(Đời thánh hiến và mầu nhiệm Phục Sinh)
Bỗng nhiên Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,9-10).
Dẫn nhập: Mùa “Mừng” trong cuộc đời
Người Kitô hữu chúng ta, nhất là những người hay “bi quan” một chút, thường “ví” cuộc đời chỉ với “3 mùa: Vui, Sáng, Thương” mà theo diễn trình của Năm Phụng Vụ đó là các mùa: Vọng-Giáng Sinh, Thường Niên, Chay-Thương Khó. Thật vậy, có nhiều người Kitô hữu sống như không có “Mùa Mừng”; mà theo cách diễn giải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, thì đó là “những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (EG số 6).
Dĩ nhiên, cuộc đời nào cũng có trăn trở, có ưu tư, có băn khoăn mệt mỏi, có cay đắng chán chường…. Nhưng “bên kia đồi Sọ của Ngày Thứ Sáu” sẽ có bình minh rạng rỡ của “Ngày Thứ Nhất” Phục Sinh; sau “mùa Thương” sẽ đến “mùa Mừng”. Đó là cuộc đời đúng nghĩa, là niềm tin và “đường đi phải đến” của chúng ta !
Vâng, chúng ta không thể là Kitô hữu trọn vẹn, càng không thể là một tu sĩ, linh mục đúng nghĩa…, nếu chúng ta không sống “mùa Mừng”; phải luôn làm cho huyền nhiệm Phục Sinh luôn hiện thực trong cuộc đời, như lời nhắc bảo của Đức thánh cha Phanxicô: “Chúng ta đừng chạy trốn sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra. Chúng ta đừng để điều gì thúc đẩy chúng ta hơn là sự sống của Ngài, sự sống thôi thúc chúng ta tiến bước”. (EG số 3).
I. MỘT CHUYỆN KỂ SẼ KHÔNG BAO GIỜ TRỞ THÀNH CỔ TÍCH
1. Phục Sinh: Câu chuyện lớn của “trường ca cứu độ”:
Quả thật, sứ điệp Phục Sinh, câu chuyện “Mồ Trống”… đúng là “chuyện kể không bao giờ trở thành cổ tích”; bởi vì, nói theo ngôn ngữ của thi ca, đó chính là “câu chuyện lớn nhất của trường ca cứu độ”:
Nhưng viên đá lấp mộ,
Đã lăn ra vào buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất,
Buổi sáng diệu kỳ làm lóa mắt người thôn nữ Maria,
Một người đã chết,
một một Đấng Phục Sinh đầy uy dũng bước ra,
Bỏ lại sau lưng cánh cửa mộ âm u,
Cùng với lịch sử nhân loại với cả con đường hầm tăm tối.
Để có được giây phút bình minh rạng rỡ ấy,
Thiên Chúa đã phải lặn lội,
Đi qua bao ngàn năm chắp nhặt dựng xây.
Dãy dỗ, bảo ban, ước hẹn vơi đầy,
Mà đích điểm chính là quà tặng:
Ban Con Một hiến thân làm hy lễ.
Thì ra, đâu chỉ giản đơn là chuyện kể,
Mà “Ngôi Mộ trống” của ngươi thôn nữ Maria,
Một chuyện tình vĩ đại mang tên: cứu độ giao hòa
Một chiến thắng của tình yêu và ân sủng.
Đã lâu rồi, Thiên Chúa vẫn luôn làm chuyện lớn
Bằng những sự kiện tầm thường, khiêm hạ, giản đơn.
Và “câu chuyện Mồ trống” cách đây gần hai ngàn năm,
Lại là chuyện lớn nhất trong “trường ca cứu độ”.
Tin Mừng Phục Sinh và câu chuyện “Mộ Trống” đó,
Sẽ cứ mới hoài cho đến mãi ngàn sau ![1]
2. Chuyện kể đầy thuyết phục của các thế hệ chứng nhân:
Nếu cái chết của Thầy Giêsu đã kết thúc trên Đồi Sọ và mọi sự đằng sau Ngôi Mộ trống cũng chỉ được các bạn hữu Ngài, môn sinh Ngài nhắc lại một cách bâng quơ, như một “kỷ niệm nhạt mờ xa vắng…”, thì có lẽ “câu chuyện Giêsu” cũng đã bị lãng quên tự bao giờ; và như thế, chắc chắn trong thế giới nầy, trong lịch sử loài người hôm qua và hôm nay sẽ không bao giờ có cuộc cử hành long trọng những đêm Vọng Phục Sinh, chẳng có cái đạo Kitô, không có Ngày Chúa Nhật, vắng bóng luôn Hội Thánh Công Giáo, và chắc chắn: chúng ta sẽ không bao giờ là Kitô hữu…
Không. Những “chứng nhân đầu tiên ấy”, không chỉ “kể”, “nhắc lại”, mà nhất là “làm chứng” và “giảng rao” cách nhiệt tình, sống chết, “câu chuyện Giêsu”, nhất là “câu chuyện Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn, đã chết, đã sống lại…”; và là “câu chuyện có liên hệ thiết thân” cũng như quyết định cho ý nghĩa cuộc sống hôm nay cũng như cho vận mệnh vĩnh cửu.
Chính vì thế, sứ điệp Phục Sinh, mầu nhiệm Phục Sinh luôn luôn là một gọi mời mọi Kitô hữu tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna”:
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Kitô thật đã phục sinh
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).
Sống mầu nhiệm phục sinh chính là biết từng ngày tâm niệm và xác tín rằng: “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”; là từng ngày tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn; cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn, và được Chúa Kitô thực sự phục sinh…
Là Kitô hữu, phải làm chứng cách thuyết phục rằng: Chúa Kitô đang thật sự “phục sinh con người tôi”, trái tim tôi, tư tưởng tôi, và biến tôi nên một con người mới; Ngài đang phục sinh các mối tương quan vốn cũ mòn xơ cứng, lãnh đạm thờ ơ nay trở nên mặn nồng, sắt son tha thiết. Ngài đang phục sinh quan hệ ứng xử vốn thờ ơ lạnh nhạt, ghen ghét đố kỵ, nay trở nên thân tình thắm nghĩa anh em. Ngài đang phục sinh cuộc sống vốn ích kỷ nhỏ nhen, lọc lừa gian dối nơi tôi thành một tâm hồn quảng đại khoan dung biết sẻ chia và phục vụ. Ngài đang phục sinh đức tin non yếu, tâm hồn khô khan nguội lạnh, cuộc sống biếng lười lệch lạc của tôi trở thành mạnh mẽ tin yêu, nhiệt tình và sâu sắc…
Vâng, ngọn lửa Phục Sinh cần luôn cháy mãi, như lời ước mong trong đoạn cuối Kinh Exultet:
“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,
Lúc xuất hiện Sao Mai:
Một vì sao không bao giờ lặn,
Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,
Đấng từ cõi chết sống lại,
Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.
Thế nhưng, điều tiên quyết để “giữ lửa Phục Sinh” cháy mãi, đó là phải đến với “cuộc hẹn với Đấng Phục Sinh”.
II. NHỮNG CUỘC HẸN LÀM NÊN LỊCH SỬ
1. Sự khác nhau giữa những cuộc hẹn !
Trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, dân Kitô giáo khắp nơi sống lại những trang dài ký ức; mà chủ yếu, đó là những “cuộc hẹn chờ” của Đức Kitô vừa sống lại với nhóm môn sinh: Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,9-10).
Vâng, đó chính là “những cuộc hẹn” khi thì ở Galilê, lúc ngay trên con đường quê buổi chiều vàng về làng Emmaus, có khi ngay chính tại phòng Tiệc Ly, hay đột xuất với buổi bình minh trên biển hồ Tibêriat…!
Nội dung những cuộc hẹn nầy chắc không có gì quan trọng, vĩ đại như những “cuộc hẹn chính trị” của các lãnh tụ siêu cường, các chính khách, hay các “cuộc hẹn thương vụ” của các đại gia, các nhà tài phiệt…
Đó là những cuộc hẹn đầy êm ái, thân tình mà nội dung cốt yếu chỉ là sự gặp gỡ, hàn huyên của Đấng mới trải qua cuộc khổ nạn ê chề, cái chết thương đau với các môn sinh cũng vừa kinh qua một đoạn đời “thất điên bát đảo” với biến cố “đóng đinh thập giá của Thầy” !
Thế nhưng, đằng sau những “cuộc hẹn chính trị” hay “cuộc hẹn bán buôn”…, thế giới vẫn còn nguyên những đe doạ, bất ổn, thách đố… (Chạy đua vũ trang, vũ khí sinh học, hạt nhân, các vùng địa chính trị đang hoặc đứng trước lò lửa chiến tranh: Trung Đông, các nước Á Rập, Châu Phi, Ukraina, Đài Loan, Miến Điện, các vùng Tân Cương của dân Duy Ngô Nhĩ, dịch Covid-19…). Riêng Việt Nam, bao nhêu “cuộc hẹn hiệp thương” giữa dân nghèo, kẻ bị mất đất với các nhóm lợi ích, các xí nghiệp công ty và các cấp chính quyền đứng phía sau… hầu hết dẫn tới những thảm kịch mà kẻ bị thiệt thòi vẫn là “dân thấp cổ bé miệng” !…
Trong khi đó, những cuộc hẹn của Thầy Giêsu và nhóm môn sinh nhỏ bé, nghèo nàn của Ngài lại hứa hẹn một trang sử mới, một tương lai rạng ngời cho toàn thể nhân loại. Thật vậy, đây chính là những cuộc hẹn đã làm nên lịch sử; vì từ sau những cuộc hẹn nầy, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã được ban xuống, những anh dân chài dốt nát bần hàn xứ Galilê đã tung chân đi khắp thế giới để loan Tin Mừng Phục Sinh và khai mở một trang sử mới đầy tin yêu cho toàn thể nhân loại. Một nhân loại mới được khai sinh cùng với Đấng Sống Lại để tiến bước trong niềm hy vọng về quê Trời ! “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).
2. Những cuộc hẹn vẫn còn tái diễn:
Và đó lại không bao giờ chỉ là những cuộc hẹn đã mất hút trong đêm dài của quá khứ mà phải là những cuộc hẹn của hôm nay trong dòng sống hiện thực của Hội Thánh, của mỗi người Kitô hữu. Phải chăng đó chính là ý nghĩa cốt lõi của đại lễ Phục Sinh, của niềm tin Phục Sinh, của Tin Mừng Phục Sinh mà suốt 2000 năm nay, Kitô giáo đã tin, đã truyền giảng, đã làm chứng, đã cử hành và đã sống !
Phần tôi thì sao ? Có bao giờ sống tâm tình “nôn nao đón đợi gặp gỡ Đấng Phục Sinh” như lời khuyến dụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến: “Những người được thánh hiến thân yêu, anh chị em hãy làm cho đời mình thành một sự nôn nóng chờ đợi Chúa Kitô, đi đón Người như các trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rễ. Hãy luôn sẵn sàng, trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với Hội Dòng và với con người của thời đại chúng ta.” (ĐSTH 110); hay là chúng ta đã “hẹn với ai đó”, với “việc gì đó”… và lấy làm quan trọng hơn cả cuộc hẹn với Chúa Kitô ?
3. Nhận ra và gặp gỡ Đức Kitô phục sinh:
Người Châu Phi có câu ngạn ngữ: “Khi ta nhớ đến một người nào, thì người ấy sống lại, hiện diện ở giữa ta”. Đối với niềm tin Kitô giáo, việc tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại chính là hành vi nền tảng: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”; và một khi Cộng đoàn Dân Chúa họp nhau tưởng niệm Chúa Ki-tô thì Ngài có mặt ở đó. Đó chính là điểm khác biệt căn cốt giữa phụng vụ của Giáo Hội và việc thờ phượng của các tôn giáo khác: chúng ta qui tụ, cầu nguyện, tôn thờ, lắng nghe, được sai đi…với một Đấng đang sống, đang hiện diện (Cf. PV số 7).
Đó cũng chính là ý nghĩa trọng tâm mà chúng ta đọc thấy trong trình thuật Emmau.
Để giúp ta cảm nhận sâu sắc điều nầy, Cha Võ Tá Khánh tức thi sĩ Trăng Thập Tự đã có dòng suy tư thâm thuý sau:
Tôi rất thích bước chân thoăn thoắt của hai người thanh niên đó. Họ vừa đi vừa chạy, không thể chần chừ thêm một phút nào nữa. Nỗi vui nầy phải nói ngay với mọi người. Chân hối hả, lòng rộn ràng, họ giành nhau nói đủ mọi ý tưởng về Thầy.
Vâng, làm sao mà ngăn được khi niềm vui cứ tràn trào ra mãi, khi Thầy đã sống lại, khi Thầy đã gặp họ. Họ đã nhận ra Ngài. Ở đầu đường, trong quán trọ. Họ vui hết cở nói; thoăn thoắt bước chân…
Nhưng họ đâu có ngờ rằng ngay lúc nầy đây Ngài cũng đang đồng hành bên họ. Tựa như trong lượt đi hồi trưa, Ngài đi bên cạnh mà họ đâu có hay. Mà nào có phải mãi giữa đường Ngài mới đến. Ngài đã đứng với họ ngay ở khởi điểm, khi họ chưa lên đường. Mấy phụ nữ đã cho họ hay là mồ trống, thiên thần hiện ra quả quyết là Ngài đã sống lại. Ngài ở đó, giữa họ chứ đâu. Nhưng họ chưa nhận ra, họ chưa tin nên họ vẫn buồn rầu thất vọng ra đi. Còn bây giờ thì khác hẳn. Họ đã gặp Ngài ở đầu đường, rồi từ đầu đường đó họ nôn nả trở về trong hân hoan để báo tin Ngài đã sống lại. Nhưng cả lần nầy, Ngài cũng lại đến trước họ, để đợi họ. Khi họ vừa về đến nơi chưa kịp nói gì, thì người ta đã cho biết Ngài đã đến: “Thực thế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Si-mon”. A thế hả ? Thầy đi rồi ư ?
Nào Thầy có đi xa đâu. Thầy đang đứng ở đó. Vì họ đang nói thế thì Ngài đã đứng giữa họ. Ủa Thầy ! Họ bàng hoàng kinh ngạc. Thầy sao mà lẹ vậy ! Chỗ nào cũng có Thầy hết trơn vậy !
Vâng, Đức Kitô đã sống lại và Người có mặt ở khắp mọi nơi, mọi đầu đường, mọi đích điểm, đồng hành với ta trên mọi ngỏ ngách. Từ thành phố đến đồng quê. Từ quán trọ đến gia đình. Từ bên trong, từ bên ngoài. Đâu đâu cũng có Ngài ; Đức Kitô phục sinh. Trước khi ta ra đi, Ngài đã ở đó. Đang khi ta rảo bước, Ngài có ngay bên. Trước khi ta đến nơi, Ngài đã đứng đợi. Và sau khi ta nghỉ mệt, Ngài lại đến thăm; lúc nào cũng có Ngài, Đức Kitô phục sinh….
4. Điều còn lại hôm nay: Hãy trở thành khách quý trên những nẻo đường Emmaus hôm nay.
Và một khi đã có Đức Kitô Phục Sinh đồng hành và ban Lời Hằng sống, đã gặp gỡ và “bẻ bánh cùng Ngài”, thì mọi môn sinh của Ngài đều phải tất tả lên đường để loan báo tin vui, để sẻ chia hy vọng. Và như thế, mỗi người chúng ta lại trở thành một “khách quý trên vạn nẻo đường Emmau hôm nay”, để hong lại niềm tin, để chia ngọt xẻ bùi, để khơi lên hy vọng, để đẩy lùi tăm tối… cho bao nhiêu con người đang lầm lũi bước đi trong mệt mỏi chán chường, trong đau thương thử thách.
Thế giới hôm nay đang cần biết bao những “vị khách quý” như thế để dẫn đưa nhân loại vào con đường Chúa đã đi: con đường của Tám Mối Phúc Thật, con đường của phục vụ yêu thương, con đường của thập giá, hy sinh tự hiến… để đi tới bến bờ Chúa đã đến: bến bờ của phục sinh, bến bờ của hạnh phúc vĩnh hằng trong vinh quang Nước Chúa.
Và như thế, sống và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh hôm nay sẽ không bao giờ là cuộc “chọn lựa hay đấu giá sai lầm” như biết bao người đã xem thường “bức chân dung của con trai ông họa sĩ” để ra về trong tiếc nuối, trắng tay như chuyện kể sau đây:
Có một ông họa sĩ già, góa vợ … ông sống chung với một cậu con trai … cuộc sống thăng trầm lặng lẽ trôi … ông già họa sĩ dành hết cuộc đời cho nghệ thuật …Rồi chiến tranh bùng nổ …Cậu con trai lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc … ông già lại càng cảm thấy cô đơn … và càng dành trọn thời gian để cống hiến cho hội họa … ông tạo ra những bức tranh tuyệt vời và giá trị…
Rồi chiến tranh cũng phải đến hồi kết thúc. Một hôm ông nghe tiếng gõ cữa … ông nhìn thấy một thanh niên trong bộ đồ quân phục chào ông trong nghẹn ngào:
– Thưa bác, cháu cùng đơn vị con trai bác … cháu xin thành thật chia buồn với bác và gia đình … anh ấy đã ra đi anh dũng … Và đây là bức hình chân dung của anh ấy … cháu vẽ vội …chắc chắn là không đẹp và không giống lắm … cháu xin gửi đến bác…
Thời gian lặng lẽ trôi … và ông già họa sĩ kia cũng về bên kia thế giới…
Hôm nay trong viện bảo tàng này, các nhà sưu tập, các văn nhân nghệ sĩ, các chính khách và các thương gia … chờ đợi để mua cho được những bức tranh tuyệt hảo của ông ta.
Người điều khiển cuộc đấu giá :
– Kính thưa quý vị , để bắt đầu cuộc đấu giá hôm nay … đây là bức tranh chân dung cậu con trai nhà họa sĩ , sẽ được đấu giá trước …Có ai mua nó không ?
Không một tiếng trả lời
– Chúng ta không thể sang bức tranh kế tiếp, khi bức tranh này không ai đấu giá.
Vẫn không một tiếng trả lời. Cuối cùng ở cuối góc có một tiếng làu bàu :
– Mất thì giờ quá …tôi đồng ý trả 1$ cho bức tranh đó, tiếp tục đi …
Người điều khiển buổi đấu giá :
-1$ cho bức tranh chân dung cậu con trai lần thứ nhất. Không ai trả thêm
-1$ lần thứ hai. Vẫn yên lặng.
-1$ lần thứ ba. SOLD
– Tiếng búa gõ mạnh xuống … bức chân dung 1$ bán cho người mua.
Và xin cảm ơn tất cả quý vị đã đến … buổi đấu giá đã chấm dứt tại đây. Mọi người ngơ ngác và bực bội vô cùng. Ông đùa à ! … chúng tôi chưa thấy bắt đầu.
Xin lỗi quý vị và ông ta chìa ra một phong bì có lời di chúc của nhà họa sĩ: AI CÓ BỨC TRANH CHÂN DUNG CỦA CON TRAI TÔI, THÌ TẤT CẢ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TÔI THUỘC VỀ NGƯỜI ĐÓ…
Kết: Đừng trốn chạy sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Ở giữa căn nhà Hội Thánh hôm nay, giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay, hằng ngày, phải chăng cũng đang có một “bức chân dung nhỏ của Con Thiên Chúa” được giới thiệu cho mỗi người chúng ta để cùng đấu giá, chọn lựa. Tôi nghĩ rằng, còn hơn thế nữa. Không chỉ “một bức chân dung nhỏ” mà là cả một “bức tranh tuyệt tác”, và còn hơn cả một “bức tranh tuyệt tác”, một “Một Tình yêu, một sự hiện diện, một Con người, Một Ngôi Vị, một Thiên Chúa” !…
Phải chăng Thiên Chúa cũng đang nói với chúng ta như những lời trong chúc thư của người họa sĩ già: “Ai có bức tranh chân dung của con trai tôi, thì tất cả những tác phẩm của tôi thuộc về người đó…”.
Chúng ta phải mua cho được, đấu giá cho thắng không phải “một bức hình bất động đã rách nát với thời gian”, nhưng là một Đức Kitô sống động, phục sinh đang có mặt ở đây, phút nầy để trao ban cho chúng ta tình yêu và ân sủng, chân lý và Bánh Trường Sinh… để chúng ta nhận được muôn vạn hồng ân của Thiên Chúa.
Vâng, xin nhắc lại một lần nữa lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúng ta đừng chạy trốn sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra. Chúng ta đừng để điều gì thúc đẩy chúng ta hơn là sự sống của Ngài, sự sống thôi thúc chúng ta tiến bước”. (EG số 3).
Nhưng để được như thế, chúng ta không thể cầu nguyện khác hơn lời khẩn khoản của hai tông đồ Emmaus: Lạy Chúa Giêsu phục Sinh, “Xin hãy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”.
Trương Đình Hiền
[1] Sơn Ca Linh, một đoạn trong bài thơ “Một câu chuyện tầm thường đến thế”, tuyển tập thơ đạo.