Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

LÀM MỚI LẠI NIỀM TÍN TRUNG CỦA GIAO ƯỚC

(CHÚA NHẬT V MÙA CHAY Năm B 2024)

          Đã có một thời, người ta thích ca tụng cái kết cục đau thương, tan vỡ của những cuộc tình đôi lứa; và cho đó là một “hiện sinh” tất yếu của thân phận con người, của tình yêu nhân sinh… đến độ, nó được dệt thành những ca từ lâm li bi đát mà rất nhiều người ngâm nga tâm đắc: “Tình mình nay chết như lá úa thu rơi, Đường trần mồ côi tôi lạnh lùng ôm kỷ niệm của hai chúng mình…” (Nhạc phẩm “Không bao giờ quên anh của nhạc sĩ Hoàng Trang”.

          Trong đời sống đức, theo nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui Tin mừng, thì cũng có những người mang “tâm lý nấm mồ”: Bằng cách này một tâm lý nấm mồ phát triển và từ từ biến những người Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng.” (NVTM 83); và vì thế họ đã “sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (NVTM 6).

Cho dù Chúa Nhật thứ V Mùa Chay hôm nay vốn được gọi là “Chúa Nhật chịu nạn” (Dominica Passionis), và toàn cảnh Phụng Vụ gần như toát lên một màu tang chế: Ảnh tượng trong nhà thờ được phủ khăn tím, các trích đoạn Lời Chúa xa gần gợi nhớ đến thập giá thương đau: Đức Kitô đã nói tiên tri về cuộc tử nạn của chính mình qua hình tượng “hạt lúa mì mục nát” (TM). Trong khi đó, thư Do Thái (Bài đọc 2) đã minh nhiên xác quyết về con đường tử nạn của Ngài: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết… Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”.

Thế nhưng, nếu nghiệm cho kỹ, tiêu đích của Phụng Vụ hôm nay lại không tập chú vào chiều kích “nỗi buồn thập giá” mà là hướng đến một viễn tượng chứa chan hy vọng của một “niềm vui phục sinh”; không phải dừng lại ở không gian tăm tối của “hạt lúa mì mục nát” mà hướng tới “mùa lúa mới vàng đồng”!

Để khai mào cho sứ điệp hy vọng nầy, trước hết, Phụng vụ đã mượn lời của sứ ngôn Giêrêmia để công bố tin mừng về một “Giao ước Mới”: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa … Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của … Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Và ngay tại điểm cao chót vót của lộ trình cứu độ, khi “thời gian tới hồi viên mãn”, “giao ước mới” mà Giêrêmia đã tiên báo đó đã hiện thực trong chính cuộc khổ nạn của Đức Kitô: “Chén nầy là Giao ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Cho nên có thể nói được rằng: ý nghĩa trọng tâm của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay chính “Giao ước”.

Thật vậy, nếu Tin mừng “Giao ước mới của Giêrêmia” đã “phục sinh” niềm hy vọng cho đám dân Israel lưu đầy đang héo hon mỏi mệt và tội lỗi bơ phờ…, thì “Giao ước mới bằng máu thập giá” của Đức Kitô lại là điểm quyết định cho một vận mệnh mới của toàn nhân loại; một nhân loại “được nâng lên trong ánh sáng phục sinh”, một nhân loại là “cánh đồng lúa chín vàng” trong kho lẫm Nước Trời, như Tin Mừng hôm nay xác quyết: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt… Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,24-25.32).

Sứ điệp nầy thật ra không hề mới mẻ và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Năm Phụng vụ; nhưng vì quá cần thiết cho đời sống Kitô hữu cũng như cho thế giới hôm nay nên đã trở thành “con đường phải đi”, thành một “lựa chọn ưu tiên” không thể thay thế hay xem thường bỏ qua trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa.

Thật vậy, thế giới hôm nay và ngay cả Giáo Hội hôm nay, nếu đưa mắt quan chiêm bao cảnh đời “trái tai gai mắt”, bao đồi trụy nhiểu nhương, bao lạc lầm đổ vỡ… chúng ta có thể cô đọng lại một kết luận không mấy lạc quan của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mừng Matthêô: “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh” (Mt 24,12). Vâng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà trái tim của nhân loại trở nên băng giá, hận thù, đố kỵ; không chỉ sự băng giá giữa người Nga và Ukraina, dân Israel và người Palestin, Trung hoa lục địa và Đài Loan, Bắc Hàn và Nam Hàn, Cộng sản và Tư bản… mà là sự băng giá vô cảm, vô tâm của con người với nhau trong một gia đình, trên một khu phố, thậm chỉ trong một mâm cơm, trên một chiếc giường…

Chính Đức đương kim giáo hoàng Phanxicô, trong sứ điệp Mùa Chay 2018, đã nêu bật câu Lời Chúa trên như tiêu đề và đã diễn tả: “Trong mô tả về địa ngục của mình, Dante Alighieri hình dung ma quỷ ngồi trên một chiếc ngai làm bằng băng đá, trong sự cô lập lạnh lùng và không có tình yêu. Chúng ta cũng có thể tự hỏi chính mình lòng mến có thể băng giá trong tâm hồn chúng ta như thế nào. Những dấu hiệu nào cho thấy rằng lòng mến của chúng ta đang bắt đầu nguội lạnh?…”.

Như thế, rõ ràng sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật V Mùa Chay muốn nhắn gởi cộng đoàn dân Chúa rằng: trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay, cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, với đắng cay và nước mắt, với ốm đau tật nguyền, với thất bại rủi ro và với cả cái chết… chúng ta không có quyền thất vọng, không thể để “phai nhạt lòng mến trong ta”. Bởi vì Thiên Chúa của chúng là Thiên Chúa của Giao Ước; và qua chính Con Một Giêsu Kitô, Ngài đang có mặt trên mọi nẻo đường và biến cố cuộc đời chúng ta để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ: “”Hạt lúa mì Giêsu” đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”.

Hai ngàn năm qua bài học “Hạt Lúa Mì” nầy xem ra vẫn còn mới mãi với thế giới, với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta.

– Vẫn còn mới và cần thiết cho một thế giới đã quá “già nua để thèm hưởng thụ mà không muốn chiến đấu”, đã quá mệt mỏi để thà chọn dễ dãi mà yên thân hơn dấn thân nhọc mệt để chiến thắng anh hùng.

– Vẫn còn mới và cần thiết cho một Giáo Hội đã quá biếng lười và ích kỷ để thà ở lại trong vỏ bọc tự mãn kiêu căng, trong pháo đài hủ hóa, hơn là can đảm chấp nhận hy sinh, thua thiệt để làm chứng cho sự thật và công lý.

– Vẫn còn mới và cần thiết cho mỗi người chúng ta khi chỉ muốn dừng lại, thối lui để được mơn trớn vỗ về với cái tôi ươn hèn, mệt mỏi, nhỏ nhen và hưởng thụ, thay vì phải tiến lên, đổi đời, lột xác trong chiến đấu cực nhọc để hiện thực hóa những lời dạy của Tin Mừng…

Đừng quên rằng, ngay từ những tháng năm đầu khai sinh Hội Thánh, nếu roi vọt, đòn bọng, tù đầy, nhục hình và cái chết thương đau đã thành công và chiến thắng trong việc bịt miệng các Tông Đồ, ngăn cản các bước chân loan truyền Tin Mừng, thì làm sao có được Hội Thánh hôm nay với cây Thánh Giá được cắm trên mọi nẻo đường thế giới! Cũng vậy, nếu những chàng thanh niên như Anrê Phú Yên, những bà mẹ như Anê Lê Thị Thành, những linh mục như Gioan Hoan, Anrê Dũng lạc… đều khiếp nhược đầu hàng trước đắng cay thập giá tử đạo, trước ngục tù máu đổ đầu rơi… thì làm gì có được “mùa lúa mới hôm nay” với hàng triệu con dân Việt Nam thuộc về gia đình con cái Chúa, với hàng ngàn ngôi thánh đường uy nghi đỗ bóng và vang dội những tiếng chuông hy vọng trên khắp phố phường làng quê, với hàng bao nhiêu công trình bác ái xã hội phục vụ con người và đẩy lùi những tệ nạn để mang lại hạnh phúc cho anh em đồng loại!

Từ “hạt lúa mì đầu tiên mang tên Giêsu” đã được “gieo trên Đồi Sọ vào chiều Thứ Sáu Vượt Qua”, và được tiếp nối bởi muôn ức triệu chứng nhân ngã xuống trên khắp cánh đồng thế giới, quả thật, mùa xuân ơn cứu độ cứ mãi vươn lên, trăm hoa đua nở, trái chín vàng đồng. Phải chăng đó chính là “qui luật của Thiên Chúa”, một qui luật đã hóa thân nơi chính cuộc sống của “Con Người Giêsu”, của Hội Thánh, của từng thế hệ kitô hữu; và hôm nay, qui luật ấy đang mời gọi hiện thực hóa nơi chính mỗi người chúng ta trong độ đường Mùa Chay thánh sắp đến hồi kết thúc nầy.

Nếu có lần nào chúng ta đã quên đi quy luật đó, thì hôm nay, Chúa Nhật Chịu Nạn, hãy bắt đầu làm “mặn lại hương vị của tình yêu”, làm “mới lại niềm tín trung của Giao ước”, thứ giao ước được “khắc trên tim, được ghi trong lòng”, thứ giao ước thánh thiêng, bền vững vì được chính Máu Đức Kitô thánh hóa và bảo chứng.

Giuse Trương Đình Hiền