Bài viết mới của cha Federico Lombardi nhìn về hậu đại dịch covid-19
«Đừng sợ! Bởi vì Ta sẽ ở với ngươi!». Đó là điệp từ trong tất cả Kinh Thánh. Đó là những lời từ chính Thiên Chúa hay nhân danh Ngài đến với những người được Ngài kêu gọi cho sứ vụ đòi hỏi phải cố gắng và bất ngờ, qua những cách thế vẫn còn chưa được biết, như Môsê trước bụi cây rực cháy hay như Maria trước Sứ thần.
«Các ngươi đừng sợ!». Đây là những lời từ các tiên tri gửi đến đoàn dân bị áp bức bởi nỗi thống khổ, như khi họ ở ngõ cụt không có lối thoát giữa Biển Đỏ và những chiến xa của quân Ai Cập. Chúa Giêsu cũng nhiều lần lập lại những lời ấy cho các môn đệ của mình, tới «Đàn chiên bé nhỏ» đi theo Người, hoặc hướng đến những người sẽ phải chịu sự bách hại vì danh của Người. Đối với những điều như thế, Chúa Giêsu khẳng định rằng họ không phải sợ bất cứ thế lực con người nào, bởi vì chúng có thể lấy đi sự sống của thể xác nhưng không phải của linh hồn và bởi vì trong thời gian thử thách Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi họ.
Điệp từ tuyệt vời «Anh em đừng sợ!», như chúng ta ghi nhớ, đã được nhắc lại cách mạnh mẽ trong khoảng thời gian rất gần với chúng ta nơi thánh Gioan Phaolô II khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của Ngài và hướng đến toàn thể nhân loại: «Các con đừng sợ hãi! Hãy mở những cánh cửa cho Đức Kitô!». Xét cho cùng, niềm tin vào Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc mới chính là sự giải thoát vĩ đại và dứt khoát cho mọi người khỏi nỗi sợ hãi.
Đại dịch, ngay cả khi nó sẽ được vượt qua cách ổn định nhờ một loại vắc-xin hiệu quả, trong mọi trường hợp, nó sẽ để lại cho chúng ta cái hậu của sự bất an, thậm chí chúng ta nói đến nỗi sợ hãi tiềm ẩn, sẵn chờ để tái diễn. Hiện giờ, chúng ta biết rằng, bất chấp mọi nỗ lực và dấn thân đúng đắn để giảm thiểu những nguy cơ, thì các loại virus khác hoặc những thế lực khác sẽ xuất hiện và nằm ngoài sự kiểm soát có khả năng khiến chúng ta bất ngờ và làm khủng hoảng những sự an tâm và an toàn của chúng ta. Bởi vì sự an toàn tuyệt đối trên trái đất này là không tồn tại, là không thể. Và nó sẽ không bao giờ tồn tại ngay cả trong tương lai.
Chắc chắn chúng ta phải mong đợi từ khoa học và từ các thể chế xã hội và chính trị, nói chung từ lý trí của con người, một sự trợ giúp thiết yếu để lấy lại sự bình yên cần thiết cho một cuộc sống cá nhân và xã hội cách an vui và «bình thường». Nhưng vẫn còn đó nhu cầu về một cái gì sâu hơn mà những câu trả lời này thì chưa đủ.
Chúng ta có thể sống tự do khỏi những nỗi sợ hãi tận căn cho bản thân chúng ta, cho những người thân yêu, và cho tương lai của chúng ta không? Đâu là chìa khóa để sống trong an bình và từ đó để có cuộc sống thực sự tốt đẹp ngay trên trái đất này, mặc cho bao khó khăn không thể tránh khỏi phát sinh mỗi ngày? Chúng ta biết rằng mỗi chúng ta đều có tính cách riêng, đặc điểm và lịch sử riêng của mình, đó là những điều vốn ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ của mỗi người. Có người rất lo lắng và yếu đuối, nhưng không do lỗi của họ; có người cách tự nhiên hết sức bình tĩnh, lạc quan, và đó là một ân ban. Nhưng lời của Chúa được gửi đến tất cả và là lời mời gọi mọi người hãy phó thác với niềm tin vào một tình yêu đi trước chúng ta, dõi nhìn chúng ta và đồng hành cùng chúng ta.
Ngày nay, chúng ta thường có sự dè dặt nói đến «Sự quan phòng» của Thiên Chúa. Dường như với chúng ta, đó là một từ có nguy cơ cho bổn phận chính đáng của Kitô hữu trong thế giới, vì chúng làm cho chúng ta trở nên thụ động và ít trách nhiệm. Nhưng đây là một cái bẫy. Quên đi sự quan phòng của Chúa có nghĩa là làm mất đi cảm thức rằng tình yêu của Chúa bao bọc chúng ta và đồng hành cùng chúng ta, ngay cả khi đôi mắt của chúng ta thường vẫn không thể nhận ra điều đó. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mở đôi mắt – «Các con hãy xem những chú chim trên bầu trời, nhìn vào những bông hoa huệ ngoài đồng …» – và đừng để chúng ta hoàn toàn bị cuốn vào những mối bận tâm tức thời về sự sung túc chóng qua của mình. Hơn cả chim trời và muôn hoa, con mắt khi mở ra có thể nhìn thấy bao dấu chỉ khác của tình yêu và niềm hy vọng được gieo khắp hành trình bước đi mỗi ngày của chúng ta, trong những hoàn cảnh và con người chúng ta gặp gỡ, trong những lời nói và việc làm của họ. Mỗi người trong chúng ta nhận ra đó là một ân ban khi gặp những người mà họ biết cách nhìn về họ và giúp chúng ta nhìn họ bằng ánh mắt thấu hiểu và cái nhìn bình tâm. Thế giới tràn đầy không chỉ những tin xấu, mà cả những tin tốt. Nhiệm vụ là phải nhận ra những điều tốt đẹp và làm cho chúng được biết đến, bởi vì chỉ nơi đó, chúng ta được dẫn đi xa hơn và hướng cái nhìn lên cao, tới cội nguồn của tình yêu, tới đích đến của niềm hy vọng.
Và rồi Chúa Giêsu kết thúc những lời dạy về sự quan phòng bằng một lời khuyên rất khôn ngoan: «Ngày nào có cái khổ của ngày ấy». Chúng ta không được để những lo lắng của ngày hôm nay, của ngày mai và tất cả tương lai đang chờ đợi chúng ta chồng chất lên chúng ta: Chúng sẽ nghiền nát chúng ta. Chúng ta phải nghĩ rằng mỗi ngày đều có lý do của đau khổ, mà cũng là của ân sủng. Chúng ta phải tin rằng mỗi ngày chúng ta sẽ được ban ân sủng cần thiết để vác lấy gánh nặng. Ân sủng cần thiết để tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của nó ngay trong đời này và sự sống vĩnh cửu. Thánh Têrêsa Avila cho chúng ta một từ giúp mở rộng trái tim và chân trời của chúng ta, vượt lên trên mọi trở ngại: «Không có gì làm rối lòng bạn, không có gì làm bạn sợ hãi. Mọi thứ đi qua, còn Thiên Chúa không thay đổi. Với sự kiên trì sẽ có được mọi thứ. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì. Chỉ mình Ngài là đủ.» Liệu đức tin của chúng ta có biết gợi hứng cho chúng ta trên hành trình dài phía trước, để sẽ là một hành trình thông minh và khôn ngoan, thực sự tự do từ những lời khuyên tồi tệ của những nỗi sợ hãi sâu kín, tự do trong niềm hy vọng với nỗi sợ trước cái chết?./.
Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn chuyển ngữ từ vaticannews.va/it
Các bạn có thể đọc thêm bài đã viết trong loạt bài “Nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng covid-19” của cha Federico Lombardi theo link sau:
Bài 1: Hậu Covid-19: Chúng ta sẽ gặp lại nhau với cái nhìn nào?
Bài 2: Hậu Covid-19: Cơ hội để xếp đặt trật tự cuộc sống chúng ta