ĐIỀU CẦN TRONG CƠN ĐẠI DỊCH : TÂM HỒN VÀ TÍN NGƯỠNG

Views: 31

Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn

Người ta sống trên đời, rất nhiều vấn đề đều có thể mạnh miệng, nhưng đối mặt với sinh tử lại không nói được lời nào. Vậy nên khi đại nạn ập đến, con người chỉ biết tháo chạy trong hoảng loạn.

Vào giữa thế kỷ 14, đại dịch “Cái chết đen” nghiêm trọng chưa từng thấy xảy ra ở châu Âu, khiến dân số châu Âu trong vòng chưa đầy một năm đã giảm đi một nửa. Nước Anh và khu vực phía nam trung tâm thành phố London là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên có một điều kỳ lạ là phần phía bắc của nước Anh lại may mắn tránh khỏi đại họa. Điều gì đã mang đến phép màu ấy?

Ở khu vực giáp biên giới phía nam và bắc bán đảo Anh có một ngôi làng tên là Eyam. Sau khi một doanh nhân trở về từ London mang theo bệnh “Cái chết đen”, dịch bệnh đã lây lan khiến 344 người trong thôn ai nấy đều hoang mang lo sợ, dân làng nhốn nháo muốn chạy trốn về phía bắc.

Khi cả làng đang lục đục rời đi, một vị linh mục tên là William Mompesson đã bước ra, Ông nói: “Không ai trong chúng ta biết rằng dân phía bắc có nhiễm bệnh hay không. Nếu đã nhiễm bệnh, dù chạy trốn hay không đều phải chết, thoát khỏi nơi đây nhất định sẽ làm nhiều người hơn nữa bị lây nhiễm. Xin mọi người hãy ở lại, mang sự thiện lương của chúng ta truyền tới đời sau, để các thế hệ tương lai được ban phước lành, nhân họa đắc phúc”.

Nghe lời vị linh mục, mọi người trong làng đều đồng ý ở lại. Họ cùng nhau xây một bức tường đá ở cổng ra vào phía bắc để ngăn không cho ai vượt ra ngoài.

Và những gì xảy ra tiếp theo thật vô cùng bi thảm. Dịch bệnh tàn sát nghiêm trọng khiến nhiều người đã lần lượt bỏ mạng. Cho đến khi đại dịch qua đi, ngôi làng với 344 nhân khẩu chỉ còn lại 33 người sống sót, trong đó hầu hết là những đứa trẻ chưa thành niên. Vị linh mục cũng tử vong, tuy nhiên quyết định sáng suốt của ông đã ngăn không cho dịch bệnh lây lan tới phía bắc, để lại một hậu hoa viên cho nước Anh.

Trước khi lìa đời, mỗi bệnh nhân đều viết lời khắc trên bia mộ mình, nhờ đó mà ngôi làng xinh đẹp Eyam mới có những dòng chữ thấm đầy nước mắt trên hơn 300 bia mộ.

Bia mộ của linh mục Mompesson chỉ viết một câu: “Xin hãy đưa thiện lương truyền tiếp đời sau”.

Trên bia mộ của một vị bác sĩ viết cho người vợ đang xa cách của ông là dòng chữ: “Xin hãy tha thứ vì anh không thể cho em nhiều tình yêu hơn nữa, bởi vì họ cần tới anh”.

Một người tên Ryder viết cho con gái: “Con thân yêu, con đã chứng kiến sự vĩ đại của cha mẹ và dân làng”.

Đây được gọi là sức mạnh của tín ngưỡng, của niềm tin. Cho dù cận kề cái chết, họ vẫn để thiện lương tỏa sáng, cũng không để mất đi tình yêu thương dành cho con người. Sự khác biệt giữa có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng chính là: Người có tín ngưỡng sống là người, người không có tín ngưỡng sống là mệnh.

Ngày hôm nay, người dân Vũ Hán đang liều mình trốn chạy, trong khi các vùng lân cận lại tìm cách ngăn chặn trong tuyệt vọng. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Vũ Hán vốn là trung tâm vùng dịch, mà giới nhà giàu trên khắp Trung Quốc cũng đang tìm con đường đào thoát khỏi quê hương. Đến bất cứ nơi đâu ta cũng thấy một cảnh tượng thê lương hỗn loạn: Người bên trong giẫm đạp lên nhau mà tháo chạy, còn người bên ngoài thì đóng cửa, quay lưng.

Người Trung Quốc hôm nay là thế, khi phải đối diện với sinh tử họ đã không còn gì để mất, và vì để bảo mệnh họ đã lựa chọn cách hành xử như mất hết tính người.

Vì sao gọi là ‘bảo mệnh”? Người dân Vũ Hán vì để bảo toàn tính mạng của bản thân mà liều mình trốn chạy, nhưng người dân các vùng lân cận cũng vì muốn bảo toàn tính mạng mà xua đuổi, chặn đường.

Đã có nhiều cuộc tranh cãi gay gắt về việc nên đối xử với Vũ Hán như thế nào. Một số ít ý kiến cho rằng nên thiện đãi và từ bi với họ, trong khi phần khác lại đề xuất nên có biện pháp ngăn chặn thẳng thừng.

Có câu chuyện kể rằng, một số chủ nhà Thượng Hải vì không thể chống đỡ được nên đã bất đắc dĩ đóng cửa nhà để từ chối người Vũ Hán. Trên Weibo, có một người đàn ông Vũ Hán chạy trốn sang Thượng Hải đăng video than phiền rằng: “Tôi không ăn được, cũng không uống được”.

Một người Vũ Hán chạy trốn tới Thanh Đảo và ngồi ở toa tàu điện ngầm, kết quả phát hiện anh ta là một người nhiễm bệnh. Mặc dù anh ta không hoàn toàn đại diện cho 5 triệu người Vũ Hán đã chạy trốn khỏi thành phố, nhưng chắc chắn đó không phải là trường hợp ngoại lệ.

Một người Tứ Xuyên trở về từ Vũ Hán không may bị đồng hương tố giác, không ai muốn chấp nhận, không ai muốn lại gần chỉ vì anh ta đã từng ở nơi dịch bệnh.

Người ta sống trên đời, với một số vấn đề nhất định thì có thể mạnh miệng, nhưng đối mặt với sinh tử lại không nói được gì. Dù là nông dân hay trí thức, nghèo hèn hay sang giàu, đều sẽ phải một lần đối mặt. Rất nhiều người ngày thường hô lớn chủ nghĩa vô Thần, tập hợp mọi người lại để phát biểu ba hoa, nhưng khi mạng sống sắp mất đi họ lại sợ cuống cuồng, chạy vạy khắp nơi mong tìm “phương thuốc” để kéo dài thọ mạng.

Nhưng dù lựa chọn như thế nào, thì sau tất cả vẫn để lại cho chúng ta một nỗi xót xa. Đó là: Khi một dân tộc mất đi tín ngưỡng, đối diện với thiên tai nhân họa, thì dù có cố gắng chạy trốn hay ngăn chặn, mỗi người đều đang tuyệt vọng tìm đường sống cho mình.

Cổ nhân có câu: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ”, tạm hiểu là: Bần cùng giữ được mình, thành đạt thì tạo phúc cho thiên hạ. Trong cảnh nghèo hèn, bất đắc chí, điều quan trọng chính là giữ được tấm thân trong sạch, không ngừng tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện bản thân, có như vậy mới có thể tạo phúc cho thiên hạ sau này. Đây đều thuộc về tín ngưỡng văn hóa đã lưu truyền qua hàng nghìn năm.

Người Tây phương tin vào Thiên Chúa, họ bình tĩnh trước cái chết, tin tưởng rằng sau khi chết linh hồn sẽ lên Thiên đường, do đó đối mặt với tử thần họ không sợ hãi. Họ nói: “Bạn chưa thấy Thiên đường, bạn có thể cho rằng Thiên đường không tồn tại. Nhưng bạn cũng chưa từng chết, làm sao bạn dám chắc người chết sẽ không có linh hồn để đi tới Thiên đường hay Địa ngục?”.

Nhưng thật không may, thứ tín ngưỡng được gọi là “chỉ vì mạng sống” của người dân Trung Quốc lại dựa trên học thuyết vô thần. Vậy nên họ không dám đối mặt cái chết, tại điểm cuối của sinh mệnh ở trong mờ mịt và sợ hãi.

Một triết gia nổi tiếng nước Đức là Immanuel Kant từng nói: “Khuyết điểm của một người xuất phát từ thời đại của anh ta, nhưng đức hạnh và sự vĩ đại thuộc về bản thân anh ta”.

Người Vũ Hán có nên chạy khỏi Vũ Hán hay không? Có lẽ chúng ta không nên chỉ trích bởi khuyết điểm của họ là thuộc về thời đại, tuy nhiên cũng khó để đồng tình.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng thông cảm với người dân các vùng lân cận khi họ không sẵn lòng tiếp đón, bởi vì khuyết điểm của họ cũng thuộc về thời đại.

Cùng là cái chết, có người trong sợ hãi mờ mịt mà qua đời, có người lại trong niềm tin lên Thiên đường mà rời khỏi dương gian. Nhìn thấy người nhiễm bệnh ở Trung Quốc sợ hãi trước khi chết, lại thấy các tín đồ Cơ Đốc bình tĩnh chờ đợi thời điểm về với Chúa, ta mới hiểu rõ: Thì ra thống khổ lớn nhất của những người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn, một tâm hồn héo úa không có tín ngưỡng, không có niềm tin.

Sinh tử không phải chỉ là lời nói huênh hoang, người Trung Quốc hiện nay, thực sự cần một tín ngưỡng, cần một tín ngưỡng cao thượng đúng đắn.

Khuyết danh

(Tác giả vui lòng liên lạc để BBT dẫn đúng tên tác giả)

Đăng lại từ Facebook Pham Thi Thuy, do Facebook Vũ Thế Minh dẫn lại. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng xem bài dẫn lại tại đây.