Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐẦY TỚ LÁI BUÔN HAY BÍ KÍP “ĐỪNG MANG GÌ”

(Chúa Nhật 15 TN B 2021)

            Sau những “chuyến đi ngôn sứ” hay rao giảng Tin Mừng mang tính “thăm dò và chuẩn bị” do chính mình thực hiện (Tin Mừng Máccô nơi các CN 11,12,13,14), hôm nay, nơi sứ điệp Tin Mừng của Chúa Nhật 15 (TN B), Chúa Giêsu muốn các Tông đồ cùng chia sẻ “sứ vụ ngôn sứ” với Ngài; Ngài chính thức giao công tác rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ: Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế (…). Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

            “Được sai đi”, được “chia sẻ sứ mệnh ngôn sứ của Chúa” đó chính là một ơn gọi gắn liền với căn tính của Giáo Hội như những lời mở đầu của Sắc Lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes) của Công Đồng Vaticano II: “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính Công Giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, Giáo Hội dành mọi nỗ lực loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Thật vậy, chính các Tông đồ, nền móng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Kitô, “rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn” (AG 1).

            Quả thật, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, hồ sơ về “ơn gọi tông đồ”, “sứ mệnh ngôn sứ” ngay từ thuở bình minh khai sinh lập đạo đã được xem như là “qui luật của muôn đời”; như là “căn tính” gắn liền với thiên chức và đời sống thuộc về Chúa Kitô, Đấng vốn là Vị Tông Đồ, là Ngôn sứ  của Chúa Cha như chính Ngài đã khẳng quyết: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Mà chẳng phải chỉ có vào thời Tân ước, ngay từ xa xôi trong lịch sử cựu ước, đã biết bao lần chúng ta nghe vang lên nhiều “chuyện kể” hay ho về ơn gọi ngôn sứ (hay tiên tri), một ơn gọi gần như “độc quyền” thuộc về phía Thiên Chúa. Hôm nay, trong bài đọc 1, Amos được Thiên Chúa gọi đi làm tiên tri, như chuyện trong mơ: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

            Quả thật, một khi Chúa đã “bắt lấy”, thì con người chỉ còn có một con đường duy nhất theo cách của sứ ngôn Isaia đó là: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Vì nếu cưỡng chống kiểu tiên tri Giona, thì cuối cùng Chúa cũng cho cá mập đớp vào bụng rồi quăng đến nơi phải đến (Gn 2,1-11); hay bị “lãnh đủ “coup de foudre” như biến cố “ngã ngựa trên đường Đamas dành cho Saolô”, đã khiến anh chàng Pharisiêu ghét cay ghét đắng Kitô giáo nầy đã “quay hẳn 180 độ” để trở nên Tiên Tri và là “Tông đồ thứ thiệt” của Tin Mừng Phục Sinh; một “ơn gọi” mà sau nầy, chính ngài đã cảm nhận cách sâu sắc như lời bộc bạch trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô nơi Bài đọc 2 hôm nay: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương…”.

            Và như thế, chẳng cần phải linh mục hay tu sĩ, ai trong chúng ta đều có thể và có quyền hát lên “từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người…”, để rồi khiêm tốn như Đức Trinh Nữ Maria cuối đầu trước dự định tình yêu của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38); hay cầu xin cho được một chút mạnh mẽ can đảm như chính Con Thiên Chúa khi cất bước vào đời: “Lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).

            Thế nhưng có người lại thắc mắc: Đi làm tiên tri là đi đâu và làm ngôn sứ là làm những gì ?

            Trước hết, cách đây hơn 2000 năm, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vào đời “đi làm tiên tri” trước hết là “đến nhà mình”, ngôi nhà mà ở đó “người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11); có khi tỏ thái độ dè bỉu rẻ khinh, như tường thuật của Phúc âm Máccô trong Chúa Nhật tuần trước: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (Mc 6,1-6). Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta hiểu được rằng: mọi nơi và mọi thời vẫn có và vẫn còn nhưng địa chỉ “nhà mình” từ chối Đức Kitô; những “Nadarét” khép lòng trước sứ điệp Phúc âm, những “Bêlem” đóng chặt cánh cửa để khước từ những “đôi uyên ương Giuse-Maria” đi tìm một chỗ dung thân cho ngày “sinh hoa mãn nguyệt”… Cái địa chỉ “nhà của mình” hay “bờ bên kia” mà vị Ngôn sứ Giêsu đã đến, đã ở lại, đã chữa lành… và đã truyền cho các môn sinh “lên đường đi đến”, theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là những “vùng ngoại vi của thế giới”[1], những “vùng rìa” mà ở đó đang có hàng triệu bạn trẻ thác loạn vì xì ke ma túy, trác táng buông thả với yêu cuồng sống vội; đó là “vùng rìa” mà ở đó đang có biết bao thân phận của những người nghèo bị bóc lột tàn nhẫn trên những công lao của nước mắt và mồ hôi; những “tù nhân lương tâm” bị bạo hành, tước đoạt và đối xử như những loài súc vật. Đó là “vùng rìa” mà ở đó đang vang lên những tiếng thét gào của những em bé muốn được làm người nhưng bị cướp mất cuộc sống khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng hay chưa nên hình nên dạng…. “Vùng rìa” đó cũng là nơi mà ngay trong những ngày này, khắp nơi, đang có đầy dẫy những nạn nhân và bệnh nhân của đại dịch Covid, hay trăm thứ bệnh hoạn khác… trong các bệnh viện, trong các khu cách ly…, thoi thóp chống chọi từng phút giây với cơn đau và tử thần, với cô đơn và sầu thảm trong mệt mỏi và thất vọng…

            Vâng, bao lâu còn thế giới nầy là bấy lâu còn quỷ ma và tật bệnh; và vì thế vẫn còn có biết bao nhiêu địa chỉ, những “vùng rìa”, những “vùng ngoại vi” đang vẫy gọi bước chân người ngôn sứ, đang kêu cứu những Tông đồ; không phải chỉ đến để “giảng rao sự sám hối” mà còn phải “khu trừ ma quỷ và xức dầu chữa lành các bệnh nhân”.

            Vì thế, điều thứ hai, cũng là điều quan trọng hơn, đó là hãy kiểm tra xem chúng ta đang “đi làm ngôn sứ”, “rao giảng Phúc Âm” với thứ vũ khí nào trong tay, với hành trang nào trên vai ? Có phải là những chiếc “áo giáp và thanh gươm nặng nề của Goliát” (1 Sm 17,32-51), hay là “tấm áo da cừu, cây gậy với vài viên đá cuội và cái dây phóng đá của chàng thanh niên chăn chiên Đa-vít” ? Chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã căn dặn các môn sinh như một “lệnh lên đường” ! “đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo”.

            Những lời của Chúa Giêsu trên làm tôi chợt nhớ tới sự kiện cách đây 173 năm (tức 1848), khi Đức Thánh Giám Mục Stêphanô Cuénot Thể trao sứ mạng cho phái đoàn Thầy Sáu Do lên mở đạo cho anh em dân tộc Tây Nguyên. Sự kiện đặc biệt nầy đã được linh mục thừa sai P. Dourisboure kể lại trong tác phẩm ký sự “Dân Làng Hồ”.

            Đức Cha Stêphanô ra lệnh:

– “Thầy phải khai mở một con đường, qua ngõ An Sơn, để  truyền giáo cho người dân tộc. Thầy sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó ?”

– “Con sẽ làm lái buôn – Thầy Do đáp – và trong khi đóng vai một lái buôn, con sẽ tiến sâu vào bên kia ranh giới mà các lái buôn khác chưa từng vượt qua. Một khi việc khảo sát địa hình hoàn tất, con sẽ trở về và dẫn đưa một Cha đến vùng đó.”

            Và đây chính là thứ “hành trang” căn bản nhất mà Đức Cha Cuénot trao cho Thầy:

“Quá tốt – Đức Cha nói thêm – Cha mong đợi nhiều nơi Thầy; nhưng để thực hiện một công trình hết sức quan trọng như vậy, Thầy cần có đủ can đảm mà Ta muốn ban cho Thầy qua việc phong chức Phó tế. Vậy Thầy hãy dọn mình, tĩnh tâm và cầu nguyện, để đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa sắp ban cho Thầy”[2].

            Cùng với “ơn sủng của Thánh chức Phó Tế” đó, thầy Sáu Do đã hoàn thành xuất sắc “chuyến đi ngôn sứ” đầu tiên, nhưng không phải trong vai trò “nhà lái buôn” như đã dự định, mà là trong tư cách của một tên “đầy tớ nhà lái buôn”[3].

            Thế đó ! hành trang tông đồ, vũ khí của người ngôn sứ dùng để lên đường dấn thân chiến đấu với quỷ ma và tật bệnh, với tội lỗi và bóng tối lại chỉ là “sự khó nghèo” trong tin yêu phó thác; là niềm trông cậy trong sức mạnh và sự trợ giúp của chính Thiên Chúa; là những giá trị và cung cách ứng xử mang dáng đứng khiêm hạ, yêu thương… Và chúng ta cũng thừa biết, với những vũ khí và hành trang đơn sơ đó, Đavít đã tiến ra nghênh chiến với kẻ thù bằng niềm tin tuyệt đối: “Ta đến với ngươi nhân danh Thiên Chúa các đạo binh”. Trong tư thế đó, “khi Đavít xuất chiêu” kẻ thù liền gục ngã. Và chính “Hậu Duệ” của Ngài, người thanh niên thợ mộc làng Nadarét, Đức Giêsu Kitô cũng đã lại “xuất chiêu” theo “bí kíp” của tổ tiên đã từng thực hiện như thế khi chấp nhận con đường khó nghèo và tự hạ thẳm sâu của khổ nạn thập giá để chỗi dậy vinh quang chiến thắng tội lỗi và sự chết.

            Và rồi, chính Đấng Phục Sinh lại truyền cái bí kíp “đừng mang gì” cho các môn sinh, cho Giáo Hội để tiếp nối sứ mệnh ngôn sứ của Ngài trong lịch sử. Những Phêrô, Phaolô và bao thế hệ Tông Đồ, ngôn sứ; trong đó phải kể đến những Stêphanô, Gagelin, Anrê Kim Thông, Anrê Phú Yên, cha Do, các nữ tu Mến Thánh Giá như Anê Soạn, Anna Trị… tất cả đã “lên đường” trong tư thế “không mang gì”, ngoài tình yêu và thập giá Đức Kitô, như “hạt lúa chôn sâu mục nát giữa dòng đời”, nhưng đã mang về một “mùa lúa vàng đồng”, một “tấm lưới đầy cá” !

            Sau hết, chúng ta ai cũng hiểu điều nầy: mỗi một Thánh Lễ là một cuộc sai đi như câu chào chúc cuối lễ: Ite Missa est (Lễ xong rồi lên đường thôi !). Như vậy, nếu trên muôn nẻo đường truyền giáo, chúng ta phải luôn nhớ bí kíp “Đừng Mang Gì”, thì sau Thánh lễ nầy xin đừng quên mang theo Thánh Thể và Lời của Đức Kitô. Bởi vì đây chính là “gia bảo”, là “phương dược” giúp làm cho bí kíp “Đừng Mang Gì” trở nên hiện thực và hiệu quả. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền


[1] ĐGH PHANXICO; Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium); số 20: nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.

[2] P. DOURISBOURE; Nguyên tác “LES SAUVAGES BAHNARS”; Bản dịch Việt ngữ của Ban Dịch thuật giáo phận Kontum “DÂN LÀNG HỒ”; NXB Đà Nẵng 2008; Chương I; website http://danlangho.blogspot.com/2014/05/dan-lang-ho-chuong-i.html; đăng ngày 6.5.2014.

[3] SĐD (Dân Làng Hồ; Chương I…).