(Gợi ý suy niệm sứ điệp “Đức Mẹ Mân Côi” – 2021)
Trong danh mục các ngày lễ liên quan đến Đức Mẹ của Năm Phụng vụ, chúng ta nhận ra có hai loại:
– Loại liên quan đến Thánh Kinh, Thánh Truyền, nhất là các “Tín điều” về Đức Mẹ: Mẹ Thiên Chúa (1/1), Mẹ Vô Nhiễm (8/12), Mẹ Lên Trời (15/8), Mẹ Thăm Viếng (31/5), Mẹ Sầu bi (15/9), Sinh Nhật Đức Mẹ (8/9), Mẹ Dâng Mình (21/11)…
– Loại liên quan đến “mạc khải tư” hoặc “lòng đạo đức bình dân” của Dân Chúa: Mẹ Fatima (13/5), Mẹ Lộ Đức (11/2), Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, Mẹ Camêlô (16/7), Mẹ Mân Côi (7/10)…
Riêng lễ Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay lại có cả một chiều dài lịch sử trong dòng chảy “lòng đạo đức bình dân” của Dân Chúa mà cội nguồn chính thức đã bắt đầu từ thế kỷ 13 với Thánh Đa Minh.
Thật vậy, cách đây khoảng chín thế kỷ (thế kỷ 12), tại tỉnh Albi thuộc miền nam Nước Pháp, lạc thuyết Albigensê đã gieo lầm lạc và sai quấy về mầu nhiệm Chúa Kitô, kéo theo sự khủng hoảng niềm tin và chia rẽ trong Hội Thánh. Sau bao nhiêu nỗ lực để chinh phục bè rối Albigensê này bất lực, thánh Đaminh rút vào một cánh rừng ở gần thành phố Toulouse, cầu nguyện, ăn chay, phạt xác cho đến nỗi ngất lịm đi. Chính lúc đó, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nhân và ban cho thánh nhân một khí cụ mà Chúa Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng để canh tân thế giới (Lời Đức Mẹ nói với thánh Đaminh). Khí cụ đó chính là việc thực hành kinh nguyện Mân Côi. Thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.
Và như để xác nhận tính “chính danh” và “hiệu quả” của lòng đạo đức bình dân nầy, chính Đức Mẹ, vào hai lần hiện ra quan trọng nhất trong những lần Mẹ hiện ra từ đầu thế kỷ 19, một tại Lộ Đức năm 1858, và một tại Fatima năm 1917, đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi. Vâng, đây chính “lời kinh của Mẹ” như lời cả quyết của Đức Thánh GH Gioan-Phaolô II tại Fatima ngày 13.5.1982: “Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp Fatima đã đề cập đến Kinh Mân Côi, một kinh có thể được khẳng định là ‘Kinh của Mẹ Maria’, một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta.
Nhưng Kinh Mân Côi có đặc điểm gì để Đức Mẹ chọn làm “Kinh của mình” và được Dân Chúa thực hành xuyên suốt trong lịch sử ?
Trước hết, nhắc đến huyền nhiệm Mân Côi là phải đọc lại kinh Kính Mừng. Đây là kinh nồng cốt và chính yếu của kinh nguyện Mân Côi (hay chuổi hạt Mân Côi) với hai phần rõ rệt:
Phần đầu: “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phước lạ”. Lời chào ngắn ngủi nầy liên quan đế hai biến cố quan trọng của thuở bình minh lịch sử cứu rỗi như tường thuật của Tin Mừng Luca: Truyền tin: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ” (Lc 1,28); và Thăm viếng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc” (Lc 1,42). Có thể nói được, đây là Lời chúc khen của Chúa Cha nói với Mẹ qua sứ thần Gabriel (Chúa Cha sai sứ thần Gabriel đến…) và của Chúa Thánh Thần nói với Mẹ qua bà Isave (Bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, kêu lớn…).
Phần cuối của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Phần nầy chính là lặp lại tín điều Mẹ Thiên Chúa của công đồng chung Êphêsô năm 431; và có thể nói được, đây là lời tuyên nhận của Chúa Giêsu nói với Mẹ qua Giáo Hội, Nhiệm Thể của Người.
Như vậy, giá trị tuyệt vời của Kinh Mân Côi chính là tổng hợp Lời của Thiên Chúa 3 Ngôi: Chúa Cha (Truyền tin), Chúa Thánh Thần (Thăm viếng) và Chúa Con (tín điều Nhập Thể của Công đồng Êphêsô 431), do đó, đã có một giá trị vô cùng.
Nhưng, như Thánh Louis Montfort, người đã gắn chặt Kinh Mân Côi với phong trào Tông Đồ Legio Mariae, đã phát bểu: “Kinh Mân Côi không chỉ là một chuỗi các kinh Lạy Cha và Kính Mừng, nhưng đó là bản tóm lược các mầu nhiệm của cuộc sống, cuộc khổ nạn, cái chết đau đớn và cuộc phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu và Mẹ Maria”.
Giá trị là thế. Còn hiệu quả thì sao ? Lịch sử Hội Thánh đã có những trang dài về sự can thiệp và chiến thắng của kinh Mân Côi trên những đe doạ, hiểm nguy thể chất cũng như tinh thần, xã hội cũng như Giáo Hội; từ cuộc chiến thắng lạc giáo Albigensê thế kỷ 13 đến cuộc chiến thắng quân Hồi ở trận Lepantô năm 1571;hay biến cố Nước Nga dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản, khi Gorbachev, lãnh tụ Cộng Sản cuối cùng chính thức từ chức ngày 25/12/1991. Đây là biến cố Đức Mẹ báo trước cho ba em bé chăn cừu làng Fatima từ năm 1917, năm mà Lênin làm cuộc cách mạng cọng sản đầu tiên trên thế giới. Đức Thánh GH Gioan-Phaolô II tóm tắt tác dụng thần linh của Kinh Mân Côi bằng những lời giản đơn sau: Kinh Mân Côi ôm lấy những khó khăn của Giáo Hội, của Toà Thánh Phêrô, khó khăn của toàn thế giới. Nơi Kinh Mân Côi chúng ta cũng nhớ đến các tội nhân để họ được hối cải và cứu rỗi, đồng thời cũng nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục nữa.
Đứng trước đại dịch Covid-19 đang tàn phá thế giới cùng với bao “cơn đại dịch” khác về tinh thần, về luân lý, về đức tin… đang de doạ Ngôi Nhà chung trái đất cũng như “mái nhà Hội Thánh Công Giáo”, chúng ta, đặc biệt trong tháng nầy, cùng gia tăng lòng sùng kính Mẹ Mân Côi qua việc siêng năng cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi.
Sứ điệp Mân Côi luôn mang theo niềm hy vọng ngút ngàn cho Dân Chúa mà sứ ngôn Giacaria đã từng cảm nhận và tiên báo: Hỡi thiếu nữ Sion hay ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta và Ta sẽ ngự giữa ngươi…”
Tin Mừng hôm nay nhắc lại sự kiện Tuyền Tin phải chăng muốn chúng ta thường xuyên sống niềm vui và hy vọng qua sự nhắc nhở đặc biệt thân thương của lời kinh Kính Mừng, kinh Mân Côi giữa đời thường cuộc sống. Thế giới hôm nay, Giáo Hội hôm nay luôn cần những tin vui cứu độ được sẻ chia, được rao giảng qua chính chúng ta; và cũng rất cần sức mạnh của thái độ “xin vâng” ngoan nguỳ của Đức Mẹ mà kinh Kính Mừng thường nhắc nhở, để Tin Mừng chiến thắng trên mọi chiến tuyến với thế gian ma quỷ xác thịt; và chúng ta cũng cần sức mạnh tiềm tàng của lời kinh Mân Côi để chiến thắng chính mình mỗi ngày.
Riêng anh chị em hội viên Legio Mariae, ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay chắc chắn được nhiều Praesidia, Curiae chọn làm ngày truyền thống Bổn mạng để đặc biệt kính nhớ và tôn kính Mẹ, anh chị em hãy gia tăng lòng đạo đức, nhiệt thành trong công tác tông đồ để cùng với Mẹ, đem nhiều ơn thiêng liêng cho cộng đoàn… như lời khuyên của Thánh Louis Montfort: “Đức Mẹ chẳng những chúc lành cho những ai rao giảng kinh Mân Côi, Người còn ban thưởng bội hậu cho những ai nhờ lần hạt Mân Côi của mình cũng làm cho người khác bắt chước đọc theo”.
Riêng mỗi người chúng ta, mỗi khi đọc Kinh Kính Mừng, hãy xác tín như Thánh Bonaventura: “Nếu ta kính chào Mẹ bằng Kinh Kính Mừng thì Mẹ Maria sẽ chào lại ta bằng ơn phúc”. Amen.
Trương Đình Hiền.