KITÔ HỮU VÀ CON ĐƯỜNG CHINH PHỤC THẾ GIỚI

Views: 105

(Chúa Nhật 5 TN A 2023)

            Vào những thế kỷ đầu của Công Nguyên, khi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô mới du nhập vào trung tâm của đế quốc La Mã, dân Rôma thường có hai cái nhìn, hai thái độ đối với các Kitô hữu:

– Một đàng là dè bỉu, khinh thường; xem các Kitô hữu chỉ là một đám dân hèn hạ, thấp kém, tiêu cực, không còn sức sống…, như phát biểu của hoàng đế Julian, một trong những hoàng đế Rôma không theo Kitô giáo kể từ hoàng đế Constantin và người căm ghét Kitô giáo khét tiếng: “Các bạn có nhìn những kitô hữu này không? Mắt trũng sâu, má hóp xanh xao, ngực lép xẹp, họ xua đuổi cuộc sống, không màng danh vọng, mặt trời soi sáng cho họ nhưng họ chẳng thấy, trái đất cung hiến dư dật nhưng họ không ham thích… “.

– Một đàng ngỡ ngàng và thán phục khi chứng kiến cuộc sống và nhất là những cuộc tử đạo anh hùng của các Kitô hữu, mà bằng chứng sống động được lịch sử ghi lại đó là lời thốt lên của hoàng đế Nêron, người đã bách hại dã man các Kitô hữu, khi chứng kiến cảnh các Kitô hữu thanh thản hát ca tiến ra pháp trường trước miệng thú dữ: “Tại sao họ lại hát ?”

            Và lịch sử đã làm chứng, Kitô giáo đã chinh phục cả đế quốc Rôma sau gần 300 năm bị bách hại tàn khốc, và Tin Mừng Chúa Giêsu đã lan rộng khắp hoàn cầu, chắc chắn không phải bằng lối sống của những Kitô hữu “Mắt trũng sâu, má hóp xanh xao, ngực lép xẹp…”, mà phải là cuộc sống “như những vì sao rạng rỡ giữa bóng đêm” (Pl 2,15); hay theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu trong trích đoạn Tin Mừng Matthêô vừa được công bố, đó là cuộc sống mang dáng đứng của “muối mặn ướp đời”, hay “ánh sáng thế gian”;và đây chính là nội dung câu chuyện về sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 5 Thường niên (A), một sứ điệp có thể nói được, là để triển khai và áp dụng thực hành con đường “Tám mối phúc thật” mà Chúa Nhật tuần trước đã giới thiệu.

Mặc dù dùng kiểu nói “ngụ ngôn” với hai hình tượng “muối” và “ánh sáng” nhưng lời giáo huấn của Chúa Kitô quả thật đã diễn giải cách thâm thúy sứ điệp “canh tân tôn giáo” của các ngôn sứ thời Cựu ước, đặc biệt với những lời của Tiên tri Isaia, một nhà canh tân tôn giáo thời dân Israel sau cuộc lưu đày. Vâng, đó là giai đoạn mà “Đạo của Giao ước Sinai” vốn đặt nền tảng trên “Thập Điều” với hai giới răn cốt yếu “Mến Chúa – Yêu Người” thì Dân Chúa đã làm cho biến chất để trở thành một thứ “nô lệ mù quáng cho lề luật”, vừa giả hình đối với Thiên Chúa, vừa vô tình đối với anh em đồng loại. Isaia muốn dân tộc của mình, một “Dân ưu tuyển của Thiên Chúa” phải trở về với “Đạo của Giao Ước, Đạo của Tình yêu”: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, … vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.

Sáu thế kỷ sau những lời giáo huấn trên của ngôn sứ Isaia, cũng trong bối cảnh của một Israel đang suy đồi tôn giáo và bị khuynh loát bởi nhóm “Biệt phái giả hình” hay nhóm “chức sắc mượn đạo tạo đời”, Chúa Giêsu người Nadarét đã đến để làm một cuộc “đại canh tân” mới, không để “tái cấu trúc” một “Do thái giáo” cũ nhưng xây dựng một “Vương quốc Nước Trời” dành cho muôn dân tộc với mọi chân trời góc biển mà “Bản Hiến Chương Bát Phúc” với những áp dụng thực hành cụ thể: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại?… Các con là sự sáng thế gian… Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Thật vậy, những người môn đệ của Đức Kitô khi sống và thực hành con đường “Bát Phúc” (Khó nghèo, hiền lành, trong sạch, biết xót thương, xây dựng hòa bình…) thì chắc chắn sẽ trở thành “hương vị đậm đà cải tạo môi trường cuộc sống”, như “muối ướp mặn” cho đời, cho người; hay như “ngọn đèn rực rỡ thắp sáng” những cuộc sống, những mảnh đời, những xã hội tăm tối mịt mù của lầm lạc, hận thù, chiến tranh, bạo lực…

Và đó chính con đường chinh phục thế giới của người Kitô hữu, một phương cách loan báo Tin Mừng không dựa trên “sự khôn ngoan trần tục” nhưng là sự chọn lựa chính “Chúa Giêsu” và sự khôn ngoan của “Thập giá”, của “quyền năng Thiên Chúa”, như thánh Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại muôn đời của Kitô giáo đã xác tín: “tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi,… lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa” (Bđ 2).

Ngày hôm nay, thế giới giống như một “cửa hàng đầy thịt cá ê hề”, hay những “thành phố rực rỡ những bóng đèn sáng trưng lòe loẹt”… nhưng hình như đang thiếu “muối và ánh sáng” trầm trọng: thiếu muối và ánh sáng yêu thương để ướp hương nồng, để rọi sáng cho những nơi ghen ghét, đố kỵ…; thiếu muối và ánh sáng khoan dung tha thứ để xóa tan hận thù chiến tranh; thiếu muối và ánh sáng trong sạch tinh khiết để thanh lọc những môi trường đồi bại ô nhơ; thiếu muối và ánh sáng chân lý để dẫn lối đưa đường những tâm hồn lầm lạc về đường chính nẻo ngay, thiếu muối và ánh sáng quảng đại sẻ chia để biết cho đi và sẵn sàng phục vụ…

Vâng, đáp lại tiếng gọi mời và sự chọn lựa “muối, ánh sáng” của Chúa Giêsu, những Kitô hữu đã dấn thân vào đời để cải tạo thế giới. Cho dù ngay từ đầu, chỉ là những “hạt muối”, “viên men”, hay “chút ánh sáng le lói” của Tin Mừng, đã bị Đạo Do Thái khai trừ, đã bị đế quốc Rôma đặt ra ngoài vòng pháp luật suốt gần ba thế kỷ, bị dè bỉu khinh khi như một thứ rác rưởi cùng với những cuộc bách hại khủng khiếp,… nhưng “muối” và “ánh sáng” ấy đã từ từ biến đổi một nền văn hóa đồi trụy bất công của đế quốc thành một nền văn hóa nhân văn bình đẳng; biến một thứ tôn giáo “đa thần” đầy mê tín dị đoan, lầm lạc trở nên một tín ngưỡng, một niềm tin chính chuyên, siêu thoát… Và rồi sau những ngàn năm kế tiếp, Tin mừng đó tiếp tục hóa thân trong những viên muối mặn giản đơn hay chiếu sáng qua những con người nhỏ bé như Phanxicô thành Assisi, như Phanxicô Xavie, Têrêxa hài Đồng, Mẹ Á Thánh Têrêxa thành Calcutta, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Anrê Phú Yên… để biến họ trở nên những “thảm kính màu rực rỡ”, những thánh nhân sống mãi giữa dòng đời…

Mà không chỉ thánh nhân mới có thể trở thành “muối mặn” hay “ánh sáng” cho đời; tất cả chúng ta, mọi Kitô hữu đều có thể và phải như thế; vì đó chính là phẩm giá, là căn tính, là chọn lựa… của người Kitô hữu. Bởi, nếu không như thế, Kitô hữu hoặc chỉ là “muối lạt phế thải bị ném ra đường” hay chỉ là “bóng đêm thảm hại” !

Ngoài kia Mùa Xuân đang về. Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay sẽ đưa chúng ta đi vào cuộc sống đời thường để làm những viên muối ướp mặn và ngọn đèn thắp sáng lên mùa xuân cho cuộc đời, cho thế giới, không phải bằng những lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu thương và phục vụ con người, như chính Chúa Giêsu đã sống và chết vì tình yêu; hay như cách ví von của một vị tôn sư: “Nếu các người không thấy người anh em mình đang gặp khốn khó và giúp đỡ, thì đó là  đêm, là bóng tối. Còn sống tình thương với họ đó là ngày, là ánh sáng”. Amen.

Trương Đình Hiền