Views: 78
(Lễ Thánh Phanxicô Assisi – Bổn mạng giáo xứ và cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa)
Hôm nay, cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn nữ tu Phan Sinh Qui Hòa long trọng mừng lễ thánh Phanxicô Assisi, hay còn được gọi là “Thánh Phanxicô khó khăn”, vị thánh bổn mạng của cộng đoàn.
Trước hết, xin được chia vui với giáo xứ và cộng đoàn quý nữ tu Phan Sinh Qui Hòa trong ngày lễ đặc biệt nầy; ngày lễ mà chân dung của vị Thánh Quan Thầy, một lần nữa, đã khơi gợi lên trong tâm hồn tất cả chúng ta niềm khao khát bước đi trên con đường hẹp tuyệt vời của Phúc Âm; hay như cách diễn tả thâm thúy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thông điệp xã hội Fratelli Tutti, một văn kiện được gợi hứng từ chính cuộc đời của Thánh Phanxicô, đó là “một cuộc sống mang hương vị Tin Mừng”[1].
Thật vậy, lễ Bổn mạng, hay bất cứ lễ mừng nào trong Hội Thánh, chỉ thật sự đong đầy ý nghĩa, khi đó chính là dịp để những người, những cộng đoàn liên quan thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, được Lời Chúa tao luyện, và cuộc sống được biến đổi để trở thành “lối sống mang hương vị Tin Mừng”.
Trước hết, chính vị thánh mà hôm nay chúng ta tưởng nhớ, đã biến cuộc đời mình trở thành một lối sống thấm nhuần từng câu từng chữ của Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng Tám Mối Phúc thật mà hai chứng từ “khó nghèo”, “hiền lành” được thánh Phanxicô thể hiện cụ thể và rốt ráo để “thông truyền tình yêu của Thiên Chúa” giữa một xã hội chia rẽ, bất công, chiến tranh, nghèo đói… (x. FT số 4).
Thật vậy, mặc dầu xuất thân từ một gia đinh danh gia vọng tộc giàu có và trải qua một thời trai trẻ với tham vọng công danh nhuốm mùi trần tục, Phanxicô đã đáp lại tiếng gọi thâm sâu của Thiên Chúa “Phan-xi-cô, con không thấy Nhà của Ta đổ nát sao? Hãy đi và sửa lại cho Ta.”; và cùng với mệnh lệnh “đi xây căn nhà Hội Thánh” đó, Phanxicô còn lãnh nhận được cả phương thức và hành trang cốt yếu để thi hành, đó chính là: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này…” (Lu-ca 10, 3-5)…
Và kể từ đó, “chàng thanh niên ăn mày” của Assisi, cùng với một “lối sống mang hương vị Tin mừng”, đã bắt đầu lên đường rong ruổi trên mọi nẻo đường của nước Ý, ra khắp châu Âu, theo chân đoàn thập tự chinh đến cả miền Hồi giáo Ai Cập, chỉ với một hành trang và sứ điệp “yêu thương, khó nghèo, hòa bình, huynh đệ”. Và, có thể nói được, giữa một thời Trung cổ rạn nứt từ bên trong rối ren cả bên ngoài, “căn nhà Hội Thánh đã bắt đầu được củng cố” từ “cuộc sống mang hương vị Tin Mừng” của “tên ăn mày Assisi”.
Mà không phải chỉ mình ngài. Cuộc sống khó nghèo của Phúc Âm và ra đi loan báo Tin Mừng với tình yêu và khiêm tốn phục vụ mà Phanxicô là một chứng từ sống động đã hấp dẫn nhiều người, nhiều bạn trẻ nam nữ, kể từ thế kỷ 13 cho đến mãi hôm nay; trong số đó có cả thảy 3 Dòng Nam Phanxicô với tên gọi “Dòng anh em hèn mọn” (OFM), dòng kín Clara; tới thế kỷ 19, có Dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ của mẹ thánh Marie de la Passion, mà tỉnh dòng Phan Sinh Việt Nam sắp sửa mừng 90 năm hiện diện đầu tiên tại Việt Nam nơi mảnh đất Qui Hòa nầy: 24.10.1932 – 24.10.2022. Đó là chưa kể, có Dòng Ba Phan Sinh (hay Phan Sinh tại thế) đã từng xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỷ 17 và ngày nay đang sinh hoa kết trái với hàng ngàn hội viên và hàng trăm huynh đệ đoàn đang lớn lên trên mọi miền đất nước.
Vâng, ở giữa lòng Mẹ Hội Thánh muôn nơi, muôn thuở, luôn thấp thoáng những con người nhỏ bé nhưng vĩ đại, những kẻ mà chính Chúa Giêsu đã từng ca tụng trong một lúc xuất thần như chúng ta vừa nghe trong trích đoạn Tin Mừng Matthêo: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy” !
Vâng, vào thế kỷ 12, 13, 14… của một thời Trung Cổ với biết bao những nhà thông thái, triết gia, bác học lừng danh…, nhưng Chúa đã chọn “người ăn mày Assisi” như một phương thế ưu việt để canh tân và củng cố “căn nhà Giáo Hội”. Và trên mảnh đất Qui Hòa nầy, cũng đã từng có những người như thế, những “đứa con gái của thánh Phanxicô” trong màu áo Phan Sinh, mà nhà báo Chung Nhi của Tuần báo Gia đình và Xã hội số 19 năm 2002, trong bài báo mang tên “Người bác sĩ 40 năm chung sống cùng bệnh nhân phong” đã viết: Tôi đã được nghe các bệnh nhân kể về xơ Charles Antoine, Giám đốc cũ của bệnh viện, đêm đêm ngồi trực bên giường bệnh nhân, sẵn sàng tận tay dọn cả nhà vệ sinh nếu gặp thấy bẩn”[2]; hay như lời tâm sự của bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên giám đốc bệnh viện Qui Hòa (1985-1994): “Ba mươi năm qua tôi mới làm được rất ít trong phạm vị nghĩa vụ của mình. Ngược lại, tôi đã chứng kiến bao nhiêu tấm gương hy sinh âm thầm của những người vô danh phục vụ trong trại phong. Tôi thực sự thấy mình bé nhỏ trước những con người ấy. Tôi đã im lặng quan sát và học hỏi ở họ trong nhiều năm. Có người ở sát bên buồng tôi mà mấy tháng trời tôi không biết, vì ngày nào cũng thế, tôi chưa dậy thì bà đã xuống buồng bệnh, tôi đi ngủ, bà vẫn chưa về. Có người cả một đời cống hiến rất nhiều cho người bệnh, tới lúc chết vẫn không cho phép ai nhắc đến việc làm của mình”[3].
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, để sống và làm chứng cho Tin Mừng Tám Mối phúc thật, Tin mừng về sự khó nghèo, khiêm tốn, yêu thương… không là chuyện “dễ như trở bàn tay”. Để chính mình và những đồ đệ, con cái mình trung thành với sự chọn lựa Phúc Âm đó, Thánh Phanxicô đã phải “trầy vi tróc vảy”, mà những vết thương khổ nạn của Chúa đã ghi đậm và làm nhức nhối thân thể của ngài cho đến khi tắt hơi ngày 3.10.1226 tại nguyện đường Portiuncula, là một minh họa rõ nét.
Vâng, trước Thánh Phanxicô Assisi 11 thế kỷ, vị Tông đồ Dân ngoại và nhà truyền giáo vĩ đại, thánh Phaolô, đã từng cảm nghiệm và chia sẻ sự chọn lựa nầy, con đường nầy, như được ghi lại nơi bức thư gởi giáo đoàn Galat mà chúng ta được nghe nơi Bài đọc 1: “Phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu…”.
Như vậy, thưa anh chị em giáo xứ Qui Hòa, đặc biệt thưa quý nữ tu Phan Sinh và anh chị em Phan Sinh tại thế, sứ điệp Phụng vụ của ngày lễ Bổn mạng, lễ Thánh Phanxicô Quan thầy hôm nay, sẽ là một “điểm nhấn”, một gợi ý cần thiết cho dòng chảy cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay; một cuộc sống mà từ sáng đến tối, từ trong gia đình, trong cộng đoàn cho đến bên ngoài mọi nẻo đời thường, đang bị chi phối, tác động không ít bởi sự xô bồ của tranh đoạt, khát vọng làm giàu, lối sống đầy mùi tinh thần thế tục…
Giữa cuộc sống đó, xã hội đó, cần thiết biết bao những chứng nhân như “người ăn mày Assisi”, như những nữ tu Phan Sinh thầm lặng, những “con người bé mọn của Tin Mừng…”, những kẻ sẵn sàng “cởi bỏ mọi thứ lòe loẹt kệch cỡm của thế gian”, như thánh Phanxicô đã dứt khoát cởi bỏ bộ trang phục của người thanh niên quý tộc, để mang một tinh thần mới, một trang phục mới, hay như cách nói của Fratelli Tutti, “một lối sống mang hương vị Tin Mừng”. Ước gì, lối sống nầy sẽ ướp hương cho cộng đoàn chúng ta, mỗi người chúng ta, để chính mình và cho những ai đến đây, tiếp cận, đều nghe được, cảm được mùi hương Tin Mừng đó. Vâng, hãy để hương vị Tin Mừng bay xa, không chỉ trong cái thung lũng Qui Hòa nầy mà vượt qua dãy núi Xuân Vân để lan tỏa trên mọi nẻo đường cuộc sống. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] ĐGH PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti, số 1.
[2] TÒA GIÁM MỤC QUI NHƠN, Kỷ yếu Giáo phận Qui Nhơn mừng 400 năm loan báo Tin Mừng 1618-2018, nxb Đồng Nai 2018, tr. 457.
[3] Sđd, tr. 457-458.