(Chúa Nhật 20 TN B 2024)
Là những Kitô hữu không ai lại không được một lần nghe lời phán dạy của Đức Kitô: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Nhưng Ngài phải làm cách nào để hiện thực hóa điều trên? Quả thật, qua các trình thuật của các Tin mừng, chúng ta đã gặp thấy bao nhiêu cách để Chúa Giêsu thực hiện công việc “Ngài đến để chiên được sống dồi dào”.
Chúng ta thử lược qua những cách mà “Đức Kitô trở thành” để thể hiện “Đấng ban sự sống”. Vâng, Ngài đã “nhập thể” qua những dấu chỉ và thực tại hữu hình” để đoàn chiên được sống dồi dào, để nhân loại được ơn cứu độ:
– Ngài biến mình thành “ánh sáng” khi Ngài mở mắt cho người mù: “Ta là ánh sáng…” (Ga 8,12).
– Ngài biến mình thành “Mục tử nhân hiền” khi “chạnh lòng thương xót đám dân bơ vơ lạc loài như chiên không có người chăn”: “Tôi chính là mục tử nhân lành” (Ga 10,11).
– Ngài biến mình thành “con đường” để ai tiến bước theo Ngài sẽ không lạc lối: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống…” (Ga 14,6),
– Ngài biến mình thành một “Cây nho” để ai liên kết mật thiết với Ngài sẽ được thông chuyền nhựa sống: “Thầy là cây nho thật…” (Ga 15,1).
– Ngài biến mình thành “cánh cửa” để ai bước qua cánh cửa đó sẽ được cứu: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9)…
Đặc biệt, qua 4 Chúa nhật liên tiếp, 17,18,19,20, sứ điệp Lời Chúa qua trích đoạn chương 6 của Tin mừng Gioan, Đức Kitô đã biến mình thành một thực tại xem ra giản đơn và gần gũi, nhưng cần thiết cho sự sống đó là “Tấm Bánh”; mà không chỉ là “tấm bánh đơn” ngang tầm với “nắm xôi của Thằng Bờm”, mà “Bánh Hằng Sống từ trời xuống”: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.”.
Nếu Đức Kitô chỉ dừng lại ở đó thôi, khi ví mình là “Tấm bánh từ trời xuống”, thì dân Do Thái đương thời có thể chấp nhận được. Vì chính trong lịch sử của dân tộc họ, nhất là giai đoạn lịch sử “bốn mươi năm hành trình xuyên hoang mạc về đất hứa”, tổ tiên họ đã từng cảm nếm thế nào là “bánh Manna từ trời xuống”: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6,31). Thế nhưng, khi giới thiệu mình chính là “Bánh Hằng sống từ trời xuống”, Đức Kitô đã mạc khải bản chất đích thực của thứ Bánh nầy: “Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” … Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.”.
Khi Đức Kitô tuyên bố thẳng thừng như thế, không phải chỉ có dân Do Thái cách đây gần hai mươi thế kỷ mới dị ứng mà ngay cả hôm nay, đối với những ai không chia sẽ niềm tin của người Kitô hữu, họ cũng sẽ không tin và không chấp nhận được. Vâng, Đức Kitô đang mạc khải cho loài người về “Mầu Nhiệm Thánh Thể”, một mầu nhiệm chỉ có thể tiếp cận và cảm nhận bằng đức tin chứ không thể lý giải bằng lý trí tự nhiên. Vì thế, Mầu nhiệm Thánh Thể cũng được ngôn ngữ phụng vụ tuyên nhận là “Mầu nhiệm đức tin”; và Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp về Thánh Thể mang tên “Mysterium Fidei” (Mầu nhiệm đức tin) đã xác quyết rằng: “Vì thế, chúng ta chỉ có thể tới gần mầu nhiệm này với một lòng cung kính khiêm nhường, không dùng lý luận loài người, vì phải yên lặng ở đây, nhưng chúng ta phải gắn bó chặt chẽ với Mạc khải của Thiên Chúa”.
Thật ra, để Dân Chúa đón nhận mạc khải về mầu nhiệm “Bánh Hằng sống” của Đức Kitô, Thiên Chúa, ngay từ thời Cựu ước, bằng nhiều cách và nhiều lời dạy dỗ nhủ khuyên, loan báo Mầu nhiệm thánh thiêng này. Trích sách Khôn ngoan trong Bài đọc 1 hôm nay là một trong những lời “dọn đường mạc khải về huyền nhiệm Thánh Thể”: Sự Khôn Ngoan… bảo kẻ ngu muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.
Theo truyền thống Thánh Kinh, “Sự Khôn Ngoan” mà Cựu ước nói đến và được “nhân cách hóa” là hình ảnh tiên trưng của chính Ngôi Lời, của chính Đức Kitô, Sự Khôn Ngoan tuyệt đối của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, người Kitô hữu đang sống trong một thế giới mà chủ nghĩa “duy vật” đang lên ngôi, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất đang chi phối mọi nẻo đường cuộc sống; nơi nhiều xứ, nhiều vùng, nhiều cộng đoàn…, Mầu nhiệm Thánh Thể đã trở thành “đồ cổ”, chỉ để dành riêng cho một ít người giữ đức tin truyền thống. Những đại Thánh đường khi xưa là nơi trưng bày Thánh Thể long trọng và dập dìu tín hữu đến hiệp dâng Thánh lễ, tôn thờ Thánh Thể như Đại Thánh đường Notre Dame, Đại thánh đường Sacré-coeur ở Paris… giờ chỉ là nơi để khách du lịch đến tham quan, giải trí! Vâng, con người thích và chọn lựa “sự ngu dại của thế gian” hơn sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Con người đua nhau đi tìm thứ bánh vật chất là “nắm xôi của Thằng Bờm” để thỏa mãn yêu cầu của cái bụng, hơn là tìm kiếm lương thực trường sinh, như Đức Kitô đã từng “lật mặt” dân Do Thái sau câu chuyện “Phép lạ hóa bánh ra nhiều”: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,26-27).
Mà không chỉ nhiều người lãnh đạm, thờ ơ với Mầu nhiệm Thánh Thể, thế giới vẫn còn đâu đó những xúc phạm, thù hận với Mầu nhiệm thánh này. Câu chuyện em bé gái Trung Quốc 11 tuổi vào thời “Cách mạng văn hóa”, đã bí mật âm thầm mỗi đêm đến nhà thờ tôn thờ 32 bánh Thánh Thể bị vứt trên nền cung thánh; rồi sau khi tôn thờ xong đã long trọng rước Mình Thánh Chúa bằng lưỡi… Sau khi tôn thờ và rước tấm bánh 32 cuối cùng, em đã bị phác giác và bị đánh chết. Câu chuyện “chứng nhân tử đạo về Thánh Thể này” đã chạm đến trái tim của nhiều người, trong đó có đức cố hồng y Fulton Sheen; người mà nhờ câu chuyện này, đã dành 60 năm trường gắn bó và tôn thờ Thánh Thể…
Chắc chắn không người Kitô hữu nào “dại dột” chọn lựa con đường “chết đời đời” mà lại không “khôn ngoan” để chọn con đường “sống vĩnh cửu”! Thế mà, như Lời Đức Kitô khẳng quyết: “Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”, thì hà cớ gì chúng ta lại hồ nghi. Vâng, Đức Kitô đang hiện diện giữa chúng ta, một sự hiện diện mà Công đồng Trento đã khẳng quyết là “Vraiment” (thật sự chứ không giả dối), “Réellement” (thực tại cụ thể chứ không phải ý thức trừu tượng), Substantiellement (bản tính đích thực chứ không phải yếu tố phụ tùy).
Nếu ai còn hồ nghi hay lung lay đức tin về Mầu nhiệm Thánh Thể, thì nên đọc lại những cảm nhận sâu xa của thánh Gioan Kim Khẩu, mà đức Phaolô VI đã trích lại trong thông điệp “Mysterium Fidei”: “Chúng ta hãy cúi mình trước Thiên Chúa, không phản kháng, cho dù điều Người phán dạy chúng ta có vẻ trái nghịch với lý trí và sự hiểu biết của chúng ta; Lời Chúa phải có giá trị hơn lý trí. Đối với Mầu nhiệm Thánh Thể cũng vậy, chúng ta đừng dừng lại ở những gì giác quan cảm thấy, nhưng hãy tha thiết đến Lời Chúa, vì Lời Người không thể đánh lừa ai”.
Vâng, trước Mầu nhiệm Thánh Thể, trước quà tặng trỗi vượt trên mọi quà tặng, chúng ta chỉ còn biết, như lời khuyên dạy của thánh Phaolô cho giáo đoàn Êphêsô, đó là: Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Trương Đình Hiền