Views: 20
Câu chuyện của Bảo Nhiên
Ngôi nhà có bó cỏ dưới mái hiên, cây to đầu cổng, lũ trẻ nô đùa ngoài sân rộng là nơi bà Anipa nuôi nấng 19 người con đến từ các dân tộc khác nhau.
Mùa đông 1977 ở Altay, Tân Cương, con trai Anipa của bà Anipa đi học về dẫn theo một bé gái mặc quần áo rách rưới, đội mũ và rất hôi. Đứa bé tên Wang Shuzhen, 11 tuổi, cha mẹ đã mất, bị lạc đường trong khi đi tìm họ hàng.
Từ đó, bà tìm thầy tìm thuốc khắp nơi. Còn ông Abibao ngày càng đi sớm về muộn để trang trải cuộc sống cho gia đình.
Công sức không phụ lòng người, một ngày nọ, Shuzhen mở miếng gạc trên đầu ra, phát hiện tóc đã mọc lại. Cô bé xúc động chạy ào đến bên Anipa: “Tóc con mọc lại rồi, mẹ ơi”. Bà Anipa ôm Shuzhen vui mừng rơi nước mắt. Nghe tiếng “mẹ”, bà đáp: “Nếu con thích thì cứ gọi như vậy”.
Shuzhen kể với bà Anipa rằng bố ruột của các em mất sớm, mẹ ruột sau khi đi bước nữa thì bị bệnh, không lâu sau cũng qua đời. Cha dượng ốm yếu, lại có 3 đứa con ruột phải chăm sóc, không đủ sức nuôi thêm. Bốn anh em Shuzhen phải lang thang khắp nơi xin ăn. Khi biết Shuzhen đã có nhà mới, mẹ mới, không lâu sau, ba anh em của Shuzhen cũng tìm đến.
Nhìn ba đứa trẻ ăn mặc mỏng manh, bà Anipa ôm từng đứa vào lòng: “Các con, từ nay về sau đây là nhà của các con, mẹ sẵn lòng làm mẹ của các con”. Cứ như vậy, bà Anipa đã nhận nuôi 4 đứa trẻ người Hồi, là anh em của Shuzhen.
“Vì từng trải qua tuổi thơ vất vả nên tôi muốn cưu mang những đứa trẻ mồ côi”, bà chia sẻ.
Bố của bà Anipa là người Ngô Duy Nhĩ, hồi nhỏ gia đình bà sống ở Mông Cổ. Mẹ ốm yếu nên Anipa phải bỏ học từ năm 13 tuổi để phụ giúp chăm sóc các em. Năm 17 tuổi, gia đình hồi hương về sống ở khu vực Altay, Tân Cương. Đến năm 1957, cô gái Ngô Duy Nhĩ kết hôn với người đàn ông hiền lành chất phác Abibao, người Kazakh.
Không lâu sau, bố mẹ bà qua đời vì bệnh tật, để lại 6 người em, trong đó em út chưa đầy một tuổi. Anipa gánh vác trọng trách chăm sóc các em. Mùa xuân đào rau dại, mùa thu nhặt lúa mì, đào khoai tây, tìm mọi cách để cả nhà có cái ăn.
Năm 1970, vợ chồng người hàng xóm lần lượt qua đời, để lại ba đứa con bơ vơ. Anipa bàn với chồng: “Trời ngày càng lạnh, chúng ta không thể thấy các cháu chịu rét, chịu đói được”. Ông Abibao gật đầu, cùng vợ đón các cháu về lều của mình.
Đây là lần đầu tiên Anipa nhận nuôi trẻ mồ côi, sau lại nhận thêm bốn anh em Shuzhen. 12 năm sau, cha dượng của Shuzhen qua đời, để lại ba đứa trẻ người Hán không ai chăm sóc. Bà cũng đón các cháu về, lúc này họ có 10 con nuôi, 9 con đẻ.
Ông Abibao từ bỏ công việc cảnh sát ổn định, đến xưởng đúc đồng làm việc để có thu nhập cao hơn. Nhưng lương thực trong nhà vẫn không đủ ăn, Anipa luôn dành phần ăn của mình chia cho mấy đứa lớn. Làm việc vất vả quanh năm, cộng thêm suy dinh dưỡng, bà đổ bệnh. Một mình ông Abibao không đủ sức chăm sóc nhiều con như vậy nên đề nghị gửi vài đứa trẻ đến nhà họ hàng.
Nghe tin này, các con khóc ầm ĩ. Tiếng khóc của chúng như những nhát dao đâm vào tim Anipa. Bà cố gắng ngồi dậy, xua tay về phía chồng: “Chỉ còn một hơi thở, tôi cũng không để ai phải đi”.
Từ đó về sau, con trai đi học về lên rừng nhặt củi, gánh nước; con gái phụ giúp nấu nướng. Sau khi khỏi bệnh, bà Anipa xin được việc giặt ruột cừu, mỗi tháng bà kiếm được khoảng 36 tệ. Vào những ngày đông lạnh giá, từ 5h sáng bà đã ra bờ sông nước đá làm việc. Ruột cừu và dạ dày cừu lẫn phân rất khó giặt sạch bằng nước lạnh, nhưng bà bất chấp gió rét âm mười mấy độ, làm việc đến toát mồ hôi.
Nuôi một gia đình lớn cũng không dễ dàng, nhưng Anipa chưa bao giờ thiên vị con ruột. Có lần, nhân lúc các con khác chưa về, bà làm riêng một phần sữa cho Shuzhen. Con bé ngoan ngoãn lại muốn gọi con gái ruột của Anipa đến uống cùng, nhưng bà ngăn lại: “Đây là mẹ làm cho con, con gầy quá, cần phải bồi bổ thêm chút dinh dưỡng”. Nước mắt Shuzhen lưng tròng, cảm nhận được tình mẫu tử của bà Anipa còn hơn cả huyết thống.
Các con trai cũng không để bà yên tâm. Con ruột Aben ở trường lấy trộm đôi giày mới của con nuôi Wang Zuolin. Bà Anipa biết chuyện đã đánh Aben một trận. Zuolin cảm thấy rất có lỗi, nhân lúc mọi người trong nhà ngủ say đã nhét đôi giày xuống gầm giường của Aben, nhưng khi Aben biết liền trả lại. Tuần sau trường tổ chức hội thao, Zuolin mang giày mới chạy thi xong, không quan tâm kết quả đã quay lại đưa giày cho Aben mang, giúp người anh em của mình chiến thắng.
Giờ đây, các con của bà Anipa đã trưởng thành, mỗi người một nghề, lần lượt rời khỏi nhà. Kế thừa tấm lòng nhân ái của mẹ, dù nhà ai gặp khó khăn, họ đều giúp đỡ. Tinh thần của gia đình lan tỏa khắp vùng Tân Cương, thu hút nhiều người khác cũng mở rộng tấm lòng với hoàn cảnh khó khăn.
Ngày vui nhất trong cuộc đời Anipa là hai con trai cưới vợ, hai con gái xuất giá. Hóa ra, hai cô con gái nuôi đã yêu hai người con trai ruột, vì thế người mẹ chọn một ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới linh đình. Ngày vui thu hút rất đông dân làng, mọi người đều ngưỡng mộ Anipa vừa làm mẹ chồng, vừa làm mẹ vợ. Chỉ có bà là hiểu rõ nhất, con nào cũng là con, hạnh phúc của các con là mong ước lớn nhất của người mẹ.
Năm 2009, bà Anipa được trao giải thưởng Nhân vật Cảm động Trung Quốc. Cũng trong thời gian đó, chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình xây một ngôi nhà hai tầng đủ lớn sum vầy bốn thế hệ, trong đó tầng hai là nơi trưng bày về cuộc đời của Anipa. Chiếc vạc nấu ăn 1,2 mét là một trong những món đồ gây ấn tượng nhất.
Dịp lễ Eid al-Adha gần đây, các con, cháu từ khắp nơi tụ về. Phụ nữ chẻ củi nhóm lửa, đàn ông mài dao làm thịt cừu và trên bàn bày la liệt bánh naan vừng, sữa đông do chính tay Anipa làm.
Cầm ly trà sữa nóng, người phụ nữ 86 tuổi lại nhớ đến người bạn đời Abibao đã qua đời 15 năm trước. Từ ngày cưới nhau, một người Ngô Duy Nhĩ, một người Kazakh đã ăn chung một ổ bánh naan, tức cùng chung một gia đình. Vì ông, bà học cách pha trà sữa, dùng phân bò đốt lò nướng bánh naan. Vì bà, ông từ bỏ công việc ai cũng mơ ước, không quản ngại vất chăm thêm 10 con nuôi.
Đôi mắt bà rớm lệ. Chung quanh gần 200 con cháu ngân nga bài hát về mẹ, chú cừu non trong bài hát của người Kazakh, hoa hồng trong bài hát của người Duy Ngô Nhĩ, bánh mỡ trong bài hát của người Hồi. Những giai điệu quen thuộc vượt qua thời gian.
Người mẹ nướng bánh naan nơi 19 con ngồi bên cạnh, giờ là một bà lão 86 tuổi, chung quanh đã có gần 200 con cháu.
Bài viết của BẢO NHIÊN
Nguồn: website VNexpress, Người mẹ Tân Cương của 19 đứa con – Báo VnExpress Đời sống