Views: 84
LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI (2019)
(Bđ Lễ III : 2 Mcb 12,43-45; Kh 21,1-5a.6b-07; Ga 11,17-27)
Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, các phương tiện truyền thông gần như nóng lên về những câu chuyện liên quan đến cái chết:
– Ngày 17.10.19: Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam- Lê Hải An- tử vong mà theo thông tin phổ biến là do “cú ngã từ trên tầng 8” của toà cao ốc Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thủ đô Hà Nội.
– Ngày 23.10.2019: 39 người nhập cư bất hợp pháp chết lạnh trong container tại một khu công nghiệp Waterglade Grays hạt Essex thuộc vương quốc Anh. Theo nguồn tin chưa chính thức, trong số đó có nhiều người Việt Nam thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
– Ngày 26.10.19: Trùm khủng bố IS Baghdadi đã tự sát sau khi bị lực lượng Delta Mỹ tấn công và truy lung ngay nơi trú ẩn tại tỉnh Idlib của Syria…
Sở dĩ nhắc đến các sự kiện mang màu sắc đau thương chết chóc nầy trong ngày lễ Các Đẳng linh hồn (2.11) là muốn liên kết 2 ý nghĩa cơ bản của mầu nhiệm phụng vụ được cử hành hôm nay:
– Trước hết, đó là việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho “anh chị em thuộc Giáo Hội đau khổ”, tức các linh hồn đang thanh luyện trong luyện ngục; một hành vi vừa mang ý nghĩa tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm “các Thánh thông công”, vừa là nghĩa cử của tấm lòng hiếu đạo dành cho những người đã khuất.
– Thứ đến, đó là một lần nữa, xác tín về niềm hy vọng vĩnh hằng, khi ý thức rằng cùng đích của cuộc đời chính là “quê hương vĩnh cửu”; vì thế, luôn phải tỉnh thức chuẩn bị những hành trang cần thiết đang khi còn lữ hành trên dương thế.
Về ý nghĩa thứ nhất: tưởng niệm người đã khuất, hay “việc thông công với những anh chị em đã qua đời” không chỉ mới xuất hiện trong niềm tin của người Kitô hữu, mà thật ra, đã ăn sâu từ thuở xa xưa trong Cựu Ước, nhất là nơi những trang sách Maccabêô mà chúng ta vưa nghe trong Bđ 1: “Khi ấy ông Giu-đa Ma-ca-bê-ô quyên góp được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dang hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại”. Chúng ta lưu ý 2 tính từ “cao quý” và tốt đẹp” được gán cho hành vi trên vì đó là hành vi của niềm tin vào sự phục sinh mai hậu.
Trong những ngày này, đặc biệt kể từ ngày hôm qua (1.11), quả thật, cộng đoàn Công Giáo khắp nơi đang thực hành những việc “cao quý và tốt đẹp”:
– Hôm qua, chúng ta đã họp nhau mừng kính Các Thánh Nam Nữ, những anh chị em “đang mặc áo trắng tinh, cầm cành thiên tuế, tung hô Chúa trên thiên đàng”, vừa để tôn vinh các ngài vừa cầu xin sự cầu thay nguyện giúp.
– Cũng từ trưa hôm qua, khi bắt đầu đi viếng nghĩa trang và nhà thờ theo quy định của Giáo Hội, chắc chắn, các đẳng linh hồn nơi luyện ngục cũng “đã nhận được những món quà “đại xá” do Giáo Hội lữ hành chuyển xuống.
– Và hôm nay ngày lễ Các Đẳng (riêng các linh mục thôi, được dâng 3 thánh lễ cầu cho Các Đẳng), cùng bao việc đạo đức tốt lành khác dành cho ông bà anh chị em và những người đã ra đi trước chúng ta, chúng ta xác tín rằng, nơi thế giới bên kia, biết bao nhiêu linh hồn đã được giải thoát để tiến về quê hương vĩnh hằng…
Vâng tất cả “những việc cao quý và tốt đẹp” đó phát xuất từ niềm xác tín của chúng ta về sự phục sinh trong Chúa Kitô, về cùng đích vĩnh hằng đầy hạnh phúc vinh quang như sách Khải Huyền diễn tả (mà chúng ta vừa nghe) trong Bđ 2: “Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”.
Thật ra, chân lý về “cùng đích vĩnh hằng” trên, không phải chỉ dành riêng cho những người đã khuất thôi đâu, mà cho cả tương lai của chính chúng ta, những người đang sống và đang là những khách lữ hành trên con đường hành hương tiến về quê hương vĩnh cửu đó.
Niềm tin nầy lại càng được củng cố hơn nữa qua chính “dấu lạ phục sinh ông La-da-rô từ trong cõi chết” cùng với lời tuyên bố “dứt dạc” của chính Đấng là “sự sống sự sống lại”, lời tuyên bố phát ra ngay trước cửa huyệt mộ, khi xác đất vật hèn của La-da-rô đã bốc mùi sự chết: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống”.
Trong một thế giới, nhất là một xã hội Việt Nam mà chúng ta đang sống, hiện diện, thì sự khủng hoảng, bất an, vô vọng, mất phương hướng đang lan tràn khắp nơi. Vì mất phương hướng và niềm tin trong cuộc sống tại thế nên đã mang theo bao tội ác kinh rợn, bào băng hoại và đồi trụy về luân thường đạo lý, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II gọi là “nền văn minh sự chết”: phá thai, ly dị, khủng bố, tham nhũng, dối trá, hận thù, tham lam, ác độc…; vì mất niềm hy vọng và điểm tựa cho tương lai và cùng đích cuộc đời, nên đâm ra mê tín dị đoan, tin vơ thờ quấy…
Sứ điệp của hai ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ và Các Đẳng linh hồn, đặc biệt, với sứ điệp lời Chúa được công bố hôm nay (một niềm tin xuyên suốt từ Ma-ca-bê-ô tới Tin Mừng Thánh Gioan và cuối cùng nơi sách Khải huyền), đã gọi mời chúng ta, những người Kitô hữu, cùng lên đường để sống và làm chứng cho một niềm xác tín mạnh mẽ vào giá trị tuyệt vời của thiên chức làm người trong phẩm giá con cái Chúa, trong ơn gọi nên thánh và trong mối giây hiệp thông hoàn hảo của một cộng đoàn huynh đệ giữa những khách lữ hành đang chiến đấu với những anh chị em đã “một cõi đi về”.
Cho dù cái ngữ cảnh của hai từ “Các Đẳng” có gợi lên một thế giới của cõi âm vắng tanh, như cái vắng tanh cô độc của “một người vừa nằm xuống” trong ngôn ngữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi![1]
thì giữa mùa đông lạnh lẽo, Tháng Các Đẳng của Người Kitô hữu trở về mang theo những ngọn lửa ấm áp của tình hiệp thông huynh đệ, chan chứa niềm hy vọng và yêu thương của Thầy Chí Thánh: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó…Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở…”, hay như lời Kinh Tiền Tụng đầy xác tín tin yêu của Giáo Hội: “Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu tỏa trên chúng con, để những ai buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi vì Chúa hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau nầy…”.
Giờ đây, chúng ta cùng tiếp tục Thánh lễ qua những lời cầu nguyện chung, dâng lên Thiên Chúa tình yêu.
Trương Đình Hiền
[1] Trịnh Công Sơn, lời của bài hát “Cho một người nằm xuống”