LINH MỤC VÀ CHIẾC GHẾ CUỐI Ở NHÀ THỜ

Views: 2

(Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp mừng Ngân Khánh Linh mục)

            Ngay trên đầu thiệp mời “THÁNH LỄ TẠ ƠN THIÊN CHÚA nhân dịp kỷ niệm 25 năm hồng ân thánh chức linh mục” của cha Phêrô Lê Nho Phú, chúng ta thấy in đậm câu Lời Chúa trong Tin mừng Gioan đoạn 13, câu 1: Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1).

            Như vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng: cha Phêrô kính yêu của chúng ta muốn đặt toàn bộ cuộc đời, ơn gọi, sứ vụ linh mục, đặc biệt, cuộc hành trình sống chức linh mục suốt 25 năm của ngài, trong 6 từ đặc biệt này: Người yêu thương họ đến cùng.

            Tôi cho rằng đây là một chọn lựa chuyên chở một sứ điệp căn bản và sâu xa của đức tin Kitô giáo, một niềm tin luôn quy hướng mọi sự về cho Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương con người và yêu thương cho đến tận cùng. Và sự chọn lựa này rất khác, nếu không nói là hoàn toàn khác với những người không tin hoặc không sống cái đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.

Thật vậy, đối với người đời, nhất là những người “duy vật vô thần”, những cột mốc kỷ niệm về cuộc đời, về chức vụ, về hành trình sống gần như chỉ đặt trên những thành tựu hay giá trị trần tục: các chính trị gia thì thích khoe: Kinh tế tăng trưởng được bao nhiêu con số, bao nhiêu cuộc khủng hoảng được giải quyết, tiến bộ khoa học, kỹ thuật tới mức nào…; các tay đại gia tỷ phú thì: bao nhiêu chiếc xe sang, bao nhiêu căn biệt thự đắt tiền, bao nhiêu mét vuông bất động sản…; mấy nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ ca sĩ… thì cũng khoe: bao nhiêu tác phẩm được giải thưởng, bao nhiêu công trình nghiên cứu được công nhận, bao nhiều bản nhạc hit đạt triệu view…

Thế nhưng, như Lời Chúa trong sách Giảng viên: “Phù vân trên mọi phù vân, của đời hết thảy chỉ là phù vân” (Gv 12,8), cha Phêrô kính yêu của chúng ta đã không nhìn lại con đường 25 linh mục của mình để đếm được bao nhiêu giáo xứ đã đi qua, bao nhiêu công trình mục vụ đã cất công xây dựng, bao nhiêu người con linh mục và tu sĩ đã nuôi dạy nâng đỡ, bao nhiêu thành tựu tông đồ và mục vụ được hoan nghênh…, nhưng ngài đã chọn đặt cột mốc 25 năm hồng ân thánh chức linh mục trên một nền tảng duy nhất: Người đã yêu thương đến cùng.

Chính trong điểm quy chiếu cơ bản đó, cha Phêrô đã phóng nhìn cuộc đời linh mục của mình không chỉ giới hạn ở khoảng thời gian 25 năm mà là một hành trình xuyên suốt ngay từ thuở đời đời, như ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi” (Gr 1,5); hay cụ thể hơn, ngay từ khi Ta kêu gọi, dẫn dắt con những bước chập chững đầu tiên khi con con là một cậu bé như Samuel trong giấc mộng năm nào mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ con đây” … Đức Chúa đến và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!”. Samuel thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”. Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”.

Quả thật, đây là một đoạn lời Chúa thật tuyệt vời liên quan đến từng mỗi ơn gọi của chúng ta. Chúng tôi cảm ơn cha Phêrô đã qua những cảm nhận của cha trong Thánh lễ Tạ ơn này để chuyển tải đến chúng tôi sứ điệp Lời Chúa về ơn gọi và để nhớ lại, sống chính ơn gọi của mình; để không ai trong chúng tôi xem thường tiếng gọi của Chúa trên cuộc đời mình như Samuel xưa:“không để một Lời nào của Chúa trở nên vô hiệu”.

Từ niềm xác tín rằng: điểm xuất phát của hồng ân linh mục là sự quan phòng, yêu thương, chọn gọi của Thiên Chúa tình yêu qua hình tượng Samuel, cha lại soi cuộc đời, đặc biệt 25 năm hành trình mục tử của mình, trong chính chức linh mục của Đức Kitô, Đấng mà thư Do Thái (Bài đọc 2) đã định nghĩa: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời…”. Quả thật,khi đặt hồng ân thánh chức trong viễn tượng này, chúng ta sẽ không để cuộc đời linh mục rơi vào một thứ chủ nghĩa đang chi phối xã hội Việt Nam chúng ta: chủ nghĩa công chức, chủ nghĩa nhiệm kỳ”: Khi nào cờ nắm trong tay thi tôi mới phất; tôi phải được sai đến giáo xứ này, cộng đoàn này mới thích hợp; đời linh mục còn dài mà, tội gì bôn ba cho mệt xác … Thư Do thái hôm nay nhắc cho cha Phêrô và cho mỗi chúng ta rằng: “Đức Giêsu Kitô là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập Giao ước vĩnh cửu. Xin Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người…”. Như thế, không cần đợi đến 25 năm, 50 năm linh mục, khấn dòng hay hôn phối… chúng ta mới tạ ơn, mới nhìn lại, mới sám hối… mà mỗi ngày đều là một ngày tạ ơn với Đức Kitô, soi cuộc đời trong Đức Kitô, và sám hối trở về với Đức Kitô…; vì Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời…”.

Sau hết, nhân cuộc mừng kỷ niệm 25 năm hồng ân thánh chức hôm nay, có thể cha Phêrô muốn nói lên một điều dốc lòng, một cam kết cho những ngày sắp tới trong cuộc đời và sứ vụ linh mục của mình: đáp trả tình yêu bằng hành vi “Rửa chân”: Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng… Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau…”.

Khi được đọc lại sứ điệp Tin mừng về việc Chúa rửa chân cho các môn sinh trong đêm tiệc ly cùng với sứ điệp “yêu thương và phục vụ” được Chúa ký thác cho các ông, tôi chợt nhớ tới lời khuyên của một cha linh hướng dành cho một linh mục trẻ về “chiếc ghế cuối nhà thờ”: “Sau khi con chịu chức, con đừng quên chiếc ghế phía cuối nhà thờ mà thỉnh thoảng con vẫn ngồi…hãy quay lại ngồi vào chiếc ghế đó một vài lần trong tháng trước giờ lễ”. Khi chúng ta tập ngồi ở những chiếc ghế đó, chúng ta tập đi vào cuộc đời của tất cả những anh chị em trên, chúng ta tập đặt câu hỏi tìm hiểu xem, họ đang cần gì nhất nơi Chúa…và mong đợi gì nhất từ người linh mục của Ngài. Nhưng hơn bao giờ hết, biết đâu nơi chiếc ghế cuối nhà thờ, chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa đang ẩn mình trong những tâm hồn đau khổ chờ đợi ta. Một trong những nguyên tắc phải có của người đi chữa lành tâm hồn, là người phải biết thấu cảm, và biết ngồi ở hai chiếc ghế khác nhau, chiếc ghế của mình, và chiếc ghế của bệnh nhân mình. Chỉ khi nào mình hiểu được nỗi lo âu, sự đau khổ của người bệnh, của người giáo dân nơi chiếc ghế họ đang ngồi thì mình mới có khả năng chữa lành cho họ một cách hiệu quả. Và một trong những nguy cơ lớn của người linh mục là vì họ được nâng lên trên cao, trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, họ không còn hiểu được vị trí thấp bé ngày nào họ đã từng ngồi nữa, trái tim của họ dần dần xa cách những tâm hồn bé nhỏ mọn hèn, họ lo sợ cho chiếc ghế của mình vì thế không còn khả năng để hiểu được tâm hồn của anh chị em giáo dân mình, thay vào đó là sự nóng nảy, cứng nhắc và kiêu ngạo…”.

Tôi tin rằng, với 25 linh mục và đã từng phục vụ anh chị em mình từ Sông Cầu, qua Ghềnh Ráng và hôm nay Qui Đức, chắc chắn cha Phêrô đã biết bao lần ngồi ở chiếc ghế cuối nhà thờ để cầu nguyện, để cảm thông, để yêu thương và để học biết phải “rửa chân” như thế nào theo gương Đức Kitô. Chắc chắn khi chọn câu châm ngôn “Người đã yêu thương đến cùng”, cha Phêrô muốn cho mình mãi mãi phấn đấu để “đáp trả tình yêu” của Thiên Chúa từng ngày trong cuộc sống. Đây cũng chính là lời khuyên dạy của chính Đức Tân giáo hoàng Lêô XIV trong lễ Thánh Tâm vừa qua, ngày cầu nguyện xin ơn thánh hóa các linh mục. Vâng Đức Thánh cha đã nói: Hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Hãy quảng đại, sốt sắng trong việc cử hành các Bí tích, trong đời sống cầu nguyện – đặc biệt là Chầu Thánh Thể – và trong sứ vụ. Anh em hãy gần gũi đoàn chiên, dành thời gian và sức lực cho mọi người, không phân biệt, không tiếc mình – như vết thương cạnh sườn của Đấng Chịu Đóng Đinh và gương sáng của các thánh đã dạy chúng ta…”.

Cha Phêrô kính mến, con đường dài nào cũng khiến người lữ hành mỏi mệt. Với cuộc hành trình 25 năm linh mục mà cha Phêrô không cảm thấy một chút mỏi mệt nào là chuyện lạ. Vâng, mỏi mệt vì con người, vì bổn phận, vì sức khỏe, vì những áp lực mục vụ… Phải chăng để cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta luôn tìm được niềm vui và nghị lực Thánh Thần, tìm được sức trẻ và niềm hy vọng của ân sủng mà Giáo hội đã mở Năm Thánh hành hương hy vọng. Ước gì cuộc hành trình linh mục của cha sẽ hòa chung vào cuộc hành hương Năm thánh của Giáo hội để dẫn tới cuộc gặp gỡ Đức Kitô, không chỉ ở cuối đường hành hương mà là trên mọi chặng đường cuộc sống; và như thế, cho dù có mỏi mệt, vất vả, thương đau, cha vẫn có thể giữ mãi trên môi nụ cười, như những lời thơ của cha Trăng Thập Tự trong bài thơ “Theo Ngài”:

Người về em bước theo sau,

Đường xa quảy gánh thương đau, thoảng cười.

Gánh thương đau bước theo Ngài,

Thấy từng giọt thắm nở tươi đóa hường…

Trương Đình Hiền