Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐỂ GIẤC MƠ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

(Chúa Nhật Truyền Giáo – 23.10.2022)

            Hàng năm, Giáo Hội dành ra một số ngày để cầu nguyện cách đặc biệt:

– Ngày đầu năm Dương lịch: cầu cho hòa bình thế giới. Riêng tuần lễ từ 18-25/1: cầu nguyện cho Hiệp nhất. – Trong tháng 2, ngày 2/2: lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh: cầu  nguyện cho ơn gọi thánh hiến; ngày 11/2: lễ Đức Mẹ Lộ Đức: cầu nguyện cho bệnh nhân. – Chúa Nhật thứ 4 PS: cầu nguyện cho ơn thiên triên triệu giáo sĩ; Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên: ngày “quốc tế truyền thông xã hội”; Lễ Thánh Tâm: cầu cho ơn thánh hóa giáo sĩ; Chúa Nhật Lễ Lá: cầu nguyện cho Giới trẻ

– Hôm nay, ngày Chúa Nhật áp cuối tháng 10, Giáo Hội cử hành “Ngày quốc tế truyền giáo”. Ngày này, chính thức được ĐGH Pio XI thiết lập ngày 14.4.1926, nhưng, theo ghi nhận của ĐGH Phanxicô trong Sứ điệp Truyền Giáo 2022, thì ngày “Khánh Nhật truyền giáo” này đã được gợi ý từ lâu xa trước với việc một nữ giáo dân tên là Jaricot, người sáng lập Hội Truyền Bá Đức Tin cách đây 200 năm: một phụ nữ trẻ người Pháp, cô Pauline Jaricot, người đã sáng lập Hội Truyền Bá Đức Tin đúng hai trăm năm trước. Cô sẽ được tuyên phong chân phước trong năm kỷ niệm này. Dù sức khoẻ kém, cô đã chấp nhận ơn soi sáng của Thiên Chúa để thiết lập một mạng lưới cầu nguyện và quyên góp cho các nhà truyền giáo, giúp cho các tín hữu có thể tham gia tích cực vào sứ vụ “đi đến tận cùng trái đất”. Ý tưởng xuất sắc này đã làm phát sinh việc cử hành hằng năm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, trong ngày này, các quỹ quyên góp từ các cộng đoàn địa phương được đưa vào quỹ toàn cầu để Đức Thánh Cha có thể nâng đỡ hoạt động truyền giáo.” (SĐTG 2022).

            Ngoài sự kiện trên, cũng trong sứ điệp truyền giáo năm nay, ĐTC Phanxicô còn nhắc đến việc kỷ niệm 400 năm thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (1622 – 2022): Việc thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin năm 1622 đã được thúc đẩy bởi ước muốn cổ vũ sứ vụ truyền giáo tại những vùng lãnh thổ mới. Đây là một nhận thức sâu sắc mang tính quan phòng! Thánh Bộ đã chứng tỏ vai trò quyết định trong việc giải phóng thực sự sứ vụ truyền giáo khỏi các quyền lực thế tục, để thiết lập các giáo hội địa phương mà ngày nay đang cho thấy sức sống mãnh liệt. Chúng ta hy vọng rằng, giống như trong bốn thế kỷ qua, Thánh Bộ với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ tiếp tục và tăng cường công việc phối hợp, tổ chức và cổ vũ các hoạt động truyền giáo của Hội Thánh.” (SĐTG 2022).

            Riêng với công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, sự kiện “Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin” ra đời năm 1622 đã trở thành một cột mốc quan trọng mang tính “chiến lược”. Bởi vì, nhờ định hướng đúng đắn và thức thời của Thánh Bộ, chỉ 39 năm sau – 1659, Giáo Hội tại Việt Nam đã có được Hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên: Đàng Trong và Đàng Ngoài cùng với hai Giám Mục Đại diện Tông Tòa cai quản trực tiếp : ĐC Lambert de La Motte cai quản giáo phận Đàng Trong và ĐC Fr. Pallu cai quản giáo phận Đàng Ngoài; kết thúc một thời “Bảo Trợ Truyền Giáo” với rất nhiều những hệ lụy tiêu cực !

            Ngày Truyền Giáo năm nay lại diễn ra trong lúc toàn thể Dân Chúa đang nô nức triển khai thực hiện định hướng “Vì một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ”. Phải chăng đây chính là một “nguyên tắc nền tảng” mà ngay từ đầu Đức Kitô đã truyền cho các Tông Đồ thực hiện như một mệnh lệnh được ghi lại nơi Tin Mừng Matthêô vừa được công bố: các con hãy đi giảng dạy muôn dân…”. Vâng, truyền giáo là công việc chung, là sứ vụ của “các con”, của tất cả mọi thành phần Dân Chúa, như ĐGH Phanxicô đã thuyết minh trong SĐTG 2022: Mỗi người đã rửa tội đều được kêu gọi truyền giáo trong Hội Thánh và bởi sự uỷ nhiệm của Hội Thánh: do đó, việc truyền giáo được thi hành chung với nhau, không phải từng cá nhân riêng rẽ, trong sự hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh chứ không theo sáng kiến cá nhân của mỗi người.”.

Vâng, giáo xứ chúng ta sẽ chỉ là một cộng đoàn truyền giáo hiệp hành khi mọi thành phần trong cộng đoàn đều sát cánh với nhau, nắm tay nhau, hỗ trợ nhau… từ việc nhỏ đến việc lớn, từ ca đoàn đến giáo lý viên, từ Ban Hành giáo đến hội Legio, Các Bà mẹ, hội Gia trưởng…; không ai cảm thấy mình chỉ là một thành viên xa lạ, bị loại trừ, vô trách nhiệm, đứng bên lề…. Chắc chắn, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, vị Quan thầy của các xứ truyền giáo, là người đã cảm nhận sâu xa chân lý nền tảng “hiệp hành truyền giáo” nầy, nên vào cuối đời, khi lâm bệnh nặng, thánh nữ vẫn cố gắng lê bước…; một nữ tu nhận ra thánh nữ quá mệt nhọc nên đề nghị Ngài hãy nghỉ ngơi. Thánh nữ Têrêsa đã trả lời: “Chị biết điều gì đem lại sức mạnh cho em không ? Em đang lê bước để mưu ích cho một nhà thừa sai. Em tin rằng có một nhà thừa sai nào đó ở xa xăm lúc nầy đang chực quỵ ngã vì những công cuộc tông đồ của Ngài, em xin dâng sự mệt nhọc của em lên Chúa (Một Tâm Hồn, XII,9).

Thế nhưng, như câu tục ngữ mà chắc ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, cũng vậy, công cuộc truyền giáo của Hội Thánh muôn nơi muôn thuở có được kết quả gì chăng đó chính là do ơn Thiên Chúa, do sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần, như sách Công Vụ ghi nhận và được ĐGH Phanxicô nêu bật trong SĐTG 2022: Khi Chúa Kitô phục sinh uỷ thác cho các môn đệ làm chứng nhân của Người, Người cũng hứa ban cho họ ơn cần thiết cho trách nhiệm cao cả này: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8). không người Kitô hữu nào có thể làm chứng đầy đủ và chân thật cho Chúa Kitô mà không do Thánh Thần linh hứng và giúp đỡ. Tất cả các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô được kêu gọi nhận ra tầm quan trọng cơ bản của hoạt động Chúa Thánh Thần, sống mỗi ngày trong sự hiện diện của Người và lãnh nhận sức mạnh và sự hướng dẫn chắc chắn của Người. Quả thực, chính những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản hay hoang mang, chúng ta càng phải nhớ chạy đến cầu nguyện với Chúa Thánh Thần…” (SĐTG 2022).

Chúng ta đừng quên, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì làm sao, cái “bản tin” nhát gừng đầy sợ hãi hoang mang của cô Maria Mađalêna mang về từ “Mồ trống” cho các Tông Đồ, cái “bản tin” mà sau đó bị quan chức Do Thái giáo trù dập te tua, cấm đoán tàn bạo, cái bản tin được một anh chàng dân chài Phêrô thuyết pháp, giải trình… Vâng, cái “bản tin về một Giêsu chết và sống lại đó”, sau sự kiện “Ngũ Tuần” đã có bao ngàn người trở lại; và liên tiếp sau đó… “đã vang ra khắp cùng bờ cõi trái đất” (Tv 18), để hôm nay, có thể ứng nghiệm phần nào lời ngôn sứ Isaia mấy ngàn năm trước mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 1: Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, và vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi...”.

Vâng, ông bà anh chị em yên tâm đi, hy vọng đi ! Một đồng xu nhỏ của bà góa nghèo bố thí cho công cuộc truyền giáo hôm nay, một chút hy sinh, một lời cầu nguyện, một tham gia nhiệt tình âm thầm cho công cuộc mục vụ giáo xứ… sẽ có một ngày kết trái đơm hoa, một ngày sẽ có những bông lúa vàng đồng được thu vào kho lẫm Nước Trời.

Trong những lời kết của sứ điệp Truyền Giáo 2022, ĐGH Phanxicô đã nói với chúng ta rằng: Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục mơ về một Hội Thánh hoàn toàn truyền giáo, và một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đoàn Kitô hữu.”.

Hôm nay chúng ta cùng cầu nguyẹn thật sốt sắng để “giấc mơ về một Hội Thánh hoàn toàn truyền giáo” sớm trở thành hiện thực và con đường “hiệp hành truyền giáo” sẽ là “đường đi phải đến”. Amen.

Trương Đình Hiền