Views: 2
(Cn 5 PS năm C 2025)
Suốt 4 tuần Chúa Nhật Phục Sinh, có thể nói được, cộng đoàn Dân Chúa cùng được nghe lại các “Bài giảng Kerygma” (Lời giảng nguyên thủy) của các Tông Đồ mà các cộng đoàn Giáo hội buổi ban sơ đã được diễm phúc nghe trực tiếp từ các “chứng nhân nhãn tiền” về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Kitô! Và cũng qua đó, Dân Chúa hôm nay được sống lại “cái thuở ban đầu” của Hội thánh, của Kitô giáo, một “Đạo mới” nhen nhúm hình thành giữa lòng một Do thái giáo cố cựu chi phối “địa bàn tôn giáo tâm linh” và một nền văn minh và văn hóa Hy-La đang chiếm thế thượng phong trên “địa bàn nhân văn xã hội”.
Với Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh (Năm C) hôm nay, Lời Chúa lại muốn chuyển tải đến chúng ta ý nghĩa cũng như viễn tượng về một Giáo hội vừa mang “dáng đứng của hiện thực đang lớn lên giữa trần gian” vừa vươn tới “hình hài của một trời mới đất mới” tận thuở cánh chung!
Thật vậy, Bài đọc 1 với trích đoạn sách Công vụ Tông đồ, Lời Chúa khẳng định rằng: cộng đoàn Giáo hội Chúa Kitô do các Tông Đồ rao giảng và thiết lập không chỉ co cụm trên mảnh đất Palestine và dành riêng cho người Do Thái mà đã bén rễ nơi mọi chân trời góc bể, với những địa chỉ tiêu biểu được Luca nhắc đến như Lystra, Icôniô, Antiôkia, Pisiđia, Pamphylia, Perghê, Attilia… Từ bức trang mang chiều kích “Công giáo” đó, tác giả Công vụ Tông đồ còn cho chúng ta thấy được ý nghĩa đầy đủ của sứ vụ loan báo Tin mừng: vừa rao giảng cho những người chưa tin để thiết lập các cộng đoàn vừa chăm sóc mục vụ để các cộng đoàn đó được lớn lên và phát triển: “Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin (…). Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo. Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia (…). Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin”.
Dĩ nhiên, các Kitô hữu đầu tiên, nhờ lời giảng dạy của các Tông đồ và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, hoàn toàn ý thức rằng: Giáo hội hay Cộng đoàn mà họ đang thuộc về không phải là một “tổ chức xã hội”, một “đảng phái chính trị” hay một “vương quốc trần tục” nào đó…, mà là một “Hội thánh” siêu việt, một “cộng đoàn dân mới” nhận được ơn cứu độ và đang triển nở để vươn lên thành một “Vương quốc Nước Trời” với một hiện trạng, một khung cảnh hoàn toàn toàn được Thiên Chúa đổi mới như khải thị của thánh Gioan Tông đồ trong trích đoạn sách Khải Huyền: Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi … Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình (…). Sự chết chóc sẽ không còn nữa, … bởi vì các việc cũ đã qua đi. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.
Chỉ có thể cắt nghĩa: lý do để cộng đoàn Kitô chinh phục thế giới và vượt qua: nào là Do Thái loại trừ đến Hy Lạp rẻ rúng rồi tới Rôma bách hại tàn bạo, để vươn lên, tươi trẻ và tồn tại đến hôm nay, đó chính là sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh và quyền năng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vâng, nếu không có Đức Kitô Phục Sinh hiện diện, không có Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn, Kitô giáo sẽ sớm tàn lụi như một “Do thái giáo cách tân mà không chịu để luật Môsê khống chế”, như một nền “văn hóa nhân bản Hi Lạp nửa vời mà không dựa trên nền tảng triết học”, hay như một “cơ chế đế quốc Rôma đầy tham vọng mang tính quốc tế nhưng lại không bám vào quyền lực thế trần”.
Để cắt nghĩa thêm hay làm chứng cho ý nghĩa trên, không gì cụ thể hơn khi đọc lại các sự kiện xoay quanh “Lễ tang của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô” vào cuối tháng Tư vừa qua hay “Lễ Đăng quang Giáo hoàng của đức Lêô XIV” sắp diễn ra ngay trong Chúa nhật này! Vâng, cả thế giới cúi đầu, ngưỡng mộ không phải trước một quan chức lãnh đạo trần tục nhưng là trước vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian, vị mục tử của một “Hội thánh Công giáo”, hiện thân của một “Giêrusalem mới từ trời xuống, từ nơi Thiên Chúa”. Dĩ nhiên, không loại trừ có những kẻ “không tin hay không chấp nhận chân lý” này; hoặc cũng không ít kẻ “đánh đồng Vatican với một thế lực chính trị không hơn không kém”!
Ngoài chiều kích thiêng liêng siêu việt đó, sứ điệp Lời Chúa hôm nay còn muốn chuyển tải đến chúng ta “mệnh lệnh” hay “di mệnh” của chính Đức Kitô mà Hội thánh mãi mãi không ngừng phải thực hiện, phải làm chứng, phải sống: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.
Vâng, Lễ tang long trọng của Đức Phanxicô rồi cũng nhạt nhòa theo thời gian; lễ đăng quang “hoành tráng” của Đức Lêô XIV rồi cũng khép lại và lụi tàn theo năm tháng, nhưng Hội thánh Chúa Kitô thì vẫn mãi trường tồn và lớn lên, tươi trẻ… Lý do hay nền tảng của sự trường tồn đó chính là Tình Yêu; một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót; một tình yêu được trả giá bằng sự chết và sống lại của Chúa Con là Đức Kitô; một tình yêu được nung đốt và soi sáng bởi Chúa Thánh Thần!
Bao lâu thế giới này, nhân loại này cứ ngoảnh mặt, chạy trốn mệnh lệnh tình yêu của Đức Kitô, thì bấy lâu sẽ không có cuộc hòa đàm nào, hiệp ước nào… có đủ khả năng để mang lại hòa bình an lạc cho thế giới. Vì thế, người Kitô hữu, ngoài lời kinh hằng ngày “xin cho Nước Cha trị đến” hãy nỗ lực hết mình sống và thực hiện mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau”.
Trương Đình Hiền