Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐẰNG SAU BÀI RAO GIẢNG

(Chúa Nhật 31 TN A 2023)

          Trong môi trường chính trị thế giới, có lẽ, việc bầu cử Tổng Thống Mỹ là câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất; và cũng là ‘chuyên đề thời sự’ được cả thế giới quan tâm, theo dõi, bình luận… ; đó là chưa kể những tranh cãi, phê bình, chỉ trích, binh vực… đến từ hai phía ủng hộ và chối từ, hoặc ở trong nội bộ nước Mỹ hoặc nơi nhiều quốc gia, chính phủ, tổ chức bên ngoài.

Mặc dù Tổng Thống Mỹ chỉ có 4 năm để tại vị cho một nhiệm kỳ, nhưng vai trò của Tổng Thống lại ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội của “xứ Cờ Hoa”; nhất là ảnh hưởng nhất định lên “địa chính trị”, “địa kinh tế”… của thế giới. Chính vì thế, điều người ta luận bàn nhiều nhất về “tư cách” cá nhân của Tổng Thống Mỹ chính là tài “kinh bang tế thế” và “đạo đức cá nhân”. Thế nhưng, qua kinh nghiệm lịch sử của nhiều đời Tổng Thống, phẩm cách đạo đức cá nhân luôn là điều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân Mỹ cũng như toàn thế giới; và đó cũng là “nhân tố” giúp cho “nhiệm kỳ Tổng Thống” thành công vang dội. Nhân dân Mỹ và cả thế giới vẫn chưa quên những vị Tổng Thống vĩ đại, những vĩ nhân khó tìm được người thứ hai như Tổng Thống George Washington, Tổng Thống Abraham Lincoln, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt…

Thật ra, không chỉ nhân dân Mỹ chỉ muốn lựa chọn những người lãnh đạo có đức có tài mà gần như bất cứ ai, bất cứ cộng đoàn nào dù nhỏ hay lớn, dù trong môi trường chính trị, kinh tế… xã hội hay trong môi trường tín ngưỡng tôn giáo…, cũng mong ước “những người lãnh đạo” “có tâm có tầm”, luôn biết khiêm tốn, xã thân và quảng đại phục vụ tha nhân hết mình…

Đây cũng chính là sứ điệp mà Lời Chúa muốn gợi lên trong ngày Chúa Nhật sắp kết thúc Năm Phụng vụ: chân dung những người lãnh đạo trong Dân Chúa.

Trước hết, qua trích đoạn của sách ngôn sứ Malakhi, vị ngôn sứ xuất hiện tại Giêrusalem khoảng thế kỷ thứ năm trước Chúa Kitô, thời dân Israel vừa thoát cảnh lưu đày và đang sa sút lòng đạo, nhất là nơi những vị lãnh đạo tôn giáo là các tư tế, Thiên Chúa đã cảnh cáo họ rằng: “Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc…”.

Thật ra, lời “cảnh báo” trên không chỉ dành riêng cho các tư tế mà cho toàn thể dân Israel. Tuy nhiên, việc Dân Chúa sa sút niềm tin, quay lưng lại với Lề Luật… một phần nào do ảnh hưởng lối sống biến chất và sai đường lạc lối của các người có trách nhiệm dẫn dắt dân. Bởi vì, như câu ngạn ngữ của người xưa: “Thượng bất chánh, hạ tất loạn”; người lớn, kẻ lãnh đạo mà ăn ở không ra gì thì người dưới, kẻ thấp… sẽ bại hoại là lẽ đương nhiên. Chính vì thế, dân Ấn Độ đã lưu truyền câu cách ngôn:

Hỏi cái gì dễ nhất trên đời?

Thưa cái dễ nhất trên đời, là dạy bảo người khác.

Hỏi cái gì khó nhất trên đời?

Thưa cái khó nhất trên đời là thi hành điều mình dạy bảo.

          Sự biến chất của giới lãnh đạo tinh thần trong dân Israel không chỉ xảy ra thời ngôn sứ Malakhi mà, như Tin Mừng cho thấy, thời Chúa Giêsu, hiện tượng tiêu cực và thoái hóa nầy đang hiển hiện và bị chính Chúa Giêsu lên án thẳng mặt, nặng nề và dứt khoát. Và phải chăng, thánh sử Matthêô muốn giải trình chính sứ điệp dứt khoát nầy của Chúa Giêsu dành cho các quan chức tôn giáo Cựu ước và cho toàn dân Israel để buộc họ phải sám hối canh tân và tin vào Tin Mừng, tin vào Đấng được sai đến để yêu thương và phục vụ, trước khi Ngài dấn thân vào cuộc khổ nạn: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm (…). Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.”.

          Đây cũng chính là sứ điệp mà Đức Kitô muốn gửi gắm cho các Tông Đồ và các môn sinh của Ngài để họ trở thành những mục tử của thời Tân ước, những “nhà lãnh đạo theo phong cách Tin Mừng”, phong cách “quỳ xuống rửa chân cho anh em”, phong cách biết sẵn sàng “làm cho người khác những gì muốn người khác làm cho mình”…; phong cách phục vụ của một người tôi tớ khiêm hạ: “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

          Đây chính là bài học thực hành mà các Tông Đồ và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã thực hành nghiêm túc, như chứng từ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Thêxalônica vừa được công bố nơi Bài Đọc 2: “chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa (…), chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em…”.

          Chắc chắn, nhờ mẫu gương của những vị mục tử tốt lành như thế mà cộng đoàn Thêxalônica đã hoàn toàn gắn bó và thực thi Lời Chúa, Tin Mừng cách trọn hảo: “Bởi thế chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin”

          Ngày hôm nay, trong Hội Thánh Công Giáo dĩ nhiên không có “bang hội Pharisiêu” và giới “tư tế, ký lục” cũng khác xưa, nhưng não trạng pharisiêu chắc chắn vẫn còn tồn tại ẩn khuất hay công khai đâu đó giữa lòng Giáo Hội; tâm thức “giáo sĩ trị” vẫn le lói đâu đó giữa cuộc sống của cộng đoàn mà định hướng “Hiệp hành” của Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI đang kịch liệt bài xích ! Giáo Hội hôm qua cũng như hôm nay luôn phải nhìn nhận rằng những sự khoe khoang lòe loẹt trần tục, những chức tước, “thẻ kinh, tua áo”… đã đi vào trong hàng ngũ, làm hoen ố không ít đi hình ảnh một Giáo Hội chân thật, một Giáo Hội nghèo của người nghèo. Cách đây 60 năm, luồng gió mới của Công đồng Vatican II đã thổi bay đi nhiều điều phù phiếm đó. Người ta kể rằng ngay trong cuộc họp Công Đồng, có hai Giám mục của xứ nghèo đã đeo ở tay những chiếc nhẫn vàng to tướng ! Cũng may trong chính thời điểm ấy, Đức Phaolô VI đã nêu gương và biếu tặng mỗi nghị phụ một chiếc nhẫn đơn sơ, và tiếp đó, một số các nghị phụ đã quyết định thay thế cây Thánh giá vàng bằng một cây Thánh giá gỗ !

          Giáo Hội Việt Nam cách đây gần 4 thế kỷ, có chàng trai Anrê Phú Yên với 19 xuân xanh, trên con đường ra Gò Chàm để chịu chết vì đức tin, đã vui tươi giảng dạy chân lý Đạo Trời cho bàn dân thiên hạ đang đô hội theo coi mà nội dung cốt lõi chỉ là: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống…”. Không phải là lời giảng suông của một kinh sư hay biệt phái, cũng không là bài giáo lý thần học uyên thâm của các nhà tiến sĩ thần học, nhưng, lời rao giảng ấy lại có có sức thuyết phục tuyệt vời. Vì đằng sau bài rao giảng đó chính là cái chết với trọn vẹn tình yêu

          Tháng Mười Một Các Đẳng đang gọi mời chúng ta dõi mắt về “Nước Trời Vĩnh Cửu”. Thật phù hợp biết bao khi Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta luôn biết biến sứ điệp Tin Mừng, bài học giáo lý, chân lý đức tin… thành hành động hiện thực; hành động của những người phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn như chính Đấng đã “đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ và hiến dâng mạng sống mình”. Trương Đình Hiền