Chia sẻ Lời Chúa, Giáo Hội Việt Nam, Tài liệu Phụng Vụ

HAI MƯƠI NĂM “Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN”

LỄ KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN
Kỷ niệm giáp 20 năm ngày thầy giảng Anrê Phú Yên
được tôn phong Chân phước (05.03.2000 – 05.03.2020)

LỜI ĐẦU LỄ

Trọng kính Đức cha Phêrô,
Trọng kính Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường,
Kính thưa Cha Tổng đại diện, quí Cha hạt trưởng, quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, chủng sinh và quí ông bà anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta long trọng cử hành thánh lễ mừng kính Chân phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi, “Người chứng thứ nhất” của Giáo Hội Việt Nam và cũng là một bậc tiền nhân của Giáo phận Qui Nhơn, nhân ngày kỷ niệm giáp 20 năm ngài được Giáo Hội tôn phong lên bậc Chân phước. Ngài là mẫu gương tuyệt vời về một đời sống đức tin mạnh mẽ, một lòng nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo, một khí phách anh hùng dám hiên ngang chấp nhận cái chết vì đạo, nhưng trên hết là một tình yêu cao độ và mãnh liệt đối với Chúa Giêsu.

Chúng ta cử hành thánh lễ này trước hết là để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã ban cho cánh đồng giáo phận Qui Nhơn chúng ta ngay từ thời kỳ đầu tiên đã là nơi phát sinh một hoa trái tốt lành thánh thiện, một tông đồ nhiệt thành và một vị tử đạo anh hùng, là Chân phước Anrê Phú Yên. Chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã tuôn đổ xuống trên giáo phận nhờ lời chuyển cầu của ngài.

Cũng trong thánh lễ này, chúng ta tôn vinh Chân phước Anrê Phú Yên và nêu cao tấm gương của ngài cho mọi người noi theo. Đồng thời chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương ngài để sống đức tin mạnh mẽ, góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng trên quê hương. Cuối cùng, chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho ngài sớm được Giáo Hội tuyên phong lên hàng Hiển thánh, để gương sáng của ngài càng trở nên sáng chói hơn đối với mỗi người chúng ta, nhất là giới trẻ. 
 


BÀI GIẢNG

Chúa nhật, ngày 05 tháng 03 Năm thánh 2000, dưới bầu trời trong vắt và ngập tràn ánh nắng ban mai ấm áp của những ngày đầu xuân, trong một nghi lễ long trọng tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, thầy giảng Anrê Phú Yên của chúng ta đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước với tước hiệu có một không hai là “Người chứng thứ nhất”. Hôm nay, ngày 05 tháng 03 năm 2020, kỷ niệm đúng 20 năm ngày tuyên phong Chân phước của ngài, cũng trong những ngày đầu xuân, cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn cùng nhau qui tụ về ngôi nhà thờ Chính tòa này để cử hành thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, tôn vinh Chân phước Anrê Phú Yên và cầu nguyện cho Giáo phận.

Thầy giảng Anrê Phú Yên, mặc dù mới được tôn phong Chân phước sau 117 Thánh tử đạo Việt Nam, nhưng ngài không phải là người thứ 118, mà là “Người chứng thứ nhất” đứng đầu danh sách những chứng nhân đức tin của cả Giáo Hội Việt Nam. Ngài là của lễ đầu mùa đã được dâng cho Thiên Chúa để mở ra cho Giáo Hội Việt Nam một mùa xuân tươi thắm và một vụ mùa bội thu. Nói đến tên tuổi của mỗi vị trong số 117 Thánh tử đạo, có thể nhiều người không biết, hay các ngài chỉ được biết tại địa phương của các ngài, trong khi đó nói đến Anrê Phú Yên thì ở đâu người ta cũng biết, mặc dù ngài chỉ mới là một vị Chân phước, hay còn gọi là Á thánh. Điều đó phần nào cũng nói lên tầm quan trọng của ngài trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Trong Lời nói đầu của tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề “Người chứng thứ nhất”, tác giả Phạm Đình Khiêm đã mở đầu bằng một khẳng định chắc nịch như sau: “Trong quá trình sinh hoạt của dân tộc Việt Nam, nếu có một nhân vật nào, ngay sau khi từ trần, đã được người đời viết sách ca tụng bằng nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều thủ đô lớn trên thế giới, làm vẻ vang chung cho cả dân tộc trên lãnh vực tinh thần, đạo đức và dũng cảm, người ấy chính là vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng tôi sắp họa lại chân dung trong cuốn sách này: THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN, tiên khởi tử đạo miền Nam, nói riêng, và cũng đáng gọi là tiên khởi Tử Đạo Việt Nam, nói chung”.

Chân phước Anrê Phú Yên chịu tử đạo ngày 26 tháng 07 năm 1644, khi ngài mới vừa tròn mười chín cái xuân xanh. Cái chết anh hùng vì đức tin của chàng thanh niên trẻ tuổi Anrê Phú Yên đã được Lời Chúa soi sáng trước hết qua đoạn sách Macabê quyển thứ hai ở bài đọc thứ nhất, kể lại cái chết hào hùng vì lề luật Chúa của bảy anh em dưới thời bạo chúa Antiôkhô. Cuộc tử đạo anh hùng trong thời Cựu Ước này báo trước và được tiếp nối bởi những cuộc tử đạo của các vị thánh trẻ trong thời Tân Ước và trong Giáo Hội mọi thời.

Trong sứ điệp gửi Đại hội Giới trẻ lần thứ XVII tại Toronto, Canada, từ ngày 23-28 tháng 7 năm 2002, với chủ đề : “Anh em là muối đất, là ánh sáng trần gian” (Mt 5,13-14), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu tên 10 vị thánh trẻ để làm gương mẫu cho giới trẻ thế giới. Đứng đầu danh sách là Thánh Anê của thành Rôma, tiếp đến là Á thánh Anrê Phú Yên của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta.

Trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống) gửi người trẻ và cộng đoàn dân Chúa, ở các số 51-62, Đức Phanxicô đã kể ra 6 vị Thánh và 6 Chân phước trẻ tiêu biểu trong lịch sử Giáo Hội, trong số đó có Chân phước Anrê Phú Yên với những lời giới thiệu ở số 54 như sau: “Chân phước Anrê Phú Yên là một thanh niên Việt Nam sống vào thế kỷ 17. Ngài là một giáo lý viên và là trợ tá của các vị thừa sai. Ngài bị tống giam vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài đã bị giết. Anrê chết trong lúc đang kêu Danh Thánh Giêsu”.

Sắc lệnh của Bộ Phong Thánh, ngày 27.01.2000, đã viết về ngài như sau: “Biết Chúa và yêu mến Chúa là sự cao đẹp tuyệt vời đã lôi cuốn tâm hồn chàng thanh niên Anrê, con người đã vui vẻ chấp nhận Tin Mừng và đã kiên cường chứng minh điều đó bằng đời sống thánh thiện và lòng nhiệt thành trong công cuộc tông đồ”.

Quả thế, trên đường đến nơi hành quyết, ngài luôn miệng khuyên bảo mọi người bằng những lời được coi như di chúc sau cùng của ngài: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống”. “Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”. “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

Những lời trên đây được dõng dạc nói lên từ môi miệng của một thanh niên mới lớn đang tràn đầy sức sống mà không tiếc tuổi thanh xuân; tuy còn mang dáng dấp thư sinh chưa một lần chạm đến binh khí hay được tập luyện để làm chiến binh, thế mà có thể xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, để đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-24). Khi vui vẻ và can đảm bước đi trên con đường thập giá theo lời mời gọi của Đức Kitô, thầy giảng Anrê Phú Yên đã tiếp nối bước chân của các vị Tông đồ từ thuở ban đầu, như lời tâm sự của thánh Phaolô trong bức thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II hôm nay (2Cr 6,4-10).

Khi tôn phong thầy giảng Anrê Phú Yên lên hàng Chân phước, Giáo Hội muốn đặt ngài làm mẫu gương cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là giới trẻ, không những của Việt Nam mà còn của toàn thế giới. Quả thế, trong dịp lễ tuyên phong Chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên, Đức Gioan Phaolô II đã nói với toàn thế giới: “Cuộc sống của Anrê Phú Yên đã cho chúng ta thấy quyết tâm của một con người không chấp nhận chối bỏ niềm tin, dù phải đối đầu với bạo lực. Giới trẻ có thể rút ra sức mạnh và sự can trường từ tấm gương của con người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em mình. Chớ gì tất cả các môn đệ của Đức Kitô tìm thấy nơi vị Chân phước trẻ này sức mạnh và sự nâng đỡ trong cơn thử thách!”

Tiếp đến, trong cuộc triều yết ngày hôm sau, Đức Gioan Phaolô II đã nói với phái đoàn Việt Nam như sau: “Trên 350 năm qua, những người công giáo Việt Nam không bao giờ quên nhân chứng Tin Mừng này, vị tử đạo tiên khởi của quê hương họ. Họ đã tìm thấy nơi ngài đức tin kiên định và tình yêu quảng đại cho Đức Kitô và cho Giáo Hội của Người. Chớ gì ngày nay họ còn tiếp tục khám phá ra trong tấm gương của người con đất Việt sức mạnh hướng dẫn người tín hữu về ơn gọi người Kitô hữu, trong việc trung thành với Giáo Hội và quê hương họ”.

Đặc biệt, tại giáo phận Qui Nhơn là quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên, tấm gương của ngài cần được mỗi người chúng ta noi theo, nhất là giới trẻ và anh chị em giáo lý viên. Đồng thời chúng ta cũng hãy thường xuyên cầu nguyện với ngài, xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho toàn thể giáo phận và cho mỗi người chúng ta. Để chuẩn bị cho cuộc đại lễ hôm nay, mừng 20 năm thầy giảng Anrê Phú Yên được tôn phong Chân phước, tôi đã viết thư xin Santa Casa da Misericórdia de Lisboa ở Bồ Đào Nha chia sẻ cho Giáo phận Qui Nhơn một ít thánh tích của ngài. Họ đã đồng ý và mời tôi sang nhận thánh tích trong một thánh lễ tại nhà thờ Thánh Rôcô do tôi chủ sự ngày 24 tháng 10 năm 2019 vừa qua. Đó là một lọn tóc nhỏ, vừa được kiệu và nhà thờ Chính tòa và đang được đặt tại cung thánh trong suốt buổi lễ hôm nay.

Ngày mai, thánh tích này sẽ được đưa vào Mằng Lăng là quê hương của ngài để giáo dân kính viếng. Sau đó, thánh tích sẽ lần lượt được đưa đến các giáo xứ trong toàn Giáo phận. Không những chúng ta cầu nguyện với ngài, mà chúng ta còn cầu nguyện cho ngài sớm được Giáo Hội tuyên phong lên hàng Hiển thánh, để tấm gương của ngài càng trở nên sáng chói hơn, xứng với sự nhiệt thành tông đồ và cuộc tử đạo anh hùng của ngài, trong khi hướng đến sinh nhật lần thứ 400 của ngài sẽ được giáo phận Qui Nhơn cử hành trọng thể vào năm 2025.

Tác giả bài viết: + Matthêô Nguyễn Văn Khôi.

Nguồn: Trang web giáo phận Qui Nhơn: http://gpquinhon.org/q/giang-le/bai-giang-le-ky-niem-giap-20-nam-ngay-thay-giang-anre-phu-yen-duoc-ton-phong-chan-phuoc-2829.html