NHÂN ĐỨC “CÓ CON”

Views: 64

(Chút suy tư và cảm nhận về hai người mẹ: Bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel; và Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu)

Còn hơn một nhà “tu đức học”, đúng vậy, chỉ một giáo dân nhà quê, một nông dân thứ thiệt, đã phán với tôi một câu để đời: “Các cha hơn giáo dân chúng con hết mọi nhân đức. Tuy nhiên, có một nhân đức mà các cha không có, đó là nhân đức “Có Con”!

Tôi cá với quý vị là nếu quý vị có đi tìm đọc hết các sách tu đức và luân lý Công giáo, các vị sẽ chẳng tìm đâu ra cái nhân đức mang tên “Có Con”. Các “Nhân đức Đối thần”: Tin, Cậy, Mến, thì ai cũng biết. Các “Nhân đức nhân bản” (hay Nhân đức luân lý, Nhân đức trụ): Khôn ngoan, Công bình, Can đảm, Tiết độ, thì ai chẳng rành! Nhưng nhân đức “Có Con”, thì quả thật, tôi chỉ nghe lần đầu tiên trong đời từ miệng của một người giáo dân nhà quê thứ thiệt…

Đó là câu chuyện cách đây chắc cũng hơn 30 năm…, khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước…

Hồi đó, tôi đang làm cha sở giáo xứ Đồng Tre, một giáo xứ thuộc vùng Tây Bắc Phú Yên, Giáo phận Qui Nhơn. Một buổi sáng Chúa Nhật, sau Thánh lễ sáng tại nhà thờ Suối Ré, một giáo họ thuộc giáo xứ Đồng Tre (Nay đã là Giáo xứ Suối Ré), cách Đồng Tre khoảng 6 cây số về phía Đông, có một giáo dân từ Giáo xứ Trung Ngãi vùng “Căn cứ 2” ở Đồng Nai về thăm bà con và ghé thăm tôi. Trong câu chuyện hàn huyên của một người chung giáo xứ (nhà tôi khi ấy cùng ở giáo xứ Trung Ngãi, Căn cứ 2), chú giáo dân này cho biết nhà anh ta vừa trải qua một cái tang đau đớn: anh vừa mất đứa con trai một khoảng 18 tuổi bởi tai nạn xe. Đứa con trai duy nhất nầy là “báu vật” của gia đình; hiền lành, dễ thương, khỏe mạnh, đạo đức… Buổi chiều tối, sau một ngày vất vả với nương rẫy, ra nằm hóng mát bên thảm cỏ trước nhà gần đường Quốc lộ 1… Một chiếc xe khách 12 chỗ lạc tay lái và cán chết…! Bác tài cũng là một giáo dân đạo hạnh ở Hố Nai Biên Hòa…

Điều thứ nhất khiến tôi ấn tượng về cách ứng xử của đôi bên trước tai nạn: cả hai gia đình đều nhìn biến cố thương tâm này dưới ánh nhìn đức tin: “Tử kỳ hữu định”. Phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Bên gây tai nạn, tận tâm tận lực lo cho đám tang với tinh thần sẻ chia, yên ủi và trách nhiệm công bình. Bên bị nạn can đảm, bình tâm đón nhận thương đau; không một than trách, giận hờn, đòi bồi thường… đối với bên gây tai nạn. Một ứng xử đức tin đâu dễ gì kiếm được trong cái xã hội “mạnh được yếu thua may nhờ rũi chịu” và đầy gian tham ma mảnh này!

Nhưng điều thứ hai lại càng khiến tôi tâm phục và ngỡ ngàng khi người giáo dân này chia sẻ về nỗi đau của một người cha, người mẹ mất đứa con một. Khi nói tới “sự kiện mất con”, chú ấy đã buột miệng rưng rưng nói với tôi rằng: “Các cha hơn giáo dân chúng con hết mọi nhân đức. Tuy nhiên, có một nhân đức mà các cha không có, đó là nhân đức “Có Con”!

Vâng, những người không có con như tôi thì làm sao hiểu được hết bao nhiêu nỗi khổ, gánh nặng của người mẹ “cưu mang chín tháng, bú mớm ba năm” và nuôi con dài dài cho con khôn lớn thành nhân và thành thân…; làm sao tôi hiểu được những đắng cay, tảo tần, nhọc mệt… những giọt mồ hôi, những vết chai sạn bàn tay… của những người cha nuôi sống chăm sóc cho con từng ngày không quản nắng mưa đói khổ…!

Nhất là không có con, thì làm sao trải nghiệm được thế nào là nỗi đau đắng đót khi chứng kiến “đứa con một” chết đi vì tai nạn trong lứa tuổi đang đầy ắp hy vọng và là kẻ duy nhất “nối dõi tông đường”…! Người giáo dân nhà quê này đã trải nghiệm tất cả “đoạn trường” của một người cha “có con” và “mất con”; và đã trải qua trong sự đón nhận đầy niềm tin yêu phó thác…!

Khi nghe những gì người giáo dân chia sẻ, quả thật, tôi thấy mình còn thua kém giáo dân xa quá, nhiều quá; nhất là “thua một cách tuyệt đối” vì không có “nhân đức có con”! Thật đúng như cảm nhận của đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Kể bao xiết nỗi thảm sầu, đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!

Tôi muốn chia sẻ chút cảm nhận này trong ngày trước lễ Giáng Sinh, đặc biệt ngày 22 tháng 12, ngày mà Lời Chúa giới thiệu cho chúng hai gương mặt của hai bà mẹ có con: bà Anna mẹ của tiên tri Samuel trong Cựu ước và Đức Maria mẹ của Chúa Giêsu trong Tân ước. Cả hai người phụ nữ này, đặc biệt Đức Trinh nữ Maria, người “Mẹ gồm no mọi nhân đức”; và trong các nhân đức đó, chắc chắn có “nhân đức Có Con”. Vâng, mẹ đã cưu mang Con Chúa 9 tháng trong dạ, đã cho Chúa Con bú mớm suốt ba năm, đã lo lắng chăm sóc Chúa suốt 30 năm nơi mái nhà Nadarét, đã theo con từng bước trong 3 năm Chúa đi rao giảng… Đặc biệt, đã ôm trọn nỗi đau “mất con trong hồi khổ nạn”, nhất là khi đứng dưới chân thập giá chứng kiến con chết khổ đau và đón nhận những lời Con trăn trối!

Cùng với những tâm tình này, xin được chia sẻ niềm vui Chúa Giáng Sinh đến mọi gia đình; nhất là đến với những người cha, người mẹ đang vất vả khổ cực chăm sóc, nuôi dạy và cắn răng chịu đựng những nỗi đắng cay với niềm tin yêu trong trách nhiệm đối với con cái. Với những người cha, người mẹ này, xin hãy tự hào mình “có con” và vận dụng chính “nhân đức đặc biệt” này để nên thánh, như chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận trong tông huấn “Gaudete et Exsultate”: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là những người thuộc “tầng lớp giữa của con đường nên thánh” (GE số 7).

Trương Đình Hiền (22.12.2023)