Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

BẮT ĐẦU CUỘC HÀNH TRÌNH GIAO ƯỚC MỚI

(Chúa Nhật 5 Mùa Chay B 2021)

            Trên độ đường Mùa Chay sắp sửa kết thúc để chuẩn bị bước vào thời gian cao điểm của Phụng vụ Tuần Thánh-Phục Sinh, Lời Chúa, trong Chúa Nhật 5 Mùa Chay nầy, Chúa Nhật vẫn được mang tên “Dominica Passionis” (Chúa Nhật Chịu Nạn), muốn dẫn dắt cộng đoàn dân Công giáo nói chung và các anh chị em dự tòng nói riêng cùng suy tư, hiểu và sống “Mầu Nhiệm Giao Ước mới” được hiện thực hoá qua cuộc khổ nạn của Đức Kitô.

            Tuy nhiên, để nắm bắt dụng ý của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật tuần 5 Mùa Chay này khi giới thiệu chủ đề “Giao ước mới”, chúng ta có thể bắt đầu từ những trang Cựu ước.

            Trước hết, người ta bảo “Israel là dân tộc của niềm hy vọng”; và nhân đức cột trụ trong thực hành niềm tin của họ chính là “Đức Cậy”: trông cậy vững bền vào một Thiên Chúa tín trung ! Khi trầm tư đọc lại các Thánh Vịnh của Cựu Ước, chúng ta dễ dàng nhận ra điểm xác quyết trên; chẳng hạn lời ca kinh sám hối trong Thánh vịnh 50, lời cầu nguyện của một tội nhân luôn trông cậy vững vàng nơi lòng nhân hậu của Chúa: “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác”.

            Cũng dễ hiểu thôi; vì toàn bộ cuốn Kinh Thánh của họ (Cựu Ước), cuốn sách là  “Kim Chỉ Nam”, là “Ánh sáng mạc khải” về chân lý, cuộc sống, lịch sử… của họ, có thể nói được, là một “bức thư tình”, một “câu chuyện dài về Giao Ước” giữa một bên là “Thiên Chúa trung thành” và bên kia là “Dân được yêu thương tuyển chọn”.

            Tuy nhiên, cái mối “tương quan Giao ước” giữa Thiên Chúa và Dân Israel là cả một cuộc “thăng trầm dâu bể”. Lần lượt, kể từ Ađam, Noe, Abraham, Môsê với Giao ước Sinai đến thời gian định cư, lập quốc…, “tờ giao ước” mà “hai bên” đã ký ít khi nào giữ được trọn hảo, nguyên lành: dân phản bội, bất trung – Chúa thẳng tay đoán phạt; dân sám hối ăn năn – Chúa thứ tha hoà giải…, như Giêrêmia đã từng dẫn chứng: “…giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”.

            Như vậy, điều đầu tiên để sống “mầu nhiệm giao ước” đó chính là nhìn lại cuộc đời mình trong “ánh sáng giao ước” để bắt đầu lại, để hoán cải ăn năn. Quả thật, Mùa Chay chưa bao giờ đủ, chưa bao giờ kết thúc để chúng ta thôi đấm ngực ăn năn vì những yếu đuối của chính mình, của anh em mình, của Giáo Hội mình…; phải chăng, đó cũng chính là ý nghĩa được diễn tả trong bài “Chúa Không lầm” của linh mục nhạc sĩ Kim Long: “Chúa không lầm khi Ngài dìu con lên dù rằng đời con bao thấp hèn Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa nhiều khi con chẳng trung thành là vì con đâu phải Thần Thánh. Nhưng lòng Chúa quá bao la dù cho bao phen con yếu đuối thành tâm xin ăn năn thống hối là Ngài lại thứ tha…”.

            Và, chúng ta cũng biết rằng: “Giao ước cũ” chỉ là chuẩn bị, tiên trưng; rồi đến lúc phải nhường chỗ cho một “Giao ước mới” vĩnh viễn, dứt khoát, như lời của ngôn sứ Giêrêmia trong Bài đọc 1 hôm nay: Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, … Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”.

            Giao ước mới mà ngôn sứ Giêrêmia tiên báo đó đã được chính Chúa Kitô xác nhận: chính Ngài đang thực hiện ngay trong bữa tiệc Vượt qua cuối cùng với các môn sinh: “Chén nầy là Giao ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Thì ra, “giao ước” đích thực mà Thiên Chúa muốn ký kết một lần dứt khoát với con người lại chính là việc “trao ban Con Một”; và Người Con Một đó chấp nhận hiến tế chính mình trong mầu nhiệm khổ giá. Hèn chi, để trả lời cho những người Hy Lạp muốn gặp gỡ để tìm hiều chân dung đích thực của Chúa Giêsu qua trung gian giới thiệu của Anrê và Philipphê, Chúa Giêsu đã thẳng thừng đề cập đến cái “Giờ” khổ nạn, “Giờ” cứu độ, “Giờ tôn vinh” (Kairos) mà cốt yếu đó chính là  “Giờ bị đóng đinh trên cây thánh giá”: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh….Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”.

            Có lẽ cảm nhận sâu xa về ý nghĩa của cái “Giờ” đặc biệt nầy của Đức Kitô, nên chính Thánh Phaolô sau nầy đã xác quyết một lần nữa: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ cả loài người” (1 Cr 1,22-25).

            Nhưng chúng ta đừng quên: Đức Kitô đã không dừng lại “yếu tố Thập Giá” như là “cùng đích” cuối cùng để “neo cuộc sống tại đó”; nhưng là một “tiến trình vượt qua” để mở vào niềm hy vọng phục sinh: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. …”.

            Như vậy, điều thứ thứ hai để sống mầu nhiệm giao ước đó chính là: đón nhận thập giá của Đức Kitô vào chính cuộc đời mình trong niềm hy vọng phục sinh. Thật vậy, chỉ có con đường “giao ước bằng máu” đó, “lề luật của Thiên Chúa mới được ghi khắc vào trái tim và lòng dạ của con người” (BĐ 1), và cũng chỉ với bằng phương thế đó Con Thiên Chúa mới có thể kéo tất cả nhân loại cùng đi lên: khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (TM). Xét cho cùng, đó lại là “qui luật muôn đời của chương trình cứu độ”, là “nhân sinh quan của Tin Mừng”, là con đường “biện chứng của niềm tin Kitô giáo”: Làm người Kitô hữu đúng nghĩa, dù là giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân…, đều phải đi qua con đường mang tính quy luật của “hạt lúa mì”: “phải chết đi mới sống lại”, phải ngang qua đắng cay thập giá mới tiến vào vinh quang phục sinh.

Bài học nầy, quy luật nầy chưa bao giờ lỗi thời đối với thế giới, Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Vẫn còn mới và cần thiết cho một thế giới đã quá “già nua để thèm hưởng thụ mà không muốn chiến đấu”, đã quá mệt mỏi để thà chọn dễ dãi mà yên thân hơn dấn thân nhọc mệt để chiến thắng anh hùng. Vẫn còn mới và cần thiết cho một Giáo Hội đã quá biếng lười và ích kỷ để thà ở lại trong vỏ bọc tự mãn kiêu căng, trong pháo đài hủ hóa, hơn là can đảm chấp nhận “đi ra”, lấm láp, bấp bênh để làm chứng cho sự thật và công lý. Vẫn còn mới và cần thiết cho mỗi người chúng ta khi chỉ muốn dừng lại, thối lui để được mơn trớn vỗ về với cái tôi ươn hèn, nhỏ nhen và hưởng thụ, thay vì phải tiến lên, đổi đời, lột xác trong chiến đấu cực nhọc để sống hết mình cho Tin Mừng Tám Mối phúc thật…

Sống “mầu nhiệm giao ước” cũng có nghĩa là sống tích cực chính cái “Giờ” của Đức Kitô trong cuộc đời mình, cái “giờ” để can đảm “nói có” với hy sinh, quên mình, để mạnh mẽ quyết định “yêu bằng một tình yêu lớn” như cha thánh Maximilien Kolbe: “Vì tôi là linh mục Công Giáo” nên sẵn sàng chết thay cho người anh em; như thánh Giám mục Romero, sẵn sàng liên đới với những người nghèo cho dù phải mất mạng; hay như cái “giờ” của một người thiếu nữ công nhân nghèo: quyết định “bây giờ chúng ta phải kết hôn” để cứu sống và mang lại niềm hy vọng cho một người bạn đời đang suy sụp thất vọng về bệnh sida; hay như cái “giờ” của cha Hạt trưởng Tuy Hoà: vào nhà thờ dọn mình xưng tội, chịu phép xức dầu để lên đường nhập viện chữa bệnh ung thư… !

Như vậy đó ! Cái “giờ của thập giá”, cái giờ của “hạt lúa chôn vùi trong lòng đất” luôn mở ra chiều kích của niềm hy vọng phục sinh, như cách ví von của nhà tu đức Gilbert K. Chesterton: “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”.

Cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu hay cuộc “tái sinh sắp tới” của các anh chị em dự tòng không phải chỉ “hướng tới các vì sao” mà là cuộc “hành hương chinh phục vĩnh cửu” (Pèlerin de L’absolu), cuộc vượt qua để đi vào “đất hứa bất diệt”. Chính trong niềm tin đó cuộc sống của người Kitô hữu phải là một lời chứng sống động về niềm hy vọng, về niềm vui về sự thanh thoát và tự do trước các quyến rũ của đam mê xác thịt và sự giàu có thế gian. Tin vào tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa cũng có nghĩa biết làm cho mối giao ước đó mỗi ngày thêm bền chặt và thắm nồng bằng thái độ trung thành lắng nghe và thực thi lời Chúa.

Từ “hạt lúa mì đầu tiên có tên Giêsu” đã được “gieo trên Đồi Sọ vào chiều Thứ Sáu Vượt Qua”, và được tiếp nối bởi muôn ức triệu chứng nhân ngã xuống trên khắp cánh đồng thế giới, quả thật, mùa xuân ơn cứu độ cứ mãi vươn lên, trăm hoa đua nở, trái chín vàng đồng. Phải chăng đó chính là “qui luật của Thiên Chúa”, một qui luật đã hóa thân nơi chính cuộc sống của “Con Người Giêsu” mà trích đoạn thư Do Thái nơi BĐ2 hôm nay đã trình bày: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người; đó cũng là qui luật của Hội Thánh, của từng thế hệ kitô hữu; và hôm nay, qui luật ấy đang mời gọi hiện thực hóa nơi chính mỗi người chúng ta trong chặng cuối của cuộc hành trình Mùa Chay thánh nầy.

Chính vì thế, những gì chúng ta chưa thực hiện đủ hay đã chối từ trong suốt độ đường Mùa Chay, thì trong những ngày của “Tuần Chịu Nạn” nầy, chúng ta hãy bắt đầu ! Bắt đầu cuộc “hành trình giao ước mới” mà “quy luật lên đường” chính là “làm hạt lúa miến gieo giữa dòng đời”. Amen.

Trương Đình Hiền