Chia sẻ Lời Chúa

ĐƯA THUYỀN VỀ PHÍA TRƯỚC

Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 5 Thường Niên C

(Is 6,1-2a.3-8; 1 Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)

Thiên Chúa không muốn độc quyền thực hiện chương trình cứu rỗi, Ngài muốn gọi mời chúng ta cùng cọng tác. Việc Thiên Chúa gọi mời chúng ta cọng tác với Ngài để loan báo và thực thi chương trình cứu độ cho trần gian đó chính là  “ơn gọi tông đồ”, ơn gọi phổ quát dành cho tất cả những ai đã được tắm gội trong dòng nước của nhiệm tích Thánh Tẩy.

          Chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa đó qua những xác quyết của Tin Mừng :

– Trước hết, ơn gọi Tông Đồ phát xuất từ Đức Ki-tô, Vị Tông Đồ của Chúa Cha :

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21)

          “Như Chúa Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17, 18).

– Rồi cũng chính Đức Ki-tô sai các Tông đồ đến với muôn dân:         

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3, 13-19)

“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. (Lc 5,11)

          Vâng, Tông Đồ (Apostolos) có nghĩa “Kẻ được sai đi”. Và kể từ “Kẻ được Chúa Cha sai đầu tiên” là “Con Một”, đến những “thuyền chài xứ Ga-li-lê” được Người Con ấy chọn để “ở với Ngài và được sai đi”, nối tiếp nhau suốt 2000 năm nay đã có bao nhiêu thế hệ Tông đồ, kế tiếp nhau, chuyền tay nhau ngọn đuốc của Tin Mừng Cứu độ để thắp sáng trần gian và đưa về cho Thiên Chúa một “Đoàn Dân duy nhất”, để đưa vào “lòng thuyền Giáo Hội” những “con cá tốt lành” từ “biển đời thẳm sâu tăm tối”.

 

          Thật ra, mọi người Kitô hữu đều được trao sứ mệnh tông đồ qua bí tích Rửa tội. Cho nên mọi người đều có thể nói như Thánh Phaolô : “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).

          Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc nhở Dân Chúa sứ mệnh quan trọng nầy trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng như sau :

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)

          Tuy nhiên, để thực thi sứ mệnh cao cả nầy, điều tiên quyết đó là người rao giảng phải là người đã sống, đã gặp gỡ, đã cảm nhận chính Đấng mà mình rao giảng, chính Tin Mừng mà mình công bố ; hay nói theo ngôn ngữ của ĐTC Phanxico trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, đó chính là người đã nhận được niềm vui của Đức Ki-tô  :

“NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (SỐ 1)

“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”.[6] (Số 10)

          Trước sứ mệnh cao cả đó, quả thật con người hoàn toàn bất xứng. Sứ ngôn Isaia đã cảm nghiệm sâu sắc điều nầy khi thốt lên : “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế…” ; và cũng thế, Simon khi đứng trước mẻ cá lạ lùng cũng đã sững sờ quỳ mọp xuống trước “Người thợ mộc Na-da-rét” thân thưa : “lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tộ lỗi”.

          Chính vì thế, nhân đức khiêm hạ chính là nền tảng cho việc đón nhận và thực thi sứ mệnh tông đồ. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay đã khẳng định ý nghĩa nầy khi muốn trình bày cho giáo đoàn Côrintô nhận thức về ơn gọi Tông Đồ của chính Ngài : “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa…”

          Hiểu như thế, không có nghĩa để chúng ta, những người đang sống giữa chợ đời, bon chen với miếng cơm manh áo, sẽ buông tay đứng nhìn, mặc cho những ai có ơn gọi đặc biệt, các nhà thừa Sai, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ chuyên lo công việc truyền giáo.

          Nếu ngày xưa, Chúa bảo Phêrô : “hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới”, thì hôm nay, mệnh lệnh nầy lại rất nhiều khi thích hợp cho người giáo dân hơn những người thuộc bậc giáo sĩ và tu sĩ. Bởi lẽ :

          Giáo dân có nhiều điều kiện “chèo ra chỗ nước sâu”, khi cuộc sống đời thường vốn đã là những đối diện thường xuyên với những “chỗ nước sâu của biển đời hiểm ác”.

          Giáo dân có nhiều cơ hội để dấn thân vào những môi trường mà ở đó không biết bao cơn cám dỗ chực chờ : tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ…

          Giáo dân hằng ngày phải kinh qua những hoàn cảnh bi đát của đói khát, bệnh tật, thiếu thốn và khó nghèo.

          Giáo dân phần đông mang những mảnh đời nếm trải những vị đắng chát của phản bội trong tình bạn, những dở dang trong tình ái, những thất bại trong nghề nghiệp, những lỡ làng trong duyên phận…

          Vâng, người giáo dân chính là đối tượng thường xuyên có thể cảm nhận rõ nét lệnh truyền “chèo ra chỗ nước sâu” khi phục vụ Tin Mừng trong mọi biên giới của cuộc sống và mọi môi trường của xã hội mà họ đang hiện diện.

          Điều cần thiết còn lại là biết luôn giữ trong tim tâm tình khiêm hạ của Phêrô để vững tin “đừng sợ” mà quăng đi tất cả những “lưới chài thuyền ghe” của cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen, vụ lợi…để thanh thản ra đi theo dấu bước của Thầy.

          Đọc lại những trang sử hào hùng của Giáo Hội, chúng ta luôn thấy ngời sáng lên những “bước chân tuyệt vời của những người loan Tin Mừng”, những chứng tá hùng hồn của biết bao nhiêu người nam nữ thuộc mọi thành phần, bậc sống và giới lớp trong Dân Chúa làm mẫu gương, điểm qui chiếu và gợi hứng cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.

          Nếu mệnh lệnh của thầy Chí Thánh đó là “hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, thì chúng ta luôn ý thức rằng : cuộc dấn thân cho ơn gọi tông đồ luôn đòi hỏi nhiều hy sinh, gian khổ, nhiều khi phải thí cả mạng sống. Đó là cả một “con đường dài và khó đi” [1] ; nhưng cũng chính trên con đường đó, người tông đồ sẽ gặp được “thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác” [2] để cảm nhận thế nào là “mùi của đàn chiên” [3] để sẵn sàng đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

 

          Tuy nhiên “đừng sợ !”. Đức Kitô đã bảo như thế. Và Ngài cũng đã đoan chắc rằng : “Thầy ở cùng anh em cho đến này tận thế” (Mt 28,20).

[1] Tông huấn Niềm vui tin mừng số 24

[2] SĐD

[3] SĐD