CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A- 2020
Ngoại trừ những “đại dịch” đã từng xảy ra trong lịch sử mà chúng ta chỉ biết qua sách vở tài liệu, thì trong những ngày nầy, gần như mọi người trên thế giới, đều cảm nhận thật rõ sự tác hại kinh hoàng của đại dịch Covid-19, bằng chính những sự thật “mắt thấy tai nghe” đang diễn ra từng giờ, từng ngày được hệ thống truyền thông hiện đại loan tải. Chỉ riêng đất nước Hoa Kỳ, một quốc gia hàng đầu về mọi mặt, thế mà chỉ chưa đầy 1 tháng: từ ngày 3/3/2020 mới chỉ có 1 người bị phát hiện lây nhiễm, thì hôm nay, ngày 28/3 đã có trên 100 ngàn ca nhiễm với 1604 người tử vong.
Bóng tối kinh hoàng của đại dịch Covid-19 gần như phủ kín địa cầu với 99% các quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng và tác hại.
Và khi đứng trước nỗi bi đát oái ăm của sự chết, con người thường bị ném vào một hụt hẫng, vỡ vụn, để rồi không biết bao nhiêu câu hỏi đã đặt ra: Tại sao như thế ? Con người là “Nhân ư linh vạn vật” kia mà ? Và làm sao Thiên Chúa tốt lành, quyền năng lại để xảy ra như thế ? Như những câu thơ oán thán “Trời già” của một người cha mất đứa con yêu:
“Ái ăn đâu, Ái ở đâu ?
Để thương để nhớ để u sầu.
Trời già độc địa làm chi bấy ?
Nỡ bắt con tôi bảy tuổi đầu !
Phải chăng đó cũng chính là dụng ý của câu nói mà hai chị em Matta và Maria ở Bê-ta-ni-a đã trách móc Chúa Giêsu khi đối diện với cái chết của người em trai yêu dấu: “Phải chi có Thầy ở đây thì em con không chết !”.
Thế nhưng, Lời Chúa luôn khẳng định với chúng ta rằng: sự chết không là đích điểm của kiếp nhân sinh và không là “tiếng nói cuối cùng” của hành trình cuộc sống; đó không phải là ý muốn càng không là chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ là “Chúa của kẻ chết” mà là “Chúa của người sống”. Tin vào Đấng là nguồn mạch sự sống và nỗ lực làm chứng cho Tin mừng sự sống đó chính là trọng tâm của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật V Mùa Chay. Chúng ta cùng dừng lại để nghe cách chuyển tải ý nghĩa nầy của Lời Chúa.
Trước hết, từ hơn năm trăm năm trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, chính trong cái “vũng lầy nhầy nhụa” đầy những đống xương khô của bóng tối và sự chết, của đọa đầy và thất vọng, của đắng cay ưu phiền trong kiếp nô lệ của thời lưu đầy Babylon (587 B.C)…dân Ít-ra-en đã nghe vang lên lời của Thiên Chúa như “tiếng kèn hy vọng” qua miệng của ngôn sứ Ê-giê-ki-en mà chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc một: “Nầy hỡi dân ta, Ta sẽ mở cửa huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi huyệt…Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh…”.
Nếu thân phận lưu đày của ít-ra-en là ảnh hình của một nhân loại đọa đầy tội lỗi, thì “tin vui hy vọng” của Ê-giê-ki-en kia cũng chính là tín thư riêng tặng cho mỗi người chúng ta mà nội dung xuyên suốt chính là: niềm hy vọng chứa chan vào lòng trung tín của Thiên Chúa vượt trên khổ đau và chết chóc và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mãi mãi là sức mạnh hồi sinh, là quyền uy giải thoát.
Chân lý nầy nếu được diễn tả bằng ngôn ngữ của đời thường cuộc sống hôm nay thì sẽ được hiểu rằng: chúng ta không được quyền thất vọng cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, cả cái chết. Bởi vì Thiên Chúa đang có mặt trên mọi nẻo đường và biến cố để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. Niềm tin đó không là chuyện hoang tưởng của những đầu óc mê lầm,lú lẩn (như đánh giá của những người tự cho mình là theo chủ nghĩa vô thần, duy khoa học…), nhưng là một chân lý rõ như ban ngày đúng như nhận xét thâm thúy của Gilbert K. Chesterton: “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”.
Và có một điều kỳ lạ là Thiên Chúa không bao giờ chỉ nói suông mà “Lời luôn đi kèm hành động”. Biến cố “cải tử hoàn sinh” cho người bạn La-gia-rô chết thúi bốn ngày trong huyệt mộ là một minh họa rõ nét cho chân lý nầy. Thật vậy, chính ngay “quê hương của tử thần”, ngay cánh cửa dẫn vào mộ thẳm, một tiếng nói quyền năng đã âm vang thấu tận âm phủ, mở toang cánh cửa âm ty: “Hỡi La-da-rô hãy bước ra”, “Ta là sự sống lại và là sự sống” (TM).
Như vậy bài học đầu tiên của Lời Chúa hôm nay mà chúng ta phải thuộc, Tin mừng tiên khởi mà hôm nay chúng ta phải sống chính là:Tin vào sự sống.
Tin vào một Thiên Chúa tình yêu ban sự sống, tin vào một Đấng Kitô Phục sinh dẫn ta vào cuộc sống vĩnh hằng, tin vào Chúa Thánh Linh đang thổi vào hồn ta nguồn sống mới, thì liệu có mang lại chuyển biến nào cho chính ta và cho thế giới hay chăng ? Thưa có đấy. Bởi vì chỉ với niềm tin như thế ta mới thấy thế giới đẹp vô cùng, ta mới thấy cuộc sống mới đáng sống làm sao, mới thấy mỗi một con người, mỗi một sinh linh là một công trình kỳ diệu, mới thấy mỗi một cuộc đời, cho dù què cụt điếc câm, cho dù thấp cổ bé miệng, cho dù dốt nát bần hàn…vẫn là một “kỳ công vĩ đại của Thượng Đế” luôn cần được kính trọng, luôn phải được sẻ chia, yêu thương và phục vụ. Bởi vì tất cả đều là sự sống tốt lành phát xuất từ nguồn sống vĩnh cửu và sẽ được thăng hoa, qui hướng về cội nguồn vĩnh cửu rạng ngời vinh quang đó.
Vâng, chỉ với niềm tin đó thì chúng ta mới trụ vững giữa trăm chiều thử thách, mới đủ can đảm mĩm cười với số phận cho dù số phận có khắc nghiệt oái ăm, mới đủ quảng đại và khoan dung để yêu thương và tha thứ, cho dù bị bách hại đọa đầy. Và nhất là, chỉ với niềm tin đó, chúng ta mới bình thản sống cuộc sống hôm nay như một cuộc lên đường, một cuộc vượt qua, một cuộc tái sinh để bước vào quê hương vĩnh cửu. Niềm tin đó sẽ củng cố niềm hy vọng vĩnh hằng trong ta và giúp ta mạnh mẽ góp phần xây dựng nền “văn minh sự sống”, “văn minh tình yêu”, cho ta con tim rộng mở để đón nhận và yêu thương con người, cho ta nghị lực và hy vọng để chiến thắng và đẩy lùi sự dữ trong ta và quanh ta.
Cách riêng đối với những anh chị em dự tòng sắp sửa lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo, niềm tin vào sự sống lại sẽ là một cảm nghiệm mới mẻ tinh khôi của những con người vừa kết thúc một chặng đường “vượt qua” đầy nhiêu khê và thử thách để hân hoan tiến vào “miền đất của tái sinh”, hội nhập vào một cuộc sống mới mẻ của một đoàn dân được cứu chuộc.
Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng: Tin vào sự sống, còn có nghĩa là tin vào một Thiên Chúa đã nhập thể trong chính nỗi đau và cái chết:
Quả thật, khi vào đời, Con Thiên Chúa nào tránh né cái kiếp phận long đong của con người. Hãy xem: những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của Chúa Giêsu khi chứng kiến cái chết của người bạn thân La-da-rô ở Bê-ta-ni-a. Sống đức tin hôm nay đó chính là ý thức mãnh liệt rằng: Đức Kitô phục sinh đang hiện diện trong mọi ngỏ ngách và biến cố cuộc sống, nhất là, Ngài có mặt ngay trong những phút giây và cảnh ngộ bi đát nhất như cảnh ngộ của gia đình Bêtania trong biến cố La-gia-rô qua đời.
Thê thảm nhất, khổ sầu nhất, thất vọng nhất, là khi con người chối từ và phản bội Thiên Chúa để không bao giờ thấy được ánh sao hy vọng ở cuối trời, không nhận ra ánh mắt yêu thương và tha thứ đang dõi nhìn theo. Trong hoàn cảnh đó, trong thái độ đó, quả thật cuộc sống đã trở thành cõi chết; biết bao người đã mượn một liều thuốc độc, một phát súng, một dây thòng lọng… để dẫn lối đưa đường vào cõi chết tuyệt vọng” ! Chúng ta đừng quên câu chuyện “Ngày Thứ Năm Tuần Thánh”: khi Giu-đa phản bội Thầy, bỏ bàn tiệc ra đi, thì “bóng tối dâng lên”…và “bóng tối quái ác” đó đã phủ ngập trái tim Giu-đa cho đến khi y đưa đầu vào chiêc giây thòng lọng để chọn cái chết buồn tênh tăm tối. Trong khi đó, chiều Thứ Sáu hôm sau trên đồi Can-vê nắng úa, một kẻ trộm bị đóng đinh đang hấp hối, đã nhìn ra trong cái chết đớn đau oan nghiệt của con người tử tội Giêsu Na-da-rét một ánh sáng chứa chan niềm hy vọng: “Khi Thầy vào Nước của Thầy xin nhớ đến tôi”. Và lập tức anh ta được đáp ứng: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”. Như thế đó, Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đã nhập thể trong chính nổi đau và cái chết để dẫn đưa những ai tin vào Ngài tiến vào cuộc sống đích thực, như hôm nay Ngài xác quyết: “Ai sống mà tin vào Ta sẽ không chết bao giờ”.
Tin vào sự sống, tin vào Đấng đã nhập thể trong nổi đau và cái chết để phục hồi tất cả trong vinh quang phục sinh sẽ không là một công thức suông được lặp đi lặp lại như “điệp khúc của mùa Chay”, mà phải hiện thực ngay trong thánh lễ nầy, khi chút nữa đây, Thịt Máu Ngài sẽ trở nên lương thực trường sinh để biến cuộc đời ta, thân xác ta ngập tràn “Thần Khí.
Như vậy, điều quan trọng còn lại không chỉ ngay giờ nầy, hay trong độ đường còn lại của Mùa Chay, mà phải là trong suốt cuộc sống, đó là ta hãy mạnh dạn trả lời câu hỏi của Đức Kitô: “Con có tin như thế không ?”. Nhưng, không phải bằng cách lặp lại thuộc lòng câu trả lời của cô Matta: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”, nhưng là bằng tất cả con tim và cuộc sống, như con tim và cuộc sống dấn thân và hy sinh phục vụ cho tới chết của vị bác sĩ Lý Văn Lượng tại Vũ Hán, hay của hàng mấy chục linh mục tại Ý đã chết vì sứ vụ mục tử. Vâng, đó là những trái tim sẵn sàng yêu đến cùng cho dù phải thí mạng vì bạn hữu và cuộc sống sống hết mình cho vinh quang Thiên Chúa và cứu rỗi anh em cho dù phải kinh qua nẻo đường hẹp thập giá.
Để yêu và để sống như thế, dĩ nhiên, sẽ là chuyện bất khả khi với thân phận con người, nhưng lại là chuyện có thể khi chúng ta biết sẵn sàng để cho “Thần Khí chi phối”. Đó chính là kinh nghiệm của Thánh Phaolô mà ngài chia sẻ lại cho cộng đoàn Rôma vào buổi khai sinh Kitô giáo, và cũng cho chúng ta hôm nay: “Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ngự trong anh em” (BĐ 2). Nguyện xin Thần khí của Đức Kitô hôm nay cũng biến đổi tất cả chúng ta nên những con người mới, nên những chứng nhân của Tin Mừng Sống lại giữa một thế giới đang bị bao phủ ngập tràn bởi bóng tối của hoang mang, lo sợ và sự chết mang tên Covid-19. Amen.
Trương Đình Hiền