Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

LÊN TRỜI VÀ “CÔ BÉ BÁN DIÊM”

(Chúa Nhật Thăng Thiên 2021)

            Trong những “chuyện kể Giáng Sinh”, hình như câu chuyện “Cô bé bán diêm” của nhà văn Đan Mạch An-đéc-xen (1805-1875) là hay và ấn tượng hơn cả; nhất là đoạn cuối, khi cô bé nghèo, mồ côi, cố đốt hết những cây diêm còn lại để giữ lại dung nhan rạng rỡ của người bà và được nắm tay bà bay lên cao về chầu Thượng Đế, nơi không còn đói rét,lầm than… !

            Vâng, “bay lên về trời”, về “chầu Thượng Đế” để thoát khỏi chốn “cát bụi trần gian”, “thung lũng nước mắt”… vẫn là mơ ước, là khát vọng của con người; và “quê trời”, “Nước Trời”, “Thiên đàng”… cũng là tiêu đích cuối cùng phải nhắm tới, là nơi có hạnh phúc vĩnh hằng phải chiếm được… mà giáo lý các tôn giáo vẫn dạy, vẫn truyền rao, chuyển tải cho muôn thế hệ con người, trong đó có Kitô giáo.

            Thật vậy, chính Đức Kitô, trong những “lời rao giảng quan trọng” (Bài Giảng Trên Núi, các Dụ Ngôn về Nước Trời…), hay trong những “giây phút trọng đại của cuộc đời” (Tiệc Ly, trên Thánh giá, lúc chấm dứt sự hiện hữu xác thể trên trần gian…) đều đề cập đến “Trời”, “Thiên đàng”, nơi “Thiên Chúa ngự trị”…:

“…Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (…) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ…” (Mt 5, 1-12).

Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3); “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.” (Ga 16,28)…

Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,42-43)…

            Và đến lượt các Tông Đồ, các ngài cũng tiếp tục rao giảng về “cùng đích Nước Trời”: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,20-21).

            Và hôm nay, với phụng vụ đại lễ Thăng Thiên, Hội Thánh Công Giáo long trọng mừng biến cố Đức Kitô “hoàn thành công cuộc Nhập Thể và Cứu Độ” dưới trần gian, chấm dứt sự hiện hữu mang chiều kích “nhập thể” của một Đấng “Emmanuel” để bắt đầu một “sự hiện hữu mới” của một “Thiên Chúa Ngôi Hai” uy quyền vĩnh cửu trong vinh quang Nước Trời.

            Nếu “Phụng vụ Thăng Thiên” là một “Lời cầu nguyện tuyệt hảo”, xưng tụng Đức Kitô “về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Lex Orandi) thì chính “Luật Cầu nguyện” nầy đã phản ảnh chính niềm tin sắt son hay “Luật Đức Tin” mà Hội Thánh suốt hai ngàn năm không ngừng tuyên xưng (Lex Credendi): “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha…” (Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli).

            Vâng. Đây là một tín điều, một chân lý nền tảng của Kitô giáo. Cho dù có ai đó phê bình hay chỉ trích rằng: “Tin”, “giữ đạo” chỉ cốt để “được lên thiên đàng”, “được về trời”… thì có vẻ vụ lợi quá…, thì cơ bản, cả một chương trình huyền diệu và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa há chẳng nhằm đến cùng đích: cứu độ chúng ta và dẫn đưa chúng ta về quê trời đó sao ! Cũng vậy, công cuộc Nhập Thể, Rao giảng Tin Mừng, Chịu chết và sống lại, ban Thánh Thần, lập Giáo Hội… của Đức Kitô, nào chẳng phải, như Kinh Tiền Tụng Hội Thánh đọc hôm nay, “để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước” !

            Thật vậy, toàn bộ “Tin Mừng” và “mầu nhiệm Vượt Qua” của Đức Kitô không dừng lại nơi một số “khuyến thiện” để tu thân tích đức (như Khổng giáo) hay một số “nẻo đường luân lý tự thân” dẫn đến “giác ngộ cá nhân” (như Phật Giáo) mà là một cuộc canh tân triệt để, giải thoát đích thực toàn bộ thân phận con người và toàn thể nhân loại trong Đức Kitô mà mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay chính là một “dụ ngôn” diễn tả.

            Vâng, chúng ta có thể nói được, “Thăng Thiên” chính là một “dụ ngôn cuối cùng về cùng đích hay sự viên mãn của Nước Trời” được thánh sử Luca diễn đạt bằng những hình ảnh sống động nơi sách Công vụ Tông đồ “Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông”; được thánh Maccô tóm tắt với những từ ngữ mang tính biểu tượng theo truyền thống Kinh Thánh “Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Trong khi đó, Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, đã cô đọng ý nghĩa Thăng Thiên trong lăng kính “Nhiệm cục Cứu Độ”: “Công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người”.

            Thế nhưng, chắc chắn sứ điệp Phụng vụ Thăng Thiên hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta dừng lại để một lần nữa xác tín và tuyên xưng về “niềm tin Thăng Thiên” của Đức Kitô, cho dù thái độ nầy, niềm tin nầy luôn cần thiết ở mọi nơi và trong mọi thời; nhất là trong thời đại mà chủ nghĩa thế tục và duy vật chất đang “chiếm thế thượng phong” và đang xói mòn “niềm hy vọng vĩnh cửu” nơi rất nhiều người. Cho dù những triết lý duy nhân, duy vật, hiện sinh… của những triết gia như Nietzsche, Karl Marx, Jean-Paul Sartre… không còn là “ăn khách” và mang tính “thời thượng” như thời của thế kỷ 19,20; dù vậy, thế giới quanh ta vẫn còn biết bao người “tôn thờ cái bụng” (Pl 3,19), nhất quyết lựa chọn thà chết để “Restez fidèle à terre” (trung thành với mặt đất) chứ không chịu “ái mộ những sự trên trời” (Mầu nhiệm 2 của Năm Sự Mừng); hay như Thánh Phaolô, “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,2).

            Chính vì thế, mầu nhiệm Thăng Thiên luôn gắn kết với mầu nhiệm Truyền Giáo, như cách diễn tả thâm thuý của thánh sử Luca qua những lời nhắc khéo của “thiên sứ áo trắng”: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”; hay như cách đặt thẳng vấn đề của thánh Máccô qua một mệnh lệnh: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật…”.

            Quả thật, những ngày “sau Thăng Thiên” là những ngày các môn đệ Chúa Kitô “bận bịu” thường xuyên trong nguyện cầu để đón nhận Chúa Thánh Thần và sau đó là tất bật “ra đi làm chứng” trên muôn nẻo trần gian đầy thách đố… với cả máu xương và nước mắt…

            Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, “câu chuyện Thăng Thiên” không là một “cổ tích”, một “huyển tưởng” để vụt sáng lên làm thoả mãn khát vọng của một “cô bé bán diêm” nghèo khổ, đáng thương…, để rồi vụt tắt, mà bên vệ đường cuộc sống vẫn còn nguyên những cái chết đáng thương, tội nghiệp của đói nghèo bất hạnh.

            Không, “Chúa về trời” cũng có nghĩa là “tôi ra đi” để cùng với anh chị em tôi, “chèo ra chỗ nước sâu”, bắt tay xây dựng một thế giới mới. Bởi vì Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô chỉ được vang lên, chỉ được thuyết phục và chỉ được đơm hoa kết trái nơi những con người xác tín, những trái tim rực lửa yêu thương và tâm hồn thiết tha với sứ mệnh. Quả vậy, Đạo Chúa, Chân lý của Chúa… nếu là một chiếc vĩ cầm thật cao quý nhưng lại nằm yên nơi tiệm bán đồ cổ hoặc lọt vào một tay nhà giàu dốt nát, chẳng biết và tha thiết gì đến âm nhạc…, thì mãi mãi chẳng ai thưởng thức được những âm thanh và giai điệu tuyệt vời.

            Vâng, sứ điệp Thăng Thiên hôm nay gọi mời chúng ta hãy lên đường, hãy ra đi để làm cho Tin Mừng của Đức Kitô thành những giai điệu, những âm thanh tuyệt vời vang lên trên mọi nẻo đường thế giới. Đó cũng chính là “viễn tượng Thăng Thiên” mà bao ngàn năm trước, tác giả Thánh Vịnh đã được ơn khải thị để hát lên: “Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người…” (Tv 46, 6-9).

Trương Đình Hiền