NGƯỜI LỮ HÀNH KHÔNG CÔ ĐƠN

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN (B 2021)

Văn sĩ V. Georghill, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Giờ Thứ 25”, đã có một nhận xét tinh tế đầy niềm tin: “Không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”. Và cũng từ nhận xét đó, chúng ta mới thấy rõ cái ngụ ý sâu xa của cử hành Thánh Thể dành cho người hấp hối trong phụng vụ của Hội Thánh mang tên “Của Ăn Đàng” (Viaticum). Thì ra, Hội Thánh luôn quan niệm cuộc sống chính là một cuộc “Lên đường”, và cuộc sống đức tin chính là một “cuộc đi đàng” tiến về vĩnh cửu. Chính vì thế, cho dầu ở ngay ngưỡng cửa sự chết, Dân Chúa vẫn tràn đầy niềm hy vọng với Thánh Thể như “Của Ăn Đàng” giúp người tín hữu chuẩn bị đầy đủ hành trang và nghị lực tinh thần để bước qua đoạn đường dương thế và sẵn sàng tiến vào con đường mới dẫn tới quê hương hằng sống. Tuy nhiên, cuộc hành trình của con người, của kiếp nhân sinh, của đời sống đức tin không phải chỉ bắt đầu khi bước gần tới ngưỡng cửa sự chết, mà là một cuộc hành hương khởi sự từ khi cất bước vào đời.

Thánh Thể và lữ hành chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.

1. Giấc ngủ an yên hay lữ hành xa tắp:

Cho tới mãi hôm nay, sau mấy ngàn năm lịch sử, cuộc hành trình của ngôn sứ Ê-li-a về Núi Thánh Horeb vẫn còn nguyên giá trị qui chiếu cho cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa. Thật vậy, sau những chiến thắng ngoạn mục trên núi Các-men để triệt hạ các thần tượng Ba-an và phục hồi niềm tin cho Dân Chúa, cứ tưởng rằng “Vị ngôn sứ độc hành bách chiến bách thắng Êlia” sẽ ngồi rung đùi mà hỉ hả với chiến công vô địch; ai ngờ chính vị đại tiên tri nầy lại ba chân bốn cẳng trốn chạy trước đồ đệ của Ba-an, một hoàng hậu gian ác, Jézabel.

Nếu có lặp lại sự kiện nầy trong lịch sử cứu độ thời Hội Thánh thì chúng ta có thể nhớ lại huyền thoại “Quo vadis”, khi Phêrô cũng định lủi trốn trước một rừng gươm giáo của bạo chúa Nêrô. Chỉ có điều, (theo chuyện kể của huyền thoại), nhờ lời nhắc khéo của Thầy “vì ngươi bỏ đoàn chiên mà đi trốn nên ta phải trở lại Rôma chịu đóng đinh lần nữa chứ đi đâu !”, Phêrô đã quay lại và chấp nhận đóng đinh ngược đầu xuống đất để ấn chứng cho thế gian thấy rằng: cuộc chiến thắng cuối cùng, đích điểm của hành trình đức tin vào Đức Kitô không phải là vinh quang trần thế, là quyền uy và sức mạnh cai trị, là giàu sang phú quí của ngai vàng…, mà là được thuộc trọn về Thiên Chúa, là hoàn tất ý định của Thiên Chúa, là trở nên giống Chúa Kitô…

Vì thế cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa muôn nơi muôn thuở vẫn mang dáng đứng “cuộc lữ hành về Núi Thánh Horeb” của sứ ngôn Êlia; vẫn giăng mắc những đau thương và mỏi mệt, vẫn đan xen những nước mắt và mồ hôi; vẫn thiếu những suối mát rừng mơ để nhanh chân vươn tới, nhưng lại thừa những chán nản mỏi mệt để bỏ cuộc dừng chân.

Lời Chúa hôm nay đã nói thế chứ đâu phải chuyện đùa: Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng… (BĐ1).

Vâng, thế gian mà !

– Ai mà không muốn chọn “việc nhẹ nhàng”, một giấc ngủ an yên, thay vì ra đi với vất vả đắng cay !

– Ai lại không muốn những công việc truyền giáo, những công trình mục vụ, những phong trào công giáo tiến hành phải được rầm rộ phất cờ vang trời dậy đất, thay vì phải chịu cảnh chui rúc âm thầm trong đố kỵ ghét ghen !

– Ai lại không muốn Thiên Chúa phải ra mặt xuất đầu lộ diện vung cánh tay uy quyền để làm những dấu lạ động trời cho những kẻ vô tín vô tâm phải im hơi lặng tiếng thay vì Ngài cứ im lặng ẩn khuất để mặt cho đàn chiên bị săn đuổi, bách hại tả tơi !

– Ai lại không muốn nhà thờ mở cửa, lễ lạc linh đình…  thay vì bóng tối và sự chết của đại dịch Covid cứ dâng tràn khắp nơi khắp chốn !…

Đứng trước những thực tại “thay vì” nhứt buốc đó, nhiều Kitô hữu đã thích chọn thái độ “giấc ngủ an yên” của Êlia, thay vì “đứng lên tiếp tục chiến đấu”. Quả thật: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông !”

2. Dậy mà ăn vì đường còn xa tắp:

Thế nhưng, chính vào lúc mọi sức lực hầu như kiệt cạn, thì Lời Chúa đã vang vọng gần xa: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa!”. Thì ra, Thiên Chúa đâu mãi im tiếng, Thiên Chúa đâu luôn ẩn mình. Lời cầu nguyện thiết tha của xuyên suốt bao ngàn năm cựu ước “Lạy Chúa xin tỏ ánh tôn Nhan Ngài” luôn mang tính thời sự và hiệu năng tuyệt đối. Thiên Chúa không ngừng ra tay nâng đỡ những kẻ đặt niềm tin nơi Ngài, như tâm tình cầu nguyện của những người công chính xa xưa mà Thánh Vịnh 33 đã ghi lại: “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.” (Tv 33,4-5)

 Chính trong ý nghĩa đó, người ta có thể khám phá sự tỏ mình của Thiên Chúa trong muôn vạn biến cố cuộc đời như nhận xét sau đây về tấm bánh của Êlia trên đường về Horeb: “Với Êlia, chỉ là tấm bánh rất bình thường, tấm bánh lùi trong than hồng của lửa. Nhưng vấn đề không là tám bánh mà là tấm lòng và sự hiện diện của Đấng Thiên Chúa yêu thương, quan tâm chăm sóc sự sống của con cái. Để rồi tấm lòng ấy vươn tới đỉnh cao khi Thiên Chúa ban tặng chính Người Con Một chí ái của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16)[1].

Và Người Con đó, trước khi dấn thân vào cuộc Khổ nạn, đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể; tấm bánh trong tay Ngài đã trở thành “Bánh trường Sinh từ trời xuống”, đã trở thành thịt máu của một xác thân bị trao nộp: “Tất cả anh em hãy nhận lấy mà ăn: vì nầy là Mình Thầy, …”. Và từ đó, Bánh Thánh thể đã hiện thực hóa “tấm bánh lùi của Êlia” thuở trước để trở thành nguốn sống thiêng liêng đích thực dành cho con người trong cuộc “lữ hành về Núi Thánh”, cuộc lữ hành tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực; tìm kiếm sự hoàn thành đời mình và sự dấn thân phục vụ tha nhân…

3. Lên đường với và trong Thánh Thể:

Nếu Georghill đã nói rằng: “Không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”,  thì chúng ta có thể nói thêm rằng: “Với Của Ăn Đàng là Thánh Thể mọi cuộc lữ hành đều tới bến bình an”. Chính vì thế, nếu có ai đó xa rời Thánh Thể, coi thường Thánh Thể và đã để vuột mất những cơ hội được đồng hành với Chúa Giêsu Thánh Thể, thì mãi mãi là những khách lữ hành cô độc; chẳng chóng thì chày, chẳng sớm thì muộn cũng gục ngã thảm thương trên con đường dài của kiếp nhân sinh.

Cũng chính vì lý do thiêng liêng đầy tính thuyết phục đó, mà thánh Ignatio sẵn sàng đục cánh cửa từ phòng làm việc thông sang nhà tạm để thường xuyên gặp gỡ và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi suy nghĩ và quyết định. Hay Á thánh Charles de Foucauld mỗi ngày dành 4 tiếng đồng hồ để thờ phượng Thánh Thể hầu có được nghị lực phục vụ không mệt mỏi những người dân bán khai trong sa mạc Tamanrasset. Trong khi đó thánh nữ Têrêsa Calcutta luôn khởi đầu ngày sống và làm việc bằng việc ưu tiên hàng đầu là gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh lễ…. Hay như Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, nhờ cuộc “tử đạo vì 32 Bánh Thánh Thể” của một em bé Trung Quốc 11 tuổi mà đã gợi hứng để Ngài yêu mến Thánh Thể và dành suốt 60 năm trường để chầu Thánh Thể mỗi ngày một giờ; và nhờ đó “gợi hứng” cho bao người yêu mến phụng sự Chúa !…

Trước một  thế giới mịt mùng chiến tranh và bạo lực, chết chóc và đại dịch, lầm lạc và sự dữ, thì hãy tin rằng: chỉ có Thánh Thể mới là sức mạnh đổi mới mọi sự; sẽ giúp người tín hữu hoàn thiện chính mình, như lời Thánh Phaolô dạy, khi: “loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. … ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, … hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta”. (Bđ 2)

Hãy nguyện cầu cho nhau đừng phai nhạt niềm tin vào Bánh Thánh Thể như thái độ xầm xì của đám dân Do Thái khi nghe Chúa Giêsu xưng mình là Bánh ban sự sống (Ga 6,43); và hãy cầu nguyện cho nhau kiên vững niềm tin yêu để khám phá Chúa đang hẹn gặp ta nơi mọi biến cố vui buồn của đời thường và cũng đang hẹn chờ ta trong thinh lặng nguyện cầu nơi góc nhỏ Nhà Tạm. Nhờ có Thánh Thể, “không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”.

Giuse Trương Đình Hiền


[1] Tòa Tổng Giám Mục TP. Hồ Chí Minh, Bài Giảng Chúa Nhật Năm B, tập 8, tr. 32-33.