Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

GIỌT THẮM NỞ TƯƠI ĐÓA HƯỜNG

(Thánh lễ tạ ơn tại Qui Hòa – 30.4.2022)

MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ GIUSE – KỶ NIỆM 30 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC

Như lời giới thiệu ngay từ đầu lễ của cha chủ tế, Thánh Lễ Tạ ơn hôm nay mang hai ý nghĩa trọng tâm: mừng ngày truyền thống bổn mạng của giáo họ Giuse (trước lễ Thánh Giuse Thợ 1 ngày) và mừng kỷ niệm giáp 30 năm thụ phong linh mục của quý cha (cũng trước một ngày): Phaolô Trịnh Duy Ri (Chánh xứ Qui Hiệp), Giuse Lê Thu Thâu (Chánh xứ Hóc Gáo) và PhaoLô Trương Đình Tu (Chánh xứ Qui Hòa) – 1.5.1992 – 1.5.2022.

Thật ra, việc mừng ngày truyền thống Bổn mạng hay mừng kỷ niệm hồng ân thánh chức, chỉ có ý nghĩa khi đó là cơ hội, là thời điểm để tất cả chúng ta sống và canh tân tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu dành cho con người.

Đối với giáo họ Giuse thuộc giáo xứ Qui Hòa, khi chọn lễ thánh Giuse Thợ (1/5) làm ngày Bổn Mạng chắc chắn ai cũng muốn hướng về “Vị Thánh Cần Lao” rất gần gũi và thân thương với giới lao động nầy để học đòi bắt chước gương cần cù liêm chính, biến bàn tay lao động, biến những giọt nước mắt mồ hôi trở thành hoa trái của yêu thương và phục vụ. Và đây chính là điều được Thánh Phaolô khuyên bảo giáo đoàn Thêsalônica mà chúng ta vừa nghe công bố nơi Bài đọc 2: “chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em… chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Đối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Ki-tô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra…”. Trên công trường Giáo Hội hay nơi “Vườn Nho Nước Trời” luôn có chỗ và có công việc cho hết thảy mọi người, cho dù đó là “người công nhân giờ thứ 11”.

Ước gì trong ngày mừng Bổn Mạng năm nay, mọi thành phần dân Chúa trong giáo họ Giuse sẽ chen vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, hiệp hành – hiệp thông – tham gia vào sứ vụ xây dựng cộng đoàn sao cho càng ngày càng sốt sắng, nhiệt thành giữ đạo và hăng say trong mọi công tác tông đồ.

Chúng ta đừng quên, việc lo lắng và chăm sóc đời sống đức tin của cộng đoàn không là chuyện mới mẻ mà là mối ưu tư đã có ngay từ thời các Thánh Tông Đồ. Bài trích đoạn sách Công Vụ đã làm chứng về điều nầy qua cách ứng xử mục vụ của Thánh Phaolô khi ngài sắp lìa xa cộng đoàn Milê: “Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Ephêsô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: “Các ông hãy thân trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo dân của Chúa, đã được Người cứu chuộc bằng máu. …”.

            Những lời dạy bảo trên, quả thật, càng gia trọng ý nghĩa nơi các linh mục, nhất là những linh mục đang chăm sóc mục vụ cho các cộng đoàn được Đấng Bản quyền giáo phận tín nhiệm giao phó. Và cũng như Thánh Phaolô đã từng cảm nhận cách đây gần 2000 năm, trách nhiệm chăm sóc các linh hồn của các linh mục khó khăn dường nào như thánh Tông Đồ bộc bạch cũng trong trích đoạn Công Vụ trên: “… các ông hãy tình thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá”.

            Thánh Phaolô đã dành suốt ba năm, cả đêm lẫn ngày, khóc lóc khuyên bảo các linh mục và đã ký thác các ngài cho Thiên Chúa. Ở giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay có nhiều linh mục đồng tế, trong số đó có 3 linh mục, không phải chỉ 3 năm mà đã ba mươi năm linh mục, ba mươi năm phục vụ cộng đoàn. Chúng tôi cần biết bao lời cầu nguyện của anh chị em, của mọi người để chúng tôi luôn được Thiên Chúa kiến tạodự phần gia nghiệp của Ngài.

            Và muốn hiểu lý do tại sao Thánh Phaolô đã dành suốt 3 năm trời, cả đêm ngày không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người linh mục thì chúng ta cùng nhớ lại một “sự cố” trong trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan vừa được công bố: Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh…

            Nếu đặt ơn gọi hay cuộc đời linh mục (cả giáo dân, tu sĩ nữa) trong viễn tượng của Thánh Vịnh 22 và được diễn dịch bởi ngôn từ của nhạc sĩ Phanxicô, thì cuộc đời nào, ơn gọi nào cũng đẹp hết, cũng nên thơ hết: “Người đưa tôi đi lên vườn trái ngát xanh trên đồi. Người dẫn tôi về tựa trùng dương buông gió dìu mây trời. Người sắp cho tôi yến tiệc thơm hương hoa, Người rót cho tôi ly rượu thắm chan hoà. Đầu tôi Người xức dầu thơm nồng nàn…”

            Nhưng thực tế của cuộc đời linh mục, hầu hết, không trải qua thánh vịnh 22, mà là trong hoàn cảnh của Tin Mừng Gioan với biến cố “sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh…”.

            Vâng, cuộc đời linh mục chính là một chọn lựa đầy phiêu lưu và thách đố, như kiểu một Abraham “đi theo tiếng gọi của Đấng vô hình”, như kiểu của Môsê ngọng nghịu nhưng phải đối đầu với Pharaon và dẫn dân trở về Đất Hứa; hay như các Tông đồ “sang bờ bên kia và đối diện với đêm dài cuồng phong bão tố…” !

            Thế nhưng, ngoài Chúa ra, ai, tổ chức nào sẽ nâng đỡ, sẽ giúp các linh mục “vượt qua những đêm tối” giữa biển đời cuồng phong bão tố nầy? Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh năm 2014 đã trả lời cho chúng ta: “Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục (và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế), cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.”

            Đúng vậy, chính Dân Chúa, chính cộng đoàn “có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.”.

            Và như thế, thật là ý nghĩa, khi hôm nay, chúng ta nối kết hai niềm vui tạ ơn, hai cuộc mừng: Kỷ niệm ngày truyền thống Bổn mạng cộng đoàn và kỷ niệm ngày thụ phong linh mục. Và như đã nói ngay từ những lời đầu tiên, tất cả đều quy về một ý nghĩa trọng tâm: để chúng ta sống và canh tân tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người.

            Bởi vì, Tình yêu, đó chính là lựa chọn can đảm nhất, là con đường đẹp nhất cho mỗi người chúng ta, cho giáo họ Giuse, hay cho 3 anh em mừng 30 năm linh mục hôm nay, như cách diễn đạt của một nhà thơ Nga, Raxul Gamzatov:

“Trên trái đất đường đi không kể xiết ,

Đường dài lâu gian khổ cũng rất nhiều.

Nhưng anh hiểu khó và dài hơn hết

Là con đường ta vẫn gọi: Tình yêu”.

            Riêng với các anh em linh mục, cho dù mới chịu chức, hay 5 năm, 10, năm, 20, 30 năm… điều quan trọng không phải là con số, là thời gian ngắn hay dài, lâu hay mau, sướng hay khổ, buồn hay vui, làm ít hay nhiều, thành công hay thất bại…, mà điều quan trọng là “Chúa có đến không”, có Chúa đồng hành không, Chúa có “về” không !… Bởi vì, như Thánh Gioan ghi lại trong Tin Mừng: Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”; hay như cách trải nghiệm của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự, có “Chúa về” thì mọi sự sẽ qua hết, ổn hết:

Người về em bước theo sau,

Đường xa quảy gánh thương đau, thoảng cười.

Gánh thương đau bước theo Ngài,

Thấy từng giọt thắm nở tươi đóa hường…

            Ước gì 30 năm linh mục của quý cha hay mỗi ngày trong đời sống chúng ta đều “Thấy từng giọt thắm nở tươi đóa hường” vì Chúa Kitô Phục Sinh đã, đang về và đồng hành với chúng ta. Amen.

Trương Đình Hiền (30.4.2022)