Ma quỷ, phân định và sự thánh thiện

Views: 54

Lm. Giuse Võ Tá Hoàng
(Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2018)

Tông huấn thứ ba, Gaudete et Exsultate, (sau Evangelii Gaudium và Amoris Laetitia) của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lôi kéo sự quan tâm của nhiều người vì mục tiêu rất đặc biệt của nó. Mục tiêu rất mới của Tông huấn này là lời kêu gọi nên thánh trong thời đại chúng ta. Theo Đức Thánh Cha, việc nên thánh không phải là cái gì đó cao siêu, khác thường, nhưng được thực hiện trong cuộc sống bình thường, với tất cả những giới hạn và yếu hèn của con người. Trong Tông huấn, Đức Phanxicô cũng đã chỉ ra rất nhiều con đường nên thánh và nhiều mẫu gương thánh thiện trong cuộc sống thường nhật.[1] Tuy nhiên, con đường nên thánh không hề dễ tí nào, nó được nhắc đến như một cuộc chiến lâu dài chống lại ma quỷ, thủ lãnh của sự dữ, với những chướng ngại do ma quỷ đặt ra.

“Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Nó đòi hỏi sức mạnh và can đảm để kháng cự những cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin mừng. Cuộc chiến đấu này cao đẹp bởi vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi lần Thiên Chúa chiến thắng trong cuộc đời của ta”.[2]

Để có thể chiến thắng trong trận chiến này, Tông huấn mời gọi các tín hữu phải biết tỉnh thức và phân định, không phải để khám phá xem ta có thể kiếm lợi thêm được những gì ở đời này, nhưng để biết được một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ?[3]
Cuối cùng nên thánh là đích điểm mà con người cần phải vươn tới, đó là hạnh phúc Thiên Chúa muốn dành cho ta khi dựng nên chúng ta. Ngài muốn chúng ta phải là những vị thánh chứ không chỉ hài lòng với một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường.[4] Tuy nhiên để chiếm hữu được nguồn hạnh phúc ấy, cần phải có một tinh thần sáng suốt và kiên định, vượt qua mọi mưu mô cám dỗ dưới sự hướng dẫn của Thần Khí ngõ hầu đạt đến sự thánh thiện như lời Chúa mời gọi: “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1Pr 1,16).

“Mỗi người đều có thể nên thánh, nếu họ sống trong sự kết hiệp sinh động với Chúa Kitô. Qua ơn thánh và tình yêu, Chúa huấn luyện chúng ta trong tất cả những thiếu sót của chúng ta.”[5]

I. MA QUỶ THEO CÁI NHÌN CỦA ĐGH PHANXICÔ

1. Ma quỷ là có thật

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, ma quỷ không phải là một nhân vật huyền thoại nhưng có thật. “Hãy coi chừng ma quỷ! Ma quỷ có đó! Nó hành động trong bóng tối, thao túng tâm trí và ăn mòn con tim. Ma quỷ đang hiện diện đó! ngay cả trong thế kỷ XXI này. Anh chị em đừng ngây thơ.”[6] 

 “Thật chính xác để tin chắc rằng quyền lực ác độc này đang hiện diện giữa chúng ta, nó cho chúng ta hiểu được sự dữ đôi khi lại có sức tàn phá đến như thế”. Và “chúng ta không nên nghĩ ma quỷ như một huyền thoại, một biểu tượng, một vai diễn, một nhân vật được phóng đại hay một ý tưởng. Sai lầm này khiến chúng ta mất cảnh giác, bất cẩn, không đề phòng và kết cuộc dễ bị tấn công hơn.”[7]

Thật vậy, ma quỷ là có thật, và chúng ta đang chứng kiến sự hủy hoại đến mức kinh khủng của nó đang diễn ra từng ngày trong thế giới hôm nay. “Đã quá đủ khi mở tờ tạp chí, chúng ta thấy sự dữ đang hiện diện xung quanh chúng ta, “thần dữ” đang hoạt động tích cực”.[8] Truyền thống Kinh thánh và Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta thấy sự hiện diện rõ ràng và những hoạt động đầy mưu mô của ma quỷ trong thế gian.[9] “Ma quỷ không nhất thiết phải chiếm hữu chúng ta, nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc của hận thù, ghen ghét, thất vọng và trụy lạc”.[10] Khi chúng ta khước từ mọi thứ bảo vệ mình, ma quỷ sẽ tấn công để phá hủy cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta. “Chúng như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).[11]

Tuy nhiên, chúng ta không phải tuyệt vọng. Số 395 của sách Giáo lý Hội thánh bảo đảm rằng: “Sức mạnh của satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có sức mạnh vì là thuần linh nhưng vẫn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Vương Triều của Thiên Chúa.”[12] 

2. Cha đẻ của gian dối

Trong bài giảng sáng thứ sáu ngày 13/10/2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến các hành động cám dỗ của ma quỷ, rất ngọt ngào và quyến rũ; nó xâm nhập vào linh hồn con người rất nhẹ nhàng: “gõ cửa, xin phép, bấm chuông, rất lịch sự”; nó bước vào trong thinh lặng, bắt đầu trở thành một phần của đời sống. Với ý tưởng và những thúc đẩy của nó, nó giúp con người sống tốt hơn, và từ đó, bước vào đời sống, tận bên trong, bắt đầu thay đổi họ, nhưng âm thầm không gây ra tiếng ồn. Ma quỷ từ từ thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta, đưa chúng ta đến tình trạng thế tục; nó ngụy trang theo cách hành động của chúng ta và hầu như chúng ta không thể nhận ra điều đó.[13] Ma quỷ xứng đáng với tên gọi “là cha đẻ của sự gian dối.” 

“Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). 

– Những phương cách chống lại con người

Ma quỷ không bao giờ biến mất vĩnh viễn, cho đến ngày tận thế, nó luôn tìm mọi cách để chống lại chúng ta. Mục tiêu của nó là làm cho chúng ta mất niềm hy vọng, hằng ngày gieo hạt giống bi quan và cay đắng trong tâm hồn chúng ta; nó cũng là kẻ gieo cỏ lùng để tạo nên sự chia rẽ. “Có một cám dỗ mà quỷ rất thích: cám dỗ chống sự hiệp nhất […] tạo ra chiến tranh nội bộ, một loại chiến tranh dân sự và tinh thần”… Satan là tên khuyến dụ, người đặt bẫy và người quyến rũ: “Nó khéo léo, trình bày mọi chuyện theo kiểu những chuyện này là tốt, nhưng chủ ý của nó là muốn hủy hoại tất cả.”[14] 

– Tinh thần bại hoại

Hành động của ma quỷ thể hiện chủ yếu trong “tinh thần bại hoại”, đó là một loại chất độc tồn tại nơi con người cốt yếu để làm u mê các giác quan thiêng liêng. Tinh thần bại hoại được diễn tả trong sự uể oải và buồn bã; trong tăm tối của cái nhìn thiêng liêng, không còn khả năng để thấy sự dữ cũng như không thể chống lại nó. Hay nói cách khác, tinh thần bại hoại là sự trì trệ và thất bại không thể tránh được trong cuộc chiến hướng đến sự thánh thiện. 

“Sự hủ bại tinh thần còn tồi tệ hơn việc một người sa ngã phạm tội, vì đó là một thứ thoải mái và tự mãn mù lòa, chuyện gì cũng coi như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tìm mình khác rất tinh vi, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!”[15]

Không còn nghi ngờ gì nữa vì cuộc sống chúng ta phải đối mặt với cám dỗ của ma quỷ và trong nhiều trường hợp chúng ta ngập ngừng trước những thử thách. Lời Chúa rõ ràng mời gọi ta “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của Ác Thần” (Ep 6,16).[16]

3. Một trận chiến không ngừng

Cuộc sống của Chúa Giêsu là một cuộc đấu tranh, Ngài đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng hoàng tử của thế gian. Cũng vậy, cuộc sống của người kitô hữu là một cuộc chiến không ngừng. Vì hoàng tử thế gian này là ma quỷ không muốn sự thánh thiện của chúng ta, không muốn chúng ta bước theo Chúa Kitô và thuộc về Ngài. 

“Đây không chỉ là một cuộc chiến chống lại thế gian và não trạng trần tục đang đánh lừa ta, khiến ta thành mê muội và tầm thường, mất hết nhiệt tình và niềm vui. Nó cũng không giản lược vào chuyện vật lộn với những yếu đuối mỏng dòn và những xu hướng thấp hèn (có thể là lười biếng, tà dâm, tham lam, ganh tị hay bất kỳ điều gì khác). Nó còn là một cuộc chiến đấu triền miên chống lại ma quỷ, thủ lãnh của sự dữ.”[17]

– Những phương cách chống lại ma quỷ: 

“Với cuộc chiến này, ta có thể dựa vào các vũ khí mạnh mẽ Chúa đã ban cho ta: việc vững tin cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành thánh lễ, chầu Thánh Thể, Bí tích Hòa giải, các việc bác ái, sống hiệp thông chia sẻ, và dấn thân truyền giáo. Nếu không cẩn thận, ta dễ bị những lời hứa hão của thần dữ quyến rũ.”[18]

“Trong lộ trình này, việc phát huy những điều thiện, sự trưởng thành tâm linh và lớn lên trong đức ái là cách tốt nhất để đối phó với sự dữ. […] Chiến thắng của Kitô hữu luôn luôn là một thập giá, nhưng cùng lúc thập giá cũng là biểu tượng của chiến thắng, cần được ưu ái mang theo để quyết liệt chiến đấu chống lại những cuộc tấn công của sự dữ.”[19]

Cuộc chiến này đòi hỏi phải tỉnh thức. “Cần phải duy trì tỉnh thức, không chịu thua trước tinh thần u mê, đừng bao giờ làm quen với đổ ngã, nhưng luôn đón nhận Lời Chúa hầu ngăn cản tâm hồn chúng ta trở nên chai lì, cứng cỏi, vô cảm đối với ý muốn của Thiên Chúa và vì vậy mà thành miếng mồi của một tinh thần bại hoại.”[20]

Điều khó thực sự là nhận ra sự dữ như là nguyên nhân căn bản nhất của tinh thần bại hoại. Ở đây, Đức Giáo hoàng đề nghị một phương pháp theo linh đạo của thánh Inhaxiô Loyola, đó là phân định. Đây cũng là một trong những đề tài chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về Giới trẻ năm 2018 với chủ đề: “Giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi”.

Phân định là điều phòng giữ ta khỏi rơi vào tinh thần bại hoại hoặc khỏi rơi vào quyết định bại hoại, mỗi khi con người ngã vào đó. Phân định được nảy sinh như một điều kiện cho phép ta có khả năng nhận biết điều thiện và điều ác, cho phép ta nhận ra điều gì đến từ Thiên Chúa và những gì xuất phát từ ma quỷ. Phân định như là linh hồn và điều kiện khởi đầu của sự thánh thiện: bởi vì nó được xây dựng từng bước một, được thực hiện qua những việc nhỏ bé, làm cho nó cụ thể trong những chọn lựa mỗi ngày, nó cần khả năng đọc được hoạt động của thần khí xấu đang làm cho con người xa cách Thiên Chúa và ước muốn của Ngài. 

II. PHÂN ĐỊNH 

Trong các Tông huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đề tài về phân định được đặt ở vị trí quan trọng, và được xem xét cách cẩn thận. Phân định “không phải chỉ cần thiết vào những thời điểm khác thường, khi ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hoặc phải có một quyết định quan trọng. Phân định là một công cụ chiến đấu giúp ta theo Chúa cách tốt hơn.”[21]

Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của phân định trong các chiều kích riêng biệt của nó. 

1. Phân định là gì?

Chúng ta biết rằng nhiều người thường không nhìn thấy các vấn đề một cách rõ ràng và dễ bị lừa gạt về nội dung và cả ý nghĩa của nó. Phân định là khả năng đưa ra những phán đoán, cân nhắc, đánh giá, chọn lựa cách đúng đắn giữa các tình huống và các hành động khác nhau của cá nhân hoặc cộng đoàn. Sự phân định tác động rất nhiều đến cách sống của chúng ta:

– Nó hoạt động như một phương tiện, bảo vệ chúng ta khỏi bị lừa dối thiêng liêng, bảo vệ chúng ta khỏi bị tấn công bởi những luồng “gió độc”, khiến cho những yếu tố trọng tâm của Tin mừng trở thành ngoại biên.
– Phân định cũng đóng vai trò như một công cụ chữa lành khi được thực hiện trong ân sủng. Một số người có khả năng chẩn đoán được nhu cầu thiêng liêng của người khác và giúp họ chữa lành những vết thương thối rữa trong tâm hồn.
– Phân định là chìa khóa cho sự tự do của người tín hữu. Người có lòng nhiệt thành nhưng không sáng suốt sẽ trở thành nô lệ cho người khác, cho lương tâm vô học của chính mình, cho một kiểu mẫu chưa hề tồn tại trong kinh thánh. Trưởng thành trong sự phân định giúp chúng ta thoát khỏi sự trói buộc này và cho phép chúng ta tự do hơn trong sự chọn lựa của mình.[22]

2. Phân định thiêng liêng

Là việc phán đoán dựa trên đức khôn ngoan và sự hướng dẫn của Thần Khí để nhận ra ý Chúa và làm theo sự thúc đẩy của Ngài.[23]

Phân định là một từ luôn được nhắc nhiều trong truyền thống Kitô giáo, đặc biệt trong thần học luân lý và linh đạo của dòng tên. Phân định thiêng liêng luôn được coi là ơn cần thiết để biết được ý muốn của Thiên Chúa.

Thánh Antôn nói rằng: Con đường thích hợp nhất để dẫn đến Thiên Chúa là biết phân định, được Phúc âm Matthêu nhắc đến như là ngọn đèn và con mắt của thân thể (x. Mt 6,22-23). Nó “phân biệt tất cả mọi tư tưởng và hành động của con người, thẩm tra và nhận ra trong ánh sáng điều mà chúng ta phải thực hiện”. Và các giáo phụ cho rằng: “phân định là mẹ và là người bảo vệ của tất cả mọi nhân đức.”[24] 

Thánh Inhaxiô Loyola đã đưa ra 14 nguyên tắc để cảm nhận và làm quen với một số tác động khác nhau xảy ra trong linh hồn: những điều thiện để đón nhận nó và những điều xấu để tránh xa.[25]

Trong ngôn ngữ của thánh Phaolô (1Cr 12,10), “phân định thiêng liêng” là khả năng phân biệt những gì Chúa Thánh Thần gợi lên trong tâm hồn của người tín hữu. Hay nói cách khác, phân định là cảm thức nội tâm về các sự vật, sẵn sàng và tỉnh thức để hiểu và chọn lựa điều tốt trong mọi hoàn cảnh, “để nhận ra cái gì là tốt” (Pl 1,10): nó nảy sinh từ hành động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn người tín hữu (x. 1Ga 1,20.27). Phân định thiêng liêng vì thế không thể được xem như tiêu chuẩn kỹ thuật hay một “công thức” được xác định sẵn, nhưng nó là ơn hiểu biết và phê phán, đến từ ánh sáng nội tâm, được gợi hứng và duy trì bởi Lời Chúa.

Điều quan trọng trước hết cho thấy phân định đến từ chính Chúa Giêsu, Đấng mời gọi con người suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, và tự quyết định cho Nước Thiên Chúa : “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,56-57); “Đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán cho công minh” (Ga 7,24). Vì thế, Thánh Phaolô phân tích tiến trình điều chỉnh đời sống kitô hữu như sau : “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1Tx 5,21-22), và thánh Gioan khuyến cáo : “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4,1).[26]

2.1. Để có cái nhìn của Thiên Chúa.

Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, trong buổi gặp gỡ đầu tiên với các tân giám mục, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu mời các giám mục “hãy trau dồi thái độ lắng nghe, lớn lên trong tự do để từ bỏ quan điểm của chính mình, để chấp nhận quan điểm của Thiên Chúa”.[27] Bằng những lời lẽ đơn sơ, Đức Giáo hoàng muốn nói rằng, qua việc phân định, chúng ta mới có thể bỏ đi mọi định kiến và những quan điểm giới hạn của chúng ta, đồng thời đưa ra một quan điểm mới, quan điểm của Thiên Chúa. Ngài nói tiếp: “Chúng ta sẽ bị cuốn hút vào “cách thức để cảm nhận những kế hoạch của Thiên Chúa từ trong trái tim của Ngài.”[28]

Phải chăng chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được mọi thứ giống như Thiên Chúa? “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Tuy nhiên, chúng ta không cần phải đọc hết những lời này từ sách Isaia như một lệnh cấm nhằm chống lại cố gắng để hiểu được tư tưởng của Thiên Chúa. Thay vào đó, vị tiên tri mời chúng ta bước ra khỏi quan điểm hạn chế của mình, và đề nghị chúng ta tiếp nhận tư tưởng khác biệt của Thiên Chúa. Isaia đòi hỏi chúng ta nhìn thấy mọi thứ bằng cái nhìn mới, cái nhìn của Thiên Chúa.

Thật thú vị khi thấy một đứa trẻ nghĩ rằng chúng có thể biến khỏi tầm quan sát bằng cách đơn giản là nhắm mắt lại. Rob Marsh SJ – linh mục chuyên về linh đạo dòng Tên – cho biết: “cho đến năm lên 4 tuổi, chúng tôi không hề biết có sự khác biệt giữa ý nghĩ của người khác với ý nghĩ của chúng tôi. Rất nhiều trẻ em nghĩ rằng người khác nhìn thấy điều mà chúng thấy, cảm nhận được những gì chúng cảm nhận. Nhưng đến giai đoạn nào đó, những đứa trẻ rơi vào chứng “thiểu năng trí tuệ” của mình và chúng hiểu rằng người khác có tư tưởng, ước muốn và quan điểm khác với chúng.

Những điều trên nói cho chúng ta điều gì về kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa? Chúng ta thường có khuynh hướng bị mù mờ khi nói đến Thiên Chúa: Chúng ta nghĩ đơn giản rằng Thiên Chúa biết những gì chúng ta biết, nhìn thấy những gì chúng ta nhìn thấy; và kết quả là chúng ta hiếm khi dừng lại để hỏi Thiên Chúa điều mà Ngài thấy và biết hay cảm nhận thực sự.”[29] Theo Marsh, điều cần thiết là xin Thiên Chúa loại bỏ chứng “thiểu năng trí tuệ” khỏi chúng ta và nhận biết Thiên Chúa như đang hiện diện thực sự trong lời cầu nguyện của chúng ta, với những nhận thức, suy nghĩ và ước muốn của chính Chúa.”[30]

Bản thân Đức Giáo hoàng là một trong những người bị cuốn hút bởi ánh mắt của Chúa Kitô. Ngài thường khuyên dạy chúng ta hãy biết mở lòng cho kinh nghiệm ân sủng đã từng biến đổi ngài: bằng cánh nhận biết cách mà Thiên Chúa nhìn thế gian và nhìn thấy chúng ta.

Đối diện với Thiên Chúa bằng trái tim rộng mở, hãy để Chúa nhìn chúng ta, để thấy được cái nhìn yêu thương mà Nathanael đã thấy vào ngày mà Chúa Giêsu đã nói với ông : “Tôi đã thấy anh dưới gốc cây vả”[31](Ga 1,48). Bằng phân định chúng ta được mời để ý, nhìn qua, để cảm nhận được mọi điều từ bên trong trái tim của Thiên Chúa.

2.2. Như một giác quan thiêng liêng

Làm sao để chúng ta có thể hòa mình vào trong tư tưởng của Thiên Chúa? Suy nghĩ hiện đại có thể gặp thấy những khó khăn khi nhận ra các kiểu nhận thức ngoài tri thức khoa học. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, phân định, có lẽ giống như nhận thức đạo đức hay thẩm mỹ, “nó không loại trừ những đóng góp của những kiến thức nhân bản, hiện sinh, tâm lý, xã hội học hay luân lý”[32], nhưng là một loại tri thức vượt ra ngoài nhận thức lý trí:

“Để chia sẻ tình thương nhiệm mầu của mình, Thiên Chúa ban cho toàn thể các tín hữu một bản năng đức tin—sensus fidei—là khả năng giúp họ phân định rõ cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thần Khí ban cho người Kitô hữu một sự đồng bản tính nào đó với các thực tại của Thiên Chúa, và một sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác, cả khi họ không có đủ phương tiện cần thiết để diễn tả nó một cách chính xác.”[33] 

Ở đây Đức Giáo hoàng diễn tả phân định như là sự khôn ngoan, bản năng, trực giác. Là những người đã chịu phép rửa, chúng ta trải nghiệm được “sự kết nối” – một mối tương quan – cộng hưởng – với tâm linh. Chúng ta có kinh nghiệm tri thức về những gì là của Thiên Chúa, và điều gì đi ngược lại, bằng cách cảm nhận những điều thuận hay nghịch với cuộc sống của Thần Khí trong chúng ta. Do đó phân định có thể được diễn tả như một loại giác quan thiêng liêng. Lớn lên trong sự phân định giống như là phát triển “thính giác” thiêng liêng đối với “âm nhạc của Thần Khí”.[34] Các giác quan khác cũng cung cấp những ẩn dụ hữu ích: phân định như là khứu giác “ngửi” được sự hiện diện của Thiên Chúa; như “thị giác” sắc bén để nhìn thấy những dấu ấn của Thiên Chúa; như xúc giác để cảm nhận những điều đến từ thần khí tốt; và như “vị giác” để nếm được mọi hương vị Thánh Thần.

Với tất cả các khả năng giác quan này, phân định không chỉ là một phần của bộ máy giác quan, nhưng còn là điều kiện thuận lợi để được nuôi dưỡng. Một người không sành rượu vang không có khả năng nói về sự khác biệt giữa rượu lâu năm với một chai rượu rẻ tiền. Tuy nhiên điều đó không khó đối với người nếm rượu chuyên nghiệp, đã được học qua cách nếm mùi và phân biệt các hương vị cũng như thành phần làm nên rượu. Tương tự như vậy, qua việc chú tâm, chúng ta có thể tinh chỉnh được các giác quan thiêng liêng, khả năng của chúng ta để nói lên sự khác biệt giữa thần khí tốt và thần khí xấu trong kinh nghiệm của chúng ta. Cảm tính được rèn luyện này thật quý giá, bởi vì nó cảnh báo cho biết những gì sẽ phá hủy các tiến bộ của chúng ta và giúp chúng ta lên dây đàn đời mình để truyền sức sống cho âm nhạc của Thần Khí.

2.3. Phân định là tặng phẩm

Như đã nói rằng khả năng phân định có thể được mài dũa. Chúng ta có thể bị cám dỗ để suy tưởng rằng nó là kỹ năng chuyên biệt có thể làm chủ được. Mặc dù chắc chắn rằng chúng ta có thể phát triển khả năng nhận thức, nhưng cần lưu ý rằng, với Đức Giáo hoàng việc phân định không phải hệ tại ở vấn đề kỹ thuật. Ngay cả những quy tắc của thánh Inhaxiô cũng không phải là những công thức đem lại những kết quả cách tự động. Đức Giáo hoàng nhắc chúng ta rằng, phân định trước hết và trên hết đó là một tặng phẩm, là một ơn Chúa ban. Cho nên, “sự phân định không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc có học thức cao, và Chúa Cha đã vui lòng tỏ mình ra cho những người bé nhỏ (x. Mt 11,25).”[35]

Chúng ta nhớ đến lời cầu nguyện rất tuyệt vời của Salomon, tại Gibon ông xin Chúa cho ông có khả năng phân định: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế? Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó….” (1V 3,5-12). 

2.4. Ơn của Thánh Thần

Chúng ta biết rằng khả năng phân định hay chọn lựa được ban cách riêng cho con người hiện hữu trong thế gian: đó là sự phân định xuất phát từ lý trí và khôn ngoan của con người. Nhưng phân định thiêng liêng không đến từ “máu huyết và xác thịt” (x. Ga 1,14), nó là hoạt động đến từ vai trò của Thánh Thần.“Phân định không chỉ đòi hỏi một khả năng tốt để lý luận và khả năng cảm nhận thông thường, mà còn là một ơn cần phải cầu xin. Nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần với lòng tin tưởng, và đồng thời cố gắng trau dồi nó bằng lời cầu nguyện, suy ngắm, đọc sách và khuyên bảo điều tốt, chắc chắc chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng thiêng liêng này.”[36]

Thật vậy, phân định là ơn của Chúa Thánh Thần, Ngài đóng vai trò quyết định trong toàn bộ tiến trình phân định. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta nhìn thấy sự thật. Chúng ta có thể học toàn bộ lịch sử ơn cứu độ, có thể học toàn bộ thần học, nhưng nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta vẫn không thể hiểu được. Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận biết sự thật; chính Ngài làm cho chúng ta nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: “Chiên ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.[37] Nhờ Thánh Thần mà chúng ta nhận lãnh qua phép rửa, cho phép ta nhận biết được những gì đến từ Thiên Chúa, mà theo bản năng con người có thể xem như chuyện điên khùng hay gương xấu, nhưng dưới ánh sáng của Thánh Thần chúng xuất hiện như sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa (x. 1Cor 1,22-25). Thánh Phaolô khẳng định: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa…. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1Cor 2,9-10.12).

Theo cách này, Thánh Thần ngự vào trong tâm hồn các tín hữu, và cho phép họ mang tâm thức và tư tưởng của Chúa Kitô (x. 1Cor 2,16). Nhờ việc xức dầu của Ngài (1Ga 2,20.27) ta có được khả năng phân biệt ý muốn của Thiên Chúa, là điều đẹp lòng Chúa, phân biệt được kế hoạch của Ngài trên chúng ta và có khả năng nhận biết tình yêu nhưng không của Ngài, một tình yêu được đón nhận nhờ ơn của Thánh Thần chứ không vì ta xứng đáng.

2.5. Để Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta.

Đến đây chúng ta có thể biết được cái nhìn của Đức Giáo hoàng về phân định. Ngài diễn tả phân định như một kiểu khôn ngoan giữa những màu đen trắng của cuộc sống, một khả năng phân biệt lúa mì giữa cỏ dại.[38] Hoặc ngài nhìn thấy phân định như là việc cấp bách và thúc dục chúng ta dọc theo con đường không hệ tại ở sự hoàn hảo nhưng tiến bộ dần dần[39]. Ngài cũng nói về một Giáo hội phân định như là một Giáo hội biết lắng nghe nhau, một Giáo hội mà trong đó mỗi người lắng nghe nhau cách khiêm nhường để có thể lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần.[40]

Đối với Đức Giáo hoàng phân định là một quan điểm mới, một ý nghĩa thiêng liêng, một ân sủng. Cầu nguyện để trở nên sáng suốt hơn, vì thế chúng ta có thể xin Chúa giúp chúng ta nắm chắc được cách nhìn sự vật của Ngài, xin Ngài ban cho chúng ta đôi tai dành cho âm nhạc của Thần Khí, và giữ lòng chúng ta luôn rộng mở, trong những hạnh phúc dễ đổi thay, để sự thúc đẩy của Thần Khí như một ơn ban. Đức Giáo hoàng khuyến khích tất cả chúng ta lớn lên trong cách thực hành đời sống kitô hữu này: “Mỗi người tín hữu và mọi cộng đoàn phải biết phân định con đường mà Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta”.[41] Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta sáng suốt để tìm hiểu sự tiếp cận tích cực với Thánh Thần, để cho Ngài khai sáng, hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta đến bất cứ nơi nào Ngài muốn.

3. Phân định mục vụ

Trong vòng 5 năm sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, qua các bài giảng, những buổi tiếp kiến cũng như trong các tông huấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều đến phân định. Qua đó có thể hiểu được rằng phạm trù phân định này rất rộng lớn, nó bao trùm trên tất cả những hoạt động từ đời sống thiêng liêng cho đến những hoạt động mục vụ khác của Giáo hội.

Phân định mục vụ là một tiến trình thực hiện qua đối thoại, trong bầu khí tin tưởng và cầu nguyện, giữa người mục tử và người tín hữu – khi là cá nhân – có khi là cộng đồng. Mục tiêu của nó là chân thành và cân bằng sự hiểu biết về thực tại của mình từ phần của người tín hữu, để tăng trưởng tốt và trưởng thành hơn trong đời sống kitô hữu. Vì thế, không phải người mục tử phải chỉ ra hay đề nghị các giải pháp, nhưng là chính người tín hữu tự định hướng để đưa ra quyết định có ý thức và trách nhiệm, phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng được Giáo hội gìn giữ.[42]

Tuy nhiên, trong các tông huấn, các bài giảng và những cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục và giáo dân trên thế giới, trước hết và trên hết, Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phân định đối với người mục tử trong vai trò là người hướng dẫn cộng đoàn. Vì “người mục tử cần phải “sáng suốt phân định” trong phán đoán của mình, cần phải có “cái nhìn riêng biệt” tuỳ vào “mỗi trường hợp khác nhau”. Chúng ta hẳn biết, chẳng có “liều thuốc toàn hảo” nào cho các hoàn cảnh đó cả.”[43]

3.1. Trách nhiệm của người mục tử.

Vị mục tử đích thực thì biết cách phân đinh, cảnh giác về cơn cám dỗ của ma quỷ. Cha đẻ của sự gian dối là một tên cám dỗ. Vị Mục Tử thì không. Vị mục tử thì yêu thương […] Do đó, tính cách đầu tiên của Vị Mục Tử “là đầy đam mê, nhiệt thành”. Tính cách thứ hai là “một người biết cách phân định: phân định mối nguy nằm ở đâu, ân sủng ở đâu … con đường thật ở đâu”. Điều này có nghĩa là người mục tử luôn đồng hành với đoàn chiên của mình: trong những thời khắc tuyệt vời và thậm chí là trong những thời khắc tồi tệ; ngaycả trong những thời điểm cám dỗ, với lòng nhẫn nại mà vị mục tử đưa chúng về ràn”.[44] Đây là con đường đồng hành và phân định, nhằm giúp những tín hữu ý thức được hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa, góp phần vào việc hình thành những phán đoán đúng về những gì đang gây trở ngại.[45]

Với các giám mục, Đức Giáo hoàng mời gọi các ngài “liên tục khẩn cầu ơn phân định như điều kiện tiên quyết để soi sáng mọi sự khôn ngoan của con người, sự khôn ngoan về cuộc sống, tâm lý, xã hội, luân lý, qua đó chúng ta dùng để phân định những con đường của Thiên Chúa, để cứu độ những người được ủy thác cho chúng ta.”[46]

Và trong cuộc đối thoại với các tu sĩ Dòng Tên, nhân chuyến tông du đến Ba Lan, ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 tại Krakow vào năm 2016, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Ngày nay, Giáo hội cần lớn lên trong sự phân định, trong khả năng phân biệt. Và hơn bao giờ hết nó thực sự cần cho sứ vụ của các linh mục. Vì vậy chúng ta cần phải dạy cho các chủng sinh và cho các linh mục trong việc đào tạo: vì thông thường, các ngài là những người đón nhận những giải bày lương tâm của các tín hữu. Linh hướng không phải chỉ là một đặc sủng của linh mục, mà cũng còn là ơn của giáo dân, đó là sự thật. Vì thế, trước hết cần phải dạy cho các linh mục, giúp họ dưới ánh sáng của các bài tập năng động trong phân định mục vụ, tôn trọng luật lệ nhưng phải biết đi xa hơn. Và chúng ta cần phải huấn luyện các linh mục tương lai không để ý đến những ý tưởng chung chung và trừu tượng, những cái rõ ràng, chi li và riêng biệt[47], nhưng để ý sâu sắc đến việc phân định tinh thần, để họ có thể giúp mọi người trong cuộc sống cụ thể của họ. Chúng ta cần biết rằng: trong cuộc sống không phải tất cả đều có màu đen trên nền trắng, hoặc trắng trên nền đen. Không! Còn có những màu xám đang lấn át trong cuộc sống. Chúng ta phải dạy cho họ biết phân biệt màu xám này.”[48]

3.2. Đối với người tín hữu

Chúng ta đang sống trong một thế giới chất đầy những khủng hoảng về đời sống đức tin và luân lý, cùng với những học thuyết lọc lừa, dối trá, khiến lắm người ngây ngất trong lầm lạc, đặc biệt “nhiều người trẻ có những nỗi lo sợ và có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo”.[49]Đối mặt với những cám dỗ của “chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, khép mình trong vỏ sò, nghiện ngập, cố chấp, rập khuôn, giáo điều, sống trong quá khứ, bi quan, nấp dưới các luật lệ và quy tắc”[50]; đối mặt với “một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay”[51], Đức Giáo hoàng muốn mọi kitô hữu phải biết phân định và bảo vệ tâm hồn mình để phân biệt đâu là những gì đến từ Thiên Chúa và đâu là những gì xuất phát từ các tiên tri giả. Thật vậy, phân định là phương tiện nhằm giúp họ tìm ra những cách thế vốn có để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của họ.[52] 

Để đạt được điều đó điều cần thiết nơi mỗi người tín hữu là biết ở lại trong Chúa Giêsu bằng cách mở cửa lòng mình cho Ngài: để “lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại vẫn hằng thách thức chúng ta bằng những cách thế mới. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có được tự do nội tâm để từ bỏ những ý tưởng chủ quan hoặc phiến diện của mình, cũng như những thói quen cố hữu và những định kiến của mình. Có thế, ta mới thực sự mở lòng đón nhận cái tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của ta, nhưng lại dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn”.[53] Và “đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày. Sự phân định cũng giúp ta nhận ra những phương thế cụ thể Chúa xếp đặt trong kế hoạch mầu nhiệm đầy yêu thương của Ngài, để giúp ta không chỉ ngừng lại với những ý định tốt lành.”[54]

Sau cùng, “ta cần xin Chúa Thánh Thần giải thoát ta và xua tan sợ hãi, là điều khiến ta ngăn cản không cho Ngài bước vào một số lãnh vực nào đó của đời ta. Ngài đòi hỏi ta mọi sự, nhưng cũng ban cho ta mọi sự. Ngài không muốn bước vào đời ta để khiến nó thành què cụt hoặc bị yếu đi, nhưng để đưa nó đến chỗ viên mãn.”[55] 

III. THÁNH THIỆN

Sự thánh thiện là trung tâm của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, được cụ thể hóa qua lời kêu gọi “nên thánh cách thực tế cho thời đại chúng ta, với tất cả những rủi ro, thách đố và thuận lợi.”[56] Đối với Đức Thánh Cha, sự thánh thiện có thể được tìm thấy trong đời sống thường ngày và trong số những người gần với chúng ta chứ không phải nơi những mẫu người siêu phàm, trừu tượng và hoàn hảo. Mỗi người có một con đường nên thánh của mình, con đường do Thiên Chúa vạch ra, cho dù “không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những khi lỗi lầm và thất bại, ta vẫn tiến về phía trước và sống đẹp lòng Chúa.”[57]

Phần sau đây cho phép chúng ta tiếp cận được cái nhìn của Đức Giáo hoàng về sự thánh thiện. Thánh thiện là gì? Ai được mời gọi sống thánh thiện? Phải chăng sự thánh thiện chỉ dành cho một số ít người mà thôi? Làm sao chúng ta có thể tiến bước trên con đường thánh thiện?

1. Thánh thiện là gì?

“Thánh thiện” một từ có thể bị xem như lỗi thời trong thế giới hôm nay. Văn hóa ngày nay khiến chúng ta cảm nhận sự thánh thiện như thể một điều gì đó nằm ngoài cuộc sống bình thường và là một điều không thể đạt đến được. Tuy nhiên, theo Đức Giáo hoàng, sự thánh thiện mà con người có thể đạt tới được không nằm ở đỉnh cao chót vót của cuộc sống, không hệ tại ở chỗ làm những chuyện phi thường, nhưng trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, sống với Ngài và nên giống như Ngài trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong từng giây phút hiện tại.

Thánh Agustinô đã viết: “Con sẽ sống cuộc sống của con, bằng cuộc sống tràn đầy Chúa” (Confessioni, 10,28). Hoặc như Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã viết : “Tôi sẽ sống giây phút hiện tại, làm cho nó tràn đầy tình yêu”. Chính từ cái nhìn này, Đức Giáo hoàng nhắc đến những hình ảnh ngài đã gặp thấy trong cuộc sống và gọi đó là “sự thánh thiện thường nhật”; họ là “những người sát ngay bên nhà chúng ta, những người đang sống giữa chúng ta, đang phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp trung lưu của sự thánh thiện.”[58] 

“Tôi thấy sự thánh thiện nơi dân Chúa, sự thánh thiện thường nhật”. Và cách bao quát hơn: “Tôi thấy sự thánh thiện nơi lòng kiên nhẫn của dân Chúa: người phụ nữ nuôi nấng con cái mình, người đàn ông làm việc để kiếm miếng cơm manh áo, những linh mục cao niên đau bệnh mang nhiều thương tích nhưng vẫn luôn nở nụ cười vì mình đã phục vụ Thiên Chúa, những nữ tu làm việc nhọc nhằn và sống sự thánh thiện kín đáo. Đối với tôi, đó là sự thánh thiện thường nhật.

Tôi thường gắn kết sự thánh thiện với lòng kiên nhẫn: không chỉ là sự kiên nhẫn như là hypomoné, nhận lấy những gánh nặng của các biến cố và hoàn cảnh trong cuộc sống, mà còn là kiên vững trước áp lực của mỗi ngày qua. Đây là sự kiên nhẫn của Giáo hội chiến đấu mà Thánh Inhaxiô đã nói đến. Đây là sự kiên nhẫn của bà con tôi: của cha tôi, mẹ tôi, bà nội Rosa, người rất tốt với tôi. Trong cuốn kinh nhật tụng tôi vẫn còn giữ ước nguyện cuối cùng của bà nội Rosa và đọc nó thường xuyên: đối với tôi nó giống như một lời kinh. Bà là một vị thánh đã chịu nhiều đau khổ, cả về tinh thần, và bà luôn tiến bước với lòng can đảm.”[59]

2. Thánh thiện là ơn gọi và sứ mệnh của chúng ta

Sống một cuộc sống thánh thiện là ơn gọi căn bản của chúng ta. Công đồng Vatican II đã minh định rất rõ: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả mọi tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa mời gọi, để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn lành như lời thánh Tông đồ dạy: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3; x. ep 1,4).[60] Tuy nhiên, trước tiên chúng ta phải ý thức rõ rằng sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta thủ đắc được nhờ những đức tính và khả năng của mình. Sự thánh thiện là một hồng ân, là ơn huệ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta như thánh Phaolô đã khẳng định: “Chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, để có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25.27).

Khi Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Ngài không mời gọi chúng ta trở nên nặng nề và buồn phiền hơn. Đây là một lời mời gọi để chia sẻ cho chúng ta niềm vui của Ngài, để sống và trao ban niềm vui trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, đồng thời làm cho nó trở nên một món quà tình yêu dành cho những ai đang ở bên chúng ta.

Sống một cuộc sống thánh thiện không phải là sống cho một lý tưởng trừu tượng, nhưng đó là một sứ mệnh không thể tách rời của chúng ta. “Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hay một cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải một cái gì “phụ thêm” hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời. Trái lại, nó là một cái gì tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này.”[61]
Cho nên “là Kitô hữu, hễ nghĩ đến sứ mệnh của mình trên trần gian, ta phải thấy nó như một nẻo đường để nên thánh, vì “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3). Chúa Cha muốn sắp đặt để mỗi vị thánh là một sứ mệnh, phản ánh và tiêu biểu một khía cạnh nào đó của Tin mừng, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử.”[62]

3. Sự thánh thiện dành cho ai?

Sự thánh thiện không phải là điểm đến dành cho một số người được chọn. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định với chúng ta rằng: “Sự thánh thiện là điều có thể đối với hết mọi người, mọi tuổi tác cũng như mọi hoàn cảnh, vì mỗi chúng ta đều lãnh nhận ơn trợ giúp từ Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận một ơn huệ là sự thánh thiện, và hãy cố gắng sống những đòi hỏi của ơn đó”.[63] Cho nên “để nên thánh không cần phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ.”[64]

Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh! Bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành những người có khả năng xa rời những công việc thường nhật, để hoàn toàn chuyên chăm cầu nguyện. Nhưng không phải như vậy! Có người nghĩ thánh thiện là nhắm mắt, nét mặt như trên tấm ảnh các thánh. Nhưng không phải như thế, thánh thiện là điều cao cả, sâu xa hơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta! Đúng hơn, chính nhờ sống chứng tá Kitô của mình, trong những công việc bận bịu hằng ngày với tình yêu thương và chứng tá Kitô mà chúng ta được mời gọi nên thánh. Và mỗi người, trong hoàn cảnh và bậc sống của mình.

Nếu là người thánh hiến, thì hãy nên thánh bằng cách vui sống sự tận hiến và sứ vụ của mình. Nếu bạn là người kết hôn, thì hãy nên thánh trong sự yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ mình, như Chúa Kitô đã làm với Giáo Hội. Nếu bạn là tín hữu không kết hôn, thì hãy nên thánh bằng cách chu toàn công việc của mình trong sự lương thiện và khả năng chuyên môn và dành thời gian để phục vụ anh chị em mình. Nếu bạn là người cha mẹ hoặc là ông bà nội ngoại, thì hãy nên thánh bằng cách hăng say dạy cho các con các cháu biết và theo Chúa Giêsu. Bạn là giáo lý viên, là nhà giáo dục hay người thiện nguyện ư? Hãy nên thánh bằng cách trở thành dấu chỉ hữu hình về tình thương của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài cạnh chúng ta. Vì thế, mỗi bậc sống đều dẫn đến sự thánh thiện. Ở nhà, trên đường, trong công việc, tại nhà thờ.[65]

Sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp nhất của Giáo hội, là một hồng ân được trao tặng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô hữu.

4. Bước đi trên con đường thánh thiện

Đời sống thánh thiện không phải là kết quả hoạt động của chúng ta, nhưng chính Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh làm cho chúng ta nên thánh. Chính hoạt động của Thần Khí Chúa, được thông ban qua Chúa Kitô Phục Sinh sẽ biến đổi chúng ta. Bởi vậy, trên con đường nên thánh, Đức Giáo hoàng mời gọi mọi người hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa, mở ra cho sự siêu việt, được thể hiện qua việc cầu nguyện và tôn thờ; hướng đến ân sủng, hướng đến niềm hy vọng, hướng đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô; ngay cả khi đời sống có vẻ hoàn toàn hư hỏng, ngay cả khi chúng ta thấy nó bị hủy hoại bởi những đồi bại hay nghiện ngập, dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa, đừng đi lùi, cứ luôn tiến về phía trước và để cho Chúa biến đổi. Chính quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta. Và sự thánh thiện chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần.[66]

Trên con đường hướng đến sự thánh thiện, đôi khi chúng ta gặp những thử thách không hề nhỏ, và những thách đố ấy làm nguy hại đến đời sống của chúng ta. Vì vậy, “một lần nữa Chúa lại mời gọi chúng ta hoán cải để ân sủng Ngài có thể nổi rõ hơn giữa đời ta để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài”. Cứ thế, nhờ ơn Chúa hướng dẫn, từ nhiều cử chỉ nhỏ bé, ta sẽ dệt nên sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho ta, không phải với sự tự hào tự mãn nhưng như “những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10).[67]

Để tiến đến sự thánh thiện, cần phải tự do và cảm thấy tự do. Có nhiều điều biến chúng ta thành nô lệ. Vì lý do đó, thánh Phêrô mời gọi đừng chiều theo những đam mê của thế gian khi mà chúng ta còn ở trong sự mê muội, thiếu hiểu biết. Cả thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Roma cũng nói: “anh chị em đừng rập khuôn”, nghĩa là “đừng theo những chương trình dự định”. Vì thế cần phải thực sự tự do: tự do bước đi và ngắm nhìn ánh sáng. Và khi chúng ta quay lại đằng sau, quay lại với cách sống mà chúng ta đã có trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, hay khi chúng ta trở lại với những kiểu cách của thế gian, chúng ta đánh mất tự do. Tự do là điều kiện để có thể bước đi và ngắm nhìn ánh sáng ở phía trước. Đừng đi theo các cách sống của thế gian. Nhưng tiến bước, ngắm nhìn ánh sáng là lời hứa, trong niềm hy vọng.[68]

5. Nên thánh, lời mời gọi bay lên cao

Cộng đồng người Mỹ da đen có một bài hát rất nổi tiếng với tựa đề: “Mọi người con của Chúa đều có cánh”.[69] Bài ca giàu sáng tạo, diễn tả ước mơ được vươn mình lên, thoát khỏi những tủi nhục, khổ đau của đời nô lệ bằng một cuộc sống đầy đủ và tự do.

…. “Tôi có đôi cánh, bạn có đôi cánh, mọi người con của Thiên Chúa đều có cánh. 
Khi tôi bay về trời, tôi sẽ lắp đôi cánh của tôi. 
Tôi sẽ bay thật xa, thật cao để lên được Thiên đàng của Chúa. 
Thiên đàng, Thiên đàng! 
Không phải tất cả những ai nói về Thiên đàng đều có thể đến được nơi ấy. 
Và tôi sẽ bay thật xa, thật cao để lên Thiên đàng của Chúa.
Mọi người con của Chúa đều có cánh”.

Giống như các Thiên Thần chúng ta được mời gọi lắp đôi cánh tự do để cùng tháp tùng trong chuyến bay hướng lên trời cao vô tận. Và cũng như con đại bàng thách thức với cái mênh mông của đất trời. Con đại bàng rất dũng mãnh, nó có khả năng thắng được gió và độ cao, cứ thế nó bay thật nhanh, thật cao như thể bầu trời là của nó. Con đại bàng có khả năng quan sát những sự vật từ trên cao, nhìn thấy rõ ràng và chính xác nhờ con mắt rất sắc của nó. Đại bàng làm tổ trong những khe đá, một cái tổ an toàn và được bảo vệ rất tốt, tránh được những cánh thợ săn mồi đến từ loài thú khác. Đại bàng trong bức tranh ngụ ngôn của Leonardo da Vinci là con vật duy nhất có khả năng nhìn mặt trời. Ánh sáng rực rỡ của mặt trời chiếu thẳng vào mắt, vẫn không làm nó bị mù.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể bay được như đại bàng. Chúng ta có thể giống như con đại bàng với đôi cánh đầy oai phong nhưng nặng trĩu. Chúng ta mệt mỏi và kiệt sức, vì bám víu quá nhiều vào những điều vặt vãnh, vào lợi ích, thần tượng giấy của chúng ta. Con tim chúng ta trở nên nhỏ bé và nhiều nếp nhăn khiến chúng ta không thể nhìn xa hơn, rộng hơn, không thể tìm kiếm ánh mặt trời. Ngã lòng, vỡ mộng, mất hết đam mê: đó là sự nặng nề của con tim không cho phép chúng ta tự do bay đến sự thánh thiện.

Nhà văn người Pháp Léon Bloy, trong những giây phút cuối đời ông đã viết: “trên đời chỉ có một nỗi buồn lớn nhất, ấy là không trở thành một vị thánh”. Chúng ta không mất hy vọng trong sự thánh thiện, chúng ta theo đuổi toàn bộ con đường này. Thiên Chúa luôn đợi chờ tất cả chúng ta, với đôi tay rộng mở; Ngài đợi chúng ta để đồng hành với chúng ta trên con đường thánh thiện này.

Để kết thúc xin được nhắc lại ở đây lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate: “Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy mất chút năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành bạn, và sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình”. Và “Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến bạn trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa.”[70]

 

[1] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 7 và 14

[2] Sđd, số 158

[3] Sđd, số 166 và 174

[4] Sđd, số 1

[5] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Udienza Generale, Vatican 13/4/2011.

[6] xem GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Ma quỷ có thực. Bài giảng ngày 11/4/ 2014. (www.invaticano.it/multimedia-archive/papa-francesco-omelia-11-aprile-2014-casa-santa-marta/)

[7] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 160

[8] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Udienza Generale, 6/12/2013

[9] Xem GLHTCG số 391-395

[10] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 160

[11] Sđd, số 161

[12] GLHTCG số 395

[13] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tỉnh thức để chống lại sự trần tục, Vatican 13/10/2017. (https://w2.vatican.va/content/francesco/it/cotidie/2017/documents/papa-francesco-cotidie_20171013_vigilanti-controla-mondanita.html)

[14] GELSOMINO DEL GUERCIO, Đức Giáo hoàng nghĩ gì về ma quỷ, 28/10/2017(https://it.aleteia.org/2017/10/28/papa-francesco-cosa-pensa-del-diavolo/)

[15] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 165

[16] Sđd, số 162

[17] Sđd, số 159

[18] Sđd, số 162

[19] Sđd, số 163

[20] ENZO BIANCHI, Sự cấp bách của niềm vui, Lm. Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ (bản dịch trong tập tài liệu Thường huấn này).

[21] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 169

[22] Xem SINCLAIR FERGUSON, What Is Discernment?, Jun 15, 2018. (https://www.ligonier.org/blog/discernment-thinking-gods-thoughts/)

[23] Xem TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO, Nxb Tôn giáo, 2016, trang 671-672.

[24] ENZO BIANCHI, Nghệ thuật phân định, Osservatore Romano, 01/92017.(http://www.osservatoreromano.va/en/news/art-spiritual-discernment)

[25] IGNAZIO DI LOYOLA, Esercizi Spirituali, trang 313-327.

[26] MAURIZIO GRONCHI, Thực hành phân định: các học thuyết chỉ dẫn hiện nay. L’Osservatore romano, 13/03/2017.
(http://www.osservatoreromano.va/it/news/lesercizio-del-discernimento-indicazioni-dottrinal#)

[27] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Address to the Bishops Ordained over the Past, 14/9/2014, (http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/september/documents/papa-francesco_20170914_nuovi-vescovi.html)

[28] Sđd

[29] ROBERT R. MARSH, ‘Looking at God Looking at You’The Way, 43.4 (2004), 19–28 (p. 22) (http://rmarsh.com/files/looking.pdf)

[30] www.thinkingfaith.org/articles/francis-discerning-pope

[31] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 264. 

[32] Sđd, số 170

[33] Sđd, số 119

[34] DAVID LONSDALE, Listening to the Music of the Spirit: The Art of Discernment (Ave Maria Press, 1993).

[35] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 170.

[36] Sđd, số 166.

[37] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Hãy mở ra cho những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Bài giảng sáng thứ ba 28/4/2015. (https://w2.vatican.va/content/francesco/it/cotidie/2015/documents/papa-francesco-cotidie_20150428_aperti-alle-sorprese.html)

[38] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 84.

[39] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Amoris Laetitia, số 305.
Xem http://www.thinkingfaith.org/articles/discernment-charged-merciful-love-pope-francis%E2%80%99-amoris-laetitia-love-family-0.

[40] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Address at the General Synod, on the 50th Anniversary of the General Synod, 17/10/2015, 
(http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html)

[41] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 20.

[42]http://www.osservatoreromano.va/it/news/lesercizio-del-discernimento-indicazioni-dottrinal

[43] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Amoris Laetitia, số 298.

[44] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Cháy lửa bên trong. Bài giảng sáng thứ năm 22/6/2017Joseph C. Pham chuyển ngữ. (https://w2.vatican.va/content/francesco/it/cotidie/2017/documents/papa-francesco-cotidie_20170622_fuoco-dentro.html)

[45] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Amoris laetitia, số 300

[46] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Huấn từ dành cho các tân giám mục, Vatican 14/9/2017. (https://w2.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2017/september/documents/papa-francesco_20170914_nuovi-vescovi.html)

[47] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 57.

[48] ANTONIO SPADARO S.I., Ngày nay Giáo hội cần lớn lên trong sự phân định.(https://www.laciviltacattolica.it/articolo/oggi-la-chiesa-ha-bisogno-di-crescere-nel-discernimento-un-incontro-privato-con-alcuni-gesuiti-polacchi/)

[49] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Thông Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33. G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ. (http://w2.vatican.va/content/francesco/it/messages/youth/documents/papa-francesco_20180211_messaggio-giovani_2018.html)

[50] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 134.

[51] Sđd, số 111

[52] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Amoris Laetitia, số 305

[53] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 172

[54] Sđd, số 169

[55] Sđd, số 175

[56] Sđd, số 2

[57] Sđd, số 3

[58] Sđd, số 7

[59] ANTONIO SPADARO, SJ, Gaudete et Exsultate”: Nguồn Gốc, Cấu Trúc và Ý Nghĩa của Tông Huấn, Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ. (bản dịch trong tập tài liệu Thường huấn này)

– xem GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate số 7.

[60] CĐ VATICAN II, Hiến chế Lumen Gentium, số 11 và 39, HĐGMVN.

[61] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 173

[62] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 13

[63] http://hdgmvietnam.org/thien-dang-hoa-nguc/7402.95.5.aspx

[64] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 14

[65] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Ơn gọi nên thánh phổ quát, Udienza generale, Vatican 19/11/2014. G. Trần Đức Anh Op chuyển ngữ. (http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2014/documents/papa-francesco_20141119_udienza-generale.html)

[66] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 15, 42

[67] Sđd, số 17 và 18

[68] x. GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Thánh thiện là tự do. Bài giảng sáng thứ ba 29/05/2018. G. Trần Đức Anh OP, chuyển ngữ. (http://w2.vatican.va/content/francesco/it/cotidie/2018/documents/papa-francesco-cotidie_20180529_messa-santa-marta.html)

[69] Xem https://www.youtube.com/watch?v=dnOBNxQGPzA

[70] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exultate, số 32 và 34

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Tá Hoàng