được đọc lên trong các trường học, hoặc hát vào buổi tối trong những buổi họp mặt gia đình.

Anê là em gái của cha Laurent, vị linh mục bản xứ mà tôi đã nhắc đến ở trên. Bị bắt cùng với linh mục này, có một người anh khác của bà tên thánh Đa Minh, và một người anh em họ tên là Anrê, cả bốn người đã bị kết án chết đói vì không chối đạo, và bị giam chặt trong một ngục tối cùng với các thừa sai Gouges và Destréchy, những người đồng nghiệp của chúng tôi, cũng bị quan tòa kết án cùng một hình phạt.”[54].

          Khi đối chiếu những chứng từ “rõ như ban ngày” trên của các thừa sai đương thời với những gì được cha Laurent diễn đạt lại bằng lời thơ “vãn”, chúng ta hoàn toàn được thuyết phục để xác tín rằng: “Inê tử đạo vãn” chính là thiên trường ca của người anh dành cho em gái vì cuộc tử đạo anh hùng của người em thân yêu. Và đó lại là nội dung, chủ đích và nét đặc trưng xưa nay của thể loại thơ “vãn”, một loại hình thơ cổ dùng để cảm thương, tán thán, trân trọng dành cho một người thân lìa thế. Cha Laurent cảm khái về em gái Anê Thanh tử đạo với “Inê tử đạo vãn” hay Ngọc Hân công chúa buồn thương tiếc xót phu quân Quang Trung Nguyễn Huệ ra đi với “Ai tư vãn” đều có chung một phong cách, một nội dung, một chủ đích!

          Thật ra, tiêu đích quan trọng mà bài khảo luận này nhắm đến không phải để biện minh cho các lập trường liên quan đến vấn đề chị Anê có phải là một Kitô hữu Đàng Trong chịu tử đạo năm 1700, là em ruột của cha Laurent không? Chị có phải là một giáo dân tử đạo thật không hay chỉ là một “chuyện hư cấu trong thơ”? Và cha Laurent cũng vậy; là linh mục phục vụ Dân Chúa, tài ba xuất chúng trong chuyên môn kiến thức và đầy nhân ái sâu nặng cảm tình với những người thân… hay chỉ là một nhân vật huyền thoại hư cấu trong văn chương nghệ thuật? Những vấn nạn này đã được giải đáp cách thỏa đáng phần nào với bao nhiêu chứng từ cụ thể, minh bạch và chắc chắn trong kho tàng sử liệu trong và ngoài Giáo Hội như đã nêu.

          Đúng vậy, điều quan trọng nhắm đến chính là làm sống lại một gương mẫu chứng nhân của một “nữ giáo dân anh hùng” mà gần như hơn 300 năm qua vẫn còn bị lớp bụi thời gian phủ lấp, nếu không muốn nói, là một “bông hồng tử đạo bị lãng quên”! Chị Anê Huỳnh Thị Thanh và chứng từ tử đạo của chị phải là một mẫu gương đáng để Giáo Hội Việt Nam trân trọng và thế hệ con cháu hôm nay noi theo bắt chước.

          Cùng với chủ đích mang tính đạo đức và hiếu nghĩa đó, cũng cần phải nêu bậc giá trị văn hóa, văn chương của khúc trường ca “Inê tử đạo vãn” trong hành trình hình thành, xây dựng, củng cố và kiện toàn chữ Quốc ngữ. Và đây chính là nội dung hay vấn đề thứ ba của thiên khảo luận này.

III. INÊ TỬ ĐẠO VÃN: THIÊN TRƯỜNG CA QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN

1. Văn học “Nôm ngữ” và “Quốc ngữ” trong Giáo lý và nền “đạo đức bình dân”:

          Chúng ta vẫn biết, sinh hoạt đức tin của Dân Chúa chủ yếu là được xây dựng và đinh hướng trên nền tảng mạc khải là Thánh Kinh, Thánh Truyền, được ứng dụng, chuyển tải qua Phụng vụ, Giáo lý, Kinh nguyện, các thực hành đạo đức bình dân… Riêng bà con giáo dân Công Giáo Việt Nam rất ưa chuộng việc thực hành đạo đức bình dân (kính Đức Mẹ, Các Thánh, Lần hạt Mân Côi, đọc Hạnh Các Thánh…). Chính vì thế, từ ngoài Bắc đến trong Nam, trong làng “văn hóa đức tin Công giáo”, đã xuất hiện nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ mà mục đích là để chuyển tải, giáo lý, kinh nguyện, các sứ điệp, đề tài thuộc nền “đạo đức bình dân” cho các cộng đoàn giáo dân thực hiện hay để trình bày, giới thiệu nét đẹp và chân giá trị của Kitô giáo cho mọi người chung quanh.

          Trong những “tiếp cận ban đầu” với nền văn hóa, văn học Việt Nam, chắc chắn, các thừa sai đối diện với những thách đố của “Chữ HÁN” hoặc “Chữ Nôm”, một thứ chữ mà người Việt Nam chúng ta đã vận dụng từ chữ Hán để ký âm tiếng Việt; và loại chữ này, cho dù không phổ cập và phổ thông trong toàn xã hội, nhưng đã chiếm một vị trí và vai trò không thể phủ nhận trong nền văn hóa và văn học Việt Nam suốt nhiều thế kỷ cho đến khi được thay thế bởi chữ Quốc ngữ, thứ chữ dựa trên mẫu tự La tinh của người Tây[55].

          Chúng ta có thể tóm tắt vấn đề “Văn học Công giáo” về “Nôm ngữ” và “Quốc ngữ” dưới khía cạnh “tác giả” và “tác phẩm” liên quan đến lịch sử hay công cuộc truyền giáo tại Việt Nam thời thế kỷ 17-18 như sau:

1.1. Tác giả và tác phẩm bằng chữ Nôm trong buổi đầu truyền giáo:

          Thừa sai Dòng Tên MAJORICA (1591-1656) với nhiều tác phẩm, tiêu biểu có: Thiên Chúa Thánh giáo Khải mông;  linh mục LỮ Y ĐOAN (1613-1678) với tác phẩm trường thi diễn ca Kinh Thánh: Sấm Truyền Ca; Thầy giảng GIOAN THANH MINH (1588-1663) với các tác phẩm về Hạnh Các Thánh; Thầy PHANXICÔ (một tu sĩ Phật giáo trở lại Công giáo) với tác phẩm Cảm tạ niệm từ (hay Phục dĩ Chí tôn)[56]

1.2. Tác giả và tác phẩm bằng Quốc ngữ (theo mẫu tự La tinh):

          Việc hình thành chữ Quốc ngữ (theo hệ thống mẫu tự La tinh) là một tiến trình qua nhiều giai đoạn[57]. Chúng ta chỉ dừng lại ở vài cột mốc chính: Thừa sai Dòng Tên ALEXANDRE DE RHODES (1593-1660) cùng với sự hỗ trợ tất yếu của những Kitô hữu Việt Nam ưu tú, năm 1651 đã xuất bản tại Rôma hai tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên: “Tự điển Việt – Bồ – La” và “Phép Giảng Tám ngày”, một kết quả “tập đại thành” từ những đóng góp, thiết dựng của các thừa sai Dòng Tên khác hoạt động tại Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài như: Francesco Buzomi (1576-1647?), Francisco Pina (1585-1625), Christoforo Borri (1583-1632), Girolamo Majorica (1591-1656), Gaspar Luiz (1586-1647), Antonio Fontes (1592-1655), Gaspar d’Amaral (1594-1646), Antonius Barbosa (1594-1647)[58]… Tiếp đến, Đức cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine (1741-1799)  biên soạn cuốn Tự điển Việt- La (Anamitico-Latinum) năm 1772 (chưa kịp xuất bản). Sau đó, Đức cha Taberd (1794-1840) nhuận chính lại công trình của Đức Giám Mục Pigneau de Béhaine (Tự điển Anamitico-Latinum 1772), năm 1838, tại Begale Ấn Độ, đã xuất bản hai cuốn: Tự điển Việt-La (Anamicico-Latinum) và Tự điển La-Việt (Latino-Anamiticum). Đặc biệt, trong cuốn Tự điển La-Việt đã xuất hiện thi phẩm trường ca “Inê Tử đạo vãn” của linh mục Laurent Huỳnh Lâu bằng tiếng Quốc ngữ và 3 thứ tiếng Tây thông dụng: Anh, Pháp, La tinh[59].

2. “Inê Tử đạo vãn”: trường thi quốc ngữ đầu tiên:

2.1. “Inê Tử đạo vãn”: được viết bằng ngôn ngữ nào: “Nôm ngữ” hay “Quốc ngữ”?

          Có một điều chắc chắn không cần bàn cải: cho tới hôm nay, chưa có một dấu vết gì, một chứng tích hay chứng từ nào cho thấy tác phẩm trường thi “Inê Tử đạo vãn” được viết bằng “Nôm ngữ”! Trong khi đó, tác phẩm này lại xuất hiện bằng chữ Quốc ngữ cách đường hoàng, chính thức, trong một tác phẩm Tự điển La tinh – Quốc ngữ (Latino-Anamiticum) thuộc hàng chuẩn mực đầu tiên và sánh vai với ba ngôn ngữ khác: Anh, Pháp, La tinh. Chính vì thế, một lần nữa, chúng ta cần khẳng định một lần dứt khoát: INÊ TỬ ĐẠO VÃN LÀ MỘT TÁC PHẨM TRƯỜNG THI QUỐC NGỮ.

          Sở dĩ nói “một lần nữa, chúng ta cần khẳng định…”, vì thật ra, trong giới nghiên cứu “Văn học Công Giáo”, có một số tác giả khi luận bàn chuyên đề hay đề cập thoáng qua về tác phẩm “Inê Tử đạo vãn” lại cho rằng tác phẩm này là thơ Nôm mà không hề chứng minh luận điểm này được căn cứ vào đâu! Xin đan cử một số tác giả với lập trường như thế: học giả NGUYỄN ĐÌNH KHIÊM[60], linh mục Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC THÔNG[61], nhà nghiên cứu LÊ ĐÌNH BẢNG[62], nhà phê bình văn học BÙI CÔNG THUẤN[63]… Có một “sự thật khá trớ trêu” là những tác giả trên khi cho rằng “Inê Tử đạo vãn” là tác phẩm “thơ Nôm” nhưng hầu hết lại căn cứ trên một “văn bản Quốc ngữ duy nhất” được in trong Tự điển Taberd Latino-Anamiticum 1838!

          Trong khi đó, các nhà nghiên cứu sau đây đã đồng thanh xác nhận : INÊ TỬ ĐẠO VÃN là một tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ thuộc hàng “Thi ca tiên khởi của nền Văn học Quốc ngữ”.

– VÕ LONG TÊ, trong loạt bài nghiên cứu chuyên sâu rất giá trị được viết bằng tiếng Pháp, phổ biến năm 1967 trong Tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương BSEI: “Góp phần nghiên cứu một trong những truyện thơ Công giáo đầu tiên bằng quốc ngữ: Inê Tử đạo vãn”[64].

– NGUYỄN KHẮC XUYÊN: Bài khảo cứu “Chữ quốc ngữ năm 1838”: “Nơi phần II của bài chuyên luận này tác giả đã giới thiệu thi phẩm ‘Inê tử đạo vãn’ và khẳng định về nguồn gốc (bài vãn dựa trên cuộc đời của một nhân vật Việt Nam nhưng được hư cấu thêm), về thời điểm sáng tác (khoảng 1828), in ấn (1838)…”[65].

– LM. ĐỖ QUANG CHÍNH: Trong tác phẩm “Tản mạn lịch sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam” có hai lần nhắc đến cha Laurent Huỳnh Lâu:

          – Lần thứ nhất: cha Laurent Huỳnh Lâu là anh ruột và là tác giả của thi phẩm “Inê tử đạo vãn”, thiên trường ca được sáng tác để lưu niệm và vinh danh người em gái tử đạo là Inê Huỳnh Thị Thanh[66].

          – Lần thứ hai: Liệt kê những nhân vật làm cho hoàn hảo và phổ biến chữ quốc ngữ, trong đó có cha Laurent Huỳnh Lâu:

“Tiếp đến là những vị làm cho hoàn hảo và phổ biến thứ chữ mới này hầu hết là các thừa sai Paris và người Việt Nam (nếu chỉ tính đến cuối thế kỷ 19): Francois Deydier (1634-1693), Pierre Langlois (1640-1700), Loren Huỳnh Lâu (1656-1732)[67], Marin Labbé (1648-1723), Pigneau de Béhaine (1741-1799), Bảo Lộc Nghị (cùng cọng tác với Bigneau de Béhaine), Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), Jean-Louis Taberd (1794-1840), Philiphê Phan Văn Minh (Thánh tử đạo, 1815-1853), Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898)[68]

– GS. NGUYỄN VĂN TRUNG & ĐỖ NHƯ THẮNG: Nhận xét và đánh giá bài nghiên cứu của VÕ LONG TÊ: “Góp phần nghiên cứu một trong những truyện thơ Công giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ”:

“Trong bài này, tác giả dựa vào chính văn bản để xác định tác giả, thời điểm sáng tác. Sau đó tác giả nhận xét thi phẩm này về mặt văn học và sử học: về văn học, so với văn học cũ chịu ảnh hưởng văn học cổ điển Trung Quốc thì thi phẩm này đã chứng tỏ mở ra một đường hướng văn học mới viết bằng chữ quốc ngữ và chịu ảnh hưởng của Kitô giáo. Về mặt lịch sử, bài vãn là chứng tích của một thời kỳ lịch sử: nó cho thấy tình hình tôn giáo ở nước ta vào thế kỷ XVIII, diễn tiến cuộc cấm đạo và cuộc tử đạo của nhân vật chính”[69].

2.2. Một số yếu tố khác xác nhận “Inê Tử đạo vãn” là thi ca Quốc ngữ:

          Chúng ta biết, vào năm 1651, thừa sai Dòng Tên – Alexandre de Rhodes, đã xuất bản tại Rôma hai tác phẩm quốc ngữ (đầu tiên): “Tự điển Việt – Bồ – La” và sách Giáo lý “Phép giảng tám ngày”. Nếu tính từ thời điểm đó (1651) cho tới năm chị Anê Huỳnh Thị Thanh tử đạo (1700), thì chữ quốc ngữ đã đi được chặng đường “một thế kỷ rưỡi”. Như vậy, có thể nói được, với “khoảng thời gian” 150 năm đó, cùng với những tiện dụng trong việc sử dụng và phổ biến, đặc biệt, trong môi trường mục vụ của Giáo Hội Công giáo, chữ quốc ngữ đã trở thành một “công cụ ngôn ngữ thiết thực và phù hợp để trao đổi thư tín và để giảng dạy”[70].

          Thật vậy, nếu các thừa sai Dòng Tên đã có công khai phá, mở đường và thiết dựng những nền tảng vững chắc trong việc La tinh hóa ngữ âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh[71] để dễ dàng trong việc loan báo Tin mừng, thì các thừa sai của Hội truyền giáo Paris đã kế thừa xuất sắc trong việc chuẩn hóa và hoàn thiện quốc ngữ[72], để trở thành công cụ hãn hữu cần thiết trong mọi lãnh vực của nhịp sống đức tin: giáo dục đào tạo chủng sinh, phổ biến văn bản sách phụng vụ, giáo lý, kinh nguyện; dễ dàng tiếp cận tiếng La tinh để hiệp thông với Giáo Hội; trao đổi thông tin và sáng tác[73]

          Điều này được khẳng định chắc chắn với biến cố Đức cha Pigneau de Béhaine, vị mục tử chăm sóc đoàn chiên Đàng Trong lúc bấy giờ, đã ra tay biên soạn cuốn tự điển Việt – La (Anamitico-Latinum)[74] từ năm 1772-1773, một cột mốc được đánh giá là “thời chuẩn hóa chữ quốc ngữ” để vị mục tử kế tục sự nghiệp ngài, ĐC J.L. Taberd “hoàn thiện chữ quốc ngữ” với việc nhuận chính và xuất bản hai cuốn tự điển Việt – La (Anamitico-Latinum) La – Việt (Latino-Anamiticum)[75] năm 1838 trên thủ bản của “tự điển gốc 1772”.

          Qua đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: tác phẩm trường thi Quốc ngữ “Inê tử đạo vãn” đã xuất hiện trong hoàn cảnh và vào giai đoạn mà chữ Quốc ngữ bằng mẫu tự La tinh đã được hoàn thiện khá chuẩn mực về mặt ngôn ngữ và đã được khẳng định dứt khoát về giá trị ứng dụng và thực hành trên các lãnh vực văn hóa, văn học cũng như mục vụ. Thời của “Inê vãn”, có thể nói được, chính là  thời kỳ “quốc ngữ lên ngôi”; vì thế, tác phẩm này chính là một khúc “trường thi quốc ngữ” vào hạng “tiên khởi” của văn học Việt Nam!

3. Tác giả của Inê Tử đạo vãn (Cả bản chính và các bản dịch ngoại ngữ):

          Trước khi bàn đến ai thực sự là tác giả chắp bút để viết lên khúc trường thi tử đạo “Inê vãn”, một tác phẩm thi ca bằng chữ quốc ngữ được phổ biến chính thức năm 1838 qua một tác phẩm giá trị và đầy khả tín đó là cuốn Tự điển La – Việt (Latino-Anamiticum) 1838 của J.L. Taberd, chúng ta nên đọc lại những chứng từ của thừa sai Louvet liên quan đến việc sáng tác và lưu hành “Inê vãn”:

“Một nhà thơ Công giáo đã viết về những đau khổ của bà bằng những vần thơ rất đẹp; và cho đến ngày nay, câu chuyện cảm động về cái chết của chị Anê và các bạn đồng hành của bà vẫn được đọc lên trong các trường học, hoặc hát vào buổi tối trong những buổi họp mặt gia đình.”[76].

          Qua khẳng định trên cùng với những chứng từ chắc chắn về cuộc tử đạo của chị Anê như đã trưng dẫn (trong phần II), và với những điều được phản ảnh qua chính các câu thơ dệt nên khúc “trường thi tử đạo Inê”, chúng ta có thể tập chú vào mấy điểm sau đây như những gợi mở để đi tới những xác nhận đúng đắn:

3.1. Tác giả phải là nhân vật có quan hệ mật thiết với nhân vật chính “Inê” (Agnès, Anê):

          Vì “Inê vãn” không là một “tác phẩm hư cấu” mà là “một chuyện kể”, một “ký sự” về một “nhân vật có thật” trong một “câu chuyện có thật”, nên tác giả phải là người trong cuộc, là người đã theo dõi, chứng kiến, cảm nhận… tất cả bằng trái tim, bằng sự cảm phục và lòng yêu thương vô bờ. Chính vì thế, ngoài người anh cả Laurent Huỳnh Lâu, không ai có được những điều kiện và tiêu chí để làm “tác giả” của bài “vãn” đặc biệt này.

          Những chia sẻ của thừa sai Gouge là một bằng chứng rất hiển nhiên cho khẳng định này: Cha Laurent và bà rất thương yêu nhau. Người ta không so ví được niềm vui của Cha Laurent về cái chết hết sức vinh quang của người em gái vô cùng thánh thiện của ngài.” (Cha Estréchy, V.K.H.T.G.H.N., tập 725, tr. 66)[77].

          Phải chăng để làm bật nổi khía cạnh “chính mình” là tác giả của “Inê tử đạo vãn”, nên khi chuyển ngữ bài vãn này sang 3 ngoại ngữ Anh, Pháp và La tinh, cha Laurent Huỳnh Lâu đã dùng “đại từ danh xưng ngôi thứ nhất”: TÔI

Câu 544-545:

– Việt:           Chép làm một bổn để đời

                    Truyền cho thiên hạ người người học theo.

– La tinh:      Descriptam ejus vitam posteris nuncupo

                    Ut Agnetis virtuti quisque accedere conetur

– Anh:          I have written her life to preserve it to posterity,

                    That all may arrive to imitate her.

– Pháp:        J’ai écrit sa vie pour la conserver à la postérité,

                    Afin que chacun s’efforce de l’imiter.

          Nếu đọc văn mạch từ câu 520 – 555, khi cha Laurent cùng với giáo dân đến đưa xác em gái ra khỏi nhà giam để về lo hậu sự, sau đó, những câu kết thúc là để trình bày lý do ngài viết lại câu chuyện của Anê là cốt để lưu danh hậu thế mẫu gương đức tin  cao đẹp của người em gái thân yêu, thì “yếu tố tác giả” của cha Laurent Huỳnh Lâu hoàn toàn hợp lý! Những lời thơ mang âm sắc đó, nội dung đó, hoàn toàn chỉ thích hợp cho mỗi mình cha Laurent, người đã chứng kiến, đồng hành và lo lắng cho em gái từ khi ngồi tù cho đến khi hoàn tất cuộc hành trình hy tế!

3.2. Tác giả phải là một linh mục thông thái vượt trội, bản lĩnh và uy tín…

          Thế nhưng sẽ có vấn nạn: liệu cha Laurent có khả năng để sáng tác nên những vần thơ đó không? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy lắng nghe các thừa sai đương thời nói về cha Laurent:

– Cha Laurent là một linh mục giảng dạy xuất sắc và thông thạo tiếng La tinh:

“Trong lúc đó, Cha Lô-răng, người Đàng Trong, đang ở Kinh thành; một vài Kitô hữu đến thăm ngài đã xin ngài nói với họ về Hiến Chế, và đưa ngài đến một ngôi nhà mà ở đấy họ thường tụ họp để thực hành việc đạo. Ở đấy đang có khoảng 300 người. Vị linh mục người Đàng Trong ấy, rất có khiếu ăn nói, đã trao đổi với họ suốt đêm về chủ đề mà họ muốn nghe; hiệu quả từ lời ngài nói đã bảo đảm với họ Hiến Chế là hoàn toàn rất thật; họ không nên nghi ngờ; ngài đã đọc hết từ đầu đến cuối; ngài biết tiếng la-tinh và không thể nhầm lẫn trong những việc như thế; tất cả các lễ nghi được nhắc đến chắc chắn là đã bị lên án, và đó là kết quả của những cuộc tranh luận lớn từ hai phe và một xem xét qua quá trình nhiều năm. Là người Đàng Trong, và bằng kinh nghiêm mà biết rõ sự gắn bó của người dân với các lễ nghi và tập quán truyền đời từ tổ tiên họ, hẳn là ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng đã có thể tìm ra một phương cách nào đó làm thỏa mãn cho cả hai phe tranh luận; nhưng sau khi xem xét cặn kẽ mọi sự, Đức Thánh Cha và các Hồng Y đã nhận định là những lễ nghi ấy không thể tương hợp với Kitô giáo được, và thế là ngài phải cấm đối với các Kitô hữu; các Kitô hữu phải hết lòng tuân phục mệnh lệnh, mà Đức Thánh Cha, thủ lĩnh Hội Thánh và Đại diện Chúa Giêsu Kitô, không bao giờ lên án hoặc cấm đoán điều gì đối với đạo, ngoài những gì có nguy cơ làm hại đến phần rỗi các linh hồn” (THƯ ĐỨC CHA LABBÉ GỬI BAN GIÁM ĐỐC CHỦNG VIỆN TRUYỀN GIÁO, V.K.H.T.G.H.N., tập 726, tr. 548, 12 tháng 5 năm 1717)[78].

– Cha Laurent thông thạo tiếng Anh:

“ … Cha Lô-răng, người Đàng Trong, phiên dịch cho nhà vua với người Anh lúc bấy giờ đang đến vương quốc, đã về Kinh thành; sau khi ngài bỏ lại chiếc thuyền của mình mà không hề lo sợ gì, một viên quan và mấy người lính, đang lục soát mấy chiếc thuyền, nhìn thấy chiếc thuyền lạ ấy, liền lục soát nó; do tìm thấy trong mấy chiếc hòm của Cha Lô-răng mấy thứ ngài dành để cử hành Thánh lễ, họ liền mang đến cho viên chỉ huy, và người này cho bắt Cha Lô-răng; sau đó Cha Antoine, Cha Cappony và con cũng bị bắt. Cha Antoine nói với viên chỉ huy và đưa tiền cho ông ta hòng ngăn ông ta không bẩm báo với nhà vua, viên chỉ huy nói để được miễn không bẩm báo với nhà vua, thì ông ta không thể; nhưng ông ta nói rất nhẹ nhàng; ông ta còn nói thêm là cũng phải cho tiền quân lính để lấy lòng họ nữa. Sau khi được bẩm báo, nhà vua ra lệnh tháo gông cho Cha Lô-răng, vì là người thông dịch đối với người Anh, cho công khai đốt hết các đồ lễ của ngài, và nói với ngài là nếu còn bắt gặp ngài có những thứ liên quan đến đạo, thì sẽ cho phân thây ngài cùng với bà con họ hàng của ngài.” (thư cha Sennemand gửi Đức Tthánh Cha Clêmentê XI ngày 20 tháng 1 năm 1712, V.K.H.T.G.H.N., tập 727, tr. 71.)[79].

          Tất cả những chi tiết đó đủ để chúng ta khẳng định rằng: cha Laurent không những có khả năng để sáng tác khúc trường thi “Inê tử đạo vãn” mà chắc chắn chính là người đã chuyển ngữ bài vãn này sang 3 ngôn ngữ Tây phương: La, Anh, Pháp. Vì quả thật, theo các sử liệu để lại, vào thời đại mà cha Laurent đang hoạt động mục vụ tại Đàng Trong, không thấy có một thừa sai hay linh mục Việt Nam nào có đầy đủ các kiến thức và thông thạo các ngoại ngữ La tinh, Anh, Pháp như cha Laurent.

          Cũng có một số nhà nghiên cứu (NGUYỄN KHẮC XUYÊN?…) thì cho rằng chính thánh linh mục tử đạo PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH (1815-1853) là tác giả của “Inê tử đạo vãn”[80]; vì vị linh mục này là một cọng tác viên của Đức cha Taberd trong việc soạn thảo hai cuốn Tự điển Anamitico-Latinum và Latino-Anamiticum 1838 tại Bengale, và là người thông thạo La tinh, Hán Nôm và quốc ngữ…, nên chính ngài đã sáng tác, chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Anh, Pháp, La tinh rồi đưa vào tự điển 1838…

          Về mặt lịch sử, thì thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh sinh và sống cách xa chị Anê Huỳnh Thị Thanh trên một thế kỷ. Khi chị Anê chịu tử đạo (1700) thì cha Phan Văn Minh chưa ra đời. Ngài sinh năm 1815 và tử đạo năm 1853. Cả hai lại cách biệt về không gian: chị Anê Thanh ở Nha Trang, miền Trung trong khi cha Minh ở Mỏ Cày Miền Nam… Cả không gian và thời gian đều ngăn cách như thế nên gán cho linh mục Philipphê Minh là tác giả của Inê tử đạo vãn là chuyện khó thuyết phục và không hợp lý chút nào. Chỉ có thể, vì tác phẩm này đã được lưu hành rộng rãi (như chứng từ của LOUVET) nên rất có thể, cha Minh đã đọc được, đã tâm đắc và đã chọn in vào Tự điển Latini-Anamiticum 1838 để như một cách giới thiệu tác phẩm thi ca Việt Nam cho thế giới. Ngài có công quảng bá và khẳng định giá trị đạo đức và văn học của trường thi “Inê tử đạo vãn” chứ không thể là tác giả của tác phẩm này! Có khả năng, chính thánh linh mục Philipphê Minh là người chuyển ngữ “Inê tử đạo vãn” sang 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, La tinh. Tuy nhiên, ít thấy những chứng từ minh nhiên và đầy đủ về khả năng ngoại ngữ xuất chúng của thánh Philipphê Minh, nhất là khả năng về La tinh và Anh ngữ. Vì thế, lập trường hay giả thuyết “linh mục Laurent Huỳnh Lâu là tác giả thi phẩm ‘Inê tử đạo vãn’ và cũng chính là người chuyển ngữ tác phẩm này sang 3 thứ tiếng Anh, Pháp và La tinh xem ra đáng thuyết phục nhất!

          Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, “vãn là một loại hình văn chương, văn học bình dân, yếu tố “tác giả” không là lựa chọn ưu tiên của những người chọn thể loại văn chương này đế sáng tác. Mục đích của các tác giả của những thi phẩm này chỉ để cho bàn dân thiên hạ ngâm nga, thưởng thức, loan truyền…

4. “Inê tử đạo vãn”: thời điểm xuất hiện và giá trị lan tỏa:

4.1. “Inê tử đạo vãn”: một loại hình văn chương thuộc “văn học dân gian”:

          Theo cách hiểu chung chung, “Vãn” là một loại “thơ cổ”. Riêng nhà nghiên cứu Giáo sư Nguyên Văn Trung, trong bài khảo luận đứng chung tên với tác giả Đỗ Như Thắng, lại xếp “Vãn” vào loại “Văn học dân gian”, và “Inê vãn” thuộc loại văn chương này: “Một bộ phận văn học dân gian được phổ biến rộng rãi trong giới Công giáo là vãn và tuồng. Chúng đã được lưu truyền khá lâu (như bài “Inê tử đạo vãn” kể sự tích một nhân vật Việt Nam có thực được in trong Tự điển Latinh-Annam của Taberd từ năm 1838)”[81]. Trong một chỗ khác của bài viết này, tác giả lại khẳng định: “Về nội dung: vì vãn, tuồng đạo thuộc văn học dân gian không rõ ai là tác giả, cho nên khi sưu tầm, chúng tôi chỉ chú trọng vào nội dung tác phẩm có liên quan đến đạo”[82]. Sau đó, khi nhắc đến “Đặc điểm” của vãn và tuồng, tác giả cũng đã nhấn mạnh đến yếu tố “bình dân”, nét đặc trưng của “văn học dân gian”:

“Vãn, tuồng đạo thường đơn sơ giản dị gần gũi với tâm hồn của quần chúng. Tính cách bình dân này thể hiện ngay nơi việc lựa chọn thể loại văn học để sáng tác, ngôn ngữ để sử dụng. Bởi đa số những người theo đạo đầu tiên ở nước ta thường thuộc tầng lớp dưới của xã hội, để giúp họ hiểu rồi sống đạo, các vị thừa sai, các thầy giảng… dùng vãn (vốn là lối văn vần bình dân), tránh sử dụng ngôn ngữ văn chương bóng bẩy quá mà thiên về việc dùng những lời lẽ nôm na dễ thuộc, dễ nhớ… để họ ngâm nga khi lao động, lúc nghỉ ngơi hay trong giờ nguyện gẫm”[83].

4.2. “Inê Tử đạo vãn” được sáng tác và lan tỏa trong sinh hoạt đức tin Công giáo:

          Dựa theo các kết luận nghiên cứu của hai tác giả ĐỖ QUANG CHÍNH và NGUYỄN ĐỨC THÔNG[84]: Inê tử đạo vãn chính là tác phẩm quốc ngữ được sáng tác và lưu hành trong giai đoạn hệ thống chữ viết này đã phát triển và kiện toàn; và có thể nói được, nó nằm trong khoảng thời gian của hai cuốn Tự điển về quốc ngữ quan trọng: Cuốn Anamitico-Latinum 1772 của Đức cha Pigneau de Béhaine và hai cuốn Tự điển Anamitico-Latinum & Latino-Anamiticum 1838 của Đức cha Taberd, mà theo ngôn ngữ của nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐỨC THÔNG, đó là giữa “Lần chỉnh sửa thứ nhất (1772) và “Lần chỉnh sửa thứ hai” (1838).

          Dựa theo các chứng từ cuộc tử đạo của chị Anê Huỳnh Thị Thanh: tử đạo năm 1700 và cuộc đời cũng như hoạt động mục vụ của cha Laurent Huỳnh Lâu (1656-1732), thì chúng ta có thể khẳng định: tác phẩm trường thi “Inê tử đạo vãn” xuất hiện sau năm 1700 (tức năm chị Anê tử đạo) và trước năm 1732 (tức năm cha Laurent Huỳnh Lâu qua đời).

          Chắc chắn, một đàng do cái chết tử vì đạo của chị Anê mang dáng đứng hào hùng của một người phụ nữ, người mẹ Công giáo giữa thời bách hại, và một đàng, câu chuyện đó, lời chứng đó đã được dệt thành những vầng thơ “vãn” bằng chữ quốc ngữ, một thứ chữ với những vầng thơ lục bát… vừa hấp dẫn, vừa bình dân lại vừa văn minh đang chi phối xã hội lúc bấy giờ, nên “Inê vãn tử đạo” đã có sức lan tỏa và chinh phục rộng rãi các cộng đoàn tín hữu bình dân cũng như giới Công giáo tinh hoa lúc bấy giờ.

          Để khẳng định điều này, chúng ta cần đọc lại chứng từ trong tác phẩm của linh mục sử gia Louvet (đã trích dẫn ở trên): “… Một nhà thơ Công giáo đã viết về những đau khổ của bà bằng những vần thơ rất đẹp; và cho đến ngày nay, câu chuyện cảm động về cái chết của chị Anê và các bạn đồng hành của bà vẫn được đọc lên trong các trường học, hoặc hát vào buổi tối trong những buổi họp mặt gia đình…” (x. LOUVET sđd, tr. 336).

4.3. “Inê tử đạo vãn”: khẳng định giá trị của quốc ngữ trên trường quốc tế:     

          Phải chăng chính vì sự “nổi tiếng” của thiên trường ca tử đạo này mà “ban biên soạn” Tự điển Taberd đã quyết định đưa tác phẩm này vào trong cuốn Tự điển Latino-Anamiticum 1838.

          Như chúng ta đã nói ở trên về cuốn “Tự điển Taberd I (Anamitico-Latinum), đó là trong phần dẫn nhập của cuốn Tự điển này có phần cắt nghĩa tóm tắt về các thể thơ An Nam (Compendium versificationis Anamiticæ), ban biên soạn đã giới thiệu các bài thơ, văn tế mẫu. Phải chăng, “Inê tử đạo vãn” được giới thiệu như một tác phẩm tổng hợp các loại hình thơ, văn tế, như một “bài mẫu tiêu biểu”, nhưng vì tác phẩm này quá dài (561 câu), nên thay về đặt ở phần “tóm tắt” (Compendium) nầy của cuốn Tự điển I, ban biên soạn đã mang sang đặt ở phần phụ lục của cuốn Tự điển II (Latino-Anamiticum) với thứ tiếng Anh, Pháp, La tinh và Việt ngữ (quốc ngữ)!

          Vã lại, chính trong cuốn “Tự điển II” mới có phần tự vựng bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, La tinh và Việt ngữ. Do đó, tác phẩm “Inê tử đạo vãn” đã được dịch sang 3 thứ tiếng Anh, Pháp, La tinh, vừa để khẳng định sự phong phú và đầy đủ của chữ quốc ngữ vừa giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp của nền thi ca Việt Nam.

Kết: Có còn không tâm thức “không kể đàn bà con nít…”!

          Cách đây 2000 năm, tâm thức chung của dân tộc Israel và cũng là xu hướng chung của thế giới đó là “trọng nam khinh nữ” mà có lẽ một lối nói được Tin Mừng Matthêô sử dụng hai lần trong hai lần “phép lạ hóa bánh ra nhiều” là một thí dụ điển hình: “Không kế đàn bà con nít!” (Mt 14,21; 15,38).

          Tâm thức này hình như cũng chưa được gột rửa hết trong não trạng của một số dân tộc, cộng đồng mà Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam chúng ta có thể là một trong số đó! Sở dĩ nói “hình như”, vì không biết vì lý do gì mà trong số 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam lại chỉ có mỗi một vị thánh nữ: Anê Lê Thị Thành; trong khi suốt chiều dài lịch sử bách hại của Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã có hàng trăm, hàng ngàn những nữ giáo dân, những nữ tu… đã đổ máu làm chứng đức tin! Sở dĩ nói “hình như” vì trong khi các hồ sơ của các vị tôi tớ Chúa tử đạo như các nữ tu Mến Thánh giá Anê Soạn, Anna Trị, nữ giáo dân Huỳnh Thị Lưu vẫn còn “nằm im” trong văn khố thì chúng ta lại đang hồ hỡi tiến hành các hồ sơ của những “vị đàn ông”: linh mục F.X. Trương Bữu Diệp, Đức Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận, các Đức cha Lambert de la Motte, Fr. Pallu, Jean Cassaigne… Vâng toàn đàn ông!

          Và sở dĩ nói “hình như” vì chân dung của một nữ giáo dân, Anê Huỳnh Thị Thanh, một người mẹ anh hùng tử đạo rành rành, qua chứng từ lịch sử “chắc như bắp”, qua thiên anh hùng ca quốc ngữ vào hạng có một không hai… mà hình như chẳng có ai hay, chẳng được ai biết! Phải chăng vì cái tâm thức chết tiệt “không kể đàn bà con nít”!

          Thế nhưng, trong hàng ngũ “những người nghèo của Gia-vê” (Anawim) hay những “người nghèo của Tin Mừng Tám mối phúc thật” chắc chắn phải “kể đàn bà và con nít”! Riêng Giáo Hội thì không ngừng hô hoán: “ưu tiên lựa chọn người nghèo”. Chúng ta thử nghe một đoạn trong “Văn Kiện Chung Kết” của Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI:

“Việc ưu tiên chọn lựa người nghèo là điều tiềm ẩn trong đức tin Kitô học. Người nghèo có sự hiểu biết trực tiếp về Chúa Kitô đau khổ. (x. EG 198), điều này làm cho họ trở thành những sứ giả của ơn cứu độ được đón nhận như một quà tặng, và là những chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng. Giáo Hội được kêu gọi trở nên nghèo với người nghèo, thường là thành phần chiếm đa số các tín hữu, và lắng nghe họ, cùng nhau học cách nhận ra các đặc sủng mà họ được Chúa Thánh Thần ban cho, và coi họ là những chủ thể của việc loan báo Tin Mừng”[85].

          Tuyên bố như thế, nhưng không phải lúc nào Giáo Hội cũng thực hành như những gì mình tuyên bố. Thượng Hội Đồng đã “xét mình” và đã nhận ra:

“Chúng ta làm chứng cho Tin Mừng khi chúng ta cố gắng sống những mối tương quan tôn trọng phẩm giá bình đẳng và hỗ tương giữa nam và nữ. Trong tiến trình Thượng Hội đồng, những sự bày tỏ thường xuyên về đau khổ của phụ nữ từ mọi khu vực và mọi lục địa, cả giáo dân lẫn tu sĩ, cho thấy chúng ta thường không tôn trọng như nói trên”[86].

          Chắc chắn nữ giáo dân tử đạo Anê Huỳnh Thị Thanh đang hạnh phúc trên quê trời không cần chúng ta công nhận hay khám phá, học biết về ngài để tôn vinh ngài như một thần tượng. Quả thật điều đó chẳng “Kitô giáo” hay chẳng “Phúc âm” chút nào! Tuy nhiên, trong cuộc lữ hành Năm Thánh 2025 này, chúng ta được gọi mời tiến bước trong một cuộc “hành hương đạo đức đến bất kỳ địa điểm thánh nào của Năm Thánh” (Sắc lệnh ban ân xá của  Tòa Ân giải tối cao). Việc tìm hiểu, học hỏi và cầu nguyện với vị tử đạo “bị lãng quên” này nào chẳng phải như Giáo Hôi tuyên bố… “như thể  thực hiện một cuộc hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ” (Sắc lệnh ban ân xá của  Tòa Ân giải tối cao). Và dĩ nhiên, ngoài việc nhận lãnh hồng ân nhờ lời nguyện giúp cầu thay của “Bông hồng tử đạo bị lãng quên” này, chúng ta sẽ có được điều mà ba trăm năm trước, khi chắp bút cho những vầng thơ ca tụng người em gái, người giáo dân, người mẹ tử đạo, cha Laurent Huỳnh Lâu đã ước mong:

Bia vàng tạc chữ chí linh,

Để truyền sách ấy nối dòng đời sau,

Inê là hiệu làm đầu.  

Hiền kia thánh nọ xem làu bổn căn,

Giáo nhơn học lấy làm lòng,

Giữ trong mười giới thì thông lẽ mầu. (Inê tử đạo vãn)

Giuse Trương Đình Hiền (Viết xong ngày 15.01.2025)

THƯ MỤC SÁCH VÀ TƯ LIỆU THAM KHẢO

(Theo thứ tự Ghi chú)

1. THÁNH LÊÔ CẢ, Bài đọc II Kinh Sách lễ Giáng Sinh.

2. NHẬT THÙY, Chúc mừng Giáng Sinh, vì sao nói “Merry Christmas” thay vì “Happy Christmas”?, website Báo điện tử VTC News – Đọc báo tin tức trong ngày hôm nay, đăng ngày 23/12/2024).

3. ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et exsultate” (Hãy Vui mừng hoan hỉ).

4. NGUYỄN THỪA HỶ (Tuyển dịch, giới thiệu và bổ chú), Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb Khoa Học Xã Hội 2020.

5. MICHEL TRƯƠNG, đăng trên trang web của HĐGMVN ngày 20.8.2021, link: LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH HỘI THỪA SAI PARIS.

6. ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, vol. I, II, Paris, 1923.

7. NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2023

TẠ THANH MINH KHÁNH, bài viết “Người nữ thời cấm đạo”, đăng ngày 22.6.2018 trên website của Giáo phận Ban Mê Thuột: http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/nguoi-nu-thoi-cam-dao-43110.html.

8. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, GIÁM MỤC PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM CHỦ BIÊN, Hạnh Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2018.

9. P. LAMBERT DE LA MOTTE, Ký sự giản lược cuộc hành trình của các thừa sai tông tòa do Tòa Thánh trực tiếp sai tới các vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Lào, đảo Hải Nam, AMEP, vol. 121.

10. TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG, Kỷ yếu Giáo phận Nha Trang, 60 năm hình thành & phát triển – 1957-2017, Nxb Tôn giáo 2017.

11. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, Nxb Tôn giáo 2023.

12. PHAN KHOANG, Việt sử: xứ Đàng Trong, Nxb Khoa học xã hội 2016.

13. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb An Tôn & Đuốc sáng 2017.

14. L. TABERD, (TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC), Dictionarium Anamatico-Latinum, Nxb Văn Học (VH) 2018.

15. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, ỦY BAN VĂN HÓA, Tài liệu hội thảo, 25&26.10.2019, “Bốn trăm năm hình thành & phát triển chữ quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, tr. 344-351.

16. NGUYỄN VĂN SÂM, Văn học Nam Hà (Văn học Đàng Trong thời phân tranh), Nxb Lửa Thiêng 1972, tr. 231-244.

17. J.L. TABERD, Dictionarium Latino-Anamiticum, Nxb Marshman 1838.

18. TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Đất & Tên qua dấu thăng trầm, xuất bản lưu hành nội bộ năm 2023

19. TRẦN THUẬN, Đàng Trong lịch sử và văn hóa, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2021.

20. BÙI CÔNG THUẤN, Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb Hội nhà văn 2022.

21. LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), Quyển I.

22. NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2023.

23. ĐỨC ÔNG VINH SƠN TRẦN NGỌC THỤ, Giáo hội Việt Nam những thời kỳ bị bách hại và những sắc chỉ cấm đạo, website catholic.org.tw

24. CAO THẾ DUNG, Việt Nam Công giáo sử tân biên (1533-2000), Quyển II, Cơ sở truyền thông Dân Chúa xuất bản 2002.

25. LOUIS-EUGÈNE LOUVET, La Cochinchine Religieuse, Tập I, Paris 1885.

26. LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Giáo Hội và Văn học Nghệ thuật, Nxb Tôn giáo 2024.

27. PHẠM THỊ KIỀU LY, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919), Nxb Văn học 2024.

28. NGUYỄN THANH QUANG – LINH MỤC VÕ ĐÌNH ĐỆ, Một số vấn đề chữ Quốc ngữ, Nxb Khoa học xã hội 2020.

29. ĐỖ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2007 (in tại Việt Nam 2008).

30. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Lịch sử hình thành chữ quốc ngữ 1620-1659, Nxb Tôn giáo 2008.

31. ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, HƯỚNG ĐẾN MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ VỤ, Văn kiện chung kết ngày 26.10.2024, linh mục Lê Công Đức PSS chuyển ngữ (để tham khảo), số 19.


[1] THÁNH LÊÔ CẢ, Bài đọc II Kinh Sách lễ Giáng Sinh: “Hôm nay Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm nầy phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời”.

[2] “MERRY CHRISTMAS”: Câu chúc phổ thông của thế giới dịp lễ Giáng Sinh, đặc biệt thuộc vùng ảnh hưởng văn hóa Mỹ-Âu; nhất là kể từ ngày xuất hiện ca khúc “We wish you a merry Christmas” vào thế kỷ 16. (x. NHẬT THÙY, Chúc mừng Giáng Sinh, vì sao nói “Merry Christmas” thay vì “Happy Christmas”?, website Báo điện tử VTC News – Đọc báo tin tức trong ngày hôm nay, đăng ngày 23/12/2024).

[3] “GAUDETE ET EXSULTATE” (HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ): Tông huấn của ĐGH Phanxicô được ban hành ngày 19.03.2018, nhân dịp mừng 5 năm đánh dấu ngày khai mạc sứ vụ “kế vị thánh Phêrô” (19.3.2013-18). Nội dung tông huấn là lời mời gọi Dân Chúa nên thánh trong thời đại đầy thách đố này.

[4] Adrien Launay (1853-1927): Linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (Société des Mission Etrangères de Paris – MEP) đến Mỹ Tho-Nam Kỳ năm 1877; về Pháp năm 1882 và từ năm 1884 đặc trách công tác lưu trữ của chủng viện MEP. Cha Launay biên soạn nhiều tác phẩm liên quan đến công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. (x. NGUYỄN THỪA HỶ (Tuyển dịch, giới thiệu và bổ chú), Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb Khoa Học Xã Hội 2020, tr. 405-407).

[5] Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, tên tiếng Pháp: La Société des Missions Etrangères de Paris (cách viết tắt: Les MEP, sở dĩ phải có thêm chữ “de Paris”, vì muốn phân biệt với một Hội thừa sai khác tại Pháp do Cha (thánh) Vincent de Paul thành lập để đào tạo người đi truyền giáo Ba Tư). Xem đầy đủ lịch sử hình thành MEP qua bài viết: Lịch sử hình thành Hội Thừa Sai Paris của tác giả MICHEL TRƯƠNG, đăng trên trang web của HĐGMVN ngày 20.8.2021, link: LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH HỘI THỪA SAI PARIS.

[6] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, Documents historiques I, 1658-1728, Paris, 1923, p. 465: “Le 25, jour de la naissance du Sauveur, sur les 4 heures du matin, Ba Angès ou Ba Bouy, cette chère soeur du P. Laurent, acheva de consommer son sacrifice et prit l’essor vers son divin Maitre, don’t le doux nom fut sur ses lèvres jusqu’au dernier soupir”.

[7] Sau đây là hai tác giả có sách và bài viết lẫn lộn cách minh nhiên:

– NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2023, tr. 232.

– TẠ THANH MINH KHÁNH, bài viết “Người nữ thời cấm đạo”, đăng ngày 22.6.2018 trên website của Giáo phận Ban Mê Thuột: http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/nguoi-nu-thoi-cam-dao-43110.html.

[8] X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, GIÁM MỤC PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM CHỦ BIÊN, Hạnh Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2018, tr. 222-223.

[9] Ngày 9.9.1659, với Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Giáo Hoàng Alexandro VII đã thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và giao cho hai Giám Mục: Pierre Lambert de La Motte: Đại diện Tông Tòa Đàng Trong (Vicario apostolico in regno Cocincinae) và François Pallu: Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài (Vicario apostolico in regno Tunchini).

[10] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Ký sự giản lược cuộc hành trình của các thừa sai tông tòa do Tòa Thánh trực tiếp sai tới các vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Lào, đảo Hải Nam, AMEP, vol. 121, số 14: Các thừa sai rời Tenasserim đi Xiêm: “Ngày hôm sau, các thừa sai lên một con thuyền thuê 15 đồng ê-cu để đưa họ tới Xiêm, kinh đô vương quốc. Họ đi bộ khoảng trọn một ngày thì tới bờ biển, rồi đi thêm 24 tiếng nữa tới cửa con sông Xiêm lớn và đẹp (Sông Chao Phraya). Thuyền đi ngược dòng, tới nơi ngày 22 cùng tháng”.

[11] Về địa danh “Lâm Tuyền”: có nơi gọi “Lâm Thuyền” hoặc “Lâm Thuyên”. Riêng lm. Đào Quang Toản, trong phần Ghi chú số 439 của tài liệu “Ký sự Đức cha Lambert de le Motte”, Ký sự 8, số 140, đã cho biết: “Địa danh Lâm Tuyền được Đức cha Lambert sử dụng bốn lần trong tập Ký Sự. Trong bản do chính tay ngài viết thì ghi “Lâm Tuyền”, bản sao lại thì ghi “Lâm Thuyền”. Ở đây, chúng ta gọi là Lâm Tuyền (mà nay là giáo xứ Chợ Mới”.

[12] TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG, Kỷ yếu Giáo phận Nha Trang, 60 năm hình thành & phát triển – 1957-2017, Nxb Tôn giáo 2017, tr. 72.

[13] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, Nxb Tôn giáo 2023, tr. 44.

[14] PHAN KHOANG, Việt sử: xứ Đàng Trong, Nxb Khoa học xã hội 2016, tr. 160.

[15] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb An Tôn & Đuốc sáng 2017, tr. 110: Ghi chú 238: “Về địa chính trị, lúc bấy giờ (1659) sông Phan Rang là biên giới phía Nam của Đàng Trong. Xem QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, quyển 11, tỉnh Khánh Hòa, tr. 102. Như vậy sông Phan Rang là biên giới phía Nam của Giáo phận Đàng Trong khi mới thành lập”.

[16] L. TABERD, (TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC), Dictionarium Anamatico-Latinum, Nxb Văn Học (VH) 2018, tr. 2: Lời Nói đầu: Cũng theo L. Malleret, “theo M.G.Taboulet, thủ bản của “Dictionarium Anamatico- Latinum” chỉ là một bản sao chép lại, bản gốc đã bị mất trong một trận hỏa hoạn ở chủng viện giáo phận, mà Đức Giám Mục đã cho chuyển dời về miền Cà Mau. Bản văn của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại mang niên đại là năm 1772. Về sau, cũng theo tác giả trên, Giám mục Taberd đã soạn lại tác phẩm, với những ghi chú do vị tiền nhiệm khả kính để lại, và chính thành quả của công việc làm này đã được xuất bản ở nhà in của J. Marshnam, ở Serampore, năm 1883 (…). Khi so sánh với thủ bản gốc của quyển thứ nhất thì thấy rằng (Giám mục Taberd) thay đổi rất ít so với tác phẩm nguyên thủy.”.

[17] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 410.

[18] J.L. TABERD, (TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC), Dictionarium Anamatico-Latinum, sđd, tr. 52 (Lii): Bài viết của TRẦN VĂN TOÀN, Tiến sĩ triết học, cử nhân thần học, cựu Giáo sứ Đại học Công giáo  Lille (Pháp): “Cũng nên chú ý rằng các sách Nôm của người Công giáo Việt Nam trong gần bốn thế kỷ đều gọi chữ Nôm là quốc ngữ, để phân biệt nó với chữ Hán là chữ viết của người Tàu. Gần đây chúng ta mới gọi chữ viết theo mẫu tự la tinh là chữ quốc ngữ”.

[19] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, ỦY BAN VĂN HÓA, Tài liệu hội thảo, 25&26.10.2019, “Bốn trăm năm hình thành & phát triển chữ quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin mừng tại Việt Nam, tr. 344-351.

[20] J.L. TABERD, (TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC), Dictionarium Anamatico-Latinum, sđd, tr. 48 (xLviii).

[21] X. NGUYỄN VĂN SÂM, Văn học Nam Hà (Văn học Đàng Trong thời phân tranh), Nxb Lửa Thiêng 1972, tr. 231-244.

[22] SĐD, tr. 232, Ghi chú số 5.

[23] J.L. TABERD, Dictionarium Latino-Anamiticum, Nxb Marshman 1838 (Phần dẫn nhập: Bổn dạy tiếng La tinh: từ tr. 7-81; Phụ lục 1: từ tr. 803-916: Từ vựng phổ thông tứ ngữ (Anh, Pháp, La tinh, Quốc ngữ); Phụ lục 2: từ trang 917-942: Inê tử đạo vãn).

[24] J.L. TABERD, Dictionarium Latino-Anamiticum, sđd, Phụ lục 2: Inê tử đạo vãn, tr. 918.

[25] X. TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Đất & Tên qua dấu thăng trầm, xuất bản lưu hành nội bộ năm 2023, tr. 26: “… cuộc nam tiến kết hợp cả ngoại giao, chính trị, quân sự, kinh tế mà cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn Công chúa, thứ nữ của chúa Sãi, và vua Chetta II của Chân Lạp năm 1620 là một cột mốc ghi đậm dấu ấn. Từ đây, những bước chân của người Việt, từ quân binh để bảo hộ Việt kiều hoặc huấn luyện và yểm trợ cho đội quân Chân Lạp chống lại người Xiêm đến những đoàn di dân kinh tế, đã xuất hiện lần lượt từ Đồng Nai, đến Biên Hòa rồi Sài Côn Bến Nghé, mà việc Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh lập Phiên Trấn (Phủ) Gia Định năm 1698.”(x. TRẦN THUẬN, Đàng Trong lịch sử và văn hóa, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2021, Công nữ Ngọc Vạn với công cuộc định cõi phương nam của dân tộc Việt Nam, tr. 39-46; PHAN KHOANG, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, sđd, tr. 173).

[26] Về cuộc an táng cụ Carôlô tại Nha Trang đã được thừa sai Gouge tường thuật khá rõ và được LAUNAY ghi lại ở hai nơi trong Histoire de la Mission Cochinchine, vol. I, tr. 461 (Ghi chú 1) và tr. 467.

[27] BÙI CÔNG THUẤN, Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb Hội nhà văn 2022, tr. 455-456.

[28] LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), Quyển I, bài viết: Bước đầu giới thiệu và tìm hiểu vãn – tuồng đạo, tr. 682.

[29] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 467.

[30] SĐD, tr. 461, Ghi chú 1.

[31] SĐD, tr. 198.

[32] SĐD, tr. 397.

[33] Khi đi học tại chủng viện thánh Giuse bên Ayutthaya, cha Laurent Huỳnh Lâu mang tên Manuel (Hoặc Manuel Trẻ). Sau khi chịu chức linh mục về Việt Nam hoạt động một thời gian thì ngài đổi tên là Laurent: “Cha Manuel trẻ, hiện đã đổi sang tên cha Laurent, luôn có mặt ở hạt của mình tại Dinh Cát; và bất chấp lệnh cấm đạo, ngài vẫn làm việc rất tốt, nhờ ơn Chúa đến mức,  khi thời gian và tình hình cho phép, ngài đã khắc phục được khó khăn do cuộc bách hại gây ra.” (X. Tường trình của thừa sai Labbé gởi cho Đức cha Laneau: ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 371).

[34] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2023, tr. 217-218.

[35] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 355.

[36] ĐỨC ÔNG VINH SƠN TRẦN NGỌC THỤ, Giáo hội Việt Nam những thời kỳ bị bách hại và những sắc chỉ cấm đạo, website catholic.org.tw

[37] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 537.

[38] NGUYỄN HỮU TRỌNG, Nguồn gốc hàng giáo sĩ Việt Nam, sđd, tr. 74-75.

[39] X. CAO THẾ DUNG, Việt Nam Công giáo sử tân biên (1533-2000), Quyển II, Cơ sở truyền thông Dân Chúa xuất bản 2002, Phật giáo và những nguyên nhân Minh Vương diệt đạo, tr. 848-856.

[40] SĐD, tr. 830-831.

[41] X. ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 441.

[42] X. CAO THẾ DUNG, Việt Nam Công giáo sử tân biên (1533-2000), Quyển II, sđd, tr. 793-798.

[43] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 153-155.

[44] Đây là thời Đức cha FRANCISCO PÉREZ làm Đại diện Tông tòa Đàng Trong (1691-1728). Về ĐC Pérez và khái quát về về hiện tình mục vụ của Giáo phận Tông tòa Đàng Trong, xin xem “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian”, sđd, từ trang 151- 159.

[45] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 397.

[46] X. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 98-109.

[47] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, p. 440-441.

[48] SĐD, tr. 480-481.

[49] SĐD, tr. 461.

[50] SĐD, tr. 468-469.

[51] SĐD, tr. 465, ghi chú 1.

[52] SĐD, tr. 465.

[53] SĐD, tr. 466-467.

[54] LOUIS-EUGÈNE LOUVET, La Cochinchine Religieuse, Tập I, Paris 1885, tr. 336.

[55] LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), sđd, GS. TRẦN VĂN TOÀN, “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm – Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam”, tr. 558-569.

[56] LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Giáo Hội và Văn học Nghệ thuật, Nxb Tôn giáo 2024, tr. 17-25.

[57] X. PHẠM THỊ KIỀU LY, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919), Nxb Văn học 2024, tr. 86-88: CHỮ QUỐC NGỮ: Các giai đoạn sáng tạo – Tổng quan các nghiên cứu liên quan.

[58] NGUYỄN THANH QUANG – LINH MỤC VÕ ĐÌNH ĐỆ, Một số vấn đề chữ Quốc ngữ, Nxb Khoa học xã hội 2020, tr. 296-316, bài viết: Không có ông tổ duy nhất của chữ Quốc ngữ.

[59] LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Giáo Hội và Văn học Nghệ thuật, sđd, tr. 25-30.

[60] LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), sđd, PHẠM ĐÌNH KHIÊM, bài “Nhìn qua những chặng đường thi ca Công giáo Việt Nam”, tr. 143: “Đây là một thiên trường ca với 563 câu thơ nôm lục bát kể chuyện tử đạo của bà Inê (Agnès) xảy ra năm 1700 do lệnh cấm đạo của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).”

[61] SĐD, bài “Văn học Công giáo chữ Nôm thế kỷ XVII của tác giả LINH MỤC ĐA MINH NGUYỄN ĐỨC THÔNG, tr. 315: “Cuối thế kỷ XVII bước vào thế kỷ XVIII, nền văn học chữ Nôm lại được chứng kiến một tác phẩm có tầm vóc thế giới, Inê Tử đạo vãn của Loren Huỳnh Lâu”.

[62] BÙI CÔNG THUẤN, Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, sđd, tr. 134: “Căn cứ vào những nguồn tư liệu đáng tin cậy, trong cuốn “Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường” trang 134, Lê Đình Bảng cho biết: Inê Tử đạo vãn là một thiên trường ca bi trang với 564 câu thơ Nôm lục bát và song thất lục bát phức hợp nội dung kể chuyện bà Inê Thanh chết rủ tù vì đạo năm 1700 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ở Đàng Trong…”

[63] BÙI CÔNG THUẤN, Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, sđd, bài “Inê Tử đạo vãn, những vấn đề nhìn từ văn bản, tr. 457: “Bài vãn dài 562 câu lục bát Nôm, có xen kẻ những “cáo trạng” viết bằng chữ Hán, thể tự do…”.

[64] LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), sđd, NGUYỄN VĂN TRUNG – ĐỖ NHƯ THẮNG, Bước đầu giới thiệu và tìm hiểu Vãn – Tuồng đạo, tr. 685: VÕ LONG TÊ, trong Văn học tập san, tập XVII, số 1 năm 1968. Thực ra đây là bản dịch từ bài của ông viết bằng tiếng Pháp in trên Tập san của Hội nghiên cứu Đông Dương BSEI (loại mới, số 4, đệ tứ tam cá nguyệt 1967, tr. 305-336).

[65] SĐD, tr. 685.

[66] ĐỖ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2007 (in tại Việt Nam 2008), tr. 283 (phần bài viết và 2 Ghi chú: 281, 282).

[67] Về năm chết của Laurent Huỳnh Lâu, tác giả Đỗ Quang Chính để năm 1712. Tuy nhiên, theo tài liệu của linh mục sử gia Launay (MEP) thì ghi rõ ngài qua đời năm 1732: “M. Laurent mort à Hué ou dans les environs vers la fin de l’année 1732” (x. LAUNAY, vol. II, tr. 42-43). Vì thế từ nay xin thống nhất theo mốc thời gian này: 1732.

[68] ĐỖ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, sđd, tr. 454.

[69] LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), sđd, tr. 685.

[70] PHẠM THỊ KIỀU LY, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919), sđd, tr. 262.

[71] X. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Lịch sử hình thành chữ quốc ngữ 1620-1659, Nxb Tôn giáo 2008, tr. 22-178. Trong tác phẩm này, tác giả chỉ tóm tắt tiến trình hình thành chữ quốc ngữ trong giai đoạn của Dòng Tên, tức giai đoàn hình thành với 3 cột mốc chính: Dọn đường (1620-1648); chính thức hình thành (1651); chuẩn bị lấy đà để phát triển (1659).

[72] Theo nhà nghiên cứu LINH MỤC TIẾN SĨ NGUYỄN ĐỨC THÔNG CSSR trong bài khảo luận “Văn học Công giáo từ 1620 đến nay” thì giai đoạn hoàn chỉnh chữ quốc ngữ được đánh dấu với hai cột mốc chính: năm 1772: Lần chỉnh sửa thứ nhất và năm 1838: Lần chỉnh sửa thứ hai. Đây là hai cột mốc ra đời của hai pho tự điển: Tự điển của Bigneau de Béhaine (1772) và Tự điển của Taberd (1838). (x. ỦY BAN VĂN HÓA/HĐGMVN/TÀI LIỆU HỘI THẢO, Bốn trăm năm hình thành & phát triển chữ quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin mừng tại Việt Nam, tr. 278-280).

[73] PHẠM THỊ KIỀU LY, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919), sđd, tr. 262-270.

[74] SĐD, tr. 278-287: Từ điển biên soạn dưới sự chỉ đạo của Pigneau de Béhaine.

[75] SĐD, tr. 287-291: Hai từ điển của Taberd (1838).

[76] LOUIS-EUGÈNE LOUVET, La Cochinchine Religieuse, sđd, tr. 336.

[77] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, sđd, tr. 465 Ghi chú 1.

[78] SĐD, tr. 605-606.

[79] SĐD, tr. 536.

[80] LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), sđd, NGUYỄN VĂN TRUNG – ĐỖ NHƯ THẮNG, Bước đầu giới thiệu và tìm hiểu Vãn – Tuồng đạo, tr. 685: “Chữ quốc ngữ năm 1838” của Nguyễn Khắc Xuyên, đăng trong tạp chí Văn Lang số 4 tháng 12 năm 1992 ở CA – USA.”

[81] SĐD, tr. 676. 

[82] SĐD, tr. 677-678.

[83] SĐD, tr. 681-682.

[84] Xem lại hai Ghi chú số 72 & 73 nói về các giai đoạn hình thành và phát triển chữ quốc ngữ.

[85] ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, HƯỚNG ĐẾN MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ VỤ, Văn kiện chung kết ngày 26.10.2024, linh mục Lê Công Đức PSS chuyển ngữ (để tham khảo), số 19.

[86] SĐD, số 52.