Chia sẻ Lời Chúa

HÔM NAY SẼ LÀ CUỘC LÊN ĐƯỜNG NHƯ THẾ

(Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)

Nếu chúng ta đáp chuyến tàu quá khứ, trở về bên dòng sông Gio-đan vào buổi sáng ngày xưa ấy, chắc chúng ta sẽ gặp một quang cảnh lạ lùng, kỳ diệu, nhưng cũng rất thân thương và cảm động : Dưới đất, một đoàn lũ đông đảo có thể nói được là ô hợp. Vì gồm nào lính tráng, dân thu thuế, những kẻ tàn tật đui què mẻ sứt, những gái làng chơi, những tay anh chị và phần đông là dân nghèo khố rách áo ôm đủ mọi ngành nghề…và đặc biệt chen lấn giữa đám dân ô hợp, tội lỗi ấy, có chàng thanh niên Giêsu nguời Nadarét, vừa từ giã quê hương miền bắc xứ Galilê đến đây để ông Gioan làm phép rửa. Trong khi đó trên trời, không trung mở ra, có tiếng Chúa Cha rền vang : “Đây là Con Ta yêu dấu…”, có Chúa Thánh Linh lấy hình Bồ Câu đáp xuống…

            Quả thật bên bờ sông Giođan hôm ấy, đã xảy ra một cuộc “hiển linh” đặc biệt của Ba Ngôi Thiên Chúa, như lời thơ trong thánh thi Kinh Sách :

            Danh mầu nhiệm vang ngân cứu rỗi

            Cả bốn phương Giáo Hội của Người

            Nơi đây hiện diện Ba Ngôi

            Nhưng là một Chúa cao vời chí tôn.

            Chúng ta thử dừng lại suy niệm đôi điều về mầu nhiệm nầy để cùng với toàn Dân Chúa bước trên nẻo đường phụng vụ Mùa Thường Niên với tất cả tình yêu và ý thức.

  1. Thiên Chúa giới thiệu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Con Một Thiên Chúa :

            Đã có một thời cả Giêrusalem náo động xôn xao, khi có Ba Nhà Đạo Sĩ Phương Đông tìm đến và kháo láo rằng : Đấng Cứu Thế đã xuất hiện, Ngôi Sao của Ngài đã hiển hiện bên trời đông. Nhưng sau đó tất cả lại chìm vào quên lãng. Mãi cho đến 30 năm sau, bên bờ sông Giođan rực nắng, Gioan Tẩy Giả lại mạnh mẽ rêu rao : “Ở giữa các ông có một Đấng mà các ông không biết…Tôi rửa bằng nước, nhưng Ngài sẽ rửa trong Thánh Thần…” Và quả thật hôm nay, lời rêu rao đó lại trở thành hiện thực. Chính Thiên Chúa đã quyết định “cái Giờ” để giới thiệu, để chính thức “trình làng” Người Con Một, cho dù không bằng một nghi lễ trịnh trọng vương giả, thì cũng có một không hai, như ta đã nghe tường thuật trong bài Tin Mừng. “Trời mở ra…”.

            Quả thật, hôm nay đã ứng nghiệm những lời Sấm ngôn loan báo : “Đây lời Đức Chúa phán : Đây là Người Tôi Trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó…” (BĐ 1). Và một chỗ khác : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó…”. Thánh Phêrô đã tóm kết huyền nhiện nầy bằng những lời đơn gọn : “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới dâu Người thi ân giáng phúc tới đó…” (BĐ 2).

            Quả thật, nếu không có chính Thiên Chúa giới thiệu, mặc khải, ấn chứng, không ai trong chúng ta có thể đến với Chúa Kitô, tin vào Chúa Kitô, đón nhận và yêu mến Chúa Kitô. Chính vì thế, để củng cố niềm tin vào Chúa Kitô, chúng ta hãy cầu nguyện, hãy tiếp cận lời mặc khải, phải đọc và lắng nghe Lời Chúa, phải đón nhận chính lời của Đức Kitô. Như hôm nay Chúa Cha đã ra lệnh “Các ngươi hãy nghe lời Người”.

  1. Đức Kitô biểu lộ dung mạo tình yêu của Thiên Chúa :

Đức Kitô qua hình ảnh của một người lặn lội từ phương xa Na-da-rét, chen chúc trong dám dân đen tự nhận mình là kẻ tội lỗi, bước xuống dòng sông Gio-đa-nô mang theo tất cả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “đi xuống” tận nơi cát bụi phận người để từ đó nâng con người lên ; thanh tẩy con người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi khi dìm con người trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. Qua hành vi “chịu phép rửa”, quả thật Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta những chiều kích thâm sâu của tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là :

– Một tình yêu đồng hành : Khi Thiên Chúa đã không ngại kề vai sát cánh, chen chúc giữa đám đông, tự nhận mình là tội nhân và đồng chia sẻ thân phận tội lỗi với tất cả mọi người. Thiên Chúa chúng ta nào đâu còn là một Thiên Chúa cách biệt ngàn trùng mà người ta chỉ dám cúi đầu phũ phục trong chốn uy linh của điện thờ ; mà là một Thiên Chúa gần gũi đến độ chẳng còn phân biệt được Ngài là kẻ sang hay người hèn, ngài là tội nhân hay là người công chính, bởi vì Ngài ở giữa chúng ta không một ánh mắt tỵ hiềm, không một nụ cười đố kỵ. Ngài Thiên Chúa chấp nhận hiện diện giữa đám đông nhân loại ô hợp, tội lỗi và đang cần bàn tay của con người thanh tẩy cho. Quả đúng là “yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

– Một tình yêu chia sẻ : “Thiên Chúa yêu thương đến độ đã trao ban Con Một”. Thiên Chúa nào muốn giữ lại cái quí giá nhất của mình đâu mà sẵn sàng cho đi không hối tiếc; và dĩ nhiên, sự cho đi nầy cũng kèm theo cái giá phải trả : từ bỏ thân phận Thiên chúa cao cả quyền uy để mặc lấy thân phận đớn hèn nhân loại; và không chỉ dừng lại nơi hang lừa máng cỏ khó nghèo, đơn bạc, hay xưởng thợ mộc ở làng quên Na-da-rét với cuộc đời vất vả lầm than…mà sẽ là cuộc cho đi tới tận cùng khi chỉ còn mình trần thân trụi bị treo trên thánh giá !!! Và tình yêu sẻ chia đó đã thực sự khởi sự từ hôm nay.

– Một tình yêu giải thoát : Tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại ở chỗ cảm thông, chia sẻ, hy sinh hay đồng hành để rồi bỏ mặc nhân loại loay hoay với trăm ngàn hệ lụy của đắng cay tăm tối. Tình yêu đó đã mang theo niềm tin yêu hy vọng, như cánh bồ câu ngậm cành ô liu thuở nào báo tin “Hồng Thủy” đã lùi xa. Mà quả thật hôm nay, “Chim Bồ Câu Thánh Thần” đã đổ xuống trên Ngài, dấu chỉ của niềm hy vọng cứu độ, của đất trời giao hòa, của Tin Mừng hạnh phúc được công bố cho kẻ nghèo, tin vui giải thoát được loan cho người ngồi trong bóng tối, tin mừng hồi phục chữa lành cho những kẻ đang mang đầy thương tích…Bởi vì như sứ ngôn I-sa-ia đã loan báo trong BĐ 1 hôm nay : “Ta cho Thần Khí ta ngự trên nó…để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những ai bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong tối tăm…”. Khởi đi từ hôm nay, Đức Kitô đã biến dòng nước bình thường của dòng sông Gio-đa-nô và muôn dòng nước khác trên địa cầu thành dòng nước có sức thánh hóa, tẩy sạch tội lỗi và dìm con người trong chính cuộc Khổ nạn-Phục sinh của Ngài để qui tụ tất cả vào hưởng vinh quang bất diệt trên thiên đàng.

3.Sống huyền nhiệm Bí tích Rửa tội

Cảm nhận được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cũng có nghĩa là sống tích cực và trọn hảo hồng ân của bí tích Thánh Tẩy.

– Đó chính là sống hằng ngày với quyết tâm thường xuyên :

Chết cho tội lỗi và những đam mê, nết xấu…để đứng lên sống đời sống mới trong ân sủng và tự do của con cái Thiên Chúa. Cây nến sáng ngày nào nhận lãnh bên giếng Rửa Tội phải rực sáng mãi niềm tin, cậy, mến ; và tấm áo trắng ngày nào được mặc lần đầu khi từ giếng Rửa tội đứng lên sẽ mãi mãi được giặt sạch và tẩy trắng cho dù phải trả giá bởi hy sinh.

– Đó là : Hãy để Thánh Thần tác thánh và sai đi :

Trở nên tông đồ loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho muôn người và khắp muôn nơi. Lời loan báo hiện thực nơi chính cuộc đời công chính thánh thiện, nơi niềm vui sẻ chia và phục vụ, nơi lòng can đảm nói không trước bao nhiêu đồi trụy và tội ác.

– Đó là : Hãy trở nên dấu chỉ của tình yêu Đức Kitô :

khi biết không ngừng hoán cải để trở nên khiêm hạ, quảng đại để thứ tha, sẵn sàng đồng hành, yêu thương phục vụ và chia sẻ cuộc sống với tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh, yếu đau, tội lỗi…

– Đó là : Lên đường mang theo Lời Chúa :

Khi biến đời sống thành cuộc lên đường với Đức Kitô và luôn trang bị cho mình.chính hành trang Lời Chúa. Và mỗi ngày là một đáp trả ngoan ngùy trước ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa tình yêu và thực thi các giá trị Tin Mừng như chính lời Đức Chúa Cha ngày nào đang vẫy gọi : “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”.

Nếu ngày xưa Đức Kitô đã bước xuống dòng sống Gio-đa-nô chịu phép rửa, để từ đó nhân loại bắt đầu một vận hội mới, vận hội của cuộc sống tái sinh vào đời sống tự do và ân sủng ; thì hôm nay, trong nhiệm tích Thánh Thể nầy, Đức Kitô phục sinh đang tiếp tục đồng hành khi chia sẻ máu thịt mình để nuôi sống và dẫn dắt chúng ta trên đường về quê trời. Trước hồng ân bao la đó, chúng ta không thể “đem viên ngọc quí” là là đời sống con cái Chúa, là chi thể trong Huyền thể Chúa Kitô, là hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy… vứt đi để trở lại trong cuộc đời tăm tối nô lệ ; mà phải can đảm đứng lên từng ngày để đáp lại tiếng gọi ngày nào của Chúa Cha : “Hãy vâng nghe Lời Người”. Vâng nghe lời Người trong Tin Mừng Tám Mối Phúc Thật, vâng nghe lời Người trong Tin Mừng về giới răn yêu thương, vâng nghe lời Người trong sứ điệp Phúc Âm về sự hy sinh quên mình để yêu thương phục vụ, về việc thực thi công chính không phải dừng lại trước ngưỡng cửa lề luật và giới răn mà phải đi tới cùng của tình yêu hy tế. Quả thật mầu nhiệm “Chúa chịu Phép rửa” chính là khai mở hồng ân Năm Thánh cho nhân loại và cho tất cả chúng ta. Vì từ nơi dòng sông ấy, Đức Kitô đã được Thánh Thần xức dầu tấn phong để ra đi “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Ước gì mỗi một ngày sống chúng ta hôm nay cũng là một cuộc lên đường như thế; hay ít ra, cuộc lên đường đó đã bắt đầu ngay hôm nay, khi bước ra khỏi ngôi thánh đường nầy.

 

Trương Đình Hiền