Chia sẻ Lời Chúa, Khảo luận tổng hợp

ĐỨC MARIA, MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN

Raymond E. Brown, SS

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Có lẽ Mẹ là người phụ nữ lừng danh nhất đã từng sống, tuy nhiên Tân Ước ít nói về Mẹ, chỉ có vài cảnh trong các Tin Mừng và chương đầu của Tông Đồ Công Vụ.Dù sao, qua những đoạn này, được sắp xếp theo trình tự niên đại chấp nhận được, cũng phần nào minh họa cho lòng tôn sùng Đức Maria được phát triển qua các thế kỷ như thế nào.

Đức Maria trong Tin Mừng Marcô

Trong bốn tin mừng, Marcô được xem là Tin Mừng xưa nhất mà trong đó Maria chỉ xuất hiện có một lần (3,21.31-35) và được nhắc đến một lần nữa (6,1-6). Cảnh tượng cơ bản này có liên quan đến sự chuyển tiếp trong cuộc đời của Đức Giêsu: Ngài thoát ra khỏi vòng thân thuộc gia đình ở Nazarét để bước vào cuộc đời giảng dạy và chữa lành tập trung tại nhà ông Phêrô ở Capharnaum.

Ngài thu hút sự quan tâm của công chúng đến nỗi không có giờ để ăn (3,20). Gia đình Ngài lo lắng vì những hành vi lạ lùng của Ngài (“Ngài đã mất trí”), nên dự định đi bắt Ngài về nhà. Marcô điền vào khoảng trống thời gian cuộc hành trình của gia đình đến Capharnaum này bằng cách kể câu chuyện Ngài đương đầu với các kinh sư đến từ Giêrusalem là những người cũng không hiểu được Ngài (“Ngài bị quỷ vương Bêelzêbút ám” [3,22-30]).

Nếu sự hiểu lầm thứ hai này được trả lời ngay lập tức thì Đức Giêsu chỉ trả lời cho sự hiểu lầm đầu tiên khi gia đình đến căn nhà bên bờ hồ (Mc 3,31-35). Vì Ngài ở bên trong nhà và bị đám đông vây quanh nên người ta chuyển lời nhắn vào: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”. Câu trả lời của Đức Giêsu (“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?) đã làm nổi lên vấn đề thật sự ai mới là gia đình của Ngài khi mà Nước Trời đang được loan báo. Khi gia đình tự nhiên của Ngài đứng ở bên ngoài, thì Đức Giêsu nhìn những người đang ở bên trong và tuyên bố: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”.

Đây là cảnh tượng mà trong đó Đức Giêsu ca ngợi gia đình gồm các môn đệ vâng phục Thiên Chúa mà chẳng màng đến gia đình tự nhiên là những người không hiểu được Ngài, và nhiều người không Công giáo xem đây là đoạn văn nền tảng để phản ứng lại sự tôn sùng Đức Maria của người Công giáo.

Sự cứng rắn trong cái nhìn của Marcô cũng không nhẹ đi trong đoạn 6,1-6. Những người địa phương ở Nazarét lấy làm lạ về sự nổi trội của Đức Giêsu: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Trả lời cho những người đồng hương đã xúc phạm đến nhà giảng thuyết nguyên là người thợ mộc ở địa phương, Đức Giêsu đã so sánh mình với số phận của các ngôn sứ không được tôn trọng ở ngay chính quê hương mình, trong số những thân thuộc mình và trong chính căn nhà của mình. Lại thêm một đoạn văn nữa khó mà đánh giá tích cực về Đức Maria!

Đức Maria trong Tin Mừng Matthêô

Cái nhìn về Đức Maria đã thay đổi khi Matthêô thuật lại câu chuyện về sự mang thai và hạ sinh của Đức Giêsu vốn bị thiếu sót trong Marcô. Giuse kết hôn với Maria nhưng chưa đưa bà về nhà sống chung. Ông nhận được tin sốc rằng Maria đã có thai, nhưng trước khi hành động để tháo gỡ mối dây hôn nhân bằng cách ly dị, một thiên sứ hiện ra với ông trong giấc mơ (Mt 1,18-25). Thiên sứ tiết lộ rằng Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần (chứ không phải bởi nam nhân); đứa con của bà được gọi tên là Giêsu, người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi và là hiện thân của Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta (Emmanuel).

Dù rằng Matthêô im lặng về phản ứng của Đức Maria trước sự can thiệp của Thiên Chúa, sự thụ thai đã làm nên một bối cảnh để Matthêô nói rằng Đức Maria đang thi hành sứ vụ. Chắc rằng người mẹ duy nhất này sẽ hiểu rõ hơn khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Nước Trời. Chính vì vậy nên khi Matthêô tham khảo chương 3 của Tin Mừng Marcô, ông đã bỏ đi đoạn 3,20-21 nói về việc gia đình nghĩ rằng Đức Giêsu mất trí nên đi bắt Ngài về nhà.

Khi Đức Giêsu trở về Nazarét (Mt 13,54-58), Matthêô cũng thấy rằng Đức Giêsu không được tôn vinh nơi quê quán mình nhưng không nói gì về gia đình riêng của Ngài. Tuy nhiên, Matthêô 12,46-50 hầu như thuật lại nguyên vẹn cảnh tượng chọn lựa gia đình trong Marcô 3,31-35: Đức Giêsu vẫn dành ưu tiên cho các môn đệ có liên quan với Ngài vì làm theo ý Thiên Chúa.

Đức Maria trong Tin Mừng Luca/Tông Đồ Công Vụ

Trái với bức chân dung Maria trong Marcô và Matthêô đi từ màu tối đến trung lập, bộ sách hai cuốn này vẽ Đức Trinh Nữ với màu ấm hơn. Trong khi mẹ của Đức  Giêsu có một vai trò hạn chế trong tường thuật về thời thơ ấu của Tin Mừng Matthêô, người trinh Nazarét (Lc 1,26-27) lại là nhân vật chính trong trình thuật của Luca về thời thơ ấu của Đức Giêsu.

Ở đây (dù hiện trạng chỉ được nói đến cách gián tiếp) Đức Mẹ và Thánh Giuse đã kết hôn và chưa chung sống. Khi hiện ra với Đức Maria (1,30-33) thiên sứ Gabriel, trích dẫn thoáng đoạn 2 Samuen 7,12-16, loan báo rằng bà sắp làm mẹ của Đấng Cứu Thế thuộc dòng Đavít. Khi Đức Maria hỏi thế là thế nào vì mình vẫn còn là một trinh nữ, thì vị thiên sứ mới trưng dẫn điều mà các độc giả của Luca nhận ngay ra rằng đó là ngôn ngữ của lời rao giảng Kitô giáo: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (1,34-35).

Phaolô đã sử dụng cùng một hình ảnh (Thánh Thần, quyền năng, tư cách con Thiên Chúa) trong thư Roma 1,3-4 để phát biểu tin mừng về Đức Giêsu là Con Đavít và là Con Thiên Chúa. Cũng vậy, Luca trình bày Đức Maria như là người đầu tiên lắng nghe Tin Mừng. Bà đáp lời: “Xin cứ làm cho tôi như lời thiên sứ truyền”. Như vậy, Mẹ đã hoàn toàn đáp ứng được với đòi hỏi mà chúng ta thấy trong Tin Mừng Marcô về gia đình gồm các môn đệ: “Bất cứ ai làm theo ý Thiên Chúa … thì là mẹ tôi”.   

Ngay sau đó thì Maria của Luca đã thi hành nhiệm vụ môn đệ bằng hai cách. Trước tiên, Mẹ vội vã đi đến với người chị họ là Elizabét để chia sẻ tin mừng. Là một cách đáp trả trọn vẹn với tin mừng, các môn đệ kitô hữu không chỉ đón nhận và giữ lại điều đã được Thiên Chúa mạc khải; họ phải loan báo cho những người khác. Việc đến thăm viếng của Đức Maria đã làm cho bà Elizabét, dưới ảnh hưởng của Gioan Làm Phép Rửa đang ở trong cung lòng bà, đã nói sấm ngôn ca ngợi Đức Maria.

Giống như các nữ anh hùng giải phóng dân tộc của Israel, các bà Jael và Juditha (Tl 5,24; Gđ 13,18), Đức Maria có tước vị là “người được chúc phúc giữa các phụ nữ”. Ông Môisê đã nói rằng, nếu mà dân Israel thật sự nghe tiếng Chúa thì con cái của lòng dạ các phụ nữ Israel sẽ được chúc phúc (Đnl 28,1.4). Bà Elizabét nhận ra rằng lòng dạ Maria là hoa trái duy nhất nên đã chúc phúc cho Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa (Lc 1,41-44).

Nhưng sự lắng nghe lời Chúa của Đức Maria trong khi Truyền Tin đã có một chiều hướng khác xa với nhãn quan của ông Môisê – một chiều hướng tin mừng mà bà Elizabét đã nhận ra trong Lc 1,45 khi bà chúc phúc cho Maria lần thứ hai vì đã tin (và như vậy đã đáp ứng được tiêu chuẩn làm môn đệ). Nếu hết mọi đời đều gọi Đức Maria là diễm phúc (Lc 1,48), họ làm điều đó vì tin vào cái nhìn tiên tri của bà Elizabét về vai trò của Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa và là một môn đệ kitô hữu chân chính.

Thứ đến, Đức Maria đã phát triển môn đệ tính đến độ đầy đủ nhất khi ngợi khen Thiên Chúa trong bài Magnificat (Lc 1,46-55). Trong bài thánh ca ấy, Đức Maria đã giải thích tin mừng mà mình đã mang đến cho bà Elizabét. Thiên sứ nói với Đức Maria rằng Đức Giêsu là ai, cụ thể là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa; nhưng Đức Maria đã chuyển dịch căn tính này thành những hạn từ nói lên ý nghĩa của việc Ngài đến.

Nói cách khác, ân huệ Giêsu của Thiên Chúa sẽ biểu dương sức mạnh cho dân Israel, nâng cao những người khiêm nhường và ban đầy dư của cải cho người đói nghèo; đàng khác, nó dẹp tan người kiêu căng, hạ bệ người quyền thế và đuổi người giàu có về tay không. Đức Maria đã loan báo trước tin mừng của người con của mình, người mà dù được Thiên Chúa tuyên bố là Con Thiên Chúa (3,22), nhưng chính Ngài lại loan báo bằng những hạn từ phúc lành cho người nghèo khó, đói khát, sầu khổ, và khốn cho người giàu có và tự mãn. Nhiều hơn bất kỳ đoạn Kinh Thánh nào khác, bài Magnificat đã làm cho Đức Maria trở thành biểu tượng của niềm hy vọng và dấu hiệu quan tâm của Thiên Chúa đối với người bị áp bức và bị chà đạp trên khắp thế giới.

Trong những cảnh tiếp liền sau cuộc hạ sinh của Đức Giêsu, Matthêô (Mt 2,11.14.21) đề cập đến Đức maria chỉ như một đối tượng thụ động cần sự chăm sóc. Còn đối với Luca, Mẹ là diễn viên chính kề bên Thiên Chúa. Trong khi người khác kinh ngạc trước những tin kỳ diệu về sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa, Đức Maria cẩn thận ghi nhớ những kho tàng ấy và suy niệm trong lòng (Lc 2,19). Sự việc này vọng lại ngôn ngữ của Stk 37,11, Đanien 4,28 (bản Hy Lạp) và 7,28 mà trong đó thị kiến phản ảnh một mạc khải bí nhiệm mà chỉ hiểu được một phần nào trong đó thôi.

Dù rằng Mẹ đã được mạc khải, nhưng đường lối mà sự nghiệp của Đức Giêsu thực hiện sẽ là một thách thức và ngay cả là một quyết định đối với Đức Maria, như ông Simêôn đã nói tiên tri cách hình bóng trong Lc 2,34-35 bằng hạn từ một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ. Cảnh cuối cùng trong trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu, khi Ngài lên 12 tuổi, đã thể hiện nỗi khó khăn của Mẹ. Mẹ và Thánh Giuse không thể hiểu được đường lối cư xử của Đức Giêsu trong Đền Thờ và câu trả lời rằng Ngài đang làm việc của Cha mình (Lc 2,49-50). Thách thức đón nhận ý muốn khó hiểu của Thiên Chúa bằng đức tin vẫn là điều đang xảy ra trong cuộc sống của người môn đệ.

Gia đình gồm mẹ và các anh em đi tìm Đức Giêsu không còn tương phản với gia đình được hình thành gồm các môn đệ nữa. Đúng hơn, họ là những mẫu gương sáng giá nhất cho những người nghe và thực thi lời Chúa (Lc 8,19-21), nhóm người này giống như hạt giống rơi vào đất tốt trong dụ ngôn được nhắc đến chỉ một ít câu trước đó (Lc 8,15), cụ thể là “những người nghe và nắm giữ lấy Lời”. Thật vậy, những người mẹ và các anh em vẫn kiên trì trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, vì họ được kể đến trong Cv 1,13-14, bên cạnh nhóm Mười Hai và những người phụ nữ, trong số những người tin đang chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Đức Maria trong Tin Mừng Gioan

Dù tin mừng này không có trình thuật về thời thơ ấu, nhưng cũng có hai cảnh về sứ vụ liên quan đến Đức Maria. Xét về nội dung, chúng khác với các trình thuật trong ba Tin Mừng trước, nhưng những vấn đề cơ bản về thần học thì giống nhau.

Tại Cana, cảnh tượng mà trong đó Đức Giêsu chuyển từ đời sống gia đình sang đời sống công khai, mẹ và các anh em Ngài đang dự tiệc cưới (Ga 2,1-12). Lời cầu xin ẩn ý của Mẹ – “Họ hết rượu rồi” – là khẳng định của gia đình trên Đức Giêsu, tương tự như việc Mẹ và các anh em đi tìm Ngài trong Marcô. Lời từ chối khẳng định ấy bằng câu “Giờ của tôi chưa đến” cũng tương tự như câu trả lời của Đức Giêsu trong Luca trước lời phàn nàn của người mẹ về hành vi của mình lúc 12 tuổi: “Cha mẹ không biết rằng con phải làm việc của Cha con sao?”

Trong tương quan với gia đình trần thế, cả hai câu trả lời đều dành ưu tiên cho vai trò được chỉ định cho Đức Giêsu bởi Cha trên trời, là Đấng đã sai Ngài. Song người Mẹ của Đức Giêsu trong Gioan cứ vẫn khẳng định “Hãy làm những gì ông ấy bảo”, tương tự như câu trả lời của Đức Maria với thiên sứ trong Lc 1,38, “Hãy làm cho tôi theo như lời ngài”.

Cảnh thứ hai trong Tin Mừng Gioan xảy ra dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), khẳng định rằng phản ứng cuối cùng của Đức Maria tại Cana là sự vâng phục đặc trưng của người môn đệ. Giờ đã đến (13,1); Đức Giêsu đang hoàn tất công việc mà Thiên Chúa Cha đã giao Ngài thực hiện (19,28-30); tụ họp quanh Ngài là một nhóm môn đệ trung thành cho đến phút cuối. Đứng đầu trong nhóm là hai nhân vật mà Gioan đã đề cập nhưng không bao cung cấp tên tuổi, cụ thể là mẹ Đức Giêsu và người môn đệ Ngài thương mến.

Khi đặt người đầu tiên làm mẹ của môn đệ ấy và người sau làm con của chính mẹ mình, Đức Giêsu đang thiết lập một gia đình các môn đệ. Đây là hình thức xử lý của Gioan với vấn đề “Ai là mẹ tôi và anh em tôi?” Nếu trong Marcô và Matthêô có sự tương phản giữa hai gia đình, giữa gia đình tự nhiên và gia đình gồm các môn đệ, thì trong Gioan (cũng như trong Luca) người mẹ tự nhiên đã được đưa vào trong gia đình các môn đệ một cách xuất sắc, vì bây giờ mẹ là mẹ của người môn đệ hoàn hảo nhất, người đã trở thành người em của Đức Giêsu.

Sau này, thần học nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria nhiều ân huệ, nhưng tất cả các ân huệ này đều phát sinh từ những chỉ dẫn được tìm thấy rải rác trong Tân Ước. Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế; Mẹ đáp ứng được đòi hỏi của người môn đệ cách tuyệt vời. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết ngắn gọn rằng: “Đức Maria đã nên gương mẫu cho tín hữu vì trong cuộc sống của mình Mẹ đã chấp nhận lời Chúa cách trọn vẹn và có trách nhiệm cũng như đã thực thi lời … Thật đáng bắt chước vì Mẹ là người đầu tiên và hoàn hảo nhất trong các môn đệ của Đức Giêsu.”

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ