Views: 200
Nhân dịp cộng đoàn Dân Chúa đang chuẩn bị tiến vào Mùa Chay, xin trân trọng giới thiệu loạt bài HƯỚNG DÃN TĨNH TÂM THEO TÔNG HUẤN “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ” (TĨNH TÂM VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ) của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự.
Sau đây là loạt bài thứ nhất gồm Phần Dẫn Nhập (LỜI NÓI ĐẦU) và CHƯƠNG 1 : MỘT KHAO KHÁT MÃNH LIỆT
TĨNH TÂM VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
(Theo Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ về Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay)
Giữa đám đông ồn ào, chợt có điện thoại người thân, ta vội chạy tìm một góc yên tĩnh để nghe. Chiều nay, chúng ta chạy rất nhiều km mới tìm được nơi này yên tĩnh để lắng nghe cuộc điện đàm hết sức quan trọng, ảnh hưởng cả một đời người.
Mỗi người một hoàn cảnh, với những khó khăn và yếu đuối khác nhau nhưng chính Chúa Thánh Thần sẽ nâng đỡ ta (x. Rm 8,26). Bạn hãy phó thác cuộc tĩnh tâm cho Chúa Thánh Thần.
LỜI NÓI ĐẦU
Tĩnh tâm để phân định
Đã nhiều lần bạn nghe hoặc đọc câu chuyện bữa tiệc của Chúa và thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ cho những người được mời mà không đến dự:
Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Ngài đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵ.”’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” (Lc 14,15-20)
Bữa tiệc ấy hôm nay đang diễn ra ngay đây, trước mặt bạn, trước mặt tôi. Chúng ta đang được mời nhưng không chừng cũng giống đám người trong câu chuyện trên, chúng ta không đếm xỉa đến lời mời, do đang mải chạy theo những chuyện vớ vẩn để rồi cuối đời nhìn lại mới tiếc đắng tiếc cay…
Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ về tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay của Đức Thánh Cha Phanxicô đúc kết lại nơi mấy tiếng then chốt ở chương cuối, để nhắc nhở và hướng dẫn chúng ta bắt kịp bữa tiệc Nước Trời. Mấy tiếng ấy là: khao khát, chiến đấu, tỉnh thức và phân định bén nhạy, trước hết là khao khát:
“Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ hữu ích, giúp toàn thể Hội thánh lại một lần nữa tận hiến cho việc cổ võ lòng khao khát nên thánh. Ta hãy xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên ta một niềm khao khát nên thánh mênh mông vô tận để Thiên Chúa được hết sức vinh quang, và ta hãy giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Như thế, ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được” (VMHH, 177).
“Làm sao để biết được là một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ? Cách duy nhất là phải phân định. Sự phân định không những đòi phải có một khả năng tốt để lý luận và phải có lương tri (tức là khả năng biết lẽ thường), mà còn là một ơn cần phải cầu xin. Nếu chúng ta tin tưởng cầu xin Chúa Thánh Thần ơn này, đồng thời tìm cách vun trồng nó bằng cầu nguyện, suy niệm, đọc sách và nghe lời khuyên tốt, chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng tinh thần này” (VMHH 166).
Tập mỏng này sẽ giúp bạn thực tập để cảm nghiệm và thực hiện mấy từ ấy ngay trong cuộc sống hiện tại. Lộ trình sẽ lần bước theo 5 chương của Tông huấn ấy – và cũng là lần bước trên đường theo chân Chúa Giêsu: Chương 1 đặt căn bản trên cuộc sống thực trong khung cảnh Nadarét của mỗi người; chương 2 đối diện với hai ảo tưởng nổi bật giữa những ảo tưởng đa dạng thần dữ thường xuyên dùng để đánh lừa ta, như chúng đã tìm cách lừa gạt Chúa trong hoang địa; chương 3 giúp ta vững tin vào lời dạy của Chúa nơi bài giảng trên núi và luật mến Chúa yêu người; chương 4 nhắc ta thực hiện những điều ấy giữa đời thường; chương 5 dạy ta hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa cách cụ thể: sống trước nhan Chúa Cha, dưới tác động của Chúa Thánh Thần để cùng chiến thắng với Chúa Giêsu Kitô.
Cuối tập này sẽ có bản giản lược, ghi ý lớn của từng đoạn trong Tông huấn, trong ngày tĩnh tâm bạn chỉ cần chọn đọc điều mình cần.
Tập này được bố trí cho một cuộc tĩnh tâm 5 ngày, mỗi ngày có 3 hoặc 4 giờ suy niệm để thêm lòng khao khát và quảng đại, bên cạnh đó là những chỉ dẫn để bạn xét mình tập phân định. Bạn thấy không thể nào thu xếp được một tuần liền để tĩnh tâm 5 ngày ư? Mời bạn làm cách khác: Mỗi ngày dành ưu tiên cho Chúa 60 phút, suốt 5 tuần liền hoặc 10 tuần liền. Được chứ? 60 phút mỗi ngày sẽ gồm hai phần không đều: 40 phút và 20 phút. 40 phút suy niệm để thêm lòng khao khát và quảng đại, còn 20 phút là để xét mình tập phân định.
Tôi sẽ chọn lọc một ít kinh nghiệm phân định để bạn tập thử. Chỉ mấy kinh nghiệm này thôi cũng tạm đủ cho bạn. Sau đó, nếu bạn tò mò muốn tìm hiểu thêm, xin mời đọc quyển “Phân Định Giữa Đời Thường” của Lm. Giuse Võ Tá Hoàng và tôi. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi nghiền ngẫm nó, bạn sẽ có thể giúp người khác tập phân định. Chúc bạn gặt hái nhiều thành quả.
Phân định: Nhận rõ và hưởng ứng tiếng Chúa
Đức Thánh Cha công bố tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ vể tiếng gọi nên thánh không như một tài liệu lý thuyết về thần học nhưng như một bản chỉ dẫn thực hành để mỗi tín hữu đều đem áp dụng vào đời sống. Sau khi nhắc lại tiếng gọi nên thánh khẩn thiết dành cho mọi người (chương I), Đức Thánh Cha cảnh báo hai não trạng có thể coi là tiêu biểu cho những hình thức thánh thiện giả trong thời đại này (ch. II) và phải tỉnh táo phân định để nhận rõ (VMHH 62). Tiếp đó, ngài nêu rõ sự thánh thiện thật phải xây trên 8 mối phúc và tình yêu thương (ch. III) và 5 nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày nay (ch. IV). Mọi người cần biết chiến đấu, tỉnh thức và phân định để nhạy bén trước ý Thiên Chúa (Ch. V). Thần dữ liên tục dẫn dụ ta rời khỏi mục tiêu Chúa đã đề ra cho ta, từng chút một. Do đó, ta cần tỉnh táo phân định từ những chi tiết nhỏ.
Thánh I Nhã (Inhaxiô Lôyôla), vị sáng lập Dòng Tên, đã được ơn viết nên sách Linh Thao với những quy tắc chính xác về phân định. Nhiều người chỉ đến với các quy tắc này khi cân nhắc chọn lựa những vấn đề lớn của cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo hoàng dòng Tên, mời gọi ta quan tâm nhận rõ tiếng Chúa giữa đời thường, nhờ cầu xin với Chúa Thánh Thần và nhờ xét mình mỗi ngày nhiều lần. Ngài nhấn mạnh rằng sự phân định “là một ơn Chúa ban,… không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc có học thức cao, và Chúa Cha đã vui lòng tỏ mình ra cho những người bé nhỏ” [x. Mt 11,25] (VMHH, 170). Ngài không giới hạn việc phân định vào những vụ việc cần chọn lựa (169). Ngài mời gọi mọi tín hữu phân định từ những việc bé nhỏ hằng ngày (169) để khỏi rơi vào sự thánh thiện giả mạo (35; 62) hoặc việc cầu nguyện thiếu chân thực (105), để nhận rõ nẻo đường nên thánh Chúa đang mời gọi (150), để nhận rõ điều tốt thật và điều tốt giả (158), để đứng vững trước cuộc sống đầy lôi cuốn (167) và để đánh giá những cái mơi trong cuộc sống (168).
“Sự phân định không phải chỉ cần thiết vào những thời điểm khác thường, khi ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hoặc phải có một quyết định quan trọng. Phân định là một công cụ chiến đấu giúp ta theo Chúa cách tốt hơn. Ta luôn cần nó, để nhận ra được đâu là giờ của Thiên Chúa và của ân sủng Ngài, để khỏi lãng phí ơn linh hứng của Chúa và khỏi bắt hụt lời Ngài đang mời gọi lớn lên. Việc phân định này thường phải làm từ trong những việc nhỏ, nơi những việc có vẻ tầm thường, bởi lẽ cái lớn lao vẫn lộ rõ ngay giữa những việc đơn giản hàng ngày. Không riêng những gì lớn lao, cao cả hơn và tốt đẹp hơn mới cần được phân định, nhưng cùng lúc cũng phải chú ý đến cả những gì bé nhỏ, những trách nhiệm và những dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày. Vì thế, tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày. Sự phân định cũng giúp ta nhận ra những phương thế cụ thể Chúa xếp đặt trong kế hoạch mầu nhiệm đầy yêu thương của Ngài, để giúp ta không chỉ ngừng lại với những ý định tốt lành.” (VMHH 169).
Khả năng phân định hết sức quan trọng nhưng xưa nay chưa được người tín hữu quan tâm đủ. Người ta thường khởi đầu rất tốt đẹp nhưng rồi khi thiếu phân định sẽ bị lạc đường và suy thoái. Đọc, nghiền ngẫm và tĩnh tâm theo tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, sẽ thấy ngay do thiếu phân định mà ta dễ bị thất bại, rơi vào sự thánh thiện giả mạo, khiến bản thân, gia đình, cộng đoàn, và cả Giáo hội mọi cấp có thể gặp phải khủng hoảng trầm trọng. Tình thế tựa như khi bị kẹt xe tứ phía.
Trên những con đường một chiều ít xe, giao thông thật nhịp nhàng. Thế nhưng trong giờ cao điểm, muốn đến nơi đúng hẹn, ta cần suy nghĩ và quyết chọn thật nhanh nhạy và chính xác. Nếu ta đãng trí, đi quá một ngã rẽ sẽ lúng túng khó xử. Khi bị kẹt xe, càng xoay xở cách ích kỷ càng gây thêm bế tắc. Muốn sớm được giải tỏa, mọi người cần biết ra khỏi mình, nghĩ đến ích chung, biết kiên nhẫn nghe theo sự điều phối của người hướng dẫn giao thông.
Cũng tương tự, giữa cơn khủng hoảng của cá nhân, gia đình, giáo hội hay xã hội, ta cần nhắc nhau lắng nghe tiếng Chúa, vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần từ trong những điều rất nhỏ, mới sớm tìm lại được bình an và tiến triển.
Dù là giáo sĩ, giáo dân hay những người thiện chí ngoài Kitô giáo, muốn tiến bộ trên đường tâm linh, cần có khả năng phân định. Những chuyện tai tiếng Giáo hội Chúa đang hứng chịu giúp ta hiểu rằng, nếu không chịu phân định, bất cứ điều gì cũng đều có thể xảy ra. Ngược lại, những ai quan tâm lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe lời lành sẽ “có được tự do nội tâm để từ bỏ những ý tưởng chủ quan hoặc phiến diện của mình… Thiên Chúa còn có thể cho ta một điều gì đó tốt hơn nhiều, nhưng chỉ vì cầu an chểnh mảng mà ta không nhận ra.” (172)
Những chỉ dẫn ở đây chỉ là những gợi ý. Mời bạn xem thêm các chỉ dẫn trong quyển: “Phân Định Giữa Đời Thường”. Tốt nhất là bạn nên đọc kỹ tập này trước khi đi tĩnh tâm. Trong những ngày tĩnh tâm, bạn sẽ chỉ tham khảo những gì cần thiết cho vấn đề đang gặp. Bạn nhớ ghi lại những kinh nghiệm có được trong tĩnh tâm. Sau tĩnh tâm, bạn trở lại với những điều đã ghi nhận được và chèn mỗi ghi chú ấy vào chỗ của nó trong tập sách, để bổ sung hoặc để điều chỉnh những gì chưa chính xác. Cứ thế, dần dần bản sẽ làm giàu kinh nghiệm bản thân về phân định và có thể giúp người khác đi vào kinh nghiệm này. Một linh mục cần có kinh nghiệm bản thân về phân định mới có thể hướng dẫn các linh hồn tín hữu, một nhà đào tạo cần có để hướng dẫn ứng sinh, các phụ huynh cần có để hướng dẫn con em mình. Chúng ta hãy đến với Chúa Thánh Thần để Ngài dạy cho ta biết nhạy cảm trước những gì Ngài muốn nói với ta tận cõi lòng.
Giữa lúc mây đen vần vũ, sấm sét rền trời ngay trên đỉnh vòm đền thờ Vatican, hầu như giông bão đang nhận chìm Rôma và con thuyền yêu dấu của Thánh Phêrô thì Chúa Giêsu đi trên sóng bước tới ngay bên và bảo: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Giữa lúc Hội thánh đang vì Chúa mà “bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11), Chúa vẫn là mục tử đang chăn dắt bầy chiên, đem lại bình an ngay cả khi ta phải đi qua vực sâu tăm tối (x. Tv 22/23,4) và “Thiên Chúa vẫn vui thích ở giữa dân Ngài” (Tv 149,4; bản dịch CGKPV: “Bởi vì Chúa mến chuộng dân Ngài”).
Trong nguồn bình an ấy, ngày 19-3-2018, toàn thể Hội thánh được nghe Đức Thánh Cha Phanxicô ưu ái lặp lại “tiếng gọi nên thánh trong thời đại này” qua tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ.
Tông huấn này được Giáo hội Việt Nam đón nhận trong bầu khí mừng Năm thánh tôn vinh các chứng nhân đức tin nhân kỷ niệm 30 năm ngày tuyên phong 117 hiển thánh trên quê hương đất nước này (1988-2018). Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân đức tin, ước gì mọi tín hữu Việt Nam tại quê nhà cũng như hải ngoại tích cực rủ nhau, nhắc nhau xin Thiên Chúa gia tăng cho mình lòng khao khát nên thánh (VMHH, 177), bắt đầu từ bản thân tới gia đình và cộng đoàn, rồi lan dần từ dân Chúa tới những anh chị em ngoài Kitô giáo. Đây là cách thiết thực để đền ơn đáp nghĩa các thế hệ tiền nhân và các nhà truyền giáo từ trời Tây đã đem hạt giống Tin mừng đến trên quê hương đất Việt.
Hưởng ứng tiếng gọi nên thánh, chúng ta sẽ tiếp nối những thế hệ tinh hoa của Dân thánh trong lịch sử để trở nên men Tin mừng cho nhân loại và cách riêng cho Dân tộc Việt Nam thân yêu giữa những thách đố to lớn hiện nay. Trong lời nguyện đầu thánh lễ cầu cho Hội thánh toàn cầu“Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho Hội Thánh mãi mãi là dân thánh, sống mầu nhiệm hiệp nhất của một Chúa Ba Ngôi. Ước chi ở giữa thế giới này, Hội thánh nên dấu chỉ sự thánh thiện, nên bí tích hiệp nhất và lợi khí xây dựng tình thương”(SLR 1992, trang 894).
Để khỏi bị đánh lừa, ta cần luôn sáng suốt phân định.
CÁC BƯỚC CỦA MỘT GIỜ TÂM NGUYỆN
- Chọn địa điểm. Mỗi nơi cầu nguyện là một điểm hẹn gặp Chúa. Chọn cho mình một “điểm hẹn” thích hợp là điều kiện đầu tiên để có thể bước vào giờ cầu nguyện.
- Ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa – Làm một cử chỉ thờ lạy. Cầu nguyện không phải là lúc ngồi một mình giữa cõi trống không, nhưng là bước vào một cuộc gặp gỡ. Bầu khí cầu nguyện được duy trì trong việc ý thức mình đang hiện diện trước ánh mắt yêu thương của Chúa, mình đang được lắng nghe tiếng Chúa và đang được nói cho Chúa nghe.
- Dâng một lời nguyện ngắn. Ý thức rằng, để cầu nguyện được, tôi cần đến sự trợ giúp của Chúa. Xin Chúa giữ tôi ở lại với Ngài. Xin cho tôi biết lắng nghe. Xin cho tâm hồn tôi được thanh tẩy và lớn lên. Xin điều mà lòng tôi thao thức và khao khát.
- Đọc Tin mừng. Đọc thật trân trọng và chậm rãi. Tránh thói quen đọc nhanh và sơ sài. Hình dung khung cảnh của bài Tin mừng để giúp tôi có thể đặt mình cầu nguyện tốt hơn. Dừng lại ở những câu chữ hay hình ảnh khiến tôi bị đánh động. Để cho Lời Chúa chất vấn, dạy dỗ và trở nên lương thực nuôi dưỡng tôi.
- Suy gẫm. Sử dụng những điểm gợi ý từ người hướng dẫn tĩnh tâm để có thể giúp tôi thêm chất liệu và tâm tình cầu nguyện.
- Tâm sự. Đích đến của giờ tâm nguyện là thời khắc tâm sự với Chúa. Tôi nghe Chúa nói và tôi nói Chúa nghe bằng tất cả những tâm tình tôi có được từ việc suy gẫm. (Đây là kinh nghiệm mấu chốt sẽ giúp ta nâng tâm hồn lên để hiệp nhất với Thiên Chúa giữa đời thường. Ta có thể nhớ lại định nghĩa của Thánh nữ Têrêxa Avila: Cầu nguyện là thường xuyên đối thoại thân tình với Đấng mà ta biết là rất yêu thương ta).
- Kết nguyện. Bằng một lời kinh. Bằng một tâm tình tạ ơn. Bằng việc rút ra một bài học hay một hướng sống. Bằng một quyết tâm nho nhỏ.
- Kiểm điểm. Bạn nghỉ ngơi ít phút rồi xem xét kết quả của giờ cầu nguyện vừa rồi: Có gặp được Chúa? Gặp nhiều hay ít? Tại sao? (chẳng hạn như: do địa điểm; mục tiêu; do không suy tư; không tập trung vào Tin mừng; khi suy tư để tâm trí chạy theo những điều mất thời gian khác; làm điều thừa, hoa hòe, không chính yếu…)
(Lấy lại tư liệu của Lm Giuse Cao Gia An, SJ.)
KIỂM ĐIỂM
Sau giờ tâm nguyện, ta dành mươi phút nhìn lại xem mình đã cầu nguyện thế nào, có theo đúng trình tự trên đây không? Có đủ 60 phút? Mức tập trung ở phần đầu, phần giữa và phần cuối? Thiếu thinh lặng nội tâm ở chỗ nào? Có những cảm hứng nào thoạt đầu có vẻ tốt nhưng rồi đã khiến ta lạc đề?
Nếu bị khó khăn về nơi nguyện ngắm, cần tự hỏi: Tại sao biết nơi ấy sẽ làm hỏng nơi nguyện ngắm mà vẫn chọn? Đã dựa vào lập luận nào để chọn một địa điểm mình đã biết là sẽ làm hỏng giờ nguyện ngắm?
Dựa vào đó để ghi nhật ký thiêng liêng. Chỉ ghi ngắn gọn, coi chừng lạc hướng!
CHƯƠNG TRÌNH TUẦN TĨNH TÂM
KHỞI ĐẦU
– 18g00: Ăn tối
– 19g00: Câu chuyện mở đầu
– 20g15: Thánh lễ khai mạc
NGÀY 1 ĐẾN NGÀY 5
– 6g 30: Ăn sáng (nghe nhạc)
– 7g 30: Gợi ý cầu nguyện 1
* Cầu nguyện riêng – Viết nhật ký thiêng liêng (ngắn gọn – coi chừng lạc hướng!)
* Thảnh thơi trong Chúa – gặp người đồng hành
– 10g 30: Thánh lễ
– 11g 30: Ăn trưa (nói chuyện)
– 14g 00: Gợi ý cầu nguyện 2
*Cầu nguyện riêng – Viết nhật ký thiêng liêng (ngắn gọn – coi chừng lạc hướng!)
*Thảnh thơi trong Chúa – gặp người đồng hành
– 18g 00: Ăn tối (nghe nhạc)
– 19g 00: Chia sẻ cuối ngày
– Gợi ý cầu nguyện 3
Trong 5 ngày tĩnh tâm,
Chúng ta chỉ nói chuyện trong giờ cơm trưa. Tất cả những giờ khác xin vui lòng giữ thinh lặng, không đối thoại hoặc chia sẻ thiêng liêng. Vì quyền lợi và ích lợi tâm linh của anh chị em và của chính mình, xin mỗi người cố gắng giữ thinh lặng triệt để. Sau giờ cơm, xin tránh đi gần nhau để khỏi lỗi thinh lặng. Thinh lặng tĩnh tâm sẽ kết thúc sau thánh lễ sáng ngày lên đường.
TĨNH TÂM THEO TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
về tiếng gọi nên thánh trong thê giới ngày nay.
Sau buổi tối mở đầu, cuộc tĩnh tâm đi theo 5 chương của Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, như sau:
- Chúa muốn ta nên thánh giản dị là mến Chúa yêu người giữa đời thường (Bước đi trong ý Chúa và ơn Chúa).
- Coi chừng bị đánh lừa và tự đánh lừa: mến Chúa yêu người cách ảo tưởng (Lạc vào thái độ chạy theo ý riêng và sức riêng).
– Hãy yêu thương như Chúa mong chờ, đừng xét đoán cách yêu thương của người khác, không tự cho rằng cách của mình hay hơn người khác.
– Luôn tin cậy vào ơn Chúa, theo ơn Chúa mà làm điều tốt, không tự tôn, làm quá sức mình.
(Cần thường xuyên xét mình để khỏi bị lạc).
- Muốn mến Chúa yêu người theo như Chúa Giêsu dạy, cần phải dám lội ngược dòng đời và tập trung vào lòng thương xót, yêu thương không mệt mỏi.
- Những áp dụng giản dị và cụ thể giữa đời thường, chấp nhận bị sỉ nhục vì Chúa (5 biểu hiện).
- Cần tỉnh táo sáng suốt, chiến đấu chống lại ma quỷ. Cuộc chiến đấu nhiều khi rất khó khăn, phức tạp, tuy nhiên qua kinh nghiệm trong Tông huấn, Đức Thánh Cha đã chỉ cho ta con đường gian dị: Cứ khiêm nhường trung thành với bổn phận hằng ngày, ta sẽ được ơn nhận ra tiếng Chúa (x. Mt 11,25).
CHƯƠNG 1 : MỘT KHAO KHÁT MÃNH LIỆT
Con đường nên thánh của Chị thánh Têrêxa Hài Đồng bắt đầu từ nỗi khao khát mãnh liệt mà Chúa đã gieo vào lòng Chị là khao khát nên thánh, khao khát yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến. Tình yêu mến Chúa chính là ánh sáng giúp ta nhận rõ ý Chúa, như lời Thánh Âu Tinh: “Hãy yêu mến đi rồi muốn làm gì thì làm”, và Thánh Phaolô: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn” (Pl 1,9-10).
Đó cũng là điều Đức Thánh Cha nhắm tới qua Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ về tiếng gọi nên thánh: “Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ hữu ích, giúp toàn thể Hội thánh lại một lần nữa tận hiến cho việc cổ võ lòng khao khát nên thánh. Ta hãy xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên ta một niềm khao khát nên thánh mênh mông vô tận để Thiên Chúa được hết sức vinh quang, và ta hãy giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Như thế, ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được” (VMHH, 177).
Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa (Am 8,11).
TIẾN VÀO THINH LẶNG
Để nghe được tiếng Chúa, là cần thinh lặng. Ngay giữa đời thường càng yêu mến sự thinh lặng ta càng dễ lắng nghe tiếng Chúa.
Ta càng thinh lặng bên ngoài, sự thinh lặng nội tâm sẽ càng lúc càng tiến vào sâu thẳm.
Khởi đầu là làm chủ các giác quan: nói, nghe, nhìn, nếm, ngửi, nắn… Giữ cho mọi giác quan đều thinh lặng, hy sinh và từ bỏ bên ngoài, ta sẽ được tự do bên trong…
Khi dâng điện thoại cho Chúa, nếu bạn giữ lại một cái nhỏ phòng hờ thì còn ý nghĩa gì? Hoàn toàn phó thác cho Chúa, bạn sẽ nhận ra rằng thường ngày mình bị chi phối quá nhiều vì những chuyện không cần thiết. Bạn chỉ việc dẹp hết những cái không cần ấy sang một bên là bắt đầu tiến vào thinh lặng nội tâm.
Nhờ thinh lặng, bạn sẽ dần dần nhận ra những chi tiết nhỏ của một toàn bộ. Đừng thổi phồng những chút nhỏ, hãy bình tĩnh kiên nhẫn cho tới ngày khám phá ra cái toàn thể…
Càng tiến sâu vào cuộc tĩnh tâm, đòi hỏi thinh lặng càng cao. Chúng ta nói chuyện trong giờ cơm trưa là để có thể dễ giữ thinh lặng trong những lúc khác. Thinh lặng nội tâm cần được thinh lặng bên ngoài hỗ trợ. Ta đã hiến dâng tất cả một cách hào hùng quảng đại, đừng từ chối với Chúa một điều rất nhỏ: Thinh lặng.
CẦU NGUYỆN HÔM NAY
Mỗi ngày tĩnh tâm có ba giờ nguyện ngắm. Bạn có thể tùy ý tăng thêm một hoặc hai giờ. Mỗi giờ, nên cố gắng nguyện ngắm đủ 60 phút. Khi về lại đời thường, có thể mỗi ngày bạn chỉ thu xếp nguyện ngắm được nửa giờ hay 25 phút. Bù lại, nhờ kinh nghiệm Linh thao, bạn sẽ thấy nhớ nhung việc cầu nguyện lâu giờ và dễ sống tâm tình cầu nguyện triền miên giữa bao bận rộn của cuộc sống.
Giữa cuộc sống bận rộn, bạn ước ao làm sao có thể hiệp nhất với Thiên Chúa trong từng nhịp tim hơi thở. Muốn vậy bạn nên thường xuyên dùng những lời nguyện rất ngắn, dăm bảy từ, vài ba âm tiết, như những lời thở than, những tiếng thổn thức: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Mời bạn tiến vào thực tập mở đầu.
Thực tập mở đầu
TẠ ƠN THEO HƠI THỞ
Trong tâm tình tạ ơn, tin cậy và phó thác, bắt đầu cuộc tĩnh tâm, bạn hãy hướng lòng lên Cha. Bạn hãy dâng lên Cha từng hơi thở, hít sâu thở chậm và thưa với Cha:
– Cha đang cho con tất cả (hít vào)
– Xin Cha nhận lấy con đây (thở ra)
Thường xuyện lặp lại việc thực tập này.
Chủ đề hôm nay
Để lên đường, ta cần biết mình đang đi đâu. Để đi trọn đường đời, ta cần biết mình là ai. Ta được Thiên Chúa cưu mang và tác thành, hơn nữa còn được làm con Thiên Chúa. Ta thuộc về Thiên Chúa, và sứ mạng hay ơn gọi của ta là nên thánh, là thuộc về Thiên Chúa. Hôm nay ta sẽ suy tư và cầu nguyện về phẩm giá cao quý ấy.
Mở đầu tuần tĩnh tâm, ta ôn lại kinh Lạy Cha, nhớ lại phẩm giá mình là con Thiên Chúa và là anh em của mọi người, luôn được Cha trên trời ấp ủ yêu thương. Điểm đến của đời ta là được hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi trong hạnh phúc đời đời. Sứ mạng của ta trên cõi đời này là góp phần tôn vinh Danh Thiên Chúa, xây dựng Nước Thiên Chúa và thực hiện ý Thiên Chúa.
Đề tài 1 : LẠY CHA
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Hãy xin ơn nhận ra tình Cha bao la và sâu thẳm của Thiên Chúa.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6,9).
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,4-7).
Suy tư và đối thoại với Chúa
– Cha là Nguồn cội
Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu, để nhờ Ngài, chúng con được nên con cái của Cha (x. Ga 3,16).
Chúng con là con Cha, do Cha sinh thành và dưỡng dục:
– sinh: trao tặng sự sống.
– thành: làm nên.
– dưỡng: nuôi nấng, chăm sóc và bảo vệ từng ngày.
– dục: dạy dỗ, uốn nắn.
Lạy Cha giàu lòng thương xót, Cha là nguồn gốc của tất cả, chúng con phải kính mến Cha hết dạ hết lòng. Điều răn thứ nhất dạy con phải luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa trong mọi việc lớn nhỏ
“Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? …Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người.” (Hi1pri 11,5-7.10b)
– Cha trên trời và là Cha chúng con
Cha vừa ở trên trời, vô cùng siêu việt, vừa thấu suốt mọi sự dưới trần gian và thấu suốt cõi lòng chúng con.
Cùng với Chúa Giêsu, Cha ở với chúng con trong Lời Kinh thánh, trong Thánh Thể.
Cùng với Chúa Thánh Thần, Cha ở giữa chúng con khi chúng con gặp gỡ nhau nhân danh Chúa Kitô
Lạy Cha là Thiên Chúa siêu việt, xin cho con biết phủ phục tôn thờ.
Lạy Cha là Thiên Chúa nội tại, ở khắp nơi và tận nơi sâu thẳm nhất lòng con, xin cho con luôn sống dưới ánh mắt Cha (x. St 17,1).
Kết thúc
– Ôn lại điều chính yếu nhất đã cảm nghiệm và tâm sự với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
– Nguyện kinh Lạy Cha thật chậm rãi.
Bạn đã có lòng đến đây, đã sẵn lòng hiến dâng cho Chúa một triệu, đừng tiếc rẻ lén lấy lại 50 xu.
+ Kiểm điểm nguyện ngắm:
Mời xem lại ở trang 15.
+ Nguyện tắt:
“Abba! Lạy Cha!” Hôm nay bạn hãy lặp lại lời ấy nhiều lần để duy trì tâm tình cầu nguyện suốt ngày.
Đề tài 2 : PHẨM GIÁ NGƯỜI CON
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rm 8,14-17).
Suy tư và đối thoại với Chúa
– Phẩm giá của người được làm con Thiên Chúa
Nếu những cái nhìn tiêu cực về bản thân có thể áp đặt những hạn chế trên chúng ta, thì những cái nhìn tích cực về chính mình có thể giúp ta phát huy một cách tốt nhất, như câu chuyện sau đây về con trai của Vua Louis XVI bên Pháp đã minh họa:
Vua Louis bị đoạt mất ngai vàng và bị giam tù. Con trai trẻ tuổi của ông, thái tử, bị những người lật đổ nhà vua bắt đi. Họ nghĩ rằng nếu tinh thần của chàng trai trẻ – người thừa kế ngai vàng – bị hủy hoại, chàng sẽ không bao giờ nhận ra được cái định mệnh vĩ đại mà cuộc sống đã dành cho chàng.
Họ đưa chàng đến một thôn ấp rất xa, ở đó họ phơi bầy ra trước chàng mọi thứ nhơ nhớp xấu xa của cuộc đời. Họ cho chàng ăn những thức ăn mà hương vị của nó có thể khiến người ta mau chóng trở thành nô lệ cho miếng ăn. Họ dùng những ngôn ngữ thô tục suốt ngày chung quanh chàng. Họ đưa chàng đến với những phụ nữ dâm đãng trơ trẽn. Họ đẩy chàng vào những trò nhục nhã ô danh và bất tín. Chàng bị bao vây hai mươi bốn giờ mỗi ngày bởi những thứ có khả năng lôi tuột linh hồn một con người xuống đến mức thấp nhất. Hơn sáu tháng trời chàng bị đối xử như vậy – thế mà không một lần chàng trai trẻ ấy bị oằn xuống trước sức ép. Rốt cuộc, sau bao cám dỗ dồn dập, họ thẩm vấn chàng. Tại sao chàng không bị khuất phục bởi những thứ ấy – tại sao chàng không tham dự? Những thứ ấy mang lại lạc thú, thõa mãn nhục dục và được nhiều người mong ước…, tất cả đều là của chàng. Chàng trai đáp: “Tôi không thể làm điều các anh yêu cầu vì tôi sinh ra để làm vua.” (Trích Sean Covey, Bảy thói quen giúp bạn trẻ thành đạt, bản dịch của Phạm Thị Thanh Tâm).
Lạy Cha, con tạ ơn Cha đã cho con được làm con Cha. Phẩm giá cao vượt trên mọi phẩm giá người đời có thể trao tặng.
– Chúng con
Không riêng một mình con được Cha yêu cưng nhưng còn có cả những người bên cạnh con. Họ là anh em con. Tất cả chúng con cùng theo đuổi công cuộc Cha trao phó. Chúng con được là anh em để yêu thương nhau. Điều thứ hai cũng giống điều thứ nhất: yêu người bên cạnh như chính mình con. Cha muốn tất cả chúng con yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau, nâng đỡ lẫn nhau.
Con chỉ là con Cha khi thực sự là anh em của mọi người. Xin Cha dạy con xa tránh sự chủ quan, chỉ biết một mình mình, không biết đến ai khác. Xin đừng để con xét đoán anh em (x. Rm 2,1-4).
Một số điều con thiếu quảng đại với anh em, có thể mãi nhiều chục năm sau vẫn còn ân hận, không sao sửa chữa được. Với những gì đang ở trong tầm tay, con phải làm sao để sự thiếu quảng đại như thế không tái diễn!
– Cha đã yêu thương con
Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con biết bao. Cha đã dựng nên chúng con, ban tặng cho chúng con tất cả, những thực tại hữu hình và vô hình, dưới đất và trên trời.
Cha không đòi chúng con báo cáo thành tích đã làm gì cho Cha nhưng muốn con tự hỏi và cảm nghiệm rõ Cha đã làm gì cho con, cho bản thân con. Cha chỉ đòi con sống đẹp lòng Cha.
Bên trên cha mẹ, thầy cô, anh chị em và bạn hữu, bên trên xã hội, có Thiên Chúa là Cha. Chúa Cha yêu thương ta mà ta không ngờ. Ngài có một chương trình riêng cho ta. Nếu cần, bạn hãy dành một giờ ban đêm để cầu nguyện về điều ấy.
Trong tâm tình con thảo như Chúa Giêsu, bạn hãy hướng lòng lên Cha, hít sâu thở chậm và thưa với Cha:
– Cha đang cho con tất cả (hít vào)
– Xin Cha nhận lấy con đây (thở ra)
Kết thúc
– Ôn lại điều chính yếu nhất đã cảm nghiệm và tâm sự với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
– Nguyện kinh Lạy Cha thật chậm rãi.
Bạn đã có lòng đến đây, hãy phó hết cho Chúa Thánh Thần, để mặc Ngài uốn nắn.
+ Kiểm điểm nguyện ngắm:
Mời xem lại ở trang 10.
+ Nguyện tắt:
– Lạy Cha nhân ái, con thờ lạy Cha.
– Lạy Cha, con phó thác mọi sự trong tay Cha.
Đề tài 3 : THAO THỨC CỦA NGƯỜI CON THẢO
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Bạn xin ơn biết rõ mục đích cuối cùng của đời là tôn vinh danh Cha.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa:
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10).
Hít sâu thở chậm. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng.
+ Những người con hiếu thảo, tận cõi lòng chỉ biết có cha mẹ mà thôi
+ Con muốn mình là một người con thảo của Cha trên trời
+ Xin cho tâm tư con luôn hướng về Cha
Suy tư và đối thoại với Chúa
– Sống theo đúng mục đích:
`Trong bảy thói quen mà tác giả Sean Covey muốn giúp các bạn trẻ tập luyện để đạt hiệu năng cao, thói quen thứ hai là định sẵn mục tiêu trong đầu rồi khởi sự. Trước khi lên đường, phải biết mình đi đâu. Đời người là một hành trình dài, mọi giai đoạn cuộc sống cũng như từng ngày và từng giờ đều hướng tới một mục tiêu cuối cùng, mọi công việc, mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm đều phải góp phần đạt tới mục tiêu cuối cùng ấy.
“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4.3). Trọng điểm cuộc tĩnh tâm là nhìn lại mọi sự theo mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Có xác định được mục đích và ý nghĩa ấy, con mới có thể xây dựng cuộc sống thường ngày cách đúng đắn.
Đó là nguyên tắc nền tảng cho mọi chuyện kể cả chuyện ta đang làm là tĩnh tâm, cầu nguyện. Trước khi bước vào tĩnh tâm, ta cần nhớ mục đích cuối cùng của đời người: Thiên Chúa dựng nên ta nhằm mục đích gì?
Người Phật tử sống theo nguyên lý nhân quả. Người Kitô hữu sống theo nguyên lý mục đích mà tác giả của họ là Đấng Tạo Hóa đã đề ra. Sống theo nguyên lý nhân quả, ta ăn năn tội vì mình (sợ phần phạt, tìm phần thưởng). Sống theo nguyên lý mục đích, ta ăn năn tội vì đã làm Chúa buồn, ta khao khát hiệp nhất với Chúa.
Muốn biết ý Đấng Tạo Hóa, phải lắng nghe Lời Ngài.
– Mục đích đời ta
Trước câu hỏi: “Sống để làm gì?”, Chúa Giêsu cho biết Ngài đến để làm theo ý Chúa Cha (x. Ga 5,30). Hoa quả của việc làm theo ý Cha là được thuộc về Cha (Nước Cha) và tôn vinh Cha (Danh Cha). Theo chân Chúa Giêsu, tôi cũng làm như thế.
Ba ý nguyện ấy vừa hợp thành một mục đích duy nhất vừa vạch ra con đường đi tới mục đích duy nhất ấy.
Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên mọi loài, mọi vật là để tất cả thực hiện điều Ngài muốn. Khi ý Chúa nơi thụ tạo được thể hiện, nó sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa, thuộc về vương quốc Ngài và làm cho Ngài được tôn vinh.
Cả ba ý nguyện cùng nhắm đến vinh danh Chúa Cha (đức tin) qua việc xây dựng Nước Cha (đức cậy) và thực hiện Ý Cha, nhờ đó ta được hiệp nhất với Ngài (đức mến).
– Danh Cha
Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa.
“Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương” (Tv 115/113B,1).
“Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cr 10,31)
– Nước Cha
Cha đã đặt Chúa Giêsu, Con Ngài, làm chủ lịch sử, là chủ đời mỗi người, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời (x. Hr 13,8).
Giao ước cho ta được thuộc về Dân Chúa để cùng xây dựng Nước Chúa, thuộc về “vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh tiền tụng Lễ Chúa Kitô Vua).
Loài người và mỗi người mưu cầu một vương quốc riêng, một công cuộc riêng, nếu không hội nhập vào đại cuộc của Thiên Chúa, tất cả sẽ sớm sụp đổ tan tành.
– Ý Cha
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Hiệp nhất một lòng một ý với Thiên Chúa là trạm dừng chân trên đường tiến về hiệp nhất với Ngài trong tình yêu đời đời.
Ngay đây, khi bắt đầu tĩnh tâm, chợt có những điều không ngờ trước, rất đáng bực mình. Đừng phản ứng nóng vội. Bạn hãy bình tĩnh rồi sẽ có giải đáp từ một góc khác, rồi sẽ khám phá đằng sau những cái bất ngờ ấy có Ý Cha, Nước Cha và Danh Cha.
– Cùng chung tay góp sức.
Cùng là con Cha, chúng ta cùng đóng góp xây dựng công cuộc của Cha (trong Giáo hội, Giáo phận) theo tài sức riêng. Một việc tông đồ khẩn cấp ngày nay là biết ủng hộ, cổ võ, nâng đỡ việc tông đồ của người khác Miễn sao Đức Kitô được rao giảng (x. Pl 1,18). Chúng ta đang theo đuổi công cuộc của Thiên Chúa chứ không phải công cuộc của riêng mình.
Do ghen tị, các anh của Giuse đã bán ông nhưng Thiên Chúa đã rút sự lành từ sự dữ. Để xây dựng Nước Thiên Chúa, ta cần có tinh thần từ bỏ cao độ.
Kết thúc
Cuối giờ, bạn vắn tắt thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha là lẽ sống của chúng con và của bản thân con, nơi từng công việc lớn nhỏ hằng ngày.” Rồi kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.
+ Kiểm điểm nguyện ngắm: Mời xem lại ở trang 12.
+ Nguyện tắt:
– Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.
– Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, là Thiên Chúa của con.
– Lạy Chúa Thánh Thần, con cảm tạ Chúa.
Đề tài 3b : PHÚC THAY AI BIẾT LẮNG NGHE
(Đây là đề tài tăng cường, có thể cầu nguyện trong đêm hoặc vào lúc nào khác thuận lợi).
Đến với Chúa
Bạn hãy chậm rãi ghi dấu Thánh giá, thinh lặng nhớ mình đang ở trước Nhan Thiên Chúa và cung kính thờ lạy.
Rồi bạn đọc lại Lời Chúa: Lc 1,26-38
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,35-38).
– Thiên Chúa ngỏ lời và chờ ta đáp lại
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1,1.10-12)
– Mẹ Maria không ngừng đáp lại
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27-28).
Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,31-35).
– Đứng vững trong tư thế lắng nghe
Vua Salômôn đã có một tấm lòng muốn nghe (“Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe”, 1V 3,9) nhưng rồi không kiên trì đến cuối (x. Hc 47,20). Ông Mô sê lúc đầu đã làm theo ý riêng (x. Xh 2,11-15) nhưng cuối đời chỉ làm theo ý Thiên Chúa (x. Đnl 34,10-12).
Mẹ Maria trung thành đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25) và cùng lắng nghe Lời Chúa với các Tông đồ (x. Cv 1,14). Được như thế là nhờ Mẹ luôn “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19.51)
Kết thúc
Cuối giờ, bạn vắn tắt thưa với Chúa Cha: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10).
Rồi kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.
Khi tĩnh tâm giữa đời thường.
Mời xem tiếp Phụ lục Chưng 1.
Sự quảng đại của bạn với Chúa được chứng tỏ trong giây phút hiện tại, nơi một điều rất nhỏ: Tuyệt đối thinh lặng trong tĩnh tâm.
Đọc VUI MỪNG HOAN HỈ
Tuần tĩnh tâm này gồm 5 ngày, theo 5 chương trong Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tuy nhiên, trong thời gian tĩnh tâm, bạn chưa cần đọc toàn văn. Hãy lướt qua bản tóm tắt ý chính các đoạn trong Tông huấn ở cuối sách, xem thử nội dung bạn cần nằm ở những đoạn nào thì chỉ đọc những đoạn ấy thôi. Nếu ham hiểu biết, đọc cho bằng hết hoặc vì tò mò đọc điều không cần thiết, sẽ mất thinh lặng nội tâm.
Chương I của Tông huấn đưa ta vào bầu khí lạc quan hy vọng của sự thánh thiện giữa đời thường, trong khung cảnh Nazarét của mỗi người.
Những vị thánh đang hưởng nhan Chúa gồm cả những người thân yêu trong gia tộc (số 3), sát bên nhà ta (số 6-7), thật âm thầm (số 8) cả nơi những Kitô hữu ngoài Công giáo (số 9). Tiếp bước các vị, mỗi chúng ta đề được mời gọi nên thánh, mỗi người một cách, cả nam và nữ (số 10, 11, 12). Mỗi chúng ta được mời gọi nên thánh ngay trong hoàn cảnh, trong công việc và chức phận của mình (số 13, 14).
Thiên Chúa ban cho ta muôn ơn (số 15) để nên thánh từ nơi những điều nhỏ của hiện tại (số 16, 17, 18).
Chúa Cha đã trao phó cho ta một sứ vụ. Ta cần noi gương Chúa Giêsu để sống sứ vụ ấy (số 19-24), vừa dấn thân hoạt động (25-28) vừa giữ sự cô tịch để cầu nguyện (29-31). Chính sự nên thánh, thuộc về Chúa, làm cho đời ta tươi nở (31-34).
“Sứ vụ ấy có được ý nghĩa trọn vẹn nhất trong Đức Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Ngài. Tự cốt lõi, thánh thiện chính là sống những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô, trong sự kết hợp với Ngài. Sự thánh thiện kết nối ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa một cách đích thân và độc đáo, liên tục chết và sống lại với Ngài. Điều này có thể còn đòi hỏi ta phải tái thể hiện nơi đời mình những khía cạnh khác nhau nơi cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: nếp sống ẩn dật của Chúa, nếp sống của Ngài trong cộng đồng, sự gần gũi với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói và những cách diễn tả khác được Ngài dùng để nói lên tình yêu tự hiến của Ngài” (VMHH, 20)
TẬP PHÂN ĐỊNH
Sự phân định thật cần thiết vì ta luôn bị kéo lôi từ đôi ngả. Chúa Thánh Thần dạy ta sống như người con thảo của Chúa Cha, theo mẫu mực Chúa Kitô, luôn chăm lo cho Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha.
Đang khi đó, thần dữ xúi giục gạt bỏ Thiên Chúa, coi bản thân mình là nhất, dồn hết năng lực để mưu tìm:
– Danh giá, lời khen và uy tín riêng,
– Thế lực và tầm ảnh hưởng riêng,
– Ý riêng và sở thích riêng.
Ta cần tiến vào thinh lặng để thấy rõ rằng mọi tội lỗi lớn nhỏ đều mang ý nghĩa một sự đảo ngược, hạ bệ Thiên Chúa để tự tôn mình lên làm chủ. Hãy vào trong thinh lặng để thật lòng quay về với Chúa.
Xét mình
“Tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày” (VMHH, 169).
Kiểm điểm về đức mến Chúa: Trên ngai vàng lòng ta.
Không ai có thể phục vụ hai chủ. Trong lòng tôi, không thể có hai hoàng đế trên một ngai vàng:
- Hoặc tôi làm chủ (tôi ngồi trên ngai), và Thiên Chúa bị loại trừ khỏi đời tôi.
- Hoặc Chúa làm chủ và tôi thuộc quyền Ngài
Giữ vững lương tâm ngay thẳng và lòng trong sạch
Phân định là khả năng nhận rõ tiếng Chúa mời gọi. Đây là một trực giác Thiên Chúa vẫn ban cho những người thiện chí, biết giữ cho mình một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
Xét mình
Muốn nhận được ơn này, bạn cần tha thiết nài xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn và nghiêm chỉnh xét mình đổi mới đời sống:
– Xét mình tổng quát trước giờ cơm trưa và cuối ngày.
– Kiểm điểm kỹ sau mỗi giờ nguyện ngắm.
– Phản tỉnh nhìn lại sau mỗi lời nói hoặc cử chỉ đáng quan tâm trong ngày.
Ba việc xét mình ấy sẽ giúp bạn kịp thời điều chỉnh cuộc sống để giữ được lương tâm ngay thẳng và tấm lòng trong sạch, dễ trực giác thấy đâu là ý Chúa.
Ba nhân đức căn bản.
Khi đặt vấn đề hoán cải, ta thường nghĩ ngay tới những tội lỗi và tật xấu phải chừa bỏ. Đó chỉ mới là cái ngọn. Việc thinh lặng sẽ giúp ta tìm ra đâu là gốc rễ những lỗi lầm và vấp váp. Truyền thống Công giáo liệt kê bảy nết xấu làm đầu và bảy nhân đức ngược lại. Phật giáo nói tới tam độc tham, sân, si.
“Giận mất khôn”. Lời ấy có ý dạy ta khi nóng giận đừng quyết định. Những quyết định khi nóng giận thường khiến ta phải ân hận về sau.
Không riêng sự giận ghét (sân) mà cả sự ham muốn lệch lạc (tham) và sự mê muội (si) đều khiến ta chọn lựa (và quyết định) sai. Mỗi ngày ta cần nhìn lại xem có quyết định điều gì đang khi lòng bị nhiễm độc vì một trong ba điều ấy chăng.
Ngược với tam độc tham, sân, si là tam học giới, định, tuệ. Thánh nữ Têrêxa Avila cống hiến một gạch nối là ba nhân đức căn bản tương ứng là từ bỏ, yêu thương và khiêm nhường, đi song song với nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, song song với trông cậy, yêu mến và tin (x. VMHH, 60). Chính là do thiếu những thái độ nội tâm sâu xa ấy mà ta dễ lỗi lầm vấp váp.
Hôm nay, ta hãy tiến sâu vào thinh lặng nội tâm để không dừng lại nơi những vụ việc sai trái nhưng tìm ra những xu hướng lệch lạc của mình, và tiến đến những nhân đức ngược lại.
Bảy mối tội đầu
Chi tiết hơn, ta có thể xét theo bảy nết xấu làm đầu:
– Kiêu ngạo,
– Ham tiền của vật chất,
– Mê tà dâm,
– Nóng giận,
– Mê ăn uống, say sưa,
– Ganh ghét,
– Lười biếng.
Khi có ai muốn tìm hiểu chân lý Đạo thánh, ta cần nhắc họ cẩn thận tránh những điều ấy. Nếu không, ánh sáng đức tin và lửa yêu mến sẽ sớm bị dập tắt.
Sàng lọc
Để có được sự sạch sẽ, trật tự, gọn gàng, cần gì là tìm thấy ngay, trước hết phải quét dọn, đổ rác, tiếp đến phải loại bỏ những thứ không cần thiết. Muốn có được lương tâm ngay thẳng và tấm lòng trong sạch, sau khi loại bỏ tham sân si, ta cần loại bỏ những thứ chỉ mất giờ, không cần thiết: chat, lướt mạng, những lời thừa, việc thừa và nhiều chuyện không cần thiết khác… Đó là sự sàng lọc về tâm linh.
THỰC HÀNH: SỐNG NHƯ CON THIÊN CHÚA
- Như thấy Chúa đang âu yếm nhìn
Thiên Chúa Cha yêu thương ta, đã dựng nên ta, cho ta được làm người, được làm con cái Ngài và được có Ngài ở trong cõi lòng. Ta hãy luôn nhớ Chúa đang hiện diện, hãy sống như có Chúa đang luôn âu yếm nhìn.
- Cẩn thận từ điều nhỏ
Nhớ mình là con Thiên Chúa, khắp nơi mọi lúc, ta luôn cẩn thận từ trong những điều nhỏ. Ví dụ, khi cầu nguyện, đứng, ngồi hay quỳ đều nghiêm túc.
Tương tự như thế, khi giao tiếp với mọi người, trong cũng như ngoài nhóm, ta sẽ luôn ý thức để dùng từ, diễn ý cho thật chính xác, tạo sự cảm thông, sự tôn trọng lẫn nhau và tình thân ái với mọi người. Từng việc nhỏ tươm tất, cả cuộc đời sẽ tươm tất.
- Trong ơn Chúa Thánh Thần
Tập những điều trên đây, dần dần ta sẽ khám phá ra rằng cả trong những điều rất nhỏ như thế, ta cũng cần phải có ơn Chúa Thánh Thần giúp sức. Do đó, khi vừa thức dậy, trước khi ngủ, trước mỗi kinh, mỗi việc và nhiều lần khác trong ngày, ta cần hướng lòng lên với Chúa Thánh Thần, tha thiết nài xin Ngài ban ánh sáng và sức mạnh để luôn sống xứng đáng trước nhan thánh Thiên Chúa.
Nên nguyện kinh “Cúi xin Chúa sáng soi” nhiều lần trong ngày.
Những giờ phút tĩnh tâm này rất quý báu, sẽ đem lại bình an và nghị lực cho những ngày sắp tới.
Vì quyền lợi và ích lợi tâm linh của anh em và của chính mình, xin mỗi người cố gắng giữ thinh lặng triệt để.
Không đối thoại hoặc chia sẻ thiêng liêng.
Không lỗi thinh lặng vì bất cứ lý do tốt đẹp nào.
Sau giờ cơm, tránh đi gần nhau để khỏi lỗi thinh lặng.
CHIA SẺ CUỐI NGÀY
Việc chia sẻ trong tĩnh tâm nhằm giúp ta ra khỏi chính mình cách cụ thể bằng việc lắng nghe các bạn cùng tĩnh tâm. Ta sẽ không chia sẻ về những cảm nhận để khỏi rơi vào chủ quan, nhưng chỉ chia sẻ và lắng nghe nhau về các kinh nghiệm thực hành để giúp nhau được phong phú. Cuối ngày thứ nhất, ta chia sẻ về kinh nghiệm thứ nhất là thinh lặng nội tâm.
– Từ thinh lặng bên ngoài
– Từ việc cắt điện thoại
– Và những bận tâm lo âu
– Tới sự phó thác bình an.
TỔNG KẾT CUỐI NGÀY
Việc tổng kết cuối ngày là khoảnh khắc cầu nguyện trước nhan Chúa, nhìn lại những điều đã đọc, đã suy niệm và đã sống trong ngày. Cuộc tĩnh tâm này mang tính thực tập, với năm việc tập luyện sau đây:
1 – Luyện thinh lặng nội tâm.
2 – Tập đào sâu cầu nguyện.
3 – Tập phân định để nhận rõ ý Chúa: tỉnh táo nhận rõ gợi ý hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và nhận rõ những ngụy biện lừa đảo của thần dữ
4 – Tập ứng xử theo đúng mục đích nhờ xem, xét, làm (lắng nghe, cân nhắc, đáp ứng hào hiệp).
5 – Tập tạ ơn và phó thác.
Bạn ôn lại những thực tập để thấy rõ và đúc kết những cảm nghiệm bên trong: Một ngày qua, Chúa đã nói với bạn về tình Cha của Thiên Chúa và tình anh em với mọi người. Bạn đã nghe được như thế nào?
Không ai biết những diễn tiến tâm hồn của bạn. Chỉ có Chúa và bạn biết với nhau. Satan có thể đoán biết được đôi phần và người hướng dẫn cũng có thể được Chúa soi sáng cho biết đôi phần nhưng không ai mở được cõi lòng thay cho bạn. Tuần tĩnh tâm góp phần quan trọng cho số phận đời đời của bạn, do đó bạn cần tỉnh táo rút kinh nghiệm và làm việc nghiêm túc hơn.
(Còn tiếp)