KHUÔN MẶT THƠ CÔNG GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI

Views: 209

THƠ SƠN CA LINH

Bùi Công Thuấn

***

Sơn Ca Linh là bút danh ghi dưới tên những bài thơ của Lm Giuse Trương Đình Hiền [1]. Ngài hiện là Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn. Tôi cần giới thiệu rõ điều này, bởi vì là một Linh mục, khi diễn ngôn, nhà thơ Sơn Ca Linh sẽ phải tự giới hạn đề tài, phạm vi phản ánh cuộc sống, và thái độ với hiện thực. Linh mục là người của Chúa, là hiện thân của Đức Giêsu giữa đời thường hôm nay, vì thế một nhà thơ Linh mục không thể viết như một người thế tục. Sự chọn lựa đề tài, nội dung, cách thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ Linh mục đều kín múc từ Kinh thánh và hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng. Nhưng một nhà thơ loan báo Tin Mừng sẽ khác với một Linh mục giảng Kinh thánh trên tòa giảng.

Tôi sẽ chỉ nói đến phẩm chất thi nhân của Sơn Ca Linh trong thơ. Tôi đã đọc hơn 200 bài thơ của Sơn Ca Linh đăng trên trang web của Giáo phận Quy Nhơn. Quả thực thơ Sơn Ca Linh có nhiều điều cuốn hút tôi. Đó là một cánh đồng nghệ thuật thật phong phú sắc màu, trên đó hiện lên khuôn mặt nhà thơ vừa thâm trầm sâu sắc vừa dung dị hồn nhiên và có nhiều đường nét mới lạ.

CÁNH ĐỒNG NGHỆ THUẬT ĐA SẮC MÀU

Phẩm chất thi nhân của một người làm thơ (nhà thơ) được xác định trước hết là ở sự sáng tạo những tứ thơ mới lạ giàu thẩm mỹ, ở những quan sát tinh tế, những xúc cảm mãnh liệt của một trái tim ngân rung tình yêu Con người và ở khả năng làm mới ngôn ngữ để thể hiện Cái Đẹp. Nhà thơ, người sáng tạo Cái Đẹp. Thợ thơ (chữ của Nam Cao), là người làm theo quán tính bắt chước, hô những khẩu hiệu nhạt nhẽo.

Thơ Sơn Ca Linh có những hạt châu ngọc của ca dao. Bài ca dao “Trâu ơi” là một bài ca dân dã rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng. Sơn Ca Linh có bài “Gọi trâu” cũng với vẻ đẹp trân quý như vậy. Sự sáng tạo là ở khả năng khám phá và nâng cao tư tưởng cánh đồng cỏ với con trâu trong thơ ca dân tộc thành cánh đồng truyền giáo.

GỌI TRÂU
(Chút cảm nhận về “Trâu” và “cánh đồng truyền giáo”)

“Trâu ơi ta bảo trâu nầy,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Kẻo mùa xuân lại đi qua,
Hạ về đông lại nước ra đầy đồng…
Cây xoan vừa mới trổ bông,
Bờ quê vạn thọ đã hồng môi xinh.
Gió mùa xuân nắng thuỷ tinh,
Luống sâu chân bước có mình với ta.
Bùn lầy nước đọng nẻo xa,
Con chim én liệng reo ca lưng trời.
Bây giờ vất vả đầy vơi,
Mùa lên trĩu hạt… trâu ơi, ngại gì!

Thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài mang vẻ đẹp của thơ Lãng mạn: giàu có về nhạc điệu. Tứ thơ đầy sắc màu và cái tôi trữ tình tha thiết mênh mang. Sự khác biệt với thơ Lãng mạn là ở chỗ thơ Lãng mạn đẩy Cái Tôi cá nhân lên mức cực đoan, còn thơ lãng mạn của Sơn Ca Linh lại lấp lánh vẻ đẹp Đời Dâng hiến.

Yên lặng lắm mới nghe lời thỏ thẻ,
Và lắng tai mới rõ tiếng thì thầm.
Có ai qua xin bước dùm bước nhẹ,
Kẻo giật mình mà cỏ lại lặng câm!…
            (Lời thì thầm của cỏ)

Mỗi mùa thu trở lại,
Ta nghe rộn ràng những bước đi xa…
Chẳng phải lá vàng, như những khúc tình ca,
Về cội đất như một lần vĩnh biệt.

Chẳng phải sông kia, lời tạ tình tha thiết,
Xa biệt bãi bờ để tan biến giữa đại dương.
Chẳng phải áng mây lãng đãng tím hoàng hôn,
Chợt mất hút cuối chân trời biêng biếc…
            (Mùa thu và những chuyến đi xa – Mến tặng các nữ tu qua những lần “chuyển xứ” vào mỗi dịp mùa thu-tháng 9)

Sơn Linh Ca cũng có những bài Đường luật thất ngôn rất chuẩn mực về niêm luật nhưng lại rất mới ở nội dung Kinh thánh. Đường luật cổ điển đầy dẫy điển tích Trung Quốc. Đường luật của Sơn Ca Linh dung dị với những điển ngữ “nhà đạo”.

“Phố thánh vườn thiêng” rạng đỉnh đồi (1),
Trinh nguyên e ấp đoá “Môi Khôi” (2),
Rạng ngời sắc thắm soi muôn cõi,
Bát ngát hương thiêng toả khắp nơi.
“Bốn Sự nhiệm mầu” (3) ơn Cứu độ,
“Mười Kinh thánh đức” (4) phúc Tin Vui.
Hoa hồng muôn cánh dung nhan Mẹ,
Ngập lối linh ân mãi tận trời !
            (Đường luật Mân Côi)[2]

Đặc sắc thơ Sơn Linh Ca là những bài thơ tự do. Những bài thơ này phá cách về số câu số chữ nhưng vẫn giữ âm điệu của thể thơ 7- 8 chữ. Bài thơ có cấu trúc lập luận. Có khi là lập luận tương phản: tương phản giữa Kinh thánh và thế tục; có khi là lập luận theo tuyến tính “xưa-nay”; nhiều bài có cấu trúc quy nạp, các luận cứ dẫn đến kết luận ở cuối bài. Sơn Ca Linh kết hợp cấu trúc lập luận với tự sự (kể truyện) và “cảm nhận” vấn đề, vì thế bài thơ được kiến tạo đa tầng: kết nối lịch sử với hiện tại, kết nối Kinh thánh với cuộc đời, kết nối những vấn đề chung với “cảm nhận” riêng của tác giả. Những bài thơ này định vị một phong cách thơ rất riêng của Sơn Ca Linh so với thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng.

Sơn Ca Linh cũng khai phá một con đường nghệ thuật mới mẻ so với thể “Diễn ca” và thể “Huấn ca” truyền thống. Con đường này vượt trội so với kiểu “Thơ ca cầu nguyện” mà nhiều tác giả giáo dân hiện nay đang theo đuổi. “Diễn ca” là diễn Kinh thánh (văn xuôi) thành ca vè để dễ học dễ thuộc. “Thơ ca cầu nguyện” cũng diễn ca Kinh thánh, từ đó viết thêm phần cầu nguyện (thường là theo một công thức nhất định). Cả hai lối thơ “Diễn ca” và “thơ ca cầu nguyện” đòi buộc người viết phải giữ trung thực ý và lời của Kinh Thánh, vì đó là Lời Chúa. Nếu viết khác (chẳng hạn, chỉ lấy ý không giữ Lời) thì sẽ là sự xuyên tạc. “Cảm nhận” cho phép nhà thơ hoàn toàn xây dựng hình tượng, kiến tạo tác phẩm theo ý của mình. Sức hấp dẫn của thơ Sơn Ca Linh chính là ở những “cảm nhận” rất riêng, rất mới và những sáng tạo có tính đột phá này. Xin đọc:

ĐÊM, VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN BUỒN !
(Chút cảm nhận Tin Mừng thứ Ba Tuần Thánh : Ga 13,21-33.36-38)

Trang Tin Mừng “Thứ Ba Tuần Thánh”,
Tông Đồ Gioan kể câu chuyện sắp vào đêm:
“Nhóm Mười Hai” với Thầy, bữa cơm chiều ấm êm,
người tựa ngực, kẻ kề vai, chén thù chén tạc…

Đang giữa bữa bỗng mọi người ngơ ngác
“Giữa anh em đang có kẻ nộp Thầy”!
Không lẽ… Không lẽ…. chính là đây?
“Người nhận chính tấm bánh Thầy trao đó!”

Tiếng cười vẫn râm ran, giờ bỏ ngỏ…
Khi Giu-đa vừa lặng lẽ ra đi.
Hoàng hôn đen chợt ùa đến tức thì,
Theo bén gót nhạt nhoà sâu mất hút !

Thế giới muôn nơi, vẫn những đêm dài côi cút,
Những bữa cơm chiều của phản bội, chia xa.
Những bước liu xiu ngập bóng tối lạc loà,
Chồng bỏ vợ, mẹ lìa con, thầy trò chối bỏ…

Chuyện “Bữa cơm chiều” của ngày xưa còn đó,
Bước chân buồn Giu-đa lại trở về!
“Mái ấm Tiệc Ly”, câu chuyện tình duyên nợ!
Nhắc ai đừng chọn “bóng tối chia ly”!
           (Thứ Ba Tuần Thánh 2019)

Ba khổ thơ đầu là kể chuyện Kinh thánh (tự sự), là luận cứ thứ nhất. Khổ thơ thứ tư kể chuyện thế giới hôm nay, là luận cứ thứ hai (tuyến tính thời gian “xưa-nay”). Hai câu kết là chủ đề. Luận cứ 1 và luận cứ 2 dẫn đến chủ đề, đó là cấu trúc quy nạp. Nhạc thơ là nhạc của thể thơ 7-8 chữ phá cách. Bút pháp kể chuyện (tự sự) kết hợp với “cảm nhận” tạo nên sự sinh động của nội dung và sâu sắc về tư tưởng. Khổ thơ thứ 3 là một tứ thơ rất mới lạ gây ấn tượng mạnh. Diễn ngôn của thơ là loan báo Tin Mừng (kể lại chuyện Kinh Thánh) và thuyết phục (không phải là giáo huấn kiểu “Huấn ca”) người đọc tin vào Kinh thánh.

Một đặc sắc khác của thơ Sơn Ca Linh là không có sự xuất hiện chủ thể diễn ngôn (“Cái Tôi”) cá nhân. Điều này rất khác với thơ trữ tình. Nhân vật “Tôi” trong thơ trữ tình che khuất cả bài thơ. Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. “Tôi” sánh ngang với “trời”. Trong thơ Sơn Ca Linh, nhà thơ (tác giả) hóa thân vào nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật. Vì thế tiếng thơ là tiếng nói của đông đảo công chúng. Ta nghe được tiếng của người xưa và tiếng của ngày hôm nay. Thời gian và không gian thơ là một thế giới đồng hiện.

Trong thơ Sơn Ca Linh, khi “Tôi “lên tiếng, có khi là tiếng nói của các tông đồ (Cứ ngỡ là dư ảnh), có khi là tiếng nói của đám đông (Bình minh “ngày thứ nhất trong tuần”), là lời trò chuyện của đôi uyên ương (Thỏ thẻ mùa xuân), là “tụi tui”, một lũ bạn bè lúc nhỏ (Tết và mùi hương hoa cũ; Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”), là lời của Đức Giêsu (Biết đến bao giờ), lời của “một người khô đạo” (Xin mời Ngài nán lại), lời của bà mẹ buôn gánh bán bưng (Ai sầu hơn ai), lời của công chúng luận tội Giuđa (Nghĩ…tội Giuđa), lời của chậu hoa mãn nguyện vì có một mùa xuân thánh thiện (Tâm sự chậu hoa tết ở nhà thờ), lời của Đức cha Vinc Nguyễn Văn Bản về thăm Làng Sông (Bỗng dưng nghe lời của mẹ); lời của Cái Ta hòa trong nhiều con người (Khúc niệm ca Tuần Thánh; Lời phán xét chiều nay). Cũng có khi Sơn Ca Linh bộc lộ trức tiếp “Cái Tôi trữ tình”, nhưng rất hiếm, nhưng Cái Tôi ấy mang phẩm chất của Đức tin, không phải là “Cái tôi” vị kỷ trong thơ Lãng mạn (Ta mừng tuổi ta; Chiêm niệm; Như cánh hoa vừa rụng; Ta tìm trở lại con đường ấy). Sự đa dạng của “Cái Tôi” trữ tình trong thơ Sơn Ca Linh là một đặc điểm phong cách, tạo nên sự phong phú nghệ thuật của giọng điệu thơ, giọng đa thanh hiện đại.

Xin đọc Dẫu đời anh mang nhiều vết sẹo. Đây là lời tự tình của “Anh” nói với “Em”. Bài thơ xây dựng được hình tượng Đức Giêsu qua một góc “cảm nhận” rất trung thực, nhưng rất lạ. Giọng thơ (giọng của Đức Giêsu) cũng là giọng khác hẳn với những gì người giáo dân quen được nghe Chúa nói trong Kinh thánh (Chúa phán, Chúa nói, Ta bảo thật các ngươi. Người mở miệng dạy họ, Người bảo các ông…): Câu Kinh thánh dùng làm đề từ là: (Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ga 20,17)

Chẳng giấu gì em,
Quá khứ đời anh cả một trời bất hạnh,
Long đong nhiều ngay tự buổi mới sinh.
Giữa mùa đông lạnh máng cỏ hôi tanh,
Mẹ mượn đỡ chút hơi lừa sưởi ấm…

Chưa dứt sữa phải lao lung lận đận,
Theo mẹ cha trôi nổi kiếp di cư.
Hết bị người đời truy sát loại trừ,
Lại phải phận nghèo mồ hôi ướt áo…

Tay chai sạn đổi bát cơm hạt gạo,
Sáng cưa chiều đục, mưa nắng dãi dầu
Kiếp thợ nghèo luôn thiếu trước hụt sau,
Thân bèo bọt mãi trầy vi tróc vảy…

Chẳng giấu gì em,
Tuổi 33 mà công chưa thành danh chưa toại,
Hết bị đồng hương ném đá khinh chê,
Người thông luật, giới tăng lữ, kết án đủ bề,
Cả môn sinh cũng hè nhau chối từ phản bội…

Và cuộc đời anh, bây giờ em thấy đó,
Ghi trên thân mình hằn đủ vết thương đau,
Tay chân, cạnh sườn in vết sẹo sâu,
Là chứng tích của câu chuyện dài “Thập Giá” !

Thân xác phục sinh,
Mà mang toàn vết sẹo, quả là chuyện lạ !
Nhưng lại là chứng tích oai hùng của Vượt Qua.
Dấu tình yêu muôn đời và khắp cõi bao la,
Nên em ơi,
Có yêu anh, tin anh,
Em hãy đón nhận anh với muôn ngàn vết sẹo !
            (Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2019)

Ngôn ngữ trong thơ Sơn Ca Linh là ngôn ngữ hướng về công chúng, có nhiều “khẩu ngữ”, có nhiều trích dẫn và đôi khi là “chơi chữ” dân gian, có tính hài. Khi nhà thơ hướng về công chúng, nói chuyện, chia sẻ với công chúng; kêu gọi, cổ vũ công chúng, hoặc nhắc nhở thân tình, thì nguyên tắc giao tiếp cần có là dùng ngôn ngữ của công chúng, ngôn ngữ đương đại, khẩu ngữ. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của thơ ca dân gian. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có sức gây ấn tượng lâu dài. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, khẩu ngữ sẽ làm mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca. Điều ấy tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ. Bài thơ sau đây, khẩu ngữ được sử dụng rất hay:

“Thích quá đi thôi,
Những cành lá xanh, gần gũi, dung dị tự thuở nào,
Vừa che mát, vừa biểu cảm tâm tình đơn sơ chân chất.

Chúa cũng thích mà,
Chỉ một “chú lừa con”, đâu cần lọng vàng, cờ quạt.
Những cành lá xanh, đủ rồi, cho một cuộc “Giá lâm”!
“Hổng phải sao”, 33 năm trước, nơi hang lừa máng cỏ tối tăm,
Ngài đã đến, đã bỏ ngai trời giáng thế.

Rồi suốt 30 năm,
Cái đục, cái cưa, cái chàng, cái búa…,
Kiếp thợ mộc nghèo, nào “Thượng Đế có từ nan”!
3 năm rao giảng, hết lên bắc lại xuống nam,
Đôi chân đất, nhiều phen đói lòng, khô khát…!
Bên bờ giếng Samari : “Chúa mà xin nước!”
Trên thuyền Phêrô, “ngủ gà ngủ gật”, thấy mà thương!

Chim sẻ trên cây, cánh huệ bên đường,
Hèn chi, Ngài đã mượn làm “dụ ngôn phó thác”!
Vì đã hiểu, quyền lực, giàu sang… chẳng qua là cỏ rác,
Nên Chúa hồn nhiên yêu chuộng kiếp sống nghèo.

Nên đến cuối đường,
phụ nữ, trẻ em, bọn cùng đinh…vung cành lá vang reo:
“Hoan hô Đấng Nhân Danh Chúa mà đến” !…”

                            (Nét hồn nhiên của Chúa)

NHỮNG VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG

Sơn Ca Linh làm thơ về các mùa phụng vụ, về những sự kiện, những sinh hoạt tôn giáo; hoặc những vấn đề đời thường thách thức lương tâm Công giáo. Đó là những “cảm nhận” Kinh thánh mùa Giáng sinh, mùa Phục Sinh, về Đức Mẹ, các thánh; các sinh hoạt mục vụ đời thường như Mừng thụ phong Linh mục, Mừng lễ khấn dòng, về Đời dâng hiến, Khai mạc Năm Thánh, Đức Giám mục thăm mục vụ, Mừng bổn mạng, đưa tiễn người qua đời, Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường và các hiện tượng đời sống hàng ngày như bão lụt, dịch Covid, suy tư về thân phận người phụ nữ, …Mỗi bài thơ thường có một câu Kinh Thánh làm đề từ định hướng người đọc về nội dung, chủ đề thơ, từ đó nhà thơ sáng tạo câu chuyện, xây dựng hình tượng, chọn lựa cách viết và khám phá “sứ điệp’ của Tin Mừng.

Nhưng nếu chỉ là vậy thì thơ Sơn Ca Linh sẽ tan vào dòng thơ “diễn ca”, thơ “Huấn ca” truyền thống, không để lại ấn tượng gì. Xin lưu ý rằng, ngay sau nhan đề bài thơ, tác giả thường ghi: “Chút cảm nhận về sứ điệp Tin Mừng”, “Chút cảm nhận Phục Sinh”, “Chút cảm nghiệm về Chúa Thánh Linh”, “Một thoáng suy niệm về Thánh Giuse”, hoặc “Chút suy tư từ chuyện “cách ly mùa Covid” và “tấm lá của A-đam, E-va”; hoặc “Chiêm niệm”, “Chút hoài niệm về…” , “Chút cảm nhận hoài niệm 45 năm “hải chiến hoàng sa”nghĩa là, thơ Sơn Linh Ca không phải chỉ là “diễn ca”, mà là thơ tư tưởng, là suy tư về những vấn đề tư tưởng.

Vấn đề tư tưởng căn cốt nhất trong thơ Sơn Ca Linh là sự hiện hữu của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay. Đức tin Công giáo dạy chúng ta rằng, Đức Giêsu là đấng Cứu độ duy nhất. Người hiện hữu với chúng ta hàng ngày mãi đến ngày tận thế. Nhưng trong nhận thức xã hội, Đức Giêsu chỉ là con người lịch sử, một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng. Đó là một con người đã sống cách nay hơn 2000 năm, một nhân vật của quá khứ như nhiều nhân vật khác. Sơn Ca Linh đã tập trung khắc họa hình tượng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong mọi cảnh ngộ, chia sẻ mọi nỗi niềm với chúng ta, và đem đến cho chúng ta ơn Cứu rỗi.

Xin đọc

NGÀI ĐI NGANG QUA NƠI ẤY
Thấy Đức Giêsu đi ngang qua… (Ga 136)

Đâu có tình cờ,
Chẳng phải bàng quan,
Hơn một lần “Ngài đi ngang qua nơi ấy”!

Nơi có những chàng trai mộng đời đang dậy,
Có thuyền, có lưới,
có cha mẹ già có cả người yêu…
Ngài đi ngang qua để lại đôi mắt diễm kiều,
“Con mắt có đuôi” mang tia nhìn vẫy gọi!

Ngài đi ngang qua,
Như để có người “bước theo” và đi tới,
Tìm minh quân, tìm ngọc quý, tìm cả kho tàng…
Hay để có người, khước từ cả “nghĩa tào khang”,
Chỉ để được “ở lại với Ngài” mà thọ giáo!

Ngài đã đi ngang qua trên vạn nẻo đường thế giới,
Để người mù trông thấy, để kẻ què đứng lên,
Để những bọn phần thu, cùi hủi… không tên,
có bánh được chia đều, được tiệc tùng rượu mới…

Ngài đã đi ngang qua để sẵn sàng đứng đợi,
Đợi người con tả tơi phóng đảng quay về,
Đợi Lêvi bỏ bàn thu thuế, đợi tiệc của Giakê
Đợi giọt nước mắt ăn năn của cô nàng gái điếm…

Ngài đi ngang qua,
Để chạnh lòng, để bao dung tìm kiếm,
Tìm những con chiên lạc vai vác mang về,
Để trao con trai
Cho những “bà goá mất con” đẫm lệ tái tê,
Và những “thiếu phụ lộn chồng” được phục hồi phẩm giá…

Ngài đã đi ngang qua,
Để Bắc, Trung, Nam không con là những “Samari xa lạ”,
Và trên vạn nẻo “Giêricô”,
ai cũng chợt nhận mình là lân cận anh em!
Để những người công nhân “giờ thứ mười một” vững tin,
lương bổng đủ đầy trong “Vườn Nho Nước Chúa”…

Và Ngài đã đi qua,
Nơi ấy “Canvê” một chiều nắng úa,
Bụi bặm, hỗn hào, thập giá, máu loang…
Nơi ấy “mộ hoang” một sáng huy hoàng,
Đường Giêrusalem ngập “Tin mừng Sống lại”!

Và hôm nay,
Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”,
Vẫn “ánh mắt có đuôi” vang tiếng gọi mời:
“Hãy đến mà xem”,
Xem gì, chẳng nhà, chẳng chỗ, chẳng nơi…
cả “viên đá gối đầu” cũng không,
vâng, chỉ Ngài thôi, Đường, Sự Thật, Sự Sống!

            Đọc bài thơ, chúng ta nhận ra Đức Giêsu gần gũi biết bao. “Và hôm nay,/ Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”, vẫn vang tiếng gọi mời chúng ta.

Khả năng tổng hợp Kinh thánh của Sơn Linh Ca thật tuyệt vời; những suy niệm, khám phá, cảm nghiệm của nhà thơ đã khắc tạc một cách sống động hình ảnh Đức Giêsu đang ở bên ta mỗi ngày trên vạn nẻo đường. Hình ảnh này, nghiệm suy này làm phong phú hơn những gì người giáo dân được nghe giảng trong nhà thờ về Đức Giêsu, bởi đây là hình tượng văn học, hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ, khác với những tín niệm Thần học, triết học về Đức Giêsu. Xin đọc thêm các bài thơ: Nét hồn nhiên của Chúa, Dẫu đời anh mang nhiểu vết sẹo, Dấu chân Ngài trên bãi bờ cuộc sống, Bước chân của đấng Emmanuel, Ta vẫn đợi chờ con, Thiên thu anh vẫn đợi chờ, Nắm lấy bàn tay con, Biết đến bao giờ, Câu chuyện dòng sông, Lỡ một chuyến đò vui, Con thuyền xưa đã quên đâu, Bản xét mình mùa chay, …

Vấn đề tư tưởng thứ hai xuất hiện nhiều trong thơ Sơn Ca Linh là lẽ tử sinh. Nhà thơ chứng kiến cái chết của nhiều người thân yêu và không cầm lòng được:  Cảm nhận về sự chết trong mùa Covid (Chị chết “đẹp” mà ta!), Hạt mầm và bụi tro. Tưởng nhớ 5 linh mục Qui Nhơn liên tiếp qua đời (Bao giờ mới hết mùa “thương”). Ghi niệm ngày cha Phêrô Đặng Son từ giã cõi trần (Anh về). Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- Thứ Năm Đầu tháng ngày 1.7.2021 (Đã có một buổi sáng diệu kỳ). Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ (Mừng anh đã về nhà Cha). Chút cảm nhận về cuộc đời từ sự “qua đời” của cha Hoàng Kym (Một thuở “Hoàng Kim”), Chút cảm nhận về cuộc “ra đi về nhà Cha” của cha Phêrô Hoàng Kym (Một thoáng bây giờ đã thiên thu). Tưởng niệm về anh Gioakim Võ Văn Hào, cựu chức việc – thành viên ban truyền thông giáo xứ Tuy Hoà (Cho một người vừa “đi xa”). Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên (Chiếc xương sườn bị đánh cắp). Chia sẻ nỗi buồn của một “Bà Goá Nghèo” vừa mất đứa con trai một tại giáo xứ Hóc Gáo (Lại có một con đường Na-im như thế!), Vọng tưởng những thầy cô đã nằm xuống (Nén hương lặng thầm)…

            Từ xưa đến nay, lẽ tử sinh đã là một vấn đề tư tưởng của tôn giáo và triết học. Lẽ tử sinh nằm trong Khổ đế (chân lý thứ nhất) của Phật giáo: “Sinh, lão, bệnh tử”. Câu thơ của Nguyễn Gia Thiều có sức ám ảnh kỳ lạ: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”. Lẽ tử sinh cũng là suy tư của triết học Hiện sinh. Hiện sinh là hiện sinh quy tử (Being toward Death-Martin Heidegger). Sống là đi về cõi chết. Lẽ tử sinh cũng nằm trong Thiên mệnh của Nho giáo. Người xưa tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời”. Nguyễn Du viết: “Gẫm hay muôn sự tại trời” (Đoạn trường tân thanh). Tất cả những suy tư triết học đó đều dẫn đến bế tắc và hư vô. Sơn Ca Linh nhìn lẽ tử sinh theo Thần học Kitô giáo. Chết là “về nhà Cha”, “quê hương chúng ta ở trên trời”, vì thế, đó là niềm vui. Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- thì đó là một bi đát hiện sinh. Nhưng tư tưởng của Sơn Ca Linh thanh thoát vô cùng:

Trên cung Thánh mười anh phủ phục,
Nằm mà nghe khúc nhạc êm đềm.
Nghe tiếng Kinh Cầu ơn “Thánh chức”,
Chết cho đời hiến tế con tim…!

Dưới kia bên nhà hưu lặng lẽ,
Linh mục cuối đời thở hơi ra.
Một chút nữa thôi thành của lễ,
“Về quê hương” mừng lễ Vượt Qua!

Một thoáng người đi, người ở lại,
Tre già, măng mọc, chiếc lá rơi…
Dấn bước vào đời em Phó Tế,
Linh mục anh về chốn nghỉ ngơi!

Cũng cuộc hành hương về vĩnh cửu,
Chồi lên xanh nụ, hạt lúa rơi…
Trẻ hát bài ca yêu cuộc sống,
Già vui mục nát giữa cuộc đời!

Nắng vẫn lên, vẫn rừng thay lá,
Cổ lục thêm buổi sáng diệu kỳ!
Mồng một thứ Năm đầu tháng Bảy,
Sống chết chia đều bữa Tiệc Ly!

            (Đã có một buổi sáng diệu kỳ)

Điều diệu kỳ là ở chỗ tử sinh là quy luật phát triển của cuộc sống, càng diệu kỳ hơn

chính cái chết của đức Giêsu đem đến sự sống cho nhân loại. Những tư tưởng như thế, triết học không vươn tới được.

“…Và Anh đã ra đi, như ngọn đèn dầu lặng lẽ,
Như cánh chim vừa mất hút cõi trời xa!
Đúng hơn, như một người hành lữ mới về nhà,
Sau một chuỗi lênh đênh biển đời vừa bỏ lại.

Thế tạm mà, có chi là mãi mãi,
Tiễn xác Anh về với cát bụi thời gian…
Và hồn Anh cập bến đỗ thiên đàng,
Mừng Anh đã về nhà, nhà Cha đang đón đợi!”

            (Mừng anh đã về nhà Cha-Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ )

Một vấn đề khác cũng đè nặng trong tim nhà thơ Sơn Ca Linh là vấn đề về thân phận người phụ nữ. Cái nhìn của Sơn Ca Linh là cái nhìn có tầm lịch sử và tư tưởng, cái nhìn của một tấm lòng xót thương âu lo vô bờ (xin đọc: Người phụ nữ Việt Nam da vàng).

Và xin đọc:

CHIẾC XƯƠNG SƯỜN BỊ ĐÁNH CẮP
(Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên)

Có phải em,
ngay từ đầu không được tạo nên bằng đất sét?
Mà chỉ là một cái xương sườn,
Xương của một thằng đàn ông bị đánh cắp
Khi đang miệt mài trong giấc ngủ trưa?

Vì thế nên em,
Dẫu quá lời, “chỉ một của dư thừa”,
Là “thứ phẩm” của một thân phận người “nguyên bản”.
Xương sườn mà : thứ bảo vệ của cơ phần nội tạng,
Cho tim gan, phèo phổi an toàn…
Là mái che, phên dậu sẵn sàng,
Để đón lấy những trận đòn, vết đâm, cú đấm…!

Chỉ là xương thôi mà,
Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,
Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya.
Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa,
Để thằng đàn ông ngẫng đầu dương dương tự đắc.

Là xương,
Nên ở chốn cửa công phải làm thinh im bặt,
Khỏi phải học hành,
xương chỉ cần biết đọc, biết viết đủ rồi!
Lẩn quẩn trong nhà, chỉ kim, bếp núc mà thôi…
Chớ bày đặt nghênh ngang múa rìu đỏng đảnh!

Là xương,
Nên cứ lủi thủi chịu thiệt thòi câm lặng,
Bạo lực gia đình, bị đoạ đày, bị hiếp, bị giết, bất công…
Mà hầu hết là nạn nhân của những thằng đàn ông,
Những “tạo vật”
được vinh dự “mang ảnh hình Thượng Đế”.

Mới đây,
Em, cái xương sườn bị “bỏ quên” giữa những ngày xuân tết,
Lại mấy thằng đàn ông: hiếp, giết, vứt bên đường!
Rồi lại mấy thằng đàn ông sung sướng tưng bừng,
Tự thưởng cho nhau cái trò “thi đua phá án”!

Và rồi, em, mẹ em…
những cái xương sườn bị đánh cắp,
Lại tiếp tục bị đoạ đày,
bị vùi dập trong khổ ải thương đau.
Biết bao giờ, từ đây cho đến mãi ngàn sau,
Những thằng đàn ông,
Học thuộc lời, ứng xử, của một Vị Thầy 2000 năm trước :
Chị hãy ngẫng cao đầu,
đi bình an trên vạn nẻo đường xuôi ngược,
Bởi vì ta không kết án chị đâu”! (Ga 8,1-11)

Bài thơ đặt vấn đề về thân phận người phụ nữ. Đây là một vấn đề tư tưởng mang tính

nhân loại từ ngàn xưa đến nay và “cho mãi đến ngàn sau”. Từ ngày đầu, họ đã là nạn nhân của Những thằng đàn ông. Họphải chịu bao nhiêu khổ ải đau thương, biết bao giờ mới hết kiếp nạn? Nguyễn Du đã từng kêu thương cho họ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”(Đoạn trường tân thanh) và ông đưa ra lời giải pháp dựa trên triết học Phật giáo: Nỗi khổ của Thúy Kiều là do “Thân/ Nghiệp”, chỉ có thể giải thoát bằng Tâm, vì “Tâm tức Phật”: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhà thơ Công giáo Sơn Ca Linh nhìn rõ những nỗi bất hạnh của người phụ nữ là do tội lỗi của “những thằng đàn ông”(tác giả nhắc lại nhiều lần cụm từ: “Những thằng đàn ông”), và đặt vấn đề, những thằng đàn ông phải học theo Chúa, ứng xử yêu thương với phụ nữ, như Chúa đã xót thương và cứu vớt người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 1-11).

Thực ra, nếu cho rằng người phụ nữ ngay từ đầu chỉ là một “cái xương sườn bị đánh cắp”, một vật phụ thuộc, một “của dư thừa”, một “thứ phẩm”, một công cụ, nên “Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,/ Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya./ Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa”, phải chịu câm lặng, dốt nát tù hãm và đọa đày…thì đó là nguyên nhân gần. Cũng có thể “cái xương sườn bị đánh cắp” là một ẩn dụ hay về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thực ra, cội nguồn nỗi thống khổ của nhân loại nói chung và người phụ nữ nói riêng là tội lỗi. Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 16-19 nói rõ điều này. Sau khi Adam và Eva ăn trái cấm, Thiên Chúa nói với họ: “Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”

Một vấn đề tư tưởng khác trong thơ Sơn Ca Linh là sự thách thức lương tâm Công giáo trước những vấn đề của hiện thực. Đức Giêsu nói với Philatô rằng: Nước Tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18, 33b-37), nhưng Người cũng nói với các môn đệ: « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » (Lc 10, 1-12.17-20). Đó là thực tại đòi buộc nhà thơ phải đối mặt, nói như Nguyễn Du, cuộc sống này là những cuộc bể dâu: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhà thơ Sơn Ca Linh đã nghe nhịp đập trái tim mình thế nào trước những thách thức lương tâm trong cuộc sống?

Đây là bức tranh thế giới:

Trong cái “hòm tiền bao la” của thế giới,
Hòm tiền “công đức” để nhân danh: dựng xây, phát triển, trừ tà…
Để dán nhãn: thoa dịu, lau khô những giọt nước mắt xót xa,
Và xây lên những chiếc cầu của tương trợ, cảm thông, nhân ái…

Chiếm chỗ nhiều nhất,
Vẫn là những “núi đô-la” của những đại gia lừng lẫy,
Những Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Jack Ma…
Cùng với những “hợp đồng chằng chịt, ma quái”…bao la,
Mà “võ bọc mĩ miều” luôn mang tên “cứu nhân độ thế”!

Nên, vẫn mãi là những tên nô lệ:
những trẻ con mang súng ở Phi Châu,
Những người mang ma túy ở Mêhicô…
Những cô gái của nạn buôn người đến từ Venezuella, Trung Quốc…

Thế giới hôm nay,
Người ta chỉ thấy những chuyện nhãn tiền trên Twitter, Facebook…
Người ta tôn thờ thần tượng là những “tỉ phú Đô-la”,
“cặp giò miên man” hoa hậu, “chân sút vàng”, “đẳng cấp đại gia”…
Nên, kẻ mạt hạng, cùng đinh,
Mãi ôm phận “quét lá đa” trong thế giới của lặng thầm quên lãng!
                         (“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)

Và đây là thời mạt pháp:

Tháng Chạp năm nay,
Thế giới bỗng nặng nề
như đêm dài của thuở nào “Hồng thuỷ Nô-e”.
Hận thù chiến tranh,
Những tên lửa xé toạc khoảng trời đêm hoang mạc.
Vỡ vụn tàu bay, mấy trăm thường dân tan xác…
Và rồi, “quê hương chuột túi”
Ngọn hoả hào thiêu rụi điệp trùng muông thú, cỏ cây…

Đêm thôn Hoành, Đồng Xênh chưa kịp sang canh,
Hoả pháo, lựu đạn cay,
gót giày đinh…và những thân người đổ gục.
Nào có phải ai đâu, sao lại cứ phải nồi da xáo thịt ?
Như “Cụ Kình”, Bậc trưởng thượng, bóng cả cây cao,
Những ngày cuối năm,
Tưởng đâu được, bên cháu con, nhấp chén rượu đào,
Oái ăm thay, chết không toàn thây,
Bởi cháu con một lũ hổn hào của một thời mạt pháp!

                  (Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá:)

            Người đọc có thể nghe được tiếng trái tim nhà thơ đau xót trước thực tại những con người thấp cổ bé miệng bị chà đạp, bị hủy diệt. Nhà thơ không thể kềm lòng không lên tiếng trước những nghịch lý, những bất công, những vô luân vô đạo của “thời mạt pháp”. Dù Nước của Chúa không thuộc về thế gian này, nhưng người mục tử của Chúa đang sống giữa thế gian đầy tội ác thì không thể làm ngơ. Dù vậy, Sơn Linh Ca không để mình bị cuốn vào cõi trần tục, mà đặt trái tim mình trong trái tim thương yêu của Chúa. Từ đó nhìn ra “trời mới đất mới” của Kinh thánh.

Ở ngoài kia, nghe nắng xuân đang bước về vội vã,
Mà sao trong hồn vẫn nghe nhịp bâng khuâng?
Xin hãy bay về, Bồ Câu Thánh Linh, cánh én tin xuân,
Để sự sống, để tình yêu, để hoà bình…
Gieo mầm xanh trên mọi nẻo đường thế giới…!

                              (Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá)

Nhưng thế giới, “thúng bột trần gian”, men Tin Mừng sẽ dậy,
Bởi những đồng xu,
Vâng, những “đồng xu của cả sự sống, của tình yêu”!
Vũ trụ nầy, thế giới nầy, rồi sẽ nên “trời mới đất mới” mĩ miều,
Bởi những góp nhặt, hy sinh…,
những “đồng xu ten”, tầm thường… rất nhỏ!

            (“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)

THAY LỜI KẾT

            Còn nhiều điều để viết về thơ Sơn Ca Linh (có thể viết một chuyên luận), bởi thơ Sơn Ca Linh là bước phát triển mới cả về tư tưởng và nghệ thuật so với các nhà thơ Công giáo đi trước;  song trong phạm vi một bài viết, tôi xin tạm kết ở đây.

Nói thực lòng, nếu thơ Sơn Ca Linh không hay, không đặt được những vấn đề căn cốt cuộc sống hôm nay thì không thể cuốn hút tôi đọc nổi hơn 200 bài thơ. Tôi rất thích những bài lục bát ca dao như châu ngọc về tình yêu quê hương [3], những bài mang cảm xúc êm đềm sâu lắng như thơ Lãng mạn [4]; những chuyện kể sinh động, trẻ trung hấp dẫn [5], những khúc tráng ca mang khí phách cổ điển [6], những bài thơ tự do mang đặc trưng cốt cách thơ Sơn Ca Linh. Tất nhiên thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài đầy ắp ý tưởng song ngôn ngữ hơi xô bồ, cấu trúc lỏng lẻo dài dòng, tính nghị luận lấn át tính hình tượng thẩm mỹ. Dù vậy, tâm trí tôi đã mở ra nhiều điều khi tiếp cận những “Cảm nhận” Kinh thánh từ những bài thơ của Sơn Ca Linh, và một niềm reo vui hân hoan khi đọc được những bài thơ mà trái tim nhà thơ gắn với cuộc sống này, với anh em, với đồng bào và với cả cộng đồng nhân loại, trái tim Emmanuel.

Những bài thơ ấy giúp người đọc Vượt qua bể dâu để hồn mình an lạc trong niềm tin đầy Ánh sáng.

Tháng 11/ 2021

______________________

[1] Lm. Giuse Trương Đình Hiền sinh ngày 08-7-1952 tại Trà Câu, Quảng Ngãi. Bút danh: Sơn Ca Linh, Cha sở nhà quê.Tác phẩm đã in: 

     – Ngôn ngữ Tin mừng trong dáng đứng Việt Nam (chủ biên một sưu tập); 

     – Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao (chủ biên một sưu tập); 

     – Linh mục, một cuộc đời mắc nợ (thơ, nhạc, ký)

[2] Ghi chú :
     (1) “Phố thánh vườn thiêng” : Hình ảnh Giáo Hội, Giêrusalem mới, theo gợi ý từ câu Thánh vịnh 122,3 : “Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn.”
     (2) “Môi Khôi” : Tên gọi hoa hồng. Chuỗi Môi Khôi (Rosary) là chuỗi kết bằng những lời kinh như những cánh hoa hồng.
     (3) “Bốn sự Nhiệm mầu” : sự “Vui”, sự “Sáng”, sự “Thương”, sự “Mừng”.
     (4) “Mười kinh Thánh đức” : Kinh Kính Mừng, với phần đầu “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ” lấy lại những lời trong Tin Mừng Luca với hai sự kiện “Truyền Tin” và “Thăm viếng” (Lc 1, 28.42)

[3]  Những bài Lục bát ca dao: Góc chiều, Cần chi, Gọi trâu, Tràng Mân Côi của mẹ tôi, Một chuyến sang bờ, Chỉ cần một chút tình thôi, Từ đây năm tháng lặng thầm, Nghĩ mà thương chị, Chiêm niệm, Thiên thu anh vẫn đợi chờ

[4] Cảm xúc thơ Lãng mạn: Bóng trưa, Lời thì thầm của cỏ, Vì em đã mang lời khấn nhỏ, Anh về, Tại sao tôi khóc, Em và “chuyện tình tháng bảy”, Mùi hương tháng Chạp, Mùi hương xuân cũ, Người thiếu phụ không chồng, Dáng chị, Mùa thu và những chuyến đi xa, Chiều xuân này vắng mẹ, Dấu “Trường Thăng” đã khép, Bỗng dưng nghe mùi của mẹ

[5] Những bài thơ kể chuyện: Huyền thoại chim họa mi ức đỏ, Giọt nước mắt và đóa “hoa hồng tuyết”, Cổ tích “hạt cải”, Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”, Huyền thoại màu xanh, Chuyện cổ tích “Bà góa, tầm bánh và đồng xu”, Con nợ Mẹ món quà sinh nhật, [6] Những khúc tráng ca: Chìm theo vận nước cả mùa xuân, Nghe dòng sông kể chuyện, Ta nhớ mãi “tấm áo lông lạc đà” ngày đó…