Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

KHI TẤM BÁNH MANG “HƯƠNG VỊ TÌNH YÊU”

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN (B 2021)

          Sau phép lạ “hoá bánh ra nhiều” và Thầy trò “sang bờ bên kia” thì nhiều  người Do Thái cũng đôn đáo đi tìm Chúa Giêsu, để thêm một lần được thưởng thức thứ bánh vật chất do tay Ngài “hoá phép thực hiện” !

Thì ra, không phải chỉ có thời đại hôm nay con người mới bon chen đi tìm bánh mì, khi, cũng bấy nhiêu diện tích địa cầu đó, nhưng nhân loại đã hơn 7 tỉ người, mà cách đây 2000 năm, dân Do Thái cũng đã đôn đáo chạy tìm lương thực. Quả thật, ngày nay, nhu cầu khát đói, khủng hoảng lương thực không là chuyện tính toán với những con số trên bàn, mà là những tiếng kêu thảm thiết vang lên trên mọi miền thế giới. Trong những ngày “giản cách xã hội theo chỉ thị 16” nầy tại Việt nam, nhu cầu “khát đói” lại trở nên thiết yếu; nhất là đối với những gia đình thu nhập thấp, những bà mẹ buôn gánh bán bưng, những cụ già, em thơ bán vé số; những công nhân “tay làm hàm nhai”, “làm buổi mai ăn buổi chiều”…

Thế nhưng, khi đối diện với đám dân Do Thái “đi tìm bánh”, Chúa Giêsu đã phản ứng và truyền dạy điều gì ? Ngài vừa gọi mời: Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”; vừa truyền tải một đề tài giáo lý đặc biệt: BÁNH HẰNG SỐNG: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian” (…). “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

            Mới đọc qua, cứ tưởng câu chuyện về “Bánh” trên chỉ liên quan đến đám đông người Do Thái và Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm mà nội dung cốt lõi chính là “cuộc tranh luận liên quan đến “Bánh”, “Manna” và “Bánh ban sự sống”.

            Không ! Còn hơn thế nữa. “Bánh” chỉ là “cơ hội” để nhờ đó “thanh lọc đức tin”, không chỉ cho tín đồ Do Thái khi xưa mà cho những người Kitô hữu hôm nay, một cuộc “thanh lọc dứt khoát” mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, Thư gởi giáo đoàn Êphêsô, đó là “hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật”.

            Vâng, “cuộc sống xưa”, “con người cũ” của mỗi người chúng ta phải chăng đó chính là lối sống đạo “vụ hình thức”, theo Chúa cách “vụ lợi”, thực hành đức tin cách hời hợt, giả hình, ấu trỉ, mà nếu dùng ngôn ngữ của chính Giêsu trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay, thì đó là: “các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Đó cũng là thái độ muốn quay về đời sống nô lệ, là sự biến chất niềm tin, mất lòng trông cậy, mà những người Do Thái đã trải qua trong thời “Xuất Ai Cập”: Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?” (Bđ 1).

            Trong một bối cảnh “Do Thái giáo” đang thời “mạt pháp”; giới tăng lữ, luật sĩ và phái Pharisiêu tác oai tác quái, đang nhào nặn một tâm thức đức tin giả hình, khô cứng, xa rời tinh tuý của Luật, của lời dạy các ngôn sứ…, Đức Kitô muốn Dân Chúa làm một cuộc đại thanh tẩy, một cuộc “hoán cải và tin vào Tin Mừng”, mà điều cốt thiết tiên khởi là mở lòng tin nhận Ngài: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

            Nhưng, trong sứ điệp “Bánh Hằng Sống” nầy, Lời Chúa còn muốn nói với chúng ta rằng: Không chỉ Thiên Chúa gọi mời chúng ta thanh lọc niềm tin mà còn ra tay đáp ứng và nuôi sống chúng ta bằng tình yêu chăm sóc trọn hảo, bằng “bánh Hằng Sống”, vượt xa điều chúng ta khát mong: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

            Để hiểu được quà tặng “Bánh Hằng Sống”, chúng ta đừng quên:

– Chúng ta cần một nồi thịt, Chúa cho chim cút hằng hà sa số !

– Chúng ta cần một tấm bánh mì, Chúa cho Manna sa đầy mặt đất.

– Chúng ta cần của ăn vật chất, Chúa ban lương thực “bánh Trường Sinh” nuôi dưỡng linh hồn.

– Chúng ta cần đáp ứng nhu cầu cơm ăn áo mặc, Chúa trao ban tình yêu và ơn cứu độ.

– Chúng ta cần dấu lạ để tin, Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con Một yêu dấu.

– Chúng ta cần được chăm sóc, phục vụ, Chúa sẵn sàng hy sinh đến trao ban mạng sống…

            Và dĩ nhiên, khi chúng ta biết mở lòng đón nhận “quà tặng tình yêu của Chúa”, thì mọi nhu cầu của chúng ta trở thành “nhỏ rứt”; hay đúng hơn, tất cả đều được biến đổi để trở thành “quà tặng tình yêu” dâng hiến và tôn vinh Ngài.

            Vâng, quà tặng “Đức Kitô – Bánh Hằng Sống” chính là “Tấm Bánh Tình Yêu trọn hảo nhất”, có sức để mang lại niềm hy vọng và sức sống cho thế giới điêu linh hôm nay; bởi vì, một thế giới thiếu tình yêu là một thế giới đang hấp hối; chẳng khác nào “người thương binh Tây ban Nha, không chịu ăn bất cứ thứ gì để nhịn đói cho chết…; cho tới khi nhận được “tấm bánh do chính tay của người mẹ làm gởi đến”, anh mới chịu ăn. Nhờ đó mà anh được cứu sống. Đơn giản, tấm bánh của người mẹ là kết tinh của một tình yêu, tình mẫu tử; một “tấm bánh mang hương vị tình yêu” !

Trương Đình Hiền