Views: 7
(Chúa Nhật 17 TN C 2025)
Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã từng nhận xét về thế giới hôm nay liên quan đến việc cầu nguyện: “Thế giới hôm nay là một thế giới bệnh hoạn; bệnh hoạn vì thiếu tình yêu; thiếu tình yêu vì không cầu nguyện đủ”. Riêng bản thân mẹ, mẹ chia sẻ rằng: “Không cầu nguyện, tôi không thể làm việc dù chỉ nửa giờ. Tôi có được sức mạnh của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện”…
Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 17 thường niên chu kỳ C cũng đang nói với chúng ta về việc cầu nguyện: từ việc cầu nguyện khá căng thẳng và đầy tính “mặc cả” của Abraham đối với Thiên Chúa nơi trình thuật của sách Sáng thế ký (Bài đọc 1: St 18,20-32) đến việc Chúa Kitô đáp ứng yêu cầu của các Tông đồ về việc dạy các ông cầu nguyện cùng với hai dụ ngôn minh họa (TM: Luca 11,1-13).
Trước hết, với trình thuật sinh động của đoạn sách Sáng thế, cuộc đối thoại, hay đúng hơn, lời khẩn nguyện của cụ tổ Abraham dâng lên Thiên Chúa để khẩn xin cho thành Sôđôma khỏi bị tiêu diệt, đã minh giải thái độ cầu nguyện trong chiều kích kiên trì và tin tưởng phó thác. Thật vậy, sau năm lần “mặc cả để thử thách lòng bao dung của Thiên Chúa”, cuối cùng Abraham đã thân thưa và Chúa đã đáp lời: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá” (Bđ 1).
Chính Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, trong loạt bài giáo lý về chủ đề “Cầu nguyện”, đã dành riêng một bài (Bài 5) mang tựa đề “Lời cầu nguyện của Áp-ra-ham” mà trong đó ngài đã viết rằng: “Chúng ta hãy học theo ông Áp-ra-ham, học cầu nguyện bằng đức tin: lắng nghe Chúa, bước đi, đối thoại để thảo luận. Chúng ta đừng sợ tranh luận với Thiên Chúa, ngay cả nói một điều có vẻ như lạc đạo. (…). Chúng ta hãy học ông Áp-ra-ham, trò chuyện và tranh luận, với đức tin, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận lời Chúa và đưa nó vào thực hành. Với Chúa, chúng ta học cách nói chuyện như một người con với cha của mình; lắng nghe Người, trả lời, tranh luận. Nhưng rõ ràng thẳng thắn như con cái với cha. Ông Áp-ra-ham dạy chúng ta cầu nguyện như thế”[1].
Sở dĩ ngày hôm nay rất nhiều người đã đánh mất cảm thức tôn giáo, cảm thức đức tin vào một Thiên Chúa là Cha, để không còn cảm thấy nhu cầu để mở lòng ra với Thiên Chúa, để ngỏ lời thân thưa cầu nguyện với Ngài, thường là vì hai lý do nầy: một là cảm thấy mình quá đầy đủ, dư thừa, hay bận bịu… đâu cần gì nơi Thiên Chúa để cầu xin Ngài trợ giúp… Hai là, Thiên Chúa chỉ là một hình tượng ảo, một khái niệm mơ hồ, hay một Đấng Toàn Năng nào đó ở xa tít trong cõi vô biên, nên cầu nguyện với Ngài là ấu trỉ, mê tín dị đoan…!
Thế nhưng, khi con người đánh mất mối tương quan “thắm đượm tình Chúa”, thì con người bỗng rối tung lên trong tương quan “tình người”. Vâng, khi người ta vất bỏ các biểu tượng về Thiên Chúa ra khỏi các trường học, khi người ta loại trừ các lời dạy và luật lệ của Kinh Thánh khỏi các pháp đình, khi người ta chọn lựa các hiệp ước, các cuộc đàm phán chính trị thay vì các nguyên tắc của Lời Chúa… thì thế giới đã rối beng với những cuộc đại chiến, với những cuộc khủng bố long trời lỡ đất như vụ “9.11”, những cuộc huynh đệ tương tàn như cuộc chiến Ukraina-Nga, Israel-Iran-Hamas-Syri… đang diễn ra; những cuộc thanh trừng đàn áp sắc tộc, tôn giáo khắp nơi, cùng với hàng triệu thai nhi bị tiêu diệt mỗi ngày do nạn phá thai…
Phải chăng vì con người đã quay mặt lại với Thiên Chúa khi “không có cả mười người thiện lương”, nên đã có biết bao “Sôđôma đã bị tiêu diệt”!
Thế nhưng, sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay lại không dừng lại ở “gam màu tiêu cực” đó, mà là niềm hy vọng trước lòng bao dung của một Người Cha nhân lành đầy quyền năng khi con người biết mở lòng như lời khẳng định của Đức Kitô trong Tin mừng Luca: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”. Không chỉ dừng lại ở xác quyết mang tính “định luật” đó, Chúa Giêsu còn dạy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha để cầu nguyện thường xuyên như một “đặc sản cầu nguyện” của Kitô giáo: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”. Để các môn sinh xác tín vững vàng vào hiệu quả của lời kinh nguyện chân thành dâng lên Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn dạy thêm các dụ ngôn đầy tính minh họa: “Người bạn xin bánh đêm khuya” hay “những đứa con xin cha mình bánh, cá, trứng”.
Phải chăng, chính nhờ sự kiên trì và xác tín vào việc cầu nguyện như thế trên nền tảng mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô mà các cộng đoàn Kitô tiên khởi giữ được niềm tín trung, hiệp nhất, tồn tại và phát triển trước bao cơn bách hại. Chắc chắn, những lời khuyên dạy của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Côlôsê (Bài đọc 2) là kết tinh của những trải nghiệm từ đời sống cầu nguyện của những người được tái sinh nhờ nhiệm tích Thánh tẩy: “… nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.…”.
Với sứ điệp Lời Chúa về “Cầu Nguyện” của Chúa Nhật hôm nay làm tôi chợt nhớ tới mấy lời cầu đầy thảng thốt “con tin, con tin” của chàng sĩ quan Rôma Vinicius đã hét lên tại hý trường Coloseum trong cuốn tiểu thuyết “Quo Vadis” của nhà văn BaLan Henryk Sienkiewicz, khi chàng vừa thấy con bò rừng hung hản xuất hiện với người yêu Lygia bị buộc trên lưng để song đấu với người vệ sĩ của Lygia là Ursus. Giữa cuộc chiến đấu của người tù vệ sĩ Ursus bị bỏ đói với con bò tót hung tợn, dũng mãnh, Vinicius chỉ còn biết la lên: “Con tin, con tin, lạy Chúa con tin…”. Và một điều không thể tưởng tượng nổi đã làm cho cả hý trường Coloseum nín thở, ngưng đọng mọi âm thanh, khi Ursus từ từ ghịt đầu con bò rừng xuống… và bẻ gãy cỗ…
Trong cuộc hành trình đức tin hôm nay, chúng ta cũng đang đối diện với những con bò rừng của tiền bạc, của hưởng thụ, của tự do phóng túng, của não trạng vô thần và duy vật, của lãnh đạm và thờ ơ với giáo lý, luân lý, Phụng vụ… Để chiến thắng, chúng ta không còn lựa chọn nào khả thi hơn và hiệu quả nhất đó chính là cầu nguyện tha thiết như chàng sĩ quan Vinicius; nhưng không phải “lời cầu ngoài môi mép” mà trong tận cõi lòng và với hết cả con tim: “con tin, con tin, lạy Chúa con tin”… Amen.
Trương Đình Hiền
[1] Nguồn: vaticannews.va/vi