Views: 57
Những chứng nhân sống động về đức khiêm nhường.
CHỨNG TỪ: ĐỪNG TỰ XEM MÌNH LÀ QUAN TRỌNG
Đức cố Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau:
“Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng !”
Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng ! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng !
Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, vạt đồi, đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi…
Từ LỜI HẰNG SỐNG, 3.2000.
CÂU TRUYỆN: CÁCH GIỮ LÒNG KHIÊM NHƯỜNG
Tại nước Ba Tư xưa, có một người chăn chiên rất trung thành với nhà vua, được vua tin dùng, cuối cùng được làm đến chức tể tướng. Các quan trong triều thấy thế thì sanh lòng đố kỵ, cử người vào trình với vua: “Tâu bệ hạ, ngài đã làm một việc bất công khi thăng cấp cho một kẻ chăn chiên lên làm tể tướng. Người ấy chỉ là một nông phu hèn hạ, không có công trạng gì, nay làm tể tướng thì chức vị cao hơn chúng thần, quyền thế cũng hơn chúng thần. Vậy, xin bệ hạ chiếu cố xét lại cho chúng thần được nhờ…”
Nhà vua liền đáp: “Đó là một người hết sức trung trực, mười phần trẫm có thể tín nhiệm được cả mười. Song nếu chư khanh có thể tìm ra bất cứ một lầm lỗi nào đáng kể của người ấy, trẫm sẽ sẵn sàng nghe lời chư khanh mà xét lại. Vậy, chư khanh cứ tự do quan sát và báo cáo lại cho trẫm.”
Sau một thời gian dò xét, họ khám phá ra rằng trong dinh tể tướng có một căn phòng riêng, thường thường đóng kín. Mỗi tuần lễ tể tướng vào đó một lần, ở trong ấy khá lâu, rồi lại đi ra và đóng cửa phòng lại. Họ cho rằng tể tướng đi vào trong đó để làm những việc không nên làm, hoặc cất giấu những gì đã tham lạm của nhà vua. Vì vậy, họ đem mọi sự trình cho vua rõ. Nhà vua bảo: “Vậy trẫm cho phép chư khanh đến mở cửa phòng ấy ra và lục soát cho kỹ, xem người ấy đã vào đó để làm gì ?”
Vâng lệnh nhà vua, họ bèn đến dinh tể tưởng, tháo tung cửa căn phòng đặc biệt ấy ra và lục soát thật kỹ. Nhưng họ thấy căn phòng ấy chỉ là một căn phòng trống trải, chẳng có gì khác, ngoài một đôi giày cũ và một chiếc áo rách. Thấy thế, họ cho là kỳ quái, không hiểu sự thể là gì bèn đi thuật mọi sự cho vua nghe. Nhà vua liền triệu tể tướng đến hỏi tại sao lại để trong phòng riêng một đôi giày cũ và chiếc áo rách như vậy, và mỗi tuần lễ tể tướng vào đó một lần để làm gì.
Tể tướng nhỏ nhẹ trả lời: “Tâu bệ hạ, đôi giày cũ và chiếc áo rách ấy, là giày và áo của tôi lúc còn chăn chiên. Tôi để những vật ấy trong phòng riêng, mỗi tuần vào đó nhìn lại một lần, để đừng quên rằng tôi vốn xuất thân từ chỗ hàn vi, không có tài đức gì đáng so sánh với địa vị cao trọng ngày nay cả. Tôi làm như thế là để giữ lòng khiêm nhu trong mọi sự, hầu cố gắng cho được xứng đáng với sự tín nhiệm và ân huệ của bệ hạ về trăm họ trong nước…”
Sưu tầm