Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

THÌ RA, ĐỨC TIN LÀ THẾ ĐÓ !

(CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM A 2020)

Thiên Chúa muôn đời vẫn là một “ẩn số” mà nhân loại cứ phải khao khát kiếm tìm trong khắc khoải khôn nguôi, như Thánh Augustinô đã từng thốt lên: “Chúa đã dựng nên con, nên lòng con mãi khắc khoải kiếm tìm cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Một thái độ tự hào, tự mãn, cho rằng mình đã chiếm được Thiên Chúa, đã nắm bắt chân lý, để rồi không còn biết vươn mình lên đi tới hay khiêm hạ khát khao kiếm tìm lại chính là một thái độ phản lại niềm tin, hay một niềm tin, nếu có, đã trở nên nghèo nàn và rỗng tuếch.

            Nhưng thật ra, không phải con người đi tìm nhưng chính Thiên Chúa mới là kẻ tìm kiếm con người trước !.

            Nếu khởi đầu lịch sử, khi Thiên Chúa đến kiếm tìm và gặp gỡ nhân loại “trong cơn gió nhẹ ban chiều” ở nơi vườn diệu quang” (St 3,8) để hàn huyên tâm sự lại đã gặp một A-đam, E-va trần truồng đang núp trốn, thì Ngài đã không thất vọng nản lòng để quay mặt đi xa ; nhưng rồi sau đó đã tiếp tục lên đường không mệt mỏi, kêu gọi, ước giao, hẹn thề hết Áp-ra-ham, đến Gia-cóp, hết I-sa-ac đến Giuse…; sau đó là Mô-sê với bao chịu đựng nhọc nhằn của 40 năm trường hành về Đất Hứa, cũng chỉ để hình thành một Dân Tộc của niềm tin, một Dân của Giao ước. Mà đâu chỉ có dân ít-ra-en ; cho dù trong phương án cứu độ, đó chính là Dân ưu tuyển. Thiên Chúa kiếm tìm tất cả mọi người, mở lối đưa đường cho tất cả những ai thành tâm thiện chí khát khao Ngài, kiếm tìm Ngài và chân chất sống theo những chỉ dạy của Ngài khắc ghi trong đáy thẳm tâm hồn, như lời sứ ngôn I-sa-i-a trong Bài đọc 1 hôm nay: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người…”

            Và cuộc kiếm tìm của Thiên Chúa đã đến đỉnh điểm khi “Ngài ban Con Một, để ai tin vào Người con đó sẽ không phải chết nhưng được sống vĩnh hằng”  (Ga 3,16).

            Quả thật, trong cuộc hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Ki-tô Con Một Thiên Chúa đã từ Bắc xuống Nam, từ Đông lên Tây, dọc ngang khắp vùng Palestina để “kiếm tìm” những con chiên lạc mà đưa về cho Thiên Chúa một đàn chiên và một chủ chiên.

            Ngoài những con chiên lạc “con giòng cháu giống thuộc dân ưu tuyển Ít-ra-en”, Chúa Giê-su lại bôn ba sang các miền ngoại giáo lân cận để tìm kiếm nơi cộng đồng dân ngoại những tâm hồn khao khát chân lý cứu độ để dẫn họ về trong chân lý và tình thương.

            Tin mừng Matthêu hôm nay đã tường thuật những bước chân tiến về vùng ngoại giáo Tyrô và Siđon của Chúa Giêsu ; và chính nơi vùng ngoại đạo nầy, Ngài đã gặp được một người đàn bà ngoại giáo Canaan nhưng “mạnh tin”.

            Bà mạnh tin khi bà nhận ra chàng thợ mộc đến từ Na-da-rét kia chính là “Con Vua Đa-vít”, một danh xưng mà vào thời điểm đó, chỉ có những tấm lòng khát mong và đầy tràn niềm hy vọng vào một Đấng Thiên Sai đang đến mới sử dụng.

            Bà mạnh tin khi bà xác tín rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng chữa con bà khỏi quỷ ám, một quyền năng chỉ dành cho Thiên Chúa.

            Bà mạnh tin khi vững vàng trông cậy vào tình yêu vô biên của chính Chúa Giêsu bất chấp những thử thách nặng nề là sự làm ngơ, chối từ và cả khinh miệt.

            Chính ở nơi tâm hồn cương nghị và đầy khiêm hạ của người phụ nữ ngoại giáo Canaan nầy, Chúa Giêsu đã tìm được niềm an ủi trong công cuộc “đi bủa lưới giăng câu” các linh hồn trên những nẻo đường nơi vùng đất lạ.

            Và khởi đi từ đó, Ngài đã truyền cho các Tông Đồ hãy mạnh dạn “đưa thuyền ra chỗ nước sâu”, “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng.”

            Thế nhưng, chúng ta cũng đừng quên, Chúa Giêsu đã không ít lần đã thất bại thảm thương ; mà cuộc thất bại cay đắng nhất trên con đường rao giảng Tin Mừng lại xảy ra trên chính quê hương Na-da-rét của Ngài. Chính tại nơi đây, Ngài đã “không làm được phép lạ nào” chỉ với lý do: “Vì họ cứng lòng tin”.

            Nếu ở tại đất ngoại giáo có được một tâm hồn phụ nữ Canaan sẵn sàng đánh đổi niềm tin vào Ngài bằng mọi giá, thì tại Giê-ru-sa-lem, đã có hàng trăm người đã sẵn sàng chối từ Ngài để chọn Ba-ra-ba, vì họ không thể đánh cược niềm tin vào một con người rách nát thảm thương sắp bị Philato tuyên án tử.

            Họa hoằn lắm mới có một Lê-vi giã từ bàn đếm tiền của người thu thuế để bỏ lại đằng sau tất cả sự giàu có trần tục mà lên đường làm môn đệ của Ngài ; hay một Gia-kê “lùn tịt về thân xác và cả nhân phẩm hay đức độ”, sẵn sàng cho đi tất cả của cải trần gian để sống cho những giá trị của cái nghèo Nước Trời.

            Vâng, những người ở Na-da-rét hay Giê-ru-sa-lem đó cùng với các tư tế và biệt phái, hay những người quyền cao chức trọng lúc bấy giờ họ tin rằng họ đã có sẵn một đức tin chân truyền đúng mực, họ không cần phải mở lòng ra để đón nhận hay khát mong một “tin mừng” huyễn hoặc nào nữa, nhất là một “Tin Mừng” với “những giá trị” gần như đối nghịch hẳn với tâm thức và sự kiếm tìm của họ như “khó nghèo, hiền lành, trong sạch, yêu thương kẻ thù, tha thứ luôn luôn, chọn đường thập giá…”. Đặc biệt, “giải pháp thập giá” quả là một thử thách quá lớn mà họ không dễ gì vượt qua hay chọn lựa, bởi họ đã quen chọn cho mình con đường dễ dàng, nhung lụa, vinh quang…

            Tuy nhiên, “niềm tin qua nẻo đường thập giá”, hay chọn lựa đức tin ngay trong lúc đối diện với dập vùi bế tắc vẫn có đấy thôi! Người đàn bà Canaan khi đối diện với những thử thách nghiệt ngã vẫn kiên cường “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” ; hay người trộm bên hữu đã sẵn sàng tin vào một con người chỉ còn tấm thân tàn ma dại: “Lạy Thầy, khi nào Thầy về Vương Quốc của Thầy, xin nhớ đến tôi” !

            Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay gần như truy vấn tất cả mọi người chúng ta về hành trình đức tin của chính mình. Chúng ta gần như sống và thực hành đức tin như một chuyện “đã rồi”, một “chọn lựa dễ dàng và không hề thử thách”.

            Vẫn còn đó nhiều người trong chúng ta sẵn sàng quay lưng lại với Giáo Hội với nhà thờ, chỉ vì một tự ái không đâu trước một lời quở trách.

            Vẫn còn đó nhiều tâm hồn khô khan nguội lạnh chẳng còn thiết tha cầu nguyện và trung thành đến với Chúa chỉ vì Chúa chưa đáp ứng những khát vọng và lời nguyện xin.

            Vẫn còn đó những người mang tâm trạng oán trách và cả lòng thù hận Chúa vì phải đương đầu với những khổ đau, thất bại, bệnh tật hay đói nghèo…

            Và chung chung, chúng ta muốn giữ “nguyên trạng đức tin” mà không cần phải đặt lại, kiếm tìm hay hoán cải…

            Thánh Tông Đồ Phaolô đã có một “kinh nghiệm đắt giá” về thái độ “cố chấp”, “cứng lòng”, “giữ nguyên trạng” của chính mình và nơi dân tộc mình; và nhờ “cú đánh ngã ngựa trên đường Đamát”, ngài đã được mở mắt và “tiến về phía Dân Ngoại”. Ngài đã không ngừng chia sẻ “kinh nghiệm thiêng liêng nầy”, như được thuật lại trong Bài đọc 2 hôm nay: “Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót” (Rm 11, 13-15. 29-32).

            Trên những nẻo đường thế giới hôm nay Chúa vẫn sục sạo đi tìm. Nhưng con đường Chúa đề nghị để theo Ngài không bao giờ tầm thường và dể dãi. Câu trả lời của người phụ nữ ngoại đạo Canaan hôm nay và thái độ đức tin đầy khiêm nhu tín thác của bà mãi mãi là một điểm quy chiếu cho mọi cuộc lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Vâng, đó là một mô hình mẫu tuyệt vời của đức tin hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thì ra, đức tin là thế đó ! Amen.

 

Trương Đình Hiền