(CHÚA NHẬT 4 PS (Năm A 2020), CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
NGÀY QUỐC TẾ CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LINH MỤC-TU SĨ)
Đúng là “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm chưa dễ đã ai quên” (Thế Lữ).
Nếu sách Công Vụ Tông Đồ trong những ngày nầy cho chúng ta sống lại “cái thuở ban đầu hồn nhiên và thánh thiện của Hội Thánh Chúa Ki-tô”, thì cũng ở nơi những trang “nhật ký” tuyệt vời nầy, bao nhiêu hình ảnh và chứng từ sống động của Phêrô, của các Tông đồ, của Stêphanô, của Philipphê, của các Ki-tô hữu thời sơ khai, của Vị Tông đồ “ngã ngựa trên đường Đa-mát” – Phaolô…, càng làm cho chúng ta cảm nhận sự hiện diện thân thương và đầy quyền năng Thánh Thần của Đức Ki-tô, Vị mục Tử nhân lành đang chăm sóc “đoàn chiên bé nhỏ” mà Ngài mới chính thức thiết lập trên trần gian, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, nhất là kể từ biến cố Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, cộng đoàn chúng ta đã nghe vang lên sang sảng bài giảng hùng hồn của chàng ngư phủ Phêrô để “làm chứng” về Người Mục Tử Giêsu, một người mà trong những ngày nầy, khắp Giêrusalem và vùng Palestina, đang là tâm điểm của những câu chuyện, những bản tin sốt dẻo có một không hai trong lịch sử con người: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô”.
Mà không chỉ dừng lại ở những “chứng từ” để thuyết phục về một Đức Kitô phục sinh từ cõi chết, Phêrô còn vạch ra một con đường, một giải pháp để những kẻ tin vào Đức Kitô, kể từ đây, được quy tụ thành một đàn chiên được cứu độ, được chăm sóc bởi người Mục Tử. Con đường đó, giải pháp đó chính là Nhiệm tích Rửa Tội, là “cánh cửa” để thuộc về Đàn chiên Kitô: “mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến”.
Và đây là dấu chỉ đầu tiên của đàn chiên bước vào “cánh cửa Giêsu” ngang qua bí tích Rửa tội: Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.
Vâng, Đức Kitô chính là cánh cửa chuồng chiên. Tin Mừng thánh Gioan hôm nay đã khẳng định như thế: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Đức Kitô dùng hình ảnh “cửa” và hành vi “qua cửa” trong những lời khi Ngài sắp bước vào cuộc khổ nạn, khi Ngài thấy trước “hầu hết các môn đồ” sắp sửa “xẻ đàn tan nghé” vì đối diện với thập giá, khi Ngài nhận ra trong lòng của Giuđa đang trỗi dậy một mưu đồ bội phản để khước từ “lời chân lý của thầy Giêsu và quyết chọn những đồng bạc của mấy ông tư tế…”.
Và như thế, cho dù không phải là một dự báo tiêu cực, thì chắc chắn, trong cái nhìn xuyên suốt thời gian và không gian của một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự sống, Đức Kitô phải thấy có quá nhiều người sẽ không thèm chọn “cánh cửa Giêsu”, cũng như Ađam, Eva thay vì chọn Lời Thiên Chúa đã “vươn tay chọn trái cấm ngon lành” !
Mà có sai đâu ! Khi buổi chiều thê lương trên đồi Sọ gần tắt nắng, khi những ồn ào của âm thanh sỉ nhục và cuồng nộ vẫn còn vang vọng bên lưng đồi, khi các người tử tội đang quằn quại chiến đấu với tử thần trong những phút giây hiếm hoi sau hết…thì chỉ một người duy nhất đã chọn “cánh cửa Giêsu” bằng những lời van xin cụ thể: “Ông Giêsu ơi ! Khi Ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,32)…Và “cánh cửa Giêsu”, “cánh cửa của Nước Trời, của ơn Cứu độ” đã chính thức mở ra kể từ sau lời nguyện cầu đầy niềm tin hoán cải đó: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Nhưng lạ lùng thay. Cứ tưởng mọi “cánh cửa sự sống” đều đóng lại khi bóng đêm của Ngày Thứ Sáu Canvê buông xuống, khi xác thân người tử tội Giêsu được tháo xuống và liệm táng trong mồ. Nhưng không. Kể từ lời hứa “mở cửa thiên đàng cho người kẻ trộm có lòng ăn năn”, nhất là kể từ buổi bình minh “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi “cánh cửa mộ” niêm phong người chết đã mở tung, Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thì không phải chỉ có một người “kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu”, mà tất cả những ai tin vào Ngài, những ai chấp nhận bước qua “cánh cửa Giêsu”, cánh cửa của sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Ngài, sẽ được đưa vào cõi sống. Chính thánh Phêrô đã tiếp tục thuyết minh chân lý nền tảng nầy (qua bức thư thứ nhất của ngài) khi các Kitô hữu đã hình thành và quy tụ thành những đàn chiên đông đảo: “Chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.”
Sau hai ngàn năm, xem ra “Cánh cửa Giêsu” vẫn chưa phải là “đồ cổ” để phải bị vất vào sọt rác của thời gian ! Bằng chứng là mỗi mùa Phục Sinh trên khắp thế giới, có hàng trăm ngàn người gia nhập Kitô giáo trong đêm Vọng Phục Sinh; trong đó phải kể đến Ngài Tony Blair, khi vừa thôi chức vụ thủ tướng vương quốc Anh, đã quyết chọn “cánh cửa Giêsu” để đi hết những ngày còn lại với người bạn đời.
Nhưng phải công nhận rằng: thế giới hôm nay có quá nhiều cánh cửa hấp dẫn và bắt mắt lạ kỳ đang mở toang để cám dỗ, chào mời, khiến sự chọn lựa của bao người luôn bị đặt trước một thử thách không nhỏ; và đã có nhiều người xa dần “cánh cửa Giêsu” để ào ạt chọn vào “cánh cửa của Satan”, được khéo ngụy trang dưới bao nhiêu hình thức dễ thương bắt mắt.
Dù sao, ở giữa lòng Hội Thánh, thời nào Chúa cũng cho mọc lên những vì sao lấp lánh. Cuối thế kỷ 20, ngôi sao “Têrêsa Calcutta” rực sáng giữa bầu trời thế giới để chiếu dọi muôn người tìm đến “Cánh cửa Giêsu” qua con đường khiêm tốn, khó nghèo để phục vụ những người dưới đáy cùng xã hội. Đầu thế kỷ 21, Đức Gioan-Phaolô II, rồi trong những ngày nầy, khi đại dịch Covid-19 đang trong những ngày đỉnh điểm, có biết bao linh mục, nữ tu đã quên mình phục vụ và đã chết trong lặng lẽ cô đơn, nhưng đã để lại những di sản tinh thần quý giá giúp cho bao nhiêu con người tìm thấy “cánh cửa Giêsu” và mạnh mẽ can đảm chọn vào cánh cửa khó khăn nầy nhưng cũng đầy tin yêu hy vọng nầy.
Phải chăng, đó là những con người “chọn những đường đi hẹp…cho thế gian bừng nở hoa hồng”, như lời bài thơ của một ai đó để lại khi viếng nhà thơ Trần Dần, nạn nhân của phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm”, mất hơn chục năm trước (1997):
Những con người
chọn những đường đi hẹp
sẽ dẫn tới bao la …
Về bên Chúa
có nhiều điều để nói …
Những lời ấy
âm vang dội lại …
Cho thế gian
bừng nở hoa hồng.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và cho những ai đang dấn thân sống trong chức linh mục và đời thánh hiến mãi mãi trung thành chọn “cánh cửa nhỏ – con đường hẹp” của Chúa Giêsu, của Tin Mừng” để cho dù có phải mất mát thiệt thòi hay lao đao lận đận một cách nào đó, thì luôn hãy nhớ rằng: cánh cửa nhỏ đó, con đường hẹp đó sẽ “dẫn tới bao la…về bên Chúa…và sẽ “cho thế gian bừng nở hoa hồng”.
Trương Đình Hiền