Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

KHÔNG LÀ CHUYỆN ĐỂ “NGƯỚC MẮT NHÌN TRỜI”

(Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên 2023)

            Có thể nói được rằng, hơn 40 ngày qua (kể từ sau Đại lễ Phục Sinh), cộng đoàn Dân Chúa được lắng nghe thánh sử Luca với tác phẩm “Công Vụ Tông Đồ” từng bước giải trình “công cuộc cứu độ của Chúa Kitô được tiếp diễn qua “Cộng đoàn Hội Thánh” và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần” trong lịch sử thế giới như thế nào. Và như thế, có thể nói chắc: “câu chuyện về Đức Giêsu-Kitô” đã không tắt lịm, đứt đoạn hay đóng lại kể từ buổi chiều thứ sáu trên đồi Sọ; nhưng kể từ đó, đặc biệt, từ buổi sáng “Ngày Thứ Nhất trong tuần” sau cái chết tủi nhục đó, “một câu chuyện mới”, một chương trình mới, một lộ trình mới chính thức khai mở.

“Một lộ trình mới trong Chương Trình Cứu Độ khai mở”, mà nếu đặt trong “ngữ cảnh về lời dạy “Nước Trời” của Chúa Giêsu, thì đây chính là “điểm đến”, là “kết quả” của một “Nước Trời đang đến”, của một “Nước Thiên Chúa đang hiện thực”; hay cũng có thể nói: đó là “cột mốc cuối cùng, kết thúc trong chuỗi hành trình nhập thể của Đấng Emmanuel”…

Và để trình bày cái nội dung giáo lý mang chiều kích “cánh chung” và một Tin mừng khá “siêu hình” này của Chúa Giêsu, các Thánh Sử đồng thanh chọn một hình ảnh dụ ngôn: “TRỜI” và một diễn ngữ cũng mang tính “dụ ngôn”: LÊN TRỜI: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18); “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19); “Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24,51); “cho tới ngày Người được rước lên trời Nói xong, Người lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông” (Cv 1,1-11)…

            Đặc biệt, diễn ngữ “Trời” hay “Lên Trời” không chỉ dừng lại ở chiều kích “dụ ngôn rao giảng” mà đã trở thành một “huyền nhiệm đức tin” được Hội Thánh Chúa Kitô long trọng cử hành với phụng vụ đại lễ mang cùng tên như thế: LÊN TRỜI – THĂNG THIÊN. Và dĩ nhiên, điều gì Hội Thánh tôn vinh, chúc tụng, nguyện cầu… (Lex Orandi) thì đương nhiên trở thành chân lý đức tin nền tảng (Lex Credendi): “Người Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli).

            Vâng, đại lễ “Thăng Thiên” hay “Chúa Lên Trời” là lời tuyên xưng về niềm hy vọng chắc chắn của Đoàn Dân Chúa, đoàn Dân được cứu chuộc trong Đức Kitô “được về bên Chúa Cha”, được chung chia hạnh phúc vĩnh cửu với Đức Kitô phục sinh như chính Ngài đã long trọng đoan hứa: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3).

Vì thế, mầu nhiệm Thăng Thiên không bao giờ được hiểu như một ra đi, lìa xa, khuất bóng, vĩnh biệt ngàn thu… để đi tới một “địa chỉ”, một “không gian vật chất” nào đó; mà là một xác tín về một cuộc mở ra, khai diễn một lộ trình mới, một chương mới trong cuộc lữ hành cứu độ của Dân Mới. Thăng Thiên chính là tiêu đích, là điểm tựa, là quê hương… cho hàng hàng lớp lớp những con người, mà trong số đó, có đông đảo những anh chị em chúng ta “đến từ những đau khổ lớn lao”, chấp nhận “giặt áo đời mình trong máu Con Chiên” và nay đang “mặc áo trắng tinh, tay cầm cành vạn tuế” chung hưởng phúc vinh quang đời đời trong Nước Chúa. Chính trong niềm xác tín nầy mà hôm nay, trong Kinh Tiền Tụng, Hội Thánh đã hát lên: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”.

Cũng chính trong nội dung ý nghĩa nầy, toàn cảnh sứ điệp Thăng Thiên được ngòi bút của thánh sử Luca diễn đạt qua trình thuật của sách Công Vụ mang dáng dấp của một cuộc “Thần hiển” uy hùng, thường để diễn tả sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa trên những chặng đường cứu độ. Thật vậy, nếu “đám mây”, dấu chỉ của Thiên Chúa dẫn đường và đồng hành với Dân trong thời Xuất Hành về Đất Hứa, hay “đám mây”, dấu chỉ của  “Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Đức Maria (Lc 1,35) để Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), thì hôm nay, cũng chính Thánh Thần như đám mây phủ quyện lấy Ngài (Cv 1,9) để Ngài lên trời về với Chúa Cha. Phải chăng, dấu chỉ trên đã chuyển tải chân lý nầy: Công cuộc cứu rỗi nhân loại luôn là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa và luôn siêu vượt, khác biệt với phạm trù trần tục, với tính toán hạ giới, với nhãn quan con người, mà chỉ với ân sủng mạc khải, sự tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng đón nhận, thấu hiểu, như cảm nhận của chính Thánh Tông Đồ Phaolô (BĐ 2): “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người (…)..Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời…” (Ep 1,15-23).

Thế nhưng, Thăng Thiên không là chuyện của riêng của “nhân vật Đức Kitô”. Thật vậy, sứ điệp Thăng Thiên còn nhấn mạnh vai trò và sứ vụ của “Nhóm Mười Một Tông Đồ”, những người được chính Đức Kitô tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần”, được Ngài đích thân “hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa”, được căn dặn phải “chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” đó là: “sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”; nhất là được trao mệnh lệnh: “các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,1-11); “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.” (Mt 28,19).

            Và những gì liên quan đến “Nhóm Mười Một” cũng là liên hệ đến cả Hội Thánh, đến mỗi người chúng ta, những người được chịu phép rửa trong Thánh Thần, để làm nên một “Dân Tộc Thánh, Dân Tư Tế” để loan truyền những kỳ công Chúa cho muôn dân. Vâng, Thăng Thiên đó chính là lên đường, ra khơi, loan báo Tin Mừng… Vì thế không lạ gì, Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật Thăng Thiên được Giáo Hội Công Giáo chọn làm ngày “Thế giới Truyền Thông”.

Sau cùng, mầu nhiệm Thăng Thiên muốn hướng đến sự hiện diện và hoạt động thường xuyên của Đức Kitô phục sinh qua sức tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên Hội Thánh mà cách nói “40 ngày”, “mọi ngày đến tận thế” là một diễn tả cụ thể. Thật vậy, những ngày “sau Thăng Thiên” là những ngày các môn đệ Chúa Kitô “bận bịu” thường xuyên trong nguyện cầu để đón nhận Chúa Thánh Thần và sau đó là tất bật “ra đi làm chứng” trên muôn nẻo trần gian đầy thách đố… với cả máu xương và nước mắt…

Và rất lạ ! Cho đến mãi hôm nay, công cuộc “làm chứng cho Đức Kitô” xem ra đầy hiểm nguy và thách đố đó, cứ “phát triển không ngừng”, cho dẫu có trải qua muôn vạn những bão tố cuồng phong, những thương đau bách hại… Phải chăng, chỉ nhờ một điểm tựa duy nhất: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ! Vì chưng, ở đâu có Thánh Thể, có Lời Chúa, có Dân Chúa họp nhau cầu nguyện… thì lập tức Đức Kitô phục sinh đang có đó !

            Vì thế, mừng lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay không phải là chuyện để “ngước mắt nhìn trời…”, mà là một quyết tâm “xuống núi”, “đi ra”, “tìm về”… bao nhiêu địa chỉ Giêrusalem, Giuđêa, Samaria… chưa được nghe sứ điệp tuyệt vời của Tin Mừng Cứu Độ. Hãy lên đường, hãy chèo ra chỗ nước sâu và đừng sợ… Vì Chúa đang ở với chúng ta !”. Amen.

Trương Đình Hiền