KHÔNG CÓ “ÔNG TỔ DUY NHẤT” CỦA CHỮ QUỐC NGỮ

Views: 252

Nguyễn Thanh Quang & Linh mục Gioan Võ Đình Đệ

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng thảo luận rất nhiều quanh việc có nên lấy tên hai vị Linh mục Tây phương có công sáng tạo chữ Quốc ngữ đặt tên đường tại TP Đà Nẵng hay không. Liên quan đến nội dung này, nhiều người trong đó có cả các nhà nghiên cứu đã gắn cụm từ ông tổ chữ Quốc ngữ cho Alexandre de Rhodes hoặc Francisco de Pina. Đáng chú ý, trong các tham luận hội thảo và diễn đàn về lịch sử chữ Quốc ngữ gần đây tại Bồ Đào Nha, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Linh mục Tiến sĩ Roland Jacques đều khẳng định: Francisco de Pina là ông tổ chữ Quốc ngữ.

  1. Xác định khái niệm “ông tổ”

– Theo từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Tổ: Ông đầu hết; Ông truyền nghề nghiệp.

– Theo Đại từ điển Tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Văn Hóa-Thông Tin, 1998, Tổ: Người được coi là người đầu tiên lập nên dòng họ; Người sáng lập, gây dựng nên một nghề, một ngành hay một học phái, tôn giáo.

Với khái niệm trên thì ông tổ chữ Quốc ngữ là người đầu hết, là người sáng lập, gây dựng nên chữ Quốc ngữ.

  1. Việc sáng tạo chữ Quốc ngữ

Vào nữa đầu thế kỷ 17, các thừa sai Dòng Tên từ Macao đã đến Đàng Trong (18.01.1615) và Đàng Ngoài (19.03.1627) của Đại Việt để truyền giáo. Vì nhu cầu truyền giáo, các vị thừa sai đã dùng mẫu tự gốc Latinh để ký âm tiếng Việt. Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến giai đoạn 1615-1651.[1] Khởi đầu công việc nầy là các vị thừa sai đầu tiên đến Đàng Trong đã để lại dấu ấn liên quan đến việc sáng tạo chữ Quốc ngữ trong các tư liệu truyền giáo:

Linh mục Francesco Buzomi đến Đàng Trong năm 1615

Ngày 18.01.1615, đoàn thừa sai dòng Tên do Linh mục Buzomi làm trưởng đoàn đã đặt chân lên Cửa Hàn (Đà Nẵng). Tháng 7 năm 1618, nhờ sự giúp đỡ của Khám lý Qui Nhơn, cư sở đầu tiên của các thừa sai được thành lập tại Nước Mặn. Lúc bấy giờ tại cư sở này có các Kitô hữu: Linh mục Buzomi (Ý), Linh mục Pina (Bồ), Linh mục Borri (Ý), tu huynh Diaz (Bồ) và chú Augustinô (Việt).

Trong năm 1618, tại cư sở Nước Mặn, một thanh niên mười sáu tuổi, tên thánh rửa tội là Phêrô, giúp các thừa sai biên dịch sang tiếng địa phương (Nôm) một sách bổn giáo lý.[2] Năm 1619, các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ “địa phương” hơn bất cứ điều gì khác. Tại cư sở  này, các thừa sai đã lập một trường học và tìm được một người thầy thông thạo Hán Nôm để dạy ở trường và với mục tiêu là ông sẽ giúp các thừa sai trong việc nghiên cứu và sáng tạo ngôn ngữ, hoặc dịch các tài liệu của các thừa sai sang Hán Nôm. [3]

Linh mục Daniello Bartoli (1608-1685), nhà sử học Dòng Tên nhận xét về trình độ hiểu biết tiếng Việt của Linh mục Buzomi, bề trên cư sở Nước Mặn: “ với trí nhớ sâu sắc như một thiên tài cùng với sự nhiệt tình tuyệt vời của cha đã giúp cho cha học nhanh ngôn ngữ địa phương đó, nắm bắt tính đa nghĩa của từ, tính chất của các dấu nhấn và cung giọng được thể hiện theo ý muốn. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, cha đã biên soạn từ vựng và luật mẹo ngữ pháp tốt đẹp”. [4]  Tài liệu được Linh mục Buzomi biên soạn, hiện nay chưa được tìm thấy.

Cũng chính sử gia Linh mục Daniello Bartoli cho biết sau khi Linh mục Borri về châu Âu (1622),  Linh mục Francesco de Pina và Linh mục Buzomi là hai thừa sai ở Đàng Trong đã nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của địa phương, có thể thuyết giáo, trao đổi với các nhân sĩ và các vị Sãi, trong các việc riêng tư hay trong nơi công hội.[5]

Trong thư viết năm 1626, Linh mục Buzomi đã viết một vài chữ Quốc ngữ. Linh mục Đỗ Quang Chính nhận định về những chữ Quốc ngữ của Linh mục Buzomi trong thư nầy: “Nhìn vào những chữ Quốc ngữ của Buzomi, mặc dầu ít, nhưng đã thấy tiến triển, nếu đem so sánh với lối viết của João Roiz, C. Borri, Đắc Lộ, Gaspar Luiz và Antonio de Fontes từ năm 1626 trở về trước”. Quả vậy, Linh mục Buzomi viết một thư tại Nước Mặn đề ngày 20.05.1622, trong thư Linh mục viết Thienchu thay vì Thien Chu như thư viết năm 1626, cách viết theo lối cách ngữ (đơn âm) giống như ngày nay. [6]

 

                                                               1622                       1626

– Linh mục Francisco de Pina

Linh mục Pina làm việc tại Đàng Trong (1617-1625). Linh mục được các thừa sai đồng nghiệp đánh giá là người có kỹ năng tốt về ngôn ngữ. Báo cáo thường niên năm 1619 cho biết Linh mục Pina vừa mới nắm bắt được một số vốn từ vựng tiếng địa phương [Nôm] thay vì ngữ pháp, vì thứ chữ này [Nôm]  giống như  chữ Trung Hoa, không có ngữ pháp. [7]

Trong một bức thư được thảo năm 1623, Linh mục Pina cho biết: “Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng, như từng học Cicéron và Virgile”.[8]

Linh mục Pina qua đời vào ngày 15 tháng 12 năm 1625 tại cửa Đại, Hội An. Được an táng tại Hội An.[9]

– Linh mục Christoforo Borri

Sau khi cập bến Cửa Hàn được vài tháng, Linh mục Borri chỉ làm việc tại cư sở Nước Mặn từ tháng 7 năm 1618-1622.[10] Linh mục Borri đã để lại một số câu từ “Quốc ngữ tiền Đắc Lộ” trong tác phẩm ” Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina – Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong”.[11]

Linh mục Léopold Cadière nhận định: “Dù trải qua thời gian ít ỏi ở Việt Nam, Linh mục Cristoforo Borri đã tạm nắm bắt được ngôn ngữ xứ nầy. Điều nầy được thể hiện qua những từ và những câu tiếng Việt trong bản tường trình của ông”.[12] 

Nơi bản tường trình, ông để lại cho chúng ta những tiêu bản quý báu về những hình thái tiên chinh của chữ Quốc ngữ, một thứ chữ Quốc ngữ trước thời Linh mục Đắc Lộ. Những bút tích này của Linh mục Borri quả là một bổ ích lớn lao cho những ai khi đi sâu nghiên cứu về sự hình thành chữ Quốc ngữ “. [13] 

Trong khi nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm của Linh mục Borri, dịch giả Hồng Nhuệ đã bộc bạch: “Có một vài câu chữ Quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ nầy… “.[14] 

Các thừa sai đến Đàng Trong năm 1624:

Để tăng số thừa sai cho việc truyền giáo, tháng 12 năm 1624, Tỉnh Dòng ở Macao phái thêm 06 thừa sai đến Đàng Trong:

– Gabriello de Matos, Antonio de Fontes, Manuello Gonzalez Alexandre de Rhodes, Gaspar Luiz, Girolamo Majorica. Trong số các thừa sai này, Gabriello de Matos và Manuello Gonzalez về Hội An; Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes học tiếng Việt với Pina tại Dinh Chiêm; Gaspar Luiz và Girolamo Majorica đến Nước Mặn học tiếng Việt với Linh mục Buzomi.[15]

Hiện nay được biết một số bút tích của các Linh mục Girolamo Majorica, Gaspar Luiz, Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes:

Linh mục Girolamo Majorica làm việc tại Đàng Trong (1624-1628) và Đàng Ngoài năm (1632-1656). Linh mục là một chuyên viên Quốc ngữ Nôm. Ông đã viết khoảng 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm. Hiện nay, Thư viện Quốc gia Paris lưu trữ 15 cuốn với 4.200 trang.[16]

Linh mục Gaspar Luiz làm việc tại Đàng Trong (1624-1629; 1632-1639). Trước khi đến Đàng Trong, Linh mục Gaspar Luiz đã viết một bản báo cáo tổng hợp đề ngày 17.12.1621 tại Macao. Trong báo cáo này có vài danh từ Việt chỉ địa danh hay chức vụ. Tuy nhiên đó là những từ sao y bản chính của các thừa sai từ Đàng Trong gởi về Macao.

Sau hai năm ở Nước Mặn, Linh mục Gaspar Luiz viết bản báo cáo đề ngày 01.01.1626 tại Nước Mặn. Trong bản báo cáo này đã có nhiều chữ “Quốc ngữ tiền Đắc Lộ” chẳng hạn:

( Quinhin – Qui Nhơn; Bendá-Bến Đá, [ngày nay thuộc thôn Bình Đê, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định] )

 Ngoài ra khi làm việc tại Đàng Trong ông đã soạn một cuốn từ vựng tiếng Việt nhưng đã bị mất vì chiếc tàu đưa cuốn này từ Đàng Trong về Macao đã bị đắm biển.[17]

Linh mục Antonio de Fontes làm việc tại Đàng Trong (1624-1631) và Đàng Ngoài một vài năm, sau trở lại Đàng Trong và rời khỏi Đàng Trong năm 1639). Ngày 01.01.1626, Linh mục Antonio de Fontes viết bản báo cáo tại Hội An, trong đó có một số chữ “Quốc ngữ tiền Đắc Lộ”.[18]

Linh mục Alexandre de Rhodes làm việc tại Đàng Trong (1624-1626) ra vào Đàng Trong 04 lần (1640-1645); Đàng Ngoài (1627-1630). Linh mục Alexandre de Rhodes để lại rất nhiều bút tích về chữ Quốc ngữ. Căn cứ vào những bút tích của Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Linh mục Buzomi, Linh mục Đỗ Quang Chính nhận xét: “Nếu chúng ta so sánh lối viết chữ Quốc ngữ của Đắc Lộ năm 1631 với lối viết của Buzomi năm 1626, thì hai lối viết gần giống nhau, nghĩa là trình độ gần như nhau”.[19]

Chữ Quốc ngữ của Linh mục Alexandre de Rhodes còn được thể hiện trong các thư báo cáo và các tác phẩm của ngài.[20] Đáng chú ý ba tác phẩm Linh mục Alexandre de Rhodes cho xuất bản tại Roma năm 1651: Cathechismus … in octo dies diuisus (Phép Giảng Tám Ngày – một cột bằng chữ Latinh, một cột bằng chữ Quốc ngữ) và Tự điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Việt-Bồ-La), trong đó, tác phẩm “Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio – (Mô tả ngắn gọn về ngôn ngữ Annam hay Đàng Ngoài” còn gọi là cuốn văn phạm Việt Nam đầu tiên) được in chung với Tự điển.

Các thừa sai làm việc tại Đàng Ngoài

Ngoài các Linh mục đầu tiên làm việc tại Đàng Trong, sau đó làm việc tại Đàng Ngoài như đã nói trên, đáng chú ý hai thừa sai chỉ làm việc tại Đàng Ngoài trong giai đoạn 1629-1651:

Linh mục Gaspar d’Amaral  làm việc ở Đàng Ngoài (1629-1630; 1631-1638). Trong bảy năm truyền giáo, Linh mục d’Amaral đã soạn cuốn từ điển Việt-Bồ (Diccionário Annamita-Português). Ngoài ra Linh mục d’Amaral còn để lại rất nhiều chữ Quốc ngữ trong hai bản báo cáo hằng năm được viết vào năm 1632 và 1636. Những chữ Quốc ngữ này đã viết theo lối cách ngữ (đơn âm), có dấu thanh điệu.[21]

– Linh mục António Barbosa đến Đàng Ngoài vào cuối tháng 4 năm 1636. Vì sức khỏe, vào tháng 5 năm 1642 ngài trở về Ma Cao. Ngài qua đời năm 1647, trên đường từ Macao đến Goa. Trong 06 năm ở Đàng Ngoài, Linh mục Barbosa đã soạn cuốn từ điển Bồ -Việt (Diccionário Português-Annamita).

  1. Vai trò người Việt trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ trong giai đoạn 1615-1651

Việc khởi đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ là một sáng kiến của các thừa sai Dòng Tên phát xuất từ nhu cầu truyền giáo cho người Việt. Công cuộc khởi đầu ấy là công việc được đóng góp từ công sức của nhiều người, trong đó thành phần chủ chốt đầu tiên là số thừa sai Dòng Tên làm việc tại cư sở Nước Mặn ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620 gồm có Linh mục Buzomi, Linh mục Pina, Linh mục Borri. Ngoài những nỗ lực của các thừa sai còn phải kể đến sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam.

Rất tiếc tên tuổi của người Việt cộng tác với các thừa sai trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ trong giai đoạn khởi đầu nầy không được lưu lại đầy đủ. Dẫu sao, chúng ta cũng nêu lên một vài chứng từ những người đầu tiên tiêu biểu ở giai đoạn đầu nầy:

* Người đầu tiên phải kể đến là Cống Quận công Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn. Ông cưu mang, đùm bọc các thừa sai tại cư sở Nước Mặn, cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên trên đất Đại Việt. Ông lo cho những người nầy có điều kiện tốt nhất để khởi động đi tìm con chữ mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng. Vì vậy danh tính của ông không thể thiếu trong danh sách những người đầu tiên chúng ta ghi ơn.

* Những vị Sãi như thư Linh mục Pina viết năm 1623: “Tại Pulo Cambi, Cha Buzomi có được hai hay ba ông sãi – bonzo giúp cha làm mọi việc. Như thế, nếu chuyện gì xảy ra, nếu có việc phải giải quyết hoặc những thông điệp quan trọng, cha phái người thông ngôn hoặc một trong các ông sãi; khi giờ giáo lý kết thúc, cha ra về, và họ thì ở lại hoặc để ôn tập, hoặc để chuyện trò với các dự tòng”.

* Người thanh niên mười sáu tuổi có tên thánh bổn mạng là Phêrô, người giúp Linh mục Pina dịch sách giáo lý tại Nước Mặn vào năm 1618.

* Anh Augustinô – thông ngôn người Đàng Trong của Linh mục Buzomi, một ngôi sao tại Nước Mặn.

* Chú Anrê, người đã được Linh mục Pina đào tạo và là người đã giúp Linh mục Marques học tiếng Việt tại Dinh Chiêm.

* Những người buôn bán và bà con nông dân Việt Nam ở những địa phương mà các thừa sai được tiếp xúc hằng ngày.

* Những thương nhân với vai trò thông ngôn dù chỉ biết lèo tèo một số từ cần thiết trong giao dịch thương mại.

* Cậu bé mà Linh mục Alexandre de Rohdes đã viết: “Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực thế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha. Cậu đã là một dụng cụ rất tốt để tôn thờ Chúa trong giáo đoàn và cả ở nước Lào, nơi cậu hoạt động trong nhiều năm với thành quả mỹ mãn, cậu rất mến  thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi”.[22]

  1. Vấn đề Ông tổ chữ Quốc ngữ

– Về Linh mục Alexandre de Rhodes

Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam. Việc  truy tìm gốc gác lịch sử của nó được chú ý. Căn cứ về mặt ngữ học, ba tác phẩm của Linh mục Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 được đánh giá là một thành tựu ghi dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Từ đánh giá này, Linh mục Alexandre de Rhodes được xem như ông tổ chữ Quốc Ngữ.

Tháng Giêng năm 1961, Linh mục Tiến sĩ Nguyễn Khắc Xuyên đã viết trong Lời giới thiệu tác phẩm Phép Giảng Tám Ngày: “Khi tặng cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes cái danh hiệu là “thủy tổ chữ quốc ngữ”, chúng ta thấy huy hiệu ấy sáng ngời hơn, phong phú hơn, bởi vì đã tan biến nhiều thành kiến cũng như nhiều sai lạc khi người ta bàn giải về sự nghiệp văn hóa của ngài“.[23]

Tuy nhiên, trong lời tựa tập sách Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên, được Tinh Việt Văn Đoàn xuất bản tại Sài Gòn năm 1961,  Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm ghi nhận: “Việc sáng chế chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể của một số giáo sĩ người Âu, đa số là Bồ Đào Nha, với sự tham gia trực tiếp của một số người Việt dạy tiếng mẹ đẻ cho các giáo sĩ” và Đắc Lộ “chiếm công đầu trong việc hoàn thành và phổ biến lối phiên âm Việt ngữ bằng mẫu tự La-mã, quen gọi là Chữ Quốc ngữ”.

Quả vậy, từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, các học giả đã nhìn nhận lại: Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây cùng những người Việt. Đó là một công việc thật sự giàu tinh thần khoa học. Alexandre de Rohdes đến Đàng Trong muộn (1624), không phải là người đầu tiên dùng mẫu tự gốc Latinh ghi âm tiếng Việt, nhưng là người có công tập đại thành – tổng hợp và hệ thống hóa những kết quả sáng tạo của những thừa sai đi trước như chính ông đã nói rõ trong lời tựa của Từ điển Việt-Bồ-La: “Trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được từ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Chúa Giêsu [Dòng Tên] rất mọn hèn của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng Hội dòng, nhất là của cha Gaspar do Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai người đều đã biên soạn cho mỗi người một cuốn từ điển: Cha Gaspar do Amaral khởi đầu từ tiếng An Nam [từ điển Việt–Bồ], Cha Antonio Barbosa khởi đầu từ tiếng Bồ Đào [từ điển Bồ–Việt], nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các vị Hồng y rất đáng kính…”

 

(trích Lời tựa Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum)

– Về Linh mục Francisco de Pina

Mặc dù, việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đã được các học giả xác định là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây cùng những người Việt.

Thế nhưng, sau nghiên cứu của Linh mục Roland Jacques (2002, 2004, 2012), vai trò của người Bồ được đề cao trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, và chính Linh mục Roland Jacques cho rằng Linh mục Francisco de Pina là “ông tổ” của chữ Quốc ngữ. Gần đây, trong cuộc Hội thảo tại Lisbon, Portugal vào ngày 24.10.2019, Linh mục R. Jacques kết thúc bài tham luận của mình: “Ngạn ngữ Việt Nam nói “uống nước nhớ nguồn”. Tất cả những ai yêu thích ngôn ngữ Việt Nam, và ngưỡng mộ những phẩm chất không thể so sánh của nó, phải biết cách tỏ lòng tôn kính đối với Francisco de Pina, ông tổ của chữ Quốc ngữ”.[24]

Tựu trung Linh mục Roland Jacques đã dựa vào những điểm sau để cho rằng Pina là “Ông tổ chữ Quốc ngữ”:

– Pina được các nhà truyền giáo cùng thời ghi nhận là người nói tiếng Việt giỏi nhất trong giáo đoàn truyền giáo.

Thực ra nói sành tiếng Việt với việc biên soạn ngữ pháp và từ điển là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

            – Bức thư được cho là của Pina viết năm 1623 có chép: Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp…”.[25]  Dựa vào nội dung này, Linh mục Roland Jacques cho rằng “Manuductio ad Linguam TunckinensemBước đầu học tiếng Đàng Ngoài” được soạn/phát triển dựa trên cơ sở văn bản ban đầu của Pina. [26] Và dựa vào bản văn Manuductioad Linguam Tunckinensem, R. Jacques xác định ” Ta đã thấy nguồn tài liệu tham khảo để viết ra tác phẩm này được quy cho là Fransisco de Pina”  . [27]  Thực ra cho đến nay, hình thức và nội dung của “tập nhỏ” được đề cập trong thư 1623 chưa hề có nhà nghiên cứu nào đã tìm thấy, ngay cả Linh mục R. Jacques .

Gần đây (2019) Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly có bài The True Editor of the Manuductio ad linguam Tunkinensem – Nhà biên soạn thực sự của Manuductio ad linguam Tunkinensem”. [28] Tiến sĩ Kiều Ly không chấp nhận quan điểm Linh mục R. Jacques về Manuductio ad linguam Tunkinensem, một bản thảo khuyết danh ở thế kỷ 17 hay 18 với những chứng cứ khoa học:

– Linh mục Pina chỉ làm việc tại Đàng Trong (1617-1625), học và nghiên cứu ngôn ngữ tại Đàng Trong, vùng phương ngữ có năm thanh điệu so với Đàng Ngoài có sáu thanh điệu. Như vậy Pina không thể biên soạn sáu thanh điệu cho tiếng Đàng Ngoài như trong Manuductio ad linguam Tunkinensem, một phương ngữ mà Pina chưa một lần tiếp xúc.

– Linh mục R. Jacques cho rằng Linh mục Alexandre de Rhodes biên soạn “Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio” và tác giả “Manuductio ad Linguam Tunckinensem” biên soạn độc lập nhưng cùng dùng một bản quy chiếu là văn phạm của Linh mục Pina. Sau khi đưa ra những bằng chứng, Tiến sĩ Kiều Ly kết luận: Tất cả các dữ liệu ngôn ngữ và lịch sử được trình bày ở trên [theo bài của tác giả] chứng minh rằng tác giả của Manuductio đặt nền tảng bản thảo của chính ông trên bản ngữ pháp của Alexandre de Rhodes. Ngoài ra, không cần thiết phải tranh luận về tình huống thiếu thuyết phục, khó có thể xảy ra rằng hai tác giả làm việc độc lập nhưng sử dụng cùng một tài liệu ngữ pháp được giả định do Francisco de Pina biên soạn”.[29]

Thật vậy, trong khi Dòng Tên chưa hiện diện ở Đàng ngoài, Pina chưa đến Đàng Ngoài, R. Jacques cho là Manuductio ad Linguam Tunckinensem (Bước đầu học tiếng Đàng Ngoài) được soạn/phát triển dựa trên cơ sở văn bản ban đầu của Pina và nguồn tài liệu tham khảo để viết ra tác phẩm này được quy cho là Fransisco de Pina”  là không có cơ sở. Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chỉ đưa ra những giả định về tác giả của Manuductio ad Linguam Tunckinensem.  Hiện vẫn chưa tìm thấy bất cứ nguồn sử liệu hay bằng chứng khoa học nào để xác định bản đầu tiên là của Linh mục Francisco de Pina viết năm 1623.

  1. Kết luận

            Chữ Quốc ngữ là một thành tựu văn hóa đã bén rễ sâu rộng trong đời sống xã hội Việt Nam. Khởi đầu là sự dày công mày mò của các thừa sai Dòng Tên làm việc truyền giáo ở Đại Việt cách nay hơn 400 năm. Với sự trợ giúp của người Việt, các thừa sai sáng kiến dùng mẫu tự gốc Latinh để ghi âm tiếng Việt. Lúc khởi đầu, mỗi người ghi âm theo cách cảm nhận tự nhiên của mình, trải qua thời gian việc ghi âm ấy dần dần được chắc lọc, đi vào điển chế và hoàn thiện. Đến nay vấn đề đã ngã ngũ rằng: Chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể, trong đó có cả người phương Tây và cả người Việt. Không thể có “Ông tổ duy nhất” của chữ Quốc ngữ.

Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ (13.01.2016), Giáo sư Phan Huy Lê đã tổng kết:

“Trong buổi sơ khai, chúng ta có nêu lên đóng góp của một số người ở một số trung tâm nhất định, nhưng thật khó và không thể xác định được tên tuổi một người ở một nơi vào một thời điểm cụ thể được coi là người và nơi đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Trên quan niệm như vậy, tôi nghĩ rằng trong buổi đầu, nhiều giáo sĩ Dòng Tên, đi tiên phong là người Bồ, người Ý, đã tham gia vào quá trình Latinh hóa chữ viết của người Việt, để lại những chữ Quốc ngữ đầu tiên. Ba trung tâm đã góp phần vào quá trình này là Nước Mặn, Hội An, Dinh Chiêm với tên tuổi của Francesco Buzomi, Cristoforo Borri, Francisco de Pina trong những năm 1618-1623 rồi tiếp theo là Alexandre de Rhodes, Gaspar Luiz, Antonio de Fontes những năm 1625-1626. Có thể coi đó là ba dòng suối đầu tiên tạo nên dòng sông chữ Quốc ngữ. Nếu xem xét sâu hơn về những chứng cứ văn bản có chữ Quốc ngữ thì trong ba trung tâm đó, trung tâm Nước Mặn có phần sớm hơn với sự hiện diện của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách của Borri viết năm 1621 và xuất bản lần đầu năm 1631”.[30]

Nguyễn Thanh Quang & Linh mục Gioan Võ Đình Đệ

[1] Giai đoạn từ khi đoàn thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong đến khi Linh mục Alexandre de Rhodes xuất bản hai tác phẩm Từ điển Viêt-Bồ-La và Phép Giảng Tám Ngày.

[2] Xem Báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio đề ngày 21.01.1619 tại Macao  trong Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401.

[3] Xem JOÃO RODRIGUES GIRÃO, JAP. SIN 71, ARSI,  trang 008v, hàng 493-495; Trang 009, hàng 535-540

[4] DANIELLO BARTOLI, Dell’Istoria Della Compagni Di Gesù La Cina, Vol.17,  Libro Terzo, Torino 1825, trang 125-126.

[5] DANIELLO BARTOLI, Sđd, trang 328-329

[6] – Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 38.

  – JAP-SIN 68,36-36V

[7] Xem  JOÃO  RODRIGUES  GIRÃO, sđd,  trang 002, từ hàng 22 đến 30.

– Tác giả thư báo cáo cũng như các thừa sai dòng Tên đương thời có quan điểm ngôn ngữ Trung Hoa không có ngữ pháp. Điều này các vị dựa vào nghiên cứu của thừa sai Matteo Ricci. Khi nghiên cứu ngôn ngữ Trung Hoa, Lm. Matteo Ricci đã chứng minh rằng ngôn ngữ Trung Hoa không có “quán từ, cũng không biến đổi hình thức theo số, giống, thì (temps), thể (mode). Không giống như các chức năng ngữ pháp Latin, tiếng Trung Hoa không biến đổi hình thái. Do đó, ông kết luận rằng ngôn ngữ này không có ngữ pháp. [Xem Liam Matthew Brockey, Journey to the East: The Jesuit Mission to China 1579-1724, Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press, 2007, trang 247.]

[8] Xem http://conggiao.info/cong-cuoc-truyen-giao-tai-quang-nam-nam-1623-va-van-de-ngon-ngu-d-7707

[9] Daniello Bartoli, Dell’Istoria Della Compagni Di Gesù La Cina, Libro Quarto, Torino 1825, trang 67-68 

[10] BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la Lettre de Gaspar Luiz par Léopold Cadière, trang 414.

[11] Tác phẩm được xuất bản tại Roma năm 1631.

[12] BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la Lettre de Gaspar Luiz par Léopold Cadière, trang 410 .

[13] BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 263.

[14] Cristoforo Borri, Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631, bản dịch Hồng Nhuệ, nxb. Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, trang 06.

[15] – Xem Daniello Bartoli, Dell’ Istoria Della Compagnia Di Gesù La Cina, Terza Parte, Delle Asia, Libro Quarto, Torino 1825, trang 61.

– Xem Thư Fernandes gởi cho Nuno Mascarenhas, ngày 02/7/1625 tại Faifo. ARSI. JAP-SIN 68, trang 11.

– Xem Wikipedia, the free encyclopedia, mục từ Jerônimo Majorica.

[16] Lm. Nguyễn Hưng, Sơ thảo Thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ, 2000, tr. 23. Theo Linh mục Đỗ Quang Chính, Majorica viết 48 tác phẩm. (Xem Dòng Tên trong Xã hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng, trang 161.

[17] Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc sáng, USA 2006, trang 57

[18] Xem Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1972 , trang 34-37

[19] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, sđd, trang 39.

[20] Linh mục Alexandre de Rhodes cho ấn hành nhiều tác phẩm liên quan đến đất nước con người Việt Nam, cuốn “Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài” in năm 1650, tiếp đến “Hành trình và Truyền giáo” và cuốn “Cuộc tử đạo của Anrê Phú Yên” được xuất bản vào năm 1653. Tổng kết có 10 tác phẩm Linh mục A. de Rhodes đã viết và cho xuất bản liên quan tới Việt Nam 08 cuốn, Nhật và Iran mỗi nước 01 cuốn.

[21] Xem Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, sđd, trang 54-65.

[22] Hành trình và Truyền giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. HCM, 1994, trang 56.

[23] Phép Giảng Tám Ngày, Tủ sách Đại Kết, Sài Gòn 1993, trang XX

[24] Bài tham luận với tựa đề “Vài suy niệm về Francisco de Pina và những bước đầu tiên trong việc hình thành chữ Quốc ngữ”. Xem tại https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/vai-suy-niem-ve-francisco-de-pina-va-nhung-buoc-dau-tien-trong-viec-hinh-thanh-chu-quoc-ngu

[25] Được lưu trữ trong quyển sách số 49/V/7 của bộ Jesuitas na Asia tại Biblioteca da Ajuda, Lisbonne.

[26] Manuductio ad Linguam Tunckinensem, một bản văn khuyết danh  được lưu trữ  tại Thư viện Ajuda, Lisbon, Bồ Đào Nha, trong bộ sưu tập Jesuítas na Asia, Vol. 49-VI-08, 313r-323v.

[27] Roland Jacques, Những người BĐN tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, Viện NNH dịch và xb năm 2007, trang 40.

[28] Bản tiếng Anh “The True Editor of the Manuductio ad linguam Tunkinensem” tại https://doi.org/10.1525/vs.2019.14.2.68. Journal of Vietnamese Studies, Vol. 14 No. 2, Spring 2019; trang 68-92. – Xem bản dịch Việt ngữ tại Tài liệu hội thảo 25&26.10.2019, Bốn Trăm Năm Hình Thành & Phát Triển Chữ Quốc Ngữ trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Văn Hóa, trang 138-171.

[29] Xem Kiều Ly, The True Editor of the Manuductio ad linguam Tunkinensem, trang 84-85.

[30] UBND tỉnh Bình Định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…, Kỷ yếu Hội thảo Bình Định với Chữ Quốc Ngữ, nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, trang 617-618.