ÂN BAN ‘SỨ VỤ’ & ‘NĂM THÁNH’

Views: 28

“Anh em ra đi, sinh được hoa trái” – Ga 15,16

THAM LUẬN KHAI MẠC HỌP HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO PHẬN QUI NHƠN

19/11/2024

Dẫn nhập: Tính xuyên suốt của mầu nhiệm “Cây Nho”

          Cuộc họp HĐMVGP Qui Nhơn năm nay, 2024, rơi vào một khoảng giữa hai sự kiện mục vụ quan trọng của Giáo Hội Công giáo: Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 với định hướng “GIÁO HỘI HIỆP HÀNH” vừa kết thúc tại Rôma ngày 27.10.2024, và Năm Thánh lệ thường 2025 sắp được khai mở: Rôma sẽ “mở cửa thánh” vào ngày 24.12 và các Giáo Hội địa phương sẽ khai mở Năm Thánh vào ngày 29.12 sắp tới. Trong khi đó, định hướng mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, theo thư chung tháng 9 vừa qua của HĐGMVN, đó là “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”: “Trong thời gian Hội nghị, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng tôi đã cầu nguyện, chia sẻ nhằm đưa ra định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” mà sự thể hiện cụ thể cũng được Thư Chung nhắm đến đó là “chúng ta cùng hướng tới sứ vụ căn bản của người tín hữu. Đó là việc đến với người xa Chúa và những anh chị em chưa biết Chúa, để nói với họ về Ngài.”

          Để dung hợp các ý nghĩa và chiều kích mục vụ trọng tâm trên: Năm “Sứ vụ” của định hướng Giáo Hội Hiệp hành và Năm Thánh lệ thường sắp khai diễn, đồng thời, để “sợi chỉ đỏ mục vụ” của Giáo phận được xuyên suốt qua dấu nhấn Tin Mừng “Cây Nho”: MỘT CÂY NHO MỘT THÂN MÌNH (Năm 2023), CÙNG NHAU ĐI LÀM VƯỜN NHO CHÚA (Năm 2024), Hội Đồng linh mục Giáo phận đã chọn khẩu hiệu làm định hướng mục vụ cho năm 2025 đó là: ANH EM RA ĐI, SINH ĐƯỢC HOA TRÁI (Ga 15,16), một câu Tin Mừng trích xuất từ bài giáo lý “Cây Nho” của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan.

          Vâng, với chỉ một mệnh đề với 8 từ đơn giản, nhưng chúng ta có thể thấy được hai nội dung cốt yếu: ANH EM RA ĐI: liên quan đến “Sứ vụ truyền giáo” (Tức chiều kích thứ 3 trong định hướng Hiệp Hành); và SINH ĐƯỢC HOA TRÁI: liên quan đến NĂM THÁNH, thời gian của hoa trái ân sủng được tuôn đổ trên Dân Chúa.

          Cùng với toàn thể Dân Chúa, Giáo phận chúng ta sống chiều kích “sentire cum Ecclesia” (cảm thức Giáo Hội) qua chính những thời khắc và định hướng mục vụ đặc biệt đó. Nói cách khác, cuộc Họp HĐMVGP này chính là cơ hội thuận tiện để chúng ta cùng chuẩn bị cho Dân Chúa Giáo phận dấn thân vào sứ vụ bằng phong cách Hiệp hành để trong Năm Thánh 2025 này sẽ mang về cho Chúa, cho Giáo Hội, cho con người nhiều hoa trái đẹp của ân sủng: “Thày đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16).

          Chính trong ý nghĩa” đó, xin được khơi gợi vài điểm nhấn nền tảng để chúng ta suy tư, đào sâu và khai triển cách phong phú và hợp lý định hướng mục vụ của Giáo phận Qui Nhơn năm 2025 như sau:

I. “SỨ VỤ” LÀ MỘT ÂN BAN TRỌNG ĐẠI: “Anh em ra đi”.

1. Nhắc lại vài điểm giáo lý cơ bản: Truyền giáo: sứ mệnh cốt yếu của Giáo Hội:

1.1. Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI với Tông huấn Loan Tin Mừng: sứ vụ truyền giáo là bổn phận thiết yếu của Giáo Hội:

“… đối với Giáo Hội việc trình bày sứ điệp Tin Mừng không phải là một sự đóng góp tùy hứng: Đó chính là bổn phận đòi buộc Giáo Hội, do Chúa Giêsu truyền lại, để nhân loại có thể tin và được cứu thoát. Thực thế, sứ điệp Tin Mừng thật cần thiết, duy nhất mà không gì có thể thay thế được. Sứ điệp Tin Mừng không chấp nhận sự lãnh đạm, sự dung hợp và một thêm bớt nào. Vì chính đây là vấn đề cứu rỗi của con người. Chính nó thể hiện vẻ đẹp của mạc khải. Nó mang sự khôn ngoan không thuộc về thế gian này. Tự nó có thể khơi dậy đức tin, một đức tin dựa trên quyền năng của Thiên Chúa (1 Cr 2,5). Nó là chân lý. Nó đáng cho người tông đồ hy sinh thời giờ, nghị lực và nếu cần cả sự sống mình.” (Tông huấn LOAN BÁO TIN MỪNG” (EVANGELII NUNTIANDI) – Viết tắt: EN số 5).

1.2. Đức Gioan Phaolô II: sứ vụ truyền giáo là căn tính của mọi Kitô hữu:

          Chúng ta thử đọc lại cách xác quyết của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân về ý nghĩa trên:

“Khoảng chín giờ sáng, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi!’ (Mt 20,3-4) … Cả các anh nữa: Lời mời gọi không chỉ gửi tới các vị Chủ chăn, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng tới mọi người: cả các giáo dân cũng được mời gọi đích danh, nhận lãnh từ Ngài một sứ vụ đối với Giáo Hội và thế giới. Khi giảng thuyết cho các kitô-hữu, Thánh  Grêgôriô Cả nhắc lại điều đó khi ngài diễn giải dụ ngôn thợ làm vườn nho trong một bài giảng cho dân chúng: “Anh em thân mến, hãy lưu ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải đã là thợ làm vườn của Chúa không. Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận định xem mình có làm việc trong vườn nho của Chúa hay không” (KTHGD số 2).

1.3. Đời sống và sứ mệnh giáo dân: Chứng tá giữa đời”:

“Trước tiên Tin Mừng phải được công bố bằng chứng tá. (…) Một chứng tá như vậy đã là sự công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và hiệu nghiệm. Đó là động tác khai mào của việc Phúc Âm hóa.” (EN số 23).

   Riêng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) đã nhấn mạnh “chứng từ niềm vui”:

“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”. (EG 10)

2. Cao quý thay “ân ban sứ vụ”:

2.1. Một tâm thức “tôi cho, tôi làm…” thay vì “tôi nhận lãnh, tôi được ơn…”:

          Có nhiều Kitô hữu (hay ngay cả linh mục, tu sĩ) có thể có nhận thức rằng: tôi đi tu làm linh mục, tu sĩ, tôi làm chức việc, tôi làm giáo lý viên, tôi sinh hoạt ca đoàn… là tôi đang cống hiến cho Chúa cho Giáo Hội; tôi đang hy sinh, từ bỏ, chịu thiệt… để phục vụ Giáo Hội. Nghĩa là chỉ thấy khía cạnh “mình đóng góp”, “mình dấn thân”, “mình hy sinh, từ bỏ” … mà không nhận ra một chiều kích quan trọng hơn, cốt yếu hơn: Chúa gọi tôi, Chúa chọn tôi đi làm việc cho Ngài; cái ân ban được gọi, được chọn thi hành sứ vụ, đi truyền giáo là một ân ban trọng đại.

2.2. Hiệu quả tiêu cực:

          Phải chăng vì không ý thức hay cảm nhận được cái “ân ban” quan trọng này nên:

– Người trẻ không còn tha thiết gì đến ơn gọi linh mục, tu trì để dấn thân truyền giáo.

– Các gia đình, các giáo dân không còn mặn mà gì với ơn được phục vụ giáo xứ, cộng đoàn…; coi việc phục vụ Giáo Hội như là đem “bố thí của dư thừa”: khi nào con rãnh, khi nào gia đình con ổn, khi nào con có đủ điều kiện (tài chánh, sức khỏe…), con sẽ dấn thân phục vụ.

– Các hội viên hội đoàn chỉ làm việc cách hờ hững, mệt mỏi, qua loa cho có chuyện…

– Đặc biệt: các ban mục vụ của Giáo phận: phải giải trừ tâm lý “vũ như cẩn”. Người đặc trách thì coi trách nhiệm như “gánh nặng chẳng đặng đừng” mà không cảm thấy một niềm vui, hạnh phúc hay phấn khởi nào khi được trao trách nhiệm. Các thành viên thì “ù ù cạc cạc”, chỉ đâu làm đó, không chỉ không làm; đó là chưa kể thái độ bất mãn kinh niên, bất hợp tác, không phục hay chống đối ra mặt…

          Vâng, “cái tôi tự hào” sẽ làm nghèo nàn mọi thứ, mọi hoạt động; hay như ngôn ngữ của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, đó là “phát sinh tâm lý nấm mồ”![1] Trong khi đó, kẻ đón nhận sứ vụ như “ân ban” sẽ được đong đầy nghị lực và khôn ngoan, tình yêu và lòng quảng đại!

2.3. Những “thái độ hiệp hành” để canh tân “sứ vụ”:

          Văn kiện VADEMECUM của Thượng Hội Đồng đề nghị những thái độ mà Dân Chúa, hàng Giáo Phẩm, Giáo sĩ, tu sĩ và mọi giáo dân cần phải có để tham gia vào tiến trình hiệp hành. Và đây cũng chính là những thái độ cần thiết để giáo phận chúng ta, để mọi ban mục vụ và mọi thành phần Dân Chúa cần đón nhận và biến thành hiện thực trong “Năm Sứ Vụ” này:

– Tinh thần hiệp hành đòi phải dành thời gian cho việc chia sẻ: Chúng ta được mời gọi can đảm nói thẳng nói thật (parrhesia) để có thể phối hợp giữa tự do, sự thật và bác ái. Qua đối thoại mỗi người có thể hiểu biết hơn.

– Khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm nói ra: Mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1 Cor 12,7).

– Đối thoại đưa chúng ta đến đổi mới: Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì chúng ta nghe được từ người khác.

– Sẵn sàng hoán cải và thay đổi: Thông thường, chúng ta có thể kháng cự những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đảm nhiệm. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ.

(…)

– Loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu sẵn: Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ.

– Vượt khỏi thói giáo sĩ trị: … Tính hiệp hành mời gọi các mục tử chăm chú lắng nghe đoàn chiên được giao cho mình chăm sóc, cũng như mời gọi giáo dân tự do và trung thực diễn tả quan điểm của mình. Mọi người lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ chung của chúng ta. Như thế quyền năng Chúa Thánh Thần được biểu lộ muôn vàn cách trong và qua toàn thể Dân Chúa.

– Chữa trị virus tự mãn: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v… (VADEMECUM 2-3).

2.4. Để định hướng “hiệp hành” là một lựa chọn hành động xuyên suốt:

          Là Kitô hữu, không ai trong chúng ta lại muốn mình, muốn cộng đoàn mình, Giáo phận mình trở thành cây vả không sinh trái để bị Chúa Giêsu nguyền rủa như Tin Mừng kể lại (Mc 11,12-14; 20-21). Thế nhưng, hoa trái của đức tin của mỗi người hay sự năng động của đời sống Giáo Hội, Giáo phận lại được biểu lộ ngay trong thời điểm (Kairos) Thượng Hội Đồng XVI nầy và cách thức chúng ta thực hiện, như Vademecum lưu ý:

“Mục tiêu của Tiến trình hiệp hành không phải là cung cấp kinh nghiệm tạm thời hoặc một lần về tính hiệp hành, mà là tạo cơ hội cho toàn Dân Chúa cùng nhau phân định cách tiến bước trên con đường trở thành một Hội thánh mang tính hiệp hành hơn trong tầm nhìn dài hạn”. Vì thế, “con đường hiệp hành” không kết thúc ở đây như “hàng loạt các cuộc diễn tập hết bắt đầu rồi lại kết thúc, mà là một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba này” (VADEMECUM 1.3).

          Riêng Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ thêm về gía trị hiệp hành sau khi Thượng Hội Đồng kết thúc tại tại Rôma ngày 27.10.2024:

“Thượng Hội Đồng về Hội Thánh hiệp hành trong viễn tượng của nó đòi hỏi rất nhiều và đòi hỏi mọi người. Đòi hỏi chúng ta phải thay đổi não trạng. Đòi hỏi chúng ta không được xem tính hiệp hành như một công việc nghĩa vụ hành chánh làm cách cha chú, với vài cải cách nhỏ nhặt ở bề mặt. Đòi hỏi chúng ta phải khám phá lại lòng ước muốn cùng đi với nhau là một điều đáng khao khát chứ không chỉ là nghĩa vụ, với tất cả hoa quả bao gồm. Đòi hỏi chúng ta dám tháo neo đậu để lên đường với niềm tin tưởng có Chúa ở cùng dẫn lối, qua các ơn huệ Thánh Thần ban cho…”[2].

II. NĂM THÁNH 2025: THỜI ĐÓN NHẬN VÀ TRIỂN NỞ HỒNG ÂN: Sinh được hoa trái:

1. Để Năm Thánh sinh hoa kết trái:

1.1. Thời khắc để “mảnh đất tâm hồn nghỉ ngơi”.

          Chúng ta biết rằng: Năm Thánh hay Năm Tòan Xá bắt nguồn từ truyền thống Thánh Kinh khi dân Ít-ra-en đã được chính Thiên Chúa chỉ thị tổ chức thực hiện:

“Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.” (Lv 25,10-13).

Nếu Năm Thánh của dân Ít-ra-en đó là thời kỳ “cần lao gác lại, đất đai được nghỉ ngơi”, thì Năm Thánh lệ thường của Giáo Hội hôm nay cũng chính là thời điểm thích hợp để mọi người chúng ta cho “mảnh đất cộng đoàn”, “mảnh đất tâm hồn của mọi thành phần Dân Chúa được nghỉ ngơi”. Đó là cuộc nghỉ ngơi theo đúng chỉ thị của Đức Kitô dành cho cho các môn sinh: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng …” (Mc 6, 31), cuộc nghỉ ngơi khỏi những lo toan, bận rộn đời thường, những “lo ra chia trí vì những nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, những tranh chấp hơn thua, những lỗ lời mặc cả… để quy hướng cho việc sống đạo, cho việc hoán cải mục vụ, cho việc dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng, cho sứ vụ truyền giáo…

Sau đây là vài đề nghị cho việc “hồi tâm” hay “nghỉ ngơi” trong Năm Thánh này:

– Gác lại những công trình bận rộn khiến mọi người đánh mất sự thanh thản nội tâm, không gian yên bình của phụng vụ, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa…

– Gác lại những dự án, những chương trình không nhằm củng cố và tăng trưởng đức tin mà chỉ nhằm những khoa trương hình thức, những kênh kiệu mang tính thế tục.

– Gác lại những thói quen, những đường mòn của ồn ào náo động, những biến tướng của không gian mục vụ và đức tin thành “lễ hội om sòm” trần tục ngoại giáo…

– Gác lại những sinh hoạt ẩn chứa những nguy cơ chia rẽ, rạn nứt; những hoạt động chắc chắn mang lại gánh nặng, mệt mỏi, quá tải cho mọi người…

1.2. Thời khắc để “canh tân các mối tương quan”.

          Truyền thống Năm Thánh của dân Ít-ra-en còn nhấn mạnh khía cạnh “chuộc đất, chuộc nhà, giải phóng nô lệ”:

“đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình…(…) Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh (các) ngươi và phải bán mình cho (các) ngươi, thì (các) ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ; nó sẽ ở với (các) ngươi như một người làm thuê, một khách trọ, và sẽ phục vụ trong nhà (các) ngươi cho đến năm toàn xá; khi đó, nó cùng với con cái nó sẽ ra khỏi nhà (các) ngươi, sẽ trở về thị tộc mình, sẽ trở về phần sở hữu của cha ông nó. Quả thế, chúng là tôi tớ của Ta, mà Ta đã đưa ra khỏi đất Ai-cập, không được bán chúng như bán nô lệ. (Các) ngươi không được thống trị chúng cách hà khắc, nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi.” (Lv 25,23-43).

          Như vậy, dịp Năm Thánh nầy và ngay hôm nay là lúc thích hợp và cần thiết nhất để chúng ta cùng “tính sổ” với chính lương tâm mình, với căn cước Kitô hữu của mình; cuộc “tính sổ” về các mối tương quan, tính sổ lòng bác ái, tính sổ luật yêu thương để can đảm gác lại mọi mối tị hiềm, mọi lòng đố kỵ, mọi cái nhìn khe khắt, thiên kiến với đôi kính đen ngòm của tự ái, sĩ diện… Năm Thánh là dịp để thiết lập những mối tương quan mới trên nền tảng yêu thương như Sắc chỉ Năm Thánh “Spes non confundit” của Đức Thánh Cha Phanxicô nêu rõ:

“Yêu cầu thực hiện những hành vi khoan dung và giải phóng cho phép người ta bắt đầu lại như vậy là một yêu cầu có từ xa xưa, xuất phát từ Lời Chúa và có giá trị khôn ngoan trường cửu: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó.” (Lv 25,10). Luật Môsê được tiên tri Isaia nhắc lại: “Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, chữa lành những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-2). Đây là những lời mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình lúc khởi đầu sứ vụ khi tuyên bố rằng “năm hồng ân của Chúa” đã được thực hiện nơi chính Người (x. Lc 4,18-19). (SNC số 10).

          – Cộng đoàn nào, giáo xứ nào lại không có những “mối tương quan đang gãy đổ”, bất hòa cần được hàn gắn: chủ chăn và cộng đoàn; cha sở và Hội đồng giáo xứ; các hội đoàn ganh tỵ nhau…

          – Các gia đình đang trên đường hay đã tan vỡ; các đôi hôn nhân bị rối; các tín hữu bỏ đạo hoặc giữ đạo thờ ơ nguội lạnh…

          – Các mối tương quan xã hội: chính quyền, các tôn giáo bạn, anh chị em lương dân… vẫn còn xa xôi cách biệt, lạnh nhạt hay thủ thế đối đầu…

          – Những người nghèo, thất học, bệnh hoạn tật nguyền, vùng sâu vùng xa, các anh chị em dân tộc… chưa được quan tâm chăm sóc đúng mực…

          Biết bao công việc mục vụ đang còn ngổn ngang phía trước để chúng ta cùng hành động trong Năm Thánh này…; không phải “xây tường” mà là bắt những “chiếc cầu hiệp thông” (ĐGH Phanxicô)

1.3. Thời khắc để “bắt đầu cuộc hành hương của niềm hy vọng”.

          Nói đến “hành hương” là hướng tới cuộc “lên đường”, là “đi ra khỏi chỗ ở, địa chỉ mà mình đang “an cư” để chấp nhận một cuộc “vào sa mạc”, một cuộc “xuất hành”, giống như cuộc xuất hành của Ít-ra-en, đứng lên bỏ lại “củ hành, củ tỏi, nồi thịt… của đời nô lệ Ai-cập” để phiêu lưu “đi về Đất Hứa” (Xh 12,29-41); hay đặc biệt hơn, đó là cuộc “hành hương đi vào vùng đất thánh thiêng nơi Thiên Chúa đang hiện diện”. Chính vì thế, để bắt đầu cuộc hành hương nầy Chúa muốn chúng ta phải “cởi dép”:

Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đoàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. (Xh 3, 1.4-5).

          Để minh họa thêm cho thái độ “cởi dép” nầy của Môsê, chúng ta có giai thoại sau:

Người Mê-hi-cô thích đội chiếc mũ rộng vành. Làm gì, đi đâu cũng đội mũ. Người ta kể rằng, có một Vị Tử Đạo Mê-hi-cô khi đến pháp trường cũng được đội mũ. Tuy nhiên, trước khi đao phủ chém đầu Ngài, Ngài đã nói với đao phủ rằng: “Xin cất mũ dùm tôi để tôi chào Chúa”.

          Vâng, cuộc hành hương đến gặp gỡ Chúa lẽ nào chúng ta “cả gan” để mũ trên đầu, “để dép trong chân” (Xh 3, 5). Nói cách khác, để gặp gỡ Chúa Kitô trong Năm Thánh này, chúng ta phải gạt bỏ hết những hành trang lĩnh kĩnh để có một “tư cách chĩnh tề”, phải mau mắn dứt khoát để có một thái độ “sắp sẵn” nghiêm túc, phải mạnh mẽ, can đảm để chiến đấu và chiến thắng. Riêng cuộc hành hương Năm Thánh 2025 này được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “Cuộc hành hương của niềm hy vọng” và đích điểm đó chính là cuộc “gặp gỡ Đức Kitô”:

“Spes non confundit. “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Với dấu chỉ hy vọng, Tông đồ Phaolô đã khích lệ cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma. Niềm hy vọng cũng là sứ điệp trọng tâm của Năm Thánh sắp tới mà theo truyền thống cổ xưa, Đức giáo hoàng công bố 25 năm một lần. Tôi nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rôma để sống Năm Thánh, và nghĩ đến tất cả những ai dù không thể đến được Thành phố của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng cũng sẽ cử hành Năm Thánh tại các Giáo hội địa phương của họ. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người.” (SNC số 1).

2. Hành trang cho cuộc “hành hương hy vọng”:

            Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sắc chỉ Năm Thánh đã đề nghị nhiều “thứ hành trang” cho “cuộc hành hương của niềm hy vọng” này:

– Khởi đi từ sự hoán cải: “bí tích Hòa giải, là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực.” (SNC số 5).

– Năm Thánh và bảo vệ sự sống: “Việc mở ra đón nhận sự sống với vai trò làm cha, làm mẹ có trách nhiệm là chương trình mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc trong trái tim và thân xác của người nam người nữ, là sứ mạng Chúa đã giao phó cho các đôi vợ chồng và tình yêu của họ.” (SNC số 9).

– Năm Thánh và các tù nhân: Trong Năm Thánh, chúng ta được mời gọi trở nên những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng. Tôi nghĩ đến những tù nhân bị tước đoạt tự do, hằng ngày, ngoài nỗi khắc nghiệt của việc bị cô lập và thiếu thốn tình cảm, còn bị áp đặt những hạn chế và nhiều khi không được tôn trọng.” (SNC số 10).

– Năm Thánh cho bệnh nhân: “Cũng phải đem lại những dấu chỉ hy vọng cho các bệnh nhân, ở nhà hay ở bệnh viện. Phải xoa dịu những đau khổ của họ bằng cách thăm nom trong tình yêu thương và sự gần gũi…” (SNC số 11).

– Năm Thánh và người trẻ: “Những người là hiện thân của niềm hy vọng cũng cần đến dấu chỉ hy vọng: đó là giới trẻ. Đáng buồn thay, họ thường thấy ước mơ của mình sụp đổ. Chúng ta không được làm họ thất vọng: tương lai được xây dựng trên nhiệt huyết của họ…” (SNC số 12).

– Năm Thánh cho người di cư: “Cũng phải có những dấu chỉ hy vọng cho những người di cư phải rời bỏ quê hương mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình…” (SNC số 13).

– Năm Thánh cho người cao tuổi: Những người cao tuổi cũng xứng đáng được có những dấu chỉ hy vọng, những người này thường trải qua nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự có trách nhiệm trân trọng kho báu là chính người cao tuổi…” (SNC số 14).

– Năm Thánh với người nghèo: “Tôi tha thiết cầu xin cho hàng tỷ người nghèo có được niềm hy vọng. Họ thường thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống…” (SNC số 15).

– Năm Thánh và bí tích Hòa Giải: “Bí tích Hòa giải bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta. Những lời Thánh vịnh đầy sức mạnh an ủi: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi…” (SNC số 23).

– Năm Thánh và bác ái yêu thương: “Chúng ta cần một thứ hạnh phúc đạt được một lần và mãi mãi trong điều làm chúng ta tăng triển, nghĩa là trong tình yêu, để từ nay trở đi chúng ta có thể nói: Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu; và tôi sẽ luôn hiện hữu trong Tình yêu không làm tôi thất vọng…” (SNC số 21).

– Năm Thánh và Mẹ Maria: Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống…” (SNC số 24).

– Năm Thánh và Lời Chúa: “Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta…” (SNC số 25).

Thay lời kết:

          Qua một số gợi ý trên của Lời Chúa và Huấn Quyền Giáo Hội, hy vọng mọi người  chúng ta đều ý thức rằng: Cuộc hành hương Năm Thánh, hành hương của niềm hy vọng sẽ cần biết bao thứ “hành trang tinh thần”, bao nỗ lực mục vụ, bao cố gắng canh tân và hòa giải, bao sẻ chia phục vụ… để “hoa trái Năm Thánh nỡ rộ trên mảnh đất Giáo phận thân yêu của chúng ta. Chính vì thế, cuộc họp Hội Đồng Mục vụ này sẽ là cuộc “đối thoại trong Thánh Thần” để chúng ta tìm thấy những “con đường hành hương” hiệu quả nhất, đúng đắn nhất, khả thi nhất… hầu đạt được điều mà Chúa Giêsu đã từng hy vọng: “Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16).

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

KINH NĂM THÁNH 2025

Lạy Cha trên trời,

Xin cho ơn đức tin mà Cha ban tặng chúng con

trong Chúa Giêsu Kitô, Con Cha và Anh của chúng con,

cùng ngọn lửa đức ái được thắp lên

trong tâm hồn chúng con bởi Chúa Thánh Thần,

khơi dậy trong chúng con niềm hy vọng hồng phúc hướng về Nước Cha trị đến.

Xin ân sủng Cha biến đổi chúng con

thành những người miệt mài vun trồng hạt giống Tin Mừng.


Ước gì những hạt giống ấy

biến đổi từ bên trong nhân loại và toàn thể vũ trụ này,

trong khi vững lòng mong đợi trời mới đất mới,

lúc mà quyền lực Sự Dữ sẽ bị đánh bại,

và vinh quang Cha sẽ chiếu sáng muôn đời.

Xin cho ân sủng của Năm Thánh này

khơi dậy trong chúng con, là Những Người Lữ Hành Hy Vọng,


niềm khao khát kho tàng ở trên trời.

Đồng thời cũng làm lan tỏa trên khắp thế giới

niềm vui và sự bình an của Đấng Cứu Chuộc chúng con.

Đức Giáo hoàng Phanxicô (Bản dịch Kinh Năm Thánh được thực hiện bởi Linh mục Giuse Lê Công Đức và đã được Đức Giám mục Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn phê chuẩn)


[1] ĐGH PHANXICÔ, Niềm vui của Tin Mừng, số 83: “Bằng cách này một tâm lý nấm mồ phát triển và từ từ biến những người Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tang”

[2] Website HĐGMVN https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mot-hoi-thanh-cung-di-voi-chua-loan-bao-tin-mung