HẬU DUỆ BẾN BUÔN

Views: 27

(Chút cảm nhận trong ngày thành lập GIÁO HỌ BIỆT LẬP SUỐI RÉ – 29.01.2019)

Em có biết chuyện cha ông mình không nhỉ ?

Những cháu con, hậu duệ

của một thời “máu lửa Bến Buôn”[1] !

Một – Tám – Tám – Năm[2],

Cột mốc của “một thuở vàng son”,

Được tính, được xây,

được làm bằng máu xương và nước mắt.

Cho dẫu những xác thân,

Như những hạt lúa mì chìm sâu mục nát,

Nhưng bụi thời gian,

Chất chồng bao lớp vẫn chưa phai.

Quê em thuở ấy,

Những mồ hoang lạnh tanh tưởi Đồng Dài[3],

Giờ đã thơm tho cả vàng đồng hương lúa !

Con đường xưa,

Những bước chân hoang tàn héo úa,

Giờ rộn ràng tươi thắm cả mùa xuân.

Trà Kê, Cây Da, Suối Ré, Bến Buôn…[4]

Những địa danh hằn ghi trang huyết sử.

Em có biết

Cha ông mình đã trở thành bất tử,

Dẫu mọn hèn, dẫu tủi nhục, vô danh.

Máu chảy, đầu rơi, phân sáp, ngục hình…

Đường thập giá giờ lên đầy hoa thắm.

 

Mùa xuân nầy,

Em có nghe bài ca xưa vang vọng,

Còn chờ chi mà chẳng vội lên đường ?

Nhớ đừng quên,

những người con “hậu duệ Bến Buôn”,

Lịch sử chứng nhân đang chờ em viết tiếp !

 

Sơn Ca Linh

(Ngày thành lập giáo họ biệt lập Suối Ré, hậu thân của cộng đoàn Bến Buôn)

[1] Bến Buôn (Còn có tên Đồng Dài), tên của một cộng đoàn Công Giáo nằm phía bắc đèo Đồng Dài, bên sông Kỳ Lộ, cách thị trấn La Hai khoảng 4 cây số. Đây chính là nơi khởi phát cuộc tàn sát người Công Giáo của phong trào Văn Thân tại Phú Yên năm 1885. (X. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, tr. 241).

[2] Năm 1885, sau khi Tôn Thất Thuyết, quan đại thần triều vua Hàm Nghi, công báo “Hịch Cần Vương” từ chiến khu Ấu Sơn, Hà Tĩnh, một phong trào mệnh danh là “Văn Thân” với chủ trương “Bình Tây Sát Tả”, đã tàn hại khủng khiếp Giáo Họi Công Giáo từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. (X. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN : Cuộc tàn sát khủng khiếp của phong trào Văn Thân, tr. 234-245)

[3] Theo tài liệu : GIẢI CỨU 900 GIÁO DÂN TỈNH PHÚ YÊN NĂM 1885 (ĐÔNG ĐÀNG TRONG) của thừa sai Joseph Auger (1854-1891) : “Khoảng ba giờ rưỡi chiều, đi ngang qua nơi trước đây là nhà thờ Đồng Dài đẹp đẽ, tôi nhìn cảnh hoang tàn nơi đây; chỉ có tường rào là còn đứng vững, cây cối đều bị chặt sát đất. Nhưng thê lương nhất là những gì tôi thấy khi trở ra! Bên trái nhà thờ đổ nát là vũng đất trũng dài khoảng năm mét và rộng hai mét; đó là chiếc hố mà người ta đã vứt bừa những xác chết của giáo dân bị thảm sát cách đây một tháng rưỡi…”

[4] Những địa danh trong sô nhiều nơi thuộc Phú Yên bị phong trào Văn Thân bách hại năm 1885. (X. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, tr. 241-241).