Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

NGƯỜI QUÂN TỬ TRONG DÁNG ĐỨNG TIN MỪNG

(Chúa Nhật 6 TN C 2022)

            Nếu đem chân dung “người quân tử” của văn hóa “khổng Nho” soi vào hình tượng “Người nghèo” của “văn hóa Kinh Thánh”, hình như chúng ta thấy có một số điểm tương đồng; mà điểm tương đồng nổi trội nhất đó chính là sự “buông bỏ” khỏi cái “giàu sang nhầy nhụa thế tục” để tìm về sự thanh thoát, giản đơn của “cái tôi đúng nghĩa”. Và nếu “cái tôi thanh thoát, giản đơn” của người quân tử luôn hòa mình, đồng điệu với thiên nhiên, đất trời, cây cỏ…, như kiểu:

“…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá 

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao 

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp 

Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.”[1]

thì “Người nghèo” của Kinh Thánh lại tìm nương tựa nơi chính Thiên Chúa, như sứ điệp của ngôn sứ Giêrêmia được trích đọc trong Bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay: “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn…”.

            Thật vậy, người “quân tử” đúng nghĩa của văn hóa Việt Nam thời phong kiến được thể hiện qua những chân dung như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm…; những người luôn thể hiện “đạo xuất xử” cách nghiêm túc: Khi nắm giữ chức quyền, sứ mệnh thì đem hết tài “lương đống, can tương”[2] để phục vụ quên mình; nhưng khi đã xong nhiệm vụ thì dứt khoát buông bỏ, chọn kiếp sống của một “hàn nho”, chỉ cần:

“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,

Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…”[3].

            Nhưng “nhân sinh quan” của Kinh Thánh không dừng lại ở “đạo xuất xử” mà là một lựa chọn sinh tử cho cả một đời người, một chương trình quyết định; một sự lựa chọn hoặc “đứng về phía của Thiên Chúa” để “thực thi chương trình của Ngài”; hoặc lựa chọn “cái tôi” và những “giải pháp trần tục” vắng bóng Thiên Chúa.

            Kinh Thánh Cựu ước đã chỉ cho chúng ta hai “hình tượng mẫu” đại diện cho “hai lựa chọn nầy; đó là cuộc đọ sức của một “đại tướng Goliat” dũng mãnh và được “trang bị đến tận răng” và một chàng “Đavít chăn chiên với chiếc ná và vài viên đá cuội lượm dưới suối”. Chân dung “người nghèo của Thiên Chúa” đã được minh họa tóm tắt nhưng đầy đủ qua lời tuyên ngôn của Đavít khi tiến ra đối đầu với Goliat: “Mầy mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Con tao, tao đến với mầy nhân danh Đức Chúa…” (1 Sm 17,45).

            Qua hình tượng của Đavít, Kinh Thánh sẽ cho chúng ta liên tưởng đến một loạt các hình tượng khác trong chuỗi dài lịch sử cứu độ thời Cựu ước như Abraham, Môse, Êlia, Giuđitha, Esther…, hay Tân ước như Giuse, Maria, Gioan Tẩy Giả, các Tông đồ…; những “kẻ nghèo”, những kẻ bị trù dập, săn đuổi, áp chế, buồn sầu khóc lóc…, để dẫn tới “một người nghèo vĩ đại”, cũng thuộc hàng “con cháu Đavít”, là điểm đến cuối cùng: Người nghèo Giêsu Nadarét bị lột trần truồng và đóng đinh thập giá.

            Không phải đợi đến phút cuối cùng khi bị đóng đinh thập giá Đức Giêsu mới bất đắc dĩ chọn lựa “con đường nghèo khó”, mà ngay từ lúc sinh vào đời, Ngài đã chọn “hang lừa máng cỏ Bêlem”; với ba mươi năm ẩn dật, Ngài đã chọn kiếp thợ mộc bần hàn; và trong suốt ban năm đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã chọn phong cách sống và hiện diện giữa những người nghèo, yêu thương người nghèo, rao giảng về cái “phúc khó nghèo”, như Tin Mừng Luca hôm nay vừa được công bố: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương…”. Và có lẽ, để giúp cho độc giả hiểu tường tận ý nghĩa của “bốn cái phúc” khá “lạ kỳ” và cũng “khó chấp nhận” trên, Luca đã khéo léo trưng ra “bốn cái họa” hay “cái khốn” đối nghịch, là những “lựa chọn” khá phổ thông cho nhân loại muôn nơi muôn thuở. Nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson đã cắt nghĩa về sự đối lập của hai “lựa chọn” căn bản nầy như sau: “người nghèo vốn không có chỗ nương tựa nơi con người, vì thế được mời gọi hướng về Thiên Chúa. Chính sự giàu có đặt người giàu vào sự nguy hiểm, khi cất đi khỏi người ấy mọi “sự đói khát Thiên Chúa”, người ấy bị giam hãm trong “căn phòng đóng kín” của những hạnh phúc nhỏ bé phàm tục của mình. Bất hạnh của những người giàu chính là họ đặt cược quá thấp và quên rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khát vọng hạnh phúc vô cùng trong mỗi con người.”[4].

            Thánh sử Luca đã lặp đi lặp lại nội dung ý nghĩa nầy trong Tin Mừng của Ngài, như chúng ta thấy nơi dụ ngôn người nghèo Ladarô (Lc 16,19-31); người thu thuế tội lỗi (Lc 18,9-14); Ông Giakêu trở nên con người mới (Lc 19,1-10); bà góa nghèo với hai đồng xu nhỏ (lc 21,1-4)…; và nhất là chân dung của Đức Maria nơi bài ca Magnificat:“… Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,51-53).

            Đứng trước một trào lưu xã hội “thượng tôn vật chất”, thực dụng và hưởng thụ tiện nghi, những lời công báo “Phúc-Hoạ” của Tin Mừng Luca chưa bao giờ lỗi thời. Bởi chưng, con người muôn nơi muôn thuở vẫn còn đó nguyên cơn cám dỗ “trái cấm nơi vườn địa đàng”, hay cơn cám dỗ “bánh mì, sự giàu có thế gian và vinh quang trần tục nơi hoang mạc” !

            Trong lãnh vực đức tin, mục vụ, Giáo Hội, được mệnh danh là “Đoàn chiên nhỏ”, đâu đã thoát hẳn những cơn bệnh “thế tục hoá” của những “ông phú hộ”, của “chàng trai giàu có”: muốn Giáo Hội mình, cộng đoàn mình, Hội Dòng mình, nhà thờ mình, gia đình mình… phải to lớn khang trang, phải huy hoàng hoành tráng, phải hiện đại hợp thời…; và bao nhiêu cái “phải” để rốt cuộc, “chẳng khác gì thế gian”.

            Cuối cùng, khi chọn cái “Phúc nghèo” của Tin Mừng cũng có nghĩa chọn “Con đường thập giá”, chọn phương án “tự huỷ” để chiếm hữu “NƯỚC THIÊN CHÚA”, để đạt được niềm hạnh phúc “PHỤC SINH”. Sự phục sinh của Đức Kitô chính là đích điểm của sự chọn lựa “khó nghèo thập giá”; đó chính là chân lý đã được Thánh Phaolô cùng với cộng đoàn tín hữu Côrintô xác tín và tuyên xưng ngay từ những buổi đầu khai sinh Giáo Hội mà chúng ta vừa nghe lại trong Bài đọc 2: “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ. Nhưng không, Đức Kitô từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc”.

            Chúng ta đừng quên, Giáo Hội Công Giáo đã từng có một thời (“Trung cổ” của thế kỷ 12-13) rơi vào tình trạng băng hoại, biến chất Tin Mừng…; nhưng đã được củng cố và phục hưng nhờ một trong những vị thánh được mệnh danh là “đính hôn với cô nghèo” (Lady Poverty)[5], thánh Phanxcicô Assisi, hay “Phanxicô khó khăn” (1181-1226), một chứng nhân tuyệt vời của sứ điệp Tin Mừng về “phúc khó nghèo” vẫn còn sống và mới mãi giữa lòng Hội Thánh cùng với “bài ca đi cùng năm tháng bất hủ” của Ngài: Kinh Hòa Bình.

            Vâng, để canh tân và góp phần xây dựng một Giáo Hội mang căn cước Tin Mừng cho thời đại hôm nay, không gì khác hơn, đó là cùng chọn lựa đi chung một con đường (Synode), con đường khó nghèo của Phúc Âm, “con đường Kitô”, một thứ gia sản quý hiếm, một “bảo vật” mà chỉ có Giáo Hội, hay đúng hơn, Giáo Hội “chỉ có bấy nhiêu để cho”, như lời khẳng định ngày nào của Tông Đồ Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Đúng vậy, Kitô hữu, thật ra, chỉ là một kẻ nghèo”; hay “Hán Nho” một chút, chỉ là một “quân tử mang dáng đứng Tin Mừng” !

Trương Đình Hiền (13.2.2022)


[1] Nguyễn Bỉnh Khiêm: bài thơ “Nhàn”

[2] Từ  trong hai câu của bài thơ “Kẻ Sĩ” của Nguyễn Công Trứ: “Trong lang miếu đem tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi can tương”.

[3] Nguyễn Công Trứ: bài “Hàn nho phong vị phú”.

[4] NOEL QUESSON, website https://giaophanphucuong.org/chu-giai-kinh-thanh/chu-giai-tin-mung—chua-nhat-vi-thuong-nien-c-14195.html[5] Trang bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia: “Người ta kể lại rằng khi cố từ chối những trò giải trí và những buổi hội hè đình đám với bạn bè, những người này trêu chọc Francis và hỏi có phải cậu sắp kết hôn không, câu trả lời là “phải, với một cô dâu đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào mà các cậu từng gặp” – Francis ngụ ý “sự nghèo khó” (lady poverty), một thuật từ mà ông thường sử dụng sau này.”