ĐẸP LÀM SAO MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT CÁI CHẾT

(THÁNH LỄ AN TÁNG CHA PHAOLÔ TRỊNH DUY RI – 20.02.2024 TẠI NHA THỜ VINH TRANG – GP NHA TRANG)

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Đứng trước cái chết của người thân, trước sự chia xa vĩnh viễn với cuộc đời dương thế của những người đã từng chung sống, đã từng chiến đấu và làm việc, đã từng đồng lao cộng khổ… trong lòng mỗi người chúng ta đều dậy lên một thứ tình cảm mất mát, đau thương, một nổi xót xa của sinh ly tử biệt. Đã mang thân phận người là phải đi qua “chiếc cầu bi thương” đó. Và phải chăng, đó chính là một trong những “dư quả” của tội Nguyên Tổ mà ngay từ những trang đầu, Thánh Kinh đã cắt nghĩa bằng ngôn ngữ của một lời tuyên án: “Ngày nào ngươi ăn trái cây nầy, ngươi sẽ phải chết” (St 2,17)

Tuy nhiên, trong cái chết của người Kitô hữu, đặc biệt trong cử hành Phụng vụ Tang lễ của những người tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, lại toát lên một vẻ khác thường: Niềm hân hoan của cuộc hành hương về nhà cha, nổi vui của ngày đoàn tụ… “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ…”. Đặc biệt, chính trong trích đoạn Lời Chúa của Sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe, không chỉ loan báo một tín thư an ủi nhưng là một khẳng định, một tuyên tín của tin yêu và hy vọng: “Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa…Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy…Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn”. (BĐ 1)

Phải chăng, đó là một cắt nghĩa rõ nét và chính xác của mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Kitô, mầu nhiệm “Vượt Qua từ cõi chết đến sự sống vĩnh hằng” mà dụ ngôn “hạt lúa mì gieo vào lòng đất thối rửa đi sẽ sinh nhiều bông hạt” lại là một cách diễn tả khác của Tin Mừng như chúng ta vừa nghe.

Vâng, đối với chúng ta, những người được dìm xuống trong dòng nước tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, để được chỗi dậy cùng với Đấng Phục Sinh, chết chính là cuộc hồi hương tìm về tổ ấm, là đĩnh đạc đi vào quê hương hằng sống để sống hạnh phúc miên viến, là cuộc tiến bước vào nhà cha, căn nhà chính Đấng Cứu Độ đã ra công dọn sẵn: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em…để Thầy ở đâu anh cũng sẽ ở đó” (Ga 14,3). Và cách riêng, cái chết của một linh mục, một linh mục nhiệt tình đạo đức, đã hoàn tất sứ vụ của mình, như linh mục Phaolô của chúng ta đây, lại càng làm cho dấu chỉ nầy trở nên đầy thuyết phục và rõ nét.

Tuy nhiên, để trả giá cho cái ngày chung cuộc tuyệt vời hôm nay, cha Phaolô Trịnh Duy Ri đã phải trải qua một cuộc hành trình dương thế đầy nhiêu khê và phấn đấu của 66 năm cuộc sống làm “Ecce Homo” và 32 năm cuộc đời của một “Alter Christus”, mà những cột mốc phục vụ và hiến dâng đã được ghi rõ trong các cáo phó…

Kính thưa cộng đoàn, sự ra đi của cha Phaolô hôm nay có lẽ một lần nữa nhắc nhở cho chúng về chân dung đặc biệt của con người, ơn gọi và sứ vụ linh mục. Khi nói đến điều này, tôi chợt nhớ câu chuyện từ cuối thế kỷ trước…

            Đó là vào khoảng thập niên 70, miền nam Việt Nam lúc đó xuất hiện một ca khúc khá đình đám được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, đó là bài “VÌ TÔI LÀ LINH MỤC”, mà ca từ hoàn toàn ngược lại với chân dung đích thực của linh mục:

Vì tôi là linh mục, Không mặc chiếc áo dòng,

Nên suốt đời hiu quạnh, Nên suốt đời lang thang…

Vì tôi là linh mục, Có được một tín đồ

Nhưng không một tín điều, Nên tín đồ đi hoang…

            Dĩ nhiên, thâm ý của tác giả lời ca khúc hát nầy, chỉ mượn danh xưng linh mục thôi để ngụ ý chuyện tình của một ai đó; nhưng với mấy từ “vì tôi là linh mục” cũng đã làm dị ứng nhiều người; đó là chưa kể, cũng vào thời điểm đó, xuất hiện cuốn tiểu thuyết tình cảm “TÓC MÂY” của nhà văn Lệ Hằng xoay quanh chuyện tình lãng mạn của một linh mục tuyên úy và cô sinh viên Đà Lạt; những sự kiện đó đã cổ súy cho cái nhìn “trần tục hóa linh mục”. Để phản ứng lại cái nhìn tiêu cực trên, cha Ánh Đăng, một linh mục Qui Nhơn và cũng vừa ra đi chưa đày hai năm, đã quyết tâm khắc họa chân dung linh mục đích thực của chính mình hay của Hội Thánh, của Dân Chúa:

1. Vì Anh, ôi linh mục Tên nào ghi trên màu áo Vì Anh, ôi linh mục Ân tình Anh không tàn úa Dẫu men đam mê bừng sôi Dẫu gai đau thương vương đời  2. Vì Anh, ôi linh mục Giữa trần gian muôn ngàn lối Vì Anh, ôi linh mục Anh là hoa của tình ái Dẫu bao vinh quang trần gian Dẫu bao đau thương trên đời Vì Anh, ôi linh mục Ôi đời Anh chết cho tôi.

Qua cách khắc họa bằng thi ca, âm nhạc, có lẽ cha nhạc sĩ Anh Đăng đã muốn gói ghém chính ước mơ và định hướng ơn gọi linh mục của đời mình và cho thế hệ đàn em của mình như linh mục Phaolô đây. Vâng, nếu ai đã từng làm việc, tiếp xúc và được chăm sóc mục vụ bởi cha Phaolô đều có thể nhận ra cuộc đời của cha đã phần nào khắc họa hay phản ảnh chính những ca từ trên của cha Ánh Đăng, trong tư cách vừa là một linh mục sống cho Dân Chúa như một lương ý tinh thần, vừa là một thầy thuốc, một kẻ sĩ phục vụ xã hội, cho tới hơi thở cuối cùng: Vì Anh, ôi linh mục, Anh là hoa của tình ái. Dẫu bao vinh quang trần gian, Dẫu bao đau thương trên đời. Vì Anh, ôi linh mục. Ôi đời Anh chết cho tôi.

Một cuộc sống như thế, thì một cái chết làm sao mà không đẹp được. Điều nầy làm chúng ta nhớ lại câu chuyện của cha thánh Gioan Maria Vianney, vị thánh linh mục được Giáo Hội chọn làm bổn mạng các cha sở…

Một ngày kia, sau nhiều giờ miệt mài với hối nhân nơi tòa giải tội, cha thánh Vianney trở về với những bước chân kiệt sức và té ngã trên cầu thang. Giáo dân hay được chạy đến và hô hoán lên: “Cha bị bệnh, đi kêu bác sĩ gấp!”. Ngài chỉ khoác tay, ôn tồn bảo: “Kêu linh mục chứ không kêu bác sĩ”… Và sau khi được lãnh các bí tích sau hết, ngài đã ôn tồn nói với vị linh mục trẻ: “Đẹp làm sao cái chết của một linh mục hoàn tất trách nhiệm của mình”.

Chúng ta , một cách nào đó, cũng có thể nói được: ở gữa chúng ta hôm nay, hình như cũng đang có một Vianney của thời đại đã hoàn tất trách nhiệm mục tử cách hoàn hảo và đã chết một cái chết đẹp tuyệt vời.

“Thưa Cha Phaolô, cho dù lời thánh vịnh nào đó vẫn thường nhắc nhở chúng con về cái hữu hạn, bé bỏng, mỏng manh, dễ mất hút, lãng quên của cuộc đời :“Một cơn gió thoảng, đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích…” xin Cha hãy tin rằng, Giáo Phận Qui Nhơn nầy, cộng đoàn giáo dân Vinh Trang, Gia Hựu, Chính Tòa Qui Nhơn, Qui Hiệp, Qui Hòa… bao thế hệ học sinh và cháu con nầy, những người nghèo hèn khốn khổ bệnh họa ốm đau nầy… sẽ không bao giờ quên Cha trong lời kinh, trong thánh lễ, trong những nhắc nhớ nhau thực hiện những gương lành, những bài học, những lời huấn đức, những phương thuốc chữa trị, những dặn dò của cha trối lại đâu !

            Cho dù cha được an táng bên những người thân và xa cách giáo phận, tuy nhiên, trong mầu nhiệm Hiệp thông, xin Cha hãy luôn nhìn về Giáo Phận, đặc biệt, nhìn đến và nguyện cầu cho quý Đức Cha, luôn nhìn đến chúng con, các chủng sinh, tu sĩ, các linh mục học trò, các thế hệ Kitô hữu đã được Cha ban các bí tích và nuôi dạy trong mái trường Giáo Hội… để một ngày không xa, chúng ta sẽ đoàn tụ trong nổi vui ngút ngàn vì tất cả được Đức Kitô Phục Sinh “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21); và đó cũng là ngày lời tiên tri ngày nào của Đấng Cứu Thế sẽ dứt khoát hiện thực miên viễn: “Hạt lúa mục nát đi sẽ sinh nhiều bông hạt”. Chúng con xin bái biệt Cha. Amen.

Trương Đình Hiền