CHẲNG CÒN GÌ ĐỂ NẮM GIỮ

(Chúa Nhật 4 TN A 2023)

            Là một nhà văn hoá lớn của Ấn Độ và cả thế giới, một nhà văn và soạn nhạc lừng danh, một thần học gia và triết gia theo đạo Bà La Môn, một người Châu Á đầu tiên lãnh giải Nobel văn học (1913)…, đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) đã có những vần thơ về Thượng Đế mà nội dung rất gần với sứ điệp của các ngôn sứ hay hiền nhân Israel thời Cựu ước hoặc giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Đại để như bài thơ cầu nguyện “Chỉ mong…” sau đây:

Chỉ mong Ngài lấy đi

Mong chẳng còn gì thuộc về con

Mong chẳng còn gì là của con

Để con được trắng tay

Con chỉ còn Ngài để giữ lấy

Con được chọn Chúa mãi là của con

Chỉ mong Ngài xoá đi

Mong chẳng còn gì để chiếm hữu

Mong chẳng còn gì ràng buộc con

Để con được ngước lên

Con tìm được Ngài là chân lý

Con được cùng Chúa đồng hành luôn

Chỉ mong Ngài cất đi

Mong chẳng còn gì để nắm giữ

Mong chẳng còn gì mà tự tôn

Để con chỉ biết yêu

Yêu một mình Ngài trọn đời con

Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.

Vâng, nội dung của bài thơ cầu nguyện trên chẳng khác nào những lời giải thích Thánh Vịnh 16 (15) mà chúng ta vẫn thường đọc: … Con thưa cùng Chúa: “Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc ?”… Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con…

Riêng ngôn sứ Sôphônia được trích đọc nơi Bài đọc 1 của Chúa Nhật hôm nay thì đã cho thấy ý định hay ý muốn của Thiên Chúa đó là tuyển chọn những con người khiêm hạ khó nghèo, một “nhóm nhỏ còn sót lại” chỉ biết đặt niềm tin cậy nơi Thiên Chúa: “… hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm nhường, nếu các ngươi muốn được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa. Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn, biết tin tưởng vào thánh danh Chúa.…”.

Bước qua thời Tân ước, Chúa Giêsu không những tiếp tục khai triển nội dung giáo huấn trên của các ngôn sứ mà còn làm cho rõ nghĩa cách cụ thể và đầy xác tín; nhất là chọn lựa một cuộc sống “nghèo xuyên suốt” từ lúc sinh ra trong hang lừa máng cỏ đến lúc chết trên cây thập tự. Có thể nói được, sứ điệp và sự chọn lựa đó đã được chính Chúa Giêsu đúc kết trong Bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” mà thánh sử Matthêô ghi lại như là “bản Hiến Chương Nước Trời” hay “tuyên ngôn khai mạc” của Bài Giảng Trên Núi ! Thật ra, “Tám Mối Phúc” hay “Tám Con Đường dẫn vào hạnh phúc Nước Trời” đã nằm ngay trong mối phúc đầu tiên: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Cứ tưởng rằng khi Chúa Giêsu tiếp nối và khai triển sâu hơn, rộng hơn “sứ điệp nghèo khó, khiêm hạ” của các ngôn sứ thì chẳng có ai hưởng ứng. Tuy nhiên, đã có những con người như Matthêô quyết chọn làm một “kẻ nghèo có phúc vì được Nước Trời” khi sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang với “nghề thu thuế”; hay như ông ty trưởng thuế vụ Giakê sau khi được gặp Chúa đã gần như “vỡ oà hạnh phúc” đến độ trở thành kẻ nghèo trắng tay sau khi đền bù và chia sẻ ! Và nếu ai không tin “khóc lóc là hạnh phúc” thì hãy đọc lại câu chuyện cô Maria tai tiếng trong thành đã hạnh phúc làm sao khi nhỏ những giọt nước mắt sám hối ăn năn bên chân Chúa; hay tông đồ Phêrô đã khóc nghẹn trong hạnh phúc sau khi nhận được cái nhìn đầy yêu thương tha thứ của Thầy… ! Hơn nữa, nếu có ai nghi ngờ về “cái mối phúc bị bách hại”, cái “mối phúc của con đường khổ đau thập giá”… thì làm ơn đọc lại câu chuyện “chiều thứ sáu trên đồi Sọ”, ở đó có ít ra là hai người “nghèo hạnh phúc”: Chúa Giêsu trần trụi bị đóng đinh… vừa hoàn tất chương trình cứu độ của Cha và anh trộm bị đóng đinh bên hữu vừa nhận được một lời đáp trả: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”…

Và nối tiếp “đường đi của Tin Mừng” đó, suốt 2000 năm nay đã có biết bao nhiêu “kẻ nghèo có phúc”, như Anê, Cêcilia, Augustinô, Monica, Têrêxa Hài đồng, như cha thánh Maximilien Kolbe, như Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, như Á Thánh An-rê Phú Yên, Các Thánh Tử đạo Việt Nam… Chúng ta đừng quên, chính thánh Phanxicô Assisi “đã đính hôn với Cô Nghèo” (Lady Poverty) để nhờ đó mà canh tân và củng cố “căn nhà Hội Thánh” đang nghiêng ngã thời Trung Cổ !

Khắp nơi hôm nay, có biết bao nhiêu người dám “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời”, dám “bán đi những thửa ruộng màu mỡ cuộc sống” để phục vụ Đức Kitô trong đời thánh hiến, trong chức linh mục, trong vai trò giáo lý viên, tông đồ giáo dân… Trước mặt người đời, trong bậc thang xã hội hoặc với sinh mệnh chính trị, có thể họ là những kẻ thấp cổ bé miệng, là những người bị trù dập bách hại, là những thức “rác rưởi bỏ đi”, nhưng, như lời Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay, họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn: Nhưng điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người...”.

Mấy năm liền thế giới văn minh hiện đại đã thúc thủ và điêu đứng chỉ với một con virus mang tên Covid-19. Điều đó cho thấy không phải sự giàu có, tài năng, tiến bộ… mang lại hạnh phúc đích thực và vĩnh hằng cho con người mà là chính Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh 4: Biết bao kẻ nói rằng: “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?”, lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con… (Tv 4, 7). Trong một xã hội đua đòi kiếm tìm hạnh phúc qua những giá trị vật chất: tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, chức quyền…, người Kitô hữu được gọi mời “lội ngược dòng” tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời bằng con đường “Bát Phúc”, con đường chỉ cho ta và dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa tình yêu, và được yêu Ngài, như những lời cuối của bài thơ cầu nguyện của ngài Tagore:

Chỉ mong Ngài cất đi

Mong chẳng còn gì để nắm giữ

Mong chẳng còn gì mà tự tôn

Để con chỉ biết yêu

Yêu một mình Ngài trọn đời con

Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.

Trương Đình Hiền.