Views: 143
Nhân dịp cộng đoàn Dân Chúa đang chuẩn bị tiến vào Mùa Chay, xin trân trọng giới thiệu loạt bài HƯỚNG DÃN TĨNH TÂM THEO TÔNG HUẤN “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” (TĨNH TÂM VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ) của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự.
Sau đây là loạt bài thứ 3 : CHƯƠNG 3 : ĐỂ CHO CHÚA DẪN DẮT
Với chương II của Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, bạn đã thấy những hình thái thánh thiện giả mạo thật đáng sợ, cách riêng là hai thái độ cậy vào sự hiểu biết và khả năng riêng. Ngày nay, thịnh vượng vật chất và văn minh kỹ thuật số càng tạo thuận lợi cho hai thái độ ấy lan khắp, mỗi người chúng ta đều có thể mắc phải cách tinh vi, và vì đó mà xa lìa chương trình tình thương của Cha nhân ái.
Giờ đây, đã thật lòng quay về với Cha, ta đến với Con yêu dấu của Ngài để tìm học sự thánh thiện đích thực. Ngay từ những lời giảng mở đầu, Con Thiên Chúa đã dạy chúng ta bước theo con đường của sự nghèo khó và các mối phúc khác. Đây là điều ngược hẳn với sự khôn ngoan trần thế (x. 1Cr 1,17-25), khiến các môn đệ của Chúa Giêsu sẽ “vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11) đến nỗi “sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi” (Ga 16,2-4).
Thế nhưng cũng chính Chúa đã động viên chúng ta: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Cụm từ “vui mừng hớn hở” được chọn làm tựa đề của Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ.
Chương III của Tông huấn dẫn ta đi trong ánh sáng của Thầy Chí Thánh, với hai nội dung: lội ngược dòng đời (Tám mối phúc, VMHH, 65-94) và điều răn lớn nhất (Lòng thương xót, VMHH, 95-109).
Ta vươn tới hoàn thiện không theo khuôn mẫu một người phàm nào nhưng là theo gương chính Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Trong thinh lặng, ta sẽ thấy Tin mừng Luca đặt hai chữ nhân từ (thương xót) thay vào chỗ hai chữ hoàn thiện (x. Lc 6,36). Thương xót (hay nhân từ) và hoàn thiện là một. Lòng yêu người được coi là biểu hiện của đức mến Chúa.
Người đời xây dựng sự hoàn thiện trên cơ sở làm lành lánh dữ và ở hiền gặp lành. Còn đường lối Thiên Chúa vượt xa suy nghĩ thường tình của nhân loại: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 8-9).
TIẾN SÂU VÀO THINH LẶNG
Tám mối phúc là con đường hẹp sẽ dẫn ta tới sự thinh lặng tràn đầy: thinh lặng để hoàn toàn mở lòng lắng nghe tiếng Chúa. Ta cần nhìn lên gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các vị thánh khác của Chúa để ngày càng thêm xác tín về tám mối phúc …
Sống điều bất ngờ và trái ý
Khi gặp những điều trái ý, bạn hãy nhớ đây chính là những cơ hội để sống tám mối phúc giữa đời thường. Thay vì bực bội khó chịu, bạn hãy tạ ơn Chúa và nghĩ xem điều đang gặp này giúp bạn sống mối phúc nào.
“Lửa thử vàng, gian nan thử người có đức” (tục ngữ), còn những bất ngờ trái ý thường ngày giúp ta rèn luyện đức tin, đức cậy và đức mến.
Không phải mọi trường hợp nhưng có nhiều trường hợp về sau sẽ thấy chính cái trở ngại ấy lại hóa ra một may mắn bất ngờ. Ta tạ ơn vì Thiên Chúa đã từ sự dữ mà rút sự lành cho ta… Không phải mọi lúc nhưng rõ ràng qua những trường hợp ấy chính bản thân ta nhận ra có một sự can thiệp lạ lùng nào đó…
Những bất ngờ đi ngược với ý muốn của ta như thế nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa vẫn đang thực hiện công cuộc của Ngài, song hành với công cuộc của ta và cũng khác hẳn công cuộc của ta. Ngài dùng những cái bất ngờ và trái ý ấy để chữa lành sự chủ quan của ta. Nếu ta biết tạ ơn Thiên Chúa về những cái bất ngờ ấy và phó thác tất cả cho Ngài, Ngài sẽ đón nhận công cuộc của ta và biến thành một phần công cuộc của Ngài.
Cứ tạ ơn và phó thác rồi sẽ khám phá ra mọi sự đều là ân sủng của Thiên Chúa, kể cả những điều bất ngờ và trái ý.
CẦU NGUYỆN HÔM NAY
Đã thật lòng về với Thiên Chúa là Cha nhân ái, ta chiêm ngắm Con Một Ngài đã làm người ở giữa chúng ta, là Anh Cả và là Thầy Chí Thánh của chúng ta. Khi tĩnh tâm nhiều ngày giữa đời thường, hoặc trong những khóa tĩnh tâm dài ngày, ta sẽ theo sát từng bước chân của Chúa, từ khi nhập thể trong lòng mẹ, giáng sinh ở Bêlem, lớn lên ở Nazarét, rồi lên đường rao giảng Tin mừng và cứu giúp mọi người. Với tuần tĩnh tâm năm ngày, ta chỉ có một ngày nhìn ngắm con người và cuộc đời của Chúa: Ta chiêm ngắm Chúa tại Nazarét và chịu cám dỗ trong hoang địa để học hỏi con đường Ngài chọn; ta ôn lại kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên và cùng lắng nghe Chúa dạy các mối phúc thật là con đường nên thánh. Ta sẽ thêm một giờ cầu nguyện thứ tư, đối chiếu con đường hẹp của Chúa với con đường rộng của thế gian để quyết tâm theo Chúa đến cùng.
Nơi những giờ cầu nguyện về con người và cuộc đời Chúa Giêsu, bạn luôn xin cho mình được ơn hiểu biết Chúa Giêsu hơn, yêu mến Ngài hơn và theo Ngài gắn bó hơn.
Để nếm cảm Tin mừng và sống với Chúa, trước mỗi đoạn văn bạn có thể tạo khung cảnh, tìm ý chính và xin cho lòng mình được biến đổi.
– Khung cảnh: thời gian, không gian, sự kiện (Thấy – to see)
– Ý chính: Nhập vai nhân vật, đọc ra ý nghĩa sự kiện (Nhìn – to look)
– Đồng cảm: Tâm tình và biến đổi (Rung cảm – to feel)
Đề tài 7 : CON ĐƯỜNG CHÚA CHỌN
Khi nhập thể làm người, Ngôi Lời đã chọn luôn làm tròn ý Cha (x. Hr 10,5-7). Từng bước trong đời, Ngài luôn tỉnh táo để giữ vững chọn lựa ban đầu. Xưa quỷ dữ đã đánh lừa nguyên tổ chúng ta. Nó bẻ lệch tay lái rồi thích thú đứng nhìn nhân loại chạy lạc hướng. Trong hoang mạc, nó đã lặp lại trò lừa đảo ấy với Đức Kitô nhưng Ngài đã thắng.
Mời bạn cầu nguyện theo cả hai đoạn Lời Chúa dưới đây :
– Nazarét: Từ chối làm thánh Gióng
Sau đó, Ngài đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Lc 2,51-52)
– Thánh Gióng vươn vai thành dũng sĩ, lớn nhanh như thổi bong bóng.
– Chúa Cứu Thế lớn lên từng ngày, như chúng ta, cần học tập và rèn luyện
– Hoang mạc: Hai nẻo đường
Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Ngài và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Ngài đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
Sau đó, quỷ đem Ngài đến thành thánh, và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.”
Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Ngài.
– Đường rộng: cơm áo, kỹ thuật, quyền lực
– Đường hẹp: khắc khổ, âm thầm, bị thua thiệt.
Đường rộng |
Đường hẹp |
Salômôn vinh hoa |
Không bằng bông huệ ngoài đồng |
Cơm no, áo ấm |
Lời Chúa |
Kỹ thuật, phép lạ |
Vâng phục, đừng thử thách Chúa |
Quyền lực trần gian |
Thờ phượng Thiên Chúa thôi |
Đề tài 8 : BƯỚC ĐẦU THEO CHÚA
Bạn có thể cầu nguyện theo cả hai đoạn Lời Chúa dưới đây hoặc chỉ chọn một đoạn. Muốn làm môn đệ Chúa, ta phải đi theo Chúa, ở với Chúa, lắng nghe Chúa và ngắm nhìn Chúa.
Những môn đệ đầu tiên
Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Ngài bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. (Ga 1,35-39).
“Hãy theo Ta” (Mt 4,18-22; 9,9).
Họ không quên được buổi đầu gặp gỡ và những gì minh khám phá.
Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).
Đề tài 9 : TÁM MỐI PHÚC
Mời bạn đọc lại các mối phúc theo thánh Matthêu (x. Mt 5,3-12) theo chương III của Tông huấn và lọc ra những ý muốn chọn để cầu nguyện.
Cảnh giác trước hai kẻ thù tinh tế:
Với ghi nhận cuối bài giảng trên núi (Mt 7,28-29), Thánh Matthêô cho thấy Chúa Giêsu giảng như một Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư mà Chúa gọi là “bọn đạo đức giả” (Mt 6,5.16).
“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).
Ta cần cẩn thận để không rơi vào những thái độ bị Chúa kết án:
– Nói mà không làm (x. Mt 23,3) như những người ngộ đạo ngây ngất với những hiểu biết nhưng không dấn thân làm theo hiểu biết ấy.
– Tự hào về việc mình làm (x. Mt 7,22; Lc 18,12) như những người Pêlagiô sau này chuyên cậy vào ý chí và sức riêng.
Đề tài 9B : CHỌN CON ĐƯỜNG CỦA CHÚA VÀ TÔN NHẬN CHÚA LÀM CHỦ
(Đây là đề tài tăng cường, có thể cầu nguyện trong đêm hoặc vào lúc nào khác thuận lợi).
Người môn đệ Chúa phải chọn giữa hai bên: một bên là đường rộng của thế gian, một bên là đường hẹp của Chúa: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14) .
“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6,24).
Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. (1Cr 1,17-25)
Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. (Is 55,8-9).
Khi tĩnh tâm giữa đời thường : Mời xem tiếp Phụ lục Chương 3.
TẬP PHÂN ĐỊNH
Đức Thánh Cha cho phần chia sẻ về tám mối phúc một tựa đề chung là “Lội ngược dòng đời”, như kiểu Thánh Phao lô đã đặt lẽ khôn ngoan của thập giá đối nghịch với sự khôn ngoan của thế gian (x. 1Cr 1,17-25). Từ cái nhìn này của Đức Thánh Cha và của Kinh thánh, ta có thể rút ra những áp dụng cụ thể để chọn lựa giữa thinh lặng và huyên náo, giữa tắt TV và mở TV cả ngày, và tương tự như thế với chat, điện thoại, tin nhắn, rượu bia, thuốc lá… Cái nhìn ấy giúp ta hiểu tại sao giữa hai điều tốt, ta nên chọn bên giúp ta bỏ mình hơn. Nó cũng giúp ta hiểu tại sao, khi đã quyết nên thánh, câu hỏi thường xuyên của người tín hữu không còn là bên nào có tội, bên nào không, nhưng là bên nào đẹp lòng Chúa hơn. Chính người Kitô hữu cần đi bước trước trên con đường này rồi mới có thể chỉ lối cho người khác, nhà giáo dục cần sống thật xác tín rồi mới có thể khiến các bạn trẻ noi theo.
Cũng từ đó, một cách rõ nét hơn, Đức Thánh Cha đưa ta về lại với thực tế là không thể nào nói mình kính mến Thiên Chúa nếu không thật sự yêu thương người bên cạnh. Từ đó, câu hỏi để phân định giữa đời thường là nên nào quên mình vì người khác hơn, bên nào yêu mến hơn. Chính vì thế, tiếp theo phần chia sẻ về tám mối phúc thật, Đức Thánh Cha chia sẻ về luật yêu người.
Kiểm điểm về đức yêu người
Nơi hai não trạng bị Đức Thánh Cha cảnh báo, Pelagiô là não trạng thiếu khiêm nhường trước Thiên Chúa, còn “ngộ đạo” là não trạng thiếu khiêm nhường trước người khác và cũng là thái độ thiếu yêu thương. Đức yêu người là dấu hiệu và thước đo của đức mến Chúa. Vì thế, ta cần xét mình thật kỹ về mặt này.
- Không xét đoán tiêu cực, luôn cắt nghĩa tốt
Ngài nhấn mạnh rằng các con cái Chúa cũng đang có nguy cơ lây nhiễm thói vu khống của thế gian: “Người Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng lời nói qua mạng internet và các diễn đàn truyền thông kỹ thuật số khác nhau. Ngay cả nơi những phương tiện truyền thông Công Giáo, người ta vẫn có thể đi quá mức, chuyện phỉ báng và vu khống có thể thành cơm bữa, có thể gạt bỏ mất mọi tiêu chuẩn đạo đức và tôn trọng thanh danh người khác (VMHH 115).
Muốn dễ nhận ra tội lỗi của mình, hãy cứ dò tìm bắt đầu từ những gì ta quen kết án người khác. Khi dọn mình xưng tội, hãy tập trung kiểm điểm về những điều mình hay xét đoán người khác và rồi sẽ thấy thật kinh khủng: ta đã suy bụng ta ra bụng người và còn đáng trách gấp ngàn lần anh em ta. Chính ta cũng đang phạm những tội y như thế, có điều là ta đã khôn lanh hơn, tinh vi hơn, đến nỗi chính bản thân tôi cũng không nghĩ mình đã phạm tội…
Tôi cũng dễ vin vào tội lỗi người khác như một cái cớ để tôi khỏi ăn năn trở lại.
Nếu tôi tự kết án, Thiên Chúa sẽ bênh vực tôi. Nếu tôi biện hộ cho anh em, Thiên Chúa sẽ biện hộ cho tôi.
- Kính trọng
– Loại trừ thành kiến
– Nghĩ tốt: Lc 18,9-14
– Chấp nhận những cách thức khác nhau
– Lắng nghe nhau
– Rào cản: sự kiêu ngạo, cho mình hơn anh em
– Tha thứ: Lc 12,13-15, Mt 18,21-35
- “Người đó chính là bạn!”
Đức Chúa sai ông Nathan đến với vua Đavít. Ông vào gặp vua và nói với vua:
“Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.”
Vua Đavít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: “Có Đức Chúa hằng sống ! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết ! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót.” Ông Nathan nói với vua Đavít: “Kẻ đó chính là ngài!” (2Sm 12,1-7).
- Biết nhận lỗi
Ông Nathan nói tiếp: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Israel, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. 8Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Israel và Giuđa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Ngài ? Ngươi đã dùng gươm đâm Uria, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết.
Bấy giờ vua Đavít nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” (2Sm 12,8-9.13)
- Quan tâm – Ở bên cạnh và phục vụ
Có một vị luật sĩ đã nêu lên câu hỏi giống câu hỏi chúng ta vẫn thường nêu lên để khỏi phải yêu thương: “Nhưng ai là người bên cạnh của tôi?” Những người bên cạnh, những người chung quanh, còn tôi ở giữa. Đức Giêsu kể lại ví dụ về người Samari nhân lành rồi hỏi: “Theo ý ông, trong ba người đó, ai đã nên người bên cạnh của nạn nhân?” Chúa lật ngược câu hỏi. Chúa mời gọi tôi chuyển trọng tâm từ mình sang người khác. Người khác là trung tâm, tôi là kẻ bên cạnh của họ. Hãy dành thời giờ cho nhau như người Samari nhân hậu đã quan tâm, giúp đỡ (x. Lc 10,29-37).
Hãy sống như Đức Giêsu: “Tôi đến không phải là để được hầu hạ nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Đức Giêsu không coi mình là trung tâm, Ngài hướng về Cha và hướng về anh em.
- Cảm thông, xỏ chân vào giày người khác
“Đức Kitô bị bỏ rơi trên thập giá, Đức Kitô bị bỏ rơi nơi người bên cạnh, Đức Kitô bị bỏ rơi nơi bản thân tôi”. Phong trào Focolare xây dựng sự hiệp nhất trong Hội thánh bằng cách sống mầu nhiệm Đức Kitô bị bỏ rơi.
Khi có hiểu lầm hoặc xung đột, nên :
– cầu xin Chúa thực hiện những điều người kia đang xin Chúa
– xin Chúa chúc lành cho những điều người kia ước mơ.
Đừng xét đoán để không bị xét đoán.
- Cho và nhận
Yêu thương vừa phải cho cách vui vẻ, vừa phải biết nhận với lòng biết ơn. Chỉ thích cho mà không chịu nhận cũng có thể rơi vào kiêu căng, nghĩ vượt trên mọi người, không cần đến ai.
CHIA SẺ CUỐI NGÀY
CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ PHÂN ĐỊNH
– Không hỏi điều gì có tội, điều gì không có tội.
– Nhưng hỏi: Bên nào đẹp lòng Chúa hơn.
– Kinh nghiệm về bình tâm?
– Kinh nghiệm về xét mình?
– Kinh nghiệm về việc theo dõi tâm trạng và cách lý luận của mình khi cân nhắc chọn lựa.
– Ta có thật sự để cho Thiên Chúa làm chủ hay chỉ tôn thờ một Thiên Chúa do mình tưởng tượng ra?
TỔNG KẾT CUỐI NGÀY
- Muốn thật lòng quay về với Thiên Chúa là Cha, ta cần theo sát lời dạy của Chúa Giêsu để sống cho Thiên Chúa vả cho đồng loại:
– Với tám mối phúc thật, ta không nương tựa vào bản thân, chỉ nương tựa vào Thiên Chúa, quyết chọn Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa.
– Với luật yêu thương, ta hoàn toàn xóa mình vì anh em. Thiên Chúa mời gọi ta không những yêu thương người khác như chính mình mà còn tha thứ và chúc phúc cho người xúc phạm đến ta, đi tới chỗ yêu thương cả kẻ thù (Mt).
Theo sát quan điểm của Chúa thì đúng là lội ngược dòng đời. Càng nghiền ngẫm Kinh thánh Tân ước, ta càng thấy rằng đã theo Chúa Kitô thì không thể khác được. Bạn cần tự mình đào bới Tân ước, gom góp mọi chỉ dẫn theo hướng này của Chúa để đạt tới chỗ xác tín mãnh liệt, không gì lay chuyển nổi
- Năm kinh nghiệm thực tập (Xem lại ngày 2)
Trong việc tập phân định để nhận rõ ý Chúa: Hôm nay tấm lòng trong sạch bén nhạy bị gây nhiễu vì những bận tâm nào?
(Còn tiếp)