Chia sẻ Lời Chúa

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG KHIÊM HẠ

(Gợi ý suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 8 TN C)

Chắc một điều : Chúa Giêsu không muốn chúng ta, những môn sinh của Ngài, lên mặt làm “thầy dạy” : “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8); nhưng cũng chắc một điều : Ngài muốn chúng ta là “ánh sáng” soi đường cho muôn người : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt nó trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14-16).

            Như vậy, cái đặc tính “ánh sáng” mà Chúa Giêsu muốn quy chiếu cho các môn sinh của Ngài luôn phải gắn liền với “những công việc tốt đẹp anh em làm”, một đặc tính mà theo nhận xét và đánh giá của Chúa Giêsu, không thấy có nơi những vị mang danh “ráp-bi” thuộc giới Luật sĩ, Biệt phái : “Các kinh sư và người Pha-ri-siêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3).

            Nhưng dù sao, kẻ nói tốt, nói đúng mà không làm hoặc làm ngược lại vẫn còn hơn là người nói bậy, giảng sai, xúi kẻ khác đi vào sự lầm lạc, là hạng người mà Đức Kitô đã kịch liệt lên án là những “kẻ dẫn đường mù quáng” : “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng !….” (Mt 23,16-32).

            Chính vì thế, khi trao cho các môn sinh sứ mệnh “rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”, sứ mệnh làm “ánh sáng thế gian”, làm “muối ướp đời”, Đức Kitô không muốn và cũng không để các môn sinh, như Tin Mừng Luca hôm nay tường thuật qua một dụ ngôn thật ngắn, trở thành những kẻ “mù” : “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ?” (Lc 6,39). Chắc chắn chữ “mù” của dụ ngôn nầy muốn nhắm tới “sự mù quáng của tâm hồn”, sự mù quáng trước huyền nhiệm và kế hoạch của Thiên Chúa”, sự mù quáng về Lời và Luật Chúa, là khí cụ được Thiên Chúa mặc khải để dẫn lối đưa đường con người bước đi trong nẻo chính đường ngay và trở về với Thiên Chúa, sự mù quáng trước Đấng được Chúa sai đến để mang ơn cứu độ cho con người.

            Đây chính là sự “mù quáng tâm linh” của những kẻ vỗ ngực tự xưng là thông luật Mô-sê, những kẻ khinh miệt “chàng mù từ thuở mới sinh” là “mầy sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mầy lại muốn làm thầy chúng ta ư”, những kẻ từng chứng kiến bao điều lạ lùng Chúa Giêsu đã làm, bao lời Chúa Giêsu đã giảng, nhưng vẫn bưng tai bịt mắt : “Tôi đến thế gian nầy chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”  (Xin đọc lại toàn bộ câu chuyện Chúa Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh qua lời kể của Thánh Gioan : Ga 9,1-41).

            Và Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy rằng : chính những kẻ “mù loà tâm linh” lại là những người kiêu căng, nhìn mọi sự, đánh giá mọi thứ qua “lăng kính cục bộ”, thiển cận và hẹp hòi của chính mình, mà ngôn ngữ dụ ngôn của Tin Mừng Luca trong Chúa Nhật hôm nay gọi là kẻ “thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Lc 6,41-42).

            Những người “mù” theo diện nầy chắc chắn không hề thiếu trong thời đại hôm nay, nơi Giáo Hội hôm nay, tại cộng đoàn chúng ta hôm nay.

            Vì thế, câu chuyện “mù” trong sứ điệp Lời Chúa hôm nay là dành để giáo dục đức tin cho cộng đoàn chúng ta, cho mỗi người mang danh Kitô hữu, những người nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, đã được vinh dự tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của chính Chúa Giêsu.

            Trong một thế giới mà khí cụ truyền thông hiện đại, phổ cập và tinh vi hơn bao giờ hết, những người Kitô hữu, nhất là những ai mà sứ vụ rao giảng, hướng dẫn cộng đoàn, định hướng niềm tin-văn hoá…được ân trao cách loại biệt (Giám mục, linh mục, giáo lý viên, chuyên viên mục vụ truyền thông, truyền giáo…) luôn phải là người “phát ngôn” của sự thật, chứng nhân của “Niềm vui Tin Mừng”, những người “rao giảng vui tươi” như giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui Tin mừng” :

“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”. (EG 10).

            Đó là những người không ngừng “thuộc về ánh sáng” nhờ tin vào Chúa Kitô : “Tôi là ánh sáng thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12,46) và luôn có Chúa Thánh Thần : “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Con anh em biết Người, vì Người luôn ở với anh em.” (Ga 14,17).

            Bao lâu còn gắn kết mật thiết với Chúa Kitô và Nhiệm Thể Ngài như “cành nho gắn liền với thân nho” (Ga 15,1-8) thì còn ánh sáng, thuộc về ánh sáng : “Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,36); khi phản bội Ngài và xa lìa “bàn tiệc của huynh đệ hiệp nhất, yêu thương”, sẽ lầm lũi bước đi trong bóng tối để dẫn đến bóng tối cuối cùng của diệt vong là “cái chết thất vọng” : “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời sụp tối” (Ga 13,30).

            Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh chiều kích “Ki-tô thuộc” nầy trong tông huấn “Niềm vui in Mừng” bằng những lời thâm thuý sau :

“Một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Họ cảm nhận được Đức Giêsu sống với mình giữa công cuộc truyền giáo. Nếu không nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm sự dấn thân truyền giáo của chúng ta, lòng phấn khởi của chúng ta sẽ sớm nhạt nhoà và chúng ta không còn chắc chắn mình đang thông truyền điều gì; chúng ta thiếu sinh lực và đam mê.” (EG 266).

            Nếu được diễn tả lại bằng ngôn ngữ của dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, thì đó chính là “cây tốt…sinh quả tốt…” (Lc 6,43-45), bởi vì “cành nho đầy hoa trái vì liên kết với thân nho” (Ga 15,5-8).

            Trong một thế giới đang bị nhiễu loạn vì bao nhiêu ngôn ngữ : ngôn ngữ của đủ loại chiêu trò quảng cáo, ngôn ngữ của kích thích dục vọng, ngôn ngữ của kết án tuỳ tiện, bất công, của bạo lực và hận thù, ngôn ngữ của hưởng thụ và hạnh phúc chóng tàn, ngôn ngữ “đao to búa lớn” của các nhà chính trị…, người Kitô hữu vừa phải hết sức cẩn trọng trong lời rao giảng, như sách Huấn Ca (BĐ 1) hôm nay lưu ý : “Lời nói là sự thử thách của con người”; vừa chọn “làm chứng nhân” hơn là “thầy dạy”, chọn thái độ “phục vụ” của những người sẵn sàng “quỳ xuống rửa chân cho anh em”, những người “dẫn đường khiêm hạ” theo cung cách của “Ráp-bi Giêsu”, Đấng rao giảng bằng “tình yêu tự hiến” và “cái chết thập giá”.

            Nhưng hãy xác tín rằng : chọn lựa đó, con đường đó chắc chắn sẽ mang lại hoa trái thiện hảo, hoa trái của “sự trường sinh bất tử”, của sự “chiến thắng nhờ Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta”. Cùng với niềm xác tín đó, Thánh Phaolô hôm nay cũng gọi mời chúng ta, những “ngôn sứ của thời đại hôm nay”, “hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng : trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích”. (BĐ 2).

 

Giuse Trương Đình Hiền

3/3/2019